main billboard

Vẫn giữ nguyên quyết định chưa trực tiếp can thiệp vào cuộc chính biến Syria, nhưng Hoa Kỳ đang sử dụng những địa điểm bí mật ở Jordan để huấn luyện cho dân quân tham dự cuộc nổi dậy nhằm lật đổ chế độ độc tài Bashar Al-Assad.


quannoiday syriaQuân Ðội Syria Tự Do (Free Syria Army)

Những nguồn tin khác nhau cho biết số dân quân Syria được chọn tham dự các khóa huấn luyện không nhiều, “chỉ chừng vài trăm người” theo tiết lộ của một viên chức cao cấp của chính phủ Mỹ, nói rõ “được chọn lựa rất kỹ càng, phần lớn là những tay súng đã làm việc trong quân đội Syria trước khi họ bỏ ngũ”. Những tay súng được chọn để huấn luyện “đều là người theo Hồi Giáo Sunni” không liên quan gì đến lực lượng mang tên Quân Ðội Syria Tự Do (Free Syria Army) mà báo chí thường hay nhắc tới vì trong lực lượng này “có rất nhiều phần tử xuất thân từ những nhóm Hồi Giáo quá khích”, kể cả những phần tử mà tin tức tình báo cho biết “liên quan với đường dây khủng bố của al-queda”.

Chương trình huấn luyện do tình báo Hoa Kỳ hướng dẫn đã bắt đầu cách đây khoảng nửa năm, “vẫn đang được tiếp tục ở Jordan với sự trợ giúp của tình báo Anh và Pháp” theo nguồn tin ghi nhận được cuối tuần này, ngay sau khi Tòa Bạch Ốc nói có những bằng chứng sơ khởi đáng tin cậy xác nhận chính phủ Damascus dùng võ khí hóa học để cản bước tiến của lực lượng nổi dậy. Nguồn tin này không nói rõ Anh và Pháp giữ vai trò gì trong cuộc huấn luyện, từ chối trả lời câu hỏi 2 quốc gia này đóng vai trò gì, liệu có phải là cung cấp võ khí cho nhóm người đang được Mỹ huấn luyện hay cho các tổ chức tranh đấu đang hoạt động ngay bên trong lãnh thổ Syria hay không.

Các giới chức Hoa Kỳ cũng không nêu lý do tại sao chọn Jordan làm địa điểm huấn luyện hoặc vì sao Jordan đồng ý cho Washington mở căn cứ quân sự trên đất của họ, chỉ cho biết từ những ngày đầu tiên Jordan đã ủng hộ ý kiến thực hiện chương trình huấn luyện “để những người này trở về huấn luyện lại cho những tay súng trong nhóm của họ”. Một nguồn tin chưa kiểm chứng được còn nói là Jordan muốn các tay súng Syria do Mỹ huấn luyện “cung cấp tin tức tình báo, giúp họ có thể ngăn chận mọi hoạt động của những kẻ quá khích trà trộn trong nhóm người từ Syria chạy sang Jordan xin tỵ nạn chiến tranh”. Chữ “quá khích” ở đây được mặc nhiên hiểu là nhằm nói đến “những kẻ hoạt động khủng bố” hoặc những kẻ “có ý muốn gây mầm mống rối loạn chính trị”.

Tháng trước, nhật báo The New York Times đưa tin cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA thực hiện nhiều chuyến bay yểm trợ cho lực lượng chống đối Al-Assad, nói thêm những chuyến bay này cất cánh từ nhiều địa điểm khác nhau, trong đó có Kuwait, Saudi Arabia và ngay cả từ Jordan. Tờ The New York Times cũng nói đã nhìn thấy hồ sơ phi vụ của những chuyến bay đặc biệt này, dù không biết những chuyến bay đặc biệt đó chuyên chở những gì.

Ba tuần trước đây khi gặp đại diện của lực lượng nổi dậy Syria ở Rome, Ngoại Trưởng John Kerry chỉ hứa “sẽ yểm trợ về mặt nhân đạo” - tức chủ yếu là thuốc men, thực phẩm, từ chối những yêu cầu khác phía lực lượng nổi dậy đưa ra như viện trợ súng đạn hay huấn luyện quân sự. Một viên chức tháp tùng ông Kerry trong chuyến đi này kể lại “ông ngoại trưởng lắng nghe tất cả những ý kiến họ đưa ra, trước khi cho họ biết ngay lúc này chính phủ Hoa Kỳ tự thấy phải giới hạn mức can dự trực tiếp ở Syria”.

“Giới hạn can dự trực tiếp” chính là quyết định của Tổng Thống Barack Obama sau cuộc họp với các giới chức Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia từ những ngày cuộc chính biến xảy ra ở Damascus. Mặc dù nhiều lần lên tiếng nói Tổng Thống Al-Assad của Syria phải nhường chỗ lại cho một chính phủ dân bầu, nhưng ông Obama đồng ý với các cố vấn an ninh là “không dễ để vào Syria như NATO đã từng thực hiện ở Lybia”.

“Syria không phải là Libya,” nữ Dân Biểu Nancy Pelosi nói với báo chí ngay sau cuộc họp kín với Tòa Bạch Ốc về những gì hành pháp sẽ làm và những hậu thuẫn chính trị sẽ đến từ phía Quốc Hội. “Syria có một lực lượng phòng không rất mạnh, không dễ cho máy bay của Hoa Kỳ và NATO tiến vào không phận của họ”. Bà Pelosi, người đang giữ vai trò Trưởng khối thiểu số Dân Chủ ở Hạ Viện và là đồng minh chính trị thân tín nhất của ông Obama nói thêm “diệt được lực lượng phòng không của Syria là điều rất khó”.

Một trong những lý do khác nữa cũng được nhiều viên chức hành pháp nói đến là tổng thống rất “âu lo”, sợ quyết định tham chiến của ông “vào một quốc gia Hồi Giáo khác sẽ gây thêm bất lợi cho Hoa Kỳ về ngoại giao”. “Ðiều này cũng dễ hiểu vì ai cũng thấy hậu quả quyết định đánh Iraq mà Tổng Thống George W. Bush đã làm, dựa vào những tài liệu tình báo không đúng sự thật”, do đó, chỉ thị của tổng thống “là phải tìm hiểu cặn kẽ mọi điều” “kể cả tin Al-Assad có thể đã sử dụng võ khí hóa học trong những cuộc giao tranh để ngăn chặn bước tiến quân của lực lượng nổi dậy”.

Thứ Sáu vừa rồi, Phát Ngôn Viên Jay Carney của Tòa Bạch Ốc nhắc lại “mọi giải pháp đều được đặt trên bàn tổng thống”, bảo thêm “nhưng dường như mọi người chỉ nghĩ đến giải pháp sử dụng võ lực”. Theo ông Carney, “khi chúng tôi nói mọi giải pháp có nghĩa là mọi giải pháp, chứ không phải chỉ có giải pháp quân sự”.