main billboard

Mỗi người một nhận xét, mỗi người có hàng chục lý do để bênh vực cho lập luận của mình, không ai chịu thua ai.


Bữa nhậu buổi chiều Thứ Hai tuần trước ở Orange County có 7 người, người thứ 8 hẹn đến nhưng gọi điện thoại “xin lỗi bận tí việc phải tới trễ.” Vừa cầm chai bia hay nốc cạn ly rượu thuốc loại “ông uống bà khen,” tất cả đều dán mắt vào chiếc TV đặt ở góc phòng khách, chăm chú theo dõi tin tức liên quan đến vụ đánh bom mới xảy ra ít giờ đồng hồ trước đó tại Boston.

tamerlan dzhokhar tsarnaevHai anh em Tamerlan (trái) và Dzhokhar Tsarnaev bị tình nghi đặt bom ở cuộc đua Boston Marathon hôm 15 Tháng Tư. (Hình: AP Photo/The Lowell Sun & Robin Young, File)

“Chắc lại mấy đứa Hồi Giáo rồi,” một người trong nhóm bình luận ngay sau khi trên TV chạy hàng chữ Cơ Quan FBI đã nhập cuộc, tức tốc mở cuộc điều tra truy lùng thủ phạm. “Tôi không nghĩ vụ này liên quan đến Hồi Giáo đâu, chắc là mấy người da trắng chủ trương kỳ thị ở trong nước chống đối vụ ông Obama muốn kiểm soát võ khí làm đây mà,” người thứ nhì đưa ra nhận xét của mình, kể lại có thời gian sống ở Texas, ghé qua thăm mấy người bạn ở những tiểu bang miền Nam “nhìn thấy họ chạy xe ngoài đường mà thấy ớn luôn.”

“Tui không tin vụ này dính tới người Mỹ, chắc lại mấy ông Trung Ðông đang cư ngụ ở Mỹ làm chứ không ai khác,” người thứ ba cất tiếng với giọng đầy tự tin, nhắc lại biến cố 11 Tháng Chín, 2001 cũng do “mấy ông đó gây nên,” còn bảo thêm “đó là những người hèn hạ, không thích tự do, không ưa dân chủ, chỉ nghĩ đến chuyện giết người, cứ đặt bom, thấy người Mỹ chết là họ coi là thành công.” Nói xong, ông này không quên kèm theo câu chửi thề “Ð.M. đúng là mấy tên chó má,” kèm theo thắc mắc “tui không biết tại sao Mỹ lại cho mấy ông đó vào đây.”

Những lời bàn tán kiểu đó tiếp tục kéo dài cho đến gần giữa khuya, tiệc tan đứng hút điếu thuốc lá chia tay nhau trước khi ai về nhà nấy mà vẫn chưa chịu dứt. Mỗi người một nhận xét, mỗi người có hàng chục lý do để bênh vực cho lập luận của mình, không ai chịu thua ai. Ðến tối Thứ Sáu ngay sau khi FBI thông báo bắn chết nghi can thứ nhất và bắt sống được nghi can thứ nhì, cả 8 ông lại nhấc điện thoại nói chuyện với nhau, ông nào cũng bảo “thấy chưa, tôi đã nói ngay từ đầu là nhóm đó làm mà.” “Nhóm đó” ở đây có nghĩa là “Hồi Giáo,” “da trắng,” “di dân” “công dân Mỹ” mà các ông đã nói đến trong bữa nhậu đầu tuần.

Gọi hai anh em tên Tamerlan và Dzhokhar Tsarnaev như thế nào mới đúng? Họ là người theo đạo Hồi? Là người Mỹ? Là di dân? Câu trả lời: còn tùy.

“Khó đặt anh em nhà đó vào bất cứ diện nào,” là câu trả lời nghe được từ các nhà phân tích, lý do “cả 2 kẻ bị tình nghi đều dính dáng đến những điều mọi người đã nói tới, từ chuyện họ là di dân, có quốc tịch Mỹ cho đến chuyện theo đạo Hồi.” Vì thế chuyên gia luật quốc tế Peter Spiro của Viện Ðại Học Temple tin rằng không thể “chỉ dùng một chữ” mà có thể xếp anh em Tamerlan và Dzhokhar Tsarnaev “vào một nhóm nào đó.”

Cả thế giới đều biết 2 anh em bị tình nghi đặt bom giết người ở Boston theo đạo Hồi, nhưng chính những người Hồi Giáo cũng không muốn nhận 2 anh em này là đồng đạo. Ngay sau khi trái bom đầu tiên phát nổ, có rất nhiều người sử dụng trang mạng xã hội như Facebook, Twitter... để lên tiếng nói, “Lạy Trời đừng để vụ này dính dáng tới Hồi Giáo.” Câu nói đó còn mang ý nghĩa chính tín đồ đạo Hồi cũng lo ngại chuyện “con sâu làm rầu nồi canh,” gây ảnh hưởng bất lợi cho một tập thể - ít nhiều - đã bị xã hội nghi kỵ từ ngày biến cố 11 Tháng Chín, 2001 xảy ra.

Mặc dù bản tin mới nhất của nhật báo USA Today cho thấy nhân viên công lực Hoa Kỳ bắt đầu mở cuộc điều tra những người đang điều khiển một thánh đường Hồi Giáo ở Boston, nơi 2 anh em bị tình nghi đặt bom thường hay ghé qua sinh hoạt trước khi sự việc xảy ra ở Boston hôm Thứ Hai tuần trước, nhưng cũng có tin phát xuất từ chính FBI cho hay người anh, tên Tamerlan, 26 tuổi, là một tín đồ thuần thành còn người em, tên Dzhokhar, 19 tuổi, ít khi thấy xuất hiện trong các buổi cầu nguyện với người anh. Dữ kiện này cho thấy kết 2 người này vào với tập thể Hồi Giáo là điều không đúng, cũng đừng quên chính những tín đồ của đạo Hồi từng bảo “tôn giáo chúng tôi không hề dạy giết người,” một đồng nghiệp đang làm việc ở tận Johannesburg bên Nam Phi cũng gửi e-mail cho nhóm bạn bè bảo “đau lòng khi mỗi khi nhìn hình ảnh người chết và bị thương nằm la liệt ở Boston” nhưng dặn dò thêm “các bạn có viết tin nhớ đừng gọi 2 người này là người Hồi Giáo.”

(Nội dung bản tin của USA Today cũng viết rằng Dzhokhar và Tamerlan thường ghé đến thánh đường Hồi Giáo và nhà hội của Hội Hồi Giáo Boston - Islamic Societry of Boston - nơi “có một số người đã bị điều tra vì tình nghi hoạt động khủng bố” trước ngày vụ đánh bom ở Boston xảy ra. Cả 2 địa điểm này được nói là thường gieo rắc những tư tưởng quá khích với các tín đồ, cũng như “có cả một chương trình chuyên gieo rắc tư tưởng quá khích” cho những người Hồi Giáo sinh hoạt với thánh đường cũng như ở phòng hội, đưa ra dẫn chứng cựu chủ tịch của Hội Hồi Giáo Boston là Abdulrahman Alamoudi đang ngồi tù về tội âm mưu ám sát một hoàng thân Saudi Arabia làm việc tại Washington).

Như vậy, dùng màu da để xếp 2 nghi can này vào thành phần “da trắng” có được không? Ai cũng biết 2 anh em kẻ bị tình nghi trong vụ đặt bom là người gốc Chechnya, nhưng chẳng có một chứng cớ nào gọi sắc dân này là người “da trắng” cả, dựa theo một bản tin của FOXNews lúc FBI vừa cho phổ biến hình ảnh 2 nghi can hồi chiều Thứ Năm tuần trước. Bản tin này tức khắc được loan truyền khắp nơi, qua cả ngàn “tweets” mang nội dung “dân Chechnya không phải là người da trắng.”

Tin này khiến tập thể người “da trắng” thở phào nhẹ nhõm, nhưng hình ảnh FBI phổ biến cũng giúp người Hồi Giáo gốc Trung Ðông... thở phào nhẹ nhõm vì xưa nay, cứ nghe đến Hồi Giáo là mọi người nghĩ ngay đến hình ảnh của những người có nước da nâu sậm, xuất thân từ Trung Ðông. Chính vì thế nên nhà văn Asra Nomani chuyên viết sách nói về xã hội Hồi Giáo cho hay khi thấy hình ảnh 2 nghi can có vóc dáng người da trắng, một số thành viên của các cộng đồng Hồi Giáo tại Hoa Kỳ - có nước da mầu nâu - bảo nhau “2 người này không phải là người của cộng đồng mình.”

Hai anh em nghi can vụ đánh bom là dân gốc Chechnya, như vậy gọi họ là người ngoại quốc được không? Câu trả lời: cũng khó chứ không dễ đâu. Cả 2 theo gia đình vào Mỹ từ lúc còn bé, người em mới nhập tịch hồi năm ngoái, tham gia nhiều sinh hoạt trong trường, là một trong 45 học sinh được tặng học bổng sau khi tốt nghiệp trung học.

Người anh chưa có quốc tịch nhưng từng ước mơ trở thành võ sĩ quyền Anh đại diện cho nước Mỹ dự Olympic. Những dữ kiện này cho thấy dù cả 2 sinh trưởng ở nước ngoài nhưng đều có giấy tờ cư trú hợp lệ, đồng thời cũng từng có “ước mơ Mỹ Quốc” trước ngày bị tình nghi là đặt bom giết người.

Chính chuyện “người ngoại quốc” hay “không phải người ngoại quốc” cũng tạo nên một cuộc tranh cãi nho nhỏ về mặt luật pháp ở thủ đô Washington, kèm theo chuyện liên quan đến ngoại giao ở thủ đô Prague của Cộng Hòa Czech. Ngay sau khi FBI loan tin 2 anh em nghi can là người Chechnya, Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Czech cho phổ biến thông báo mang đại ý “Chechnya là Chechnya, không liên quan gì đến Cộng Hòa Czech của chúng tôi cả.”

Ðiều này chứng tỏ bên Prague sợ thế giới hiểu lầm, tưởng Chechnya là... Cộng Hòa Czech.

Chuyện về luật pháp liên quan đến đề nghị do 4 vị dân cử Cộng Hòa đưa ra sau khi FBI bắt sống được người em, yêu cầu Tổng Thống Barack Obama liệt người này vào thành phần “địch quân” để nhân viên công lực có thêm thì giờ điều tra xem họ tự ý hành động hay tuân theo chỉ thị của ai. Sau 2 ngày suy nghĩ cuối cùng Tổng Thống Hoa Kỳ quyết định truy tố và xét xử Dzhokhar ở tòa dân sự, vì người này là công dân Mỹ và nước Mỹ không có luật xử công dân của mình như xử kẻ địch!

Như vậy, gọi 2 anh em này là gì? Gọi điện thoại sang Nam Phi, anh nhà báo bạn gốc Trung Ðông theo đạo Hồi có quốc tịch Mỹ trả lời thật gọn: “Gọi họ là khủng bố cho tôi.”