“Cầu thủ đá bóng da ... VietJet mời bóng thịt ... Thỗn thện bày hàng ra ... Xấu hổ toàn dân Việt. ... Các nguyên thủ thế giới ... Có đá bóng dâu mà ... Cũng được mời bóng ấy ... Văn hóa đảng thế a?”


nguoimau bikini
Người mẫu mặc bikini chụp hình với cầu thủ U23 trên chuyến bay của VietJet Air. (Hình: Facebook)

Tuần qua Việt Nam vừa có một “sự kiện” nổi bật, đó là chuyện đá banh U23 thắng và thua trong trận chung kết Á Châu. Trong thể thao cũng như trên chiến trường quân sự, thắng bại vốn là lẽ thường tình. Thắng không kiêu mà bại không nản.

Trong trận bán kết tại Thường Châu- Trung Quốc, U23 Việt Nam mới thắng U23 Qatar 3-2 để vào trận chung kết mà thiên hạ mà thiên hạ đã la làng là: “kinh thiên động địa, vé chung kết lịch sử!” Trong túc cầu, thắng nhờ lối đá luân lưu sau khi hết giờ mà bất thắng bại một phần nhờ may rủi, cách dàn trận, giao banh, tấn công, phòng vệ của mỗi bên mới đánh giá được tài năng.

Thắng không kiêu, nhưng thắng được Qatar để vào trận chung kết Việt Nam đã kiêu, coi như đã “đặt Châu Á dưới chân.” Thiên hạ mang cờ đỏ xuống đường, cởi truồng, la hét, tung hô làm kẹt đường kẹt sá để đón mừng thắng lợi, không quên “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng!” hay “Bác đang cùng với chúng cháu hành quân!”

Bại không nản, ở đây bại mà kiêu mới lạ!

Thua Uzbekistan trong trận chung kết nhưng báo chí trong nước chạy “tít” lớn: “Có những thất bại vĩ đại hơn cả chiến thắng!”

Ghê chưa! Thiếu cả tinh thần thể thao, có thái độ rất mọi rợ, thanh niên Hà Nội đã xuống đường giương biểu ngữ chửi cầu thủ Uzbekistan là Sodorov, người đã chọc thủng lưới Việt Nam bằng những lời lẽ thô bỉ như sau:

– “ĐM thằng l… số 11 SIDOROV. Việt Nam vẫn vô địch không cần cúp!”

Cổ động viên Việt Nam quá khích đổ xô đến cầu thủ U23 Uzbekistan để bình luận chửi mắng, hăm dọa… tạo ra một hình ảnh vô cùng xấu xí, làm ảnh hưởng lớn đến tinh thần Việt Nam nói chung! (báo Kiến Thức.)

Không thắng trận chung kết, đám cờ đỏ cũng dàn hàng cả chục cây số để đón U23 Việt Nam về.

Báo chí chạy tin: “Chuyên cơ riêng đón U23 Việt Nam vinh quy bái tổ!” Ngay khi chuyến bay VJ269 chở đội tuyển U23 Việt Nam hạ cánh xuống phi đạo Nội Bài, hai xe cứu hỏa đã phun nước cầu vồng đặc biệt để chào mừng.

VietJet giành phần đi đón đoàn với một tốp gái bikini õng ẹo, khiến các cầu thủ trẻ tuổi đàn em, được đàn chị ôm tạo dáng, anh nào cũng ngượng ngùng, mặt sượng trân. Phải nói chủ nhân VietJet là đàn bà nên biết cái quý của đàn bà và yếu điểm của đàn ông, nhưng đem ra thi thố sở trường, nhưng ở đây coi bộ… không ổn. Báo chí và chính quyền đã lên tiếng bất đồng tình với kiểu đón tiếp này. Có người đã cho bà Thảo đang lấy “lỗ” làm lời!

(*) Nhà thơ Trần Mạnh Hảo ngứa mắt đã có thơ rằng:

“Cầu thủ đá bóng da
VietJet mời bóng thịt
Thỗn thện bày hàng ra
Xấu hổ toàn dân Việt.
Các nguyên thủ thế giới
Có đá bóng dâu mà
Cũng được mời bóng ấy
Văn hóa đảng thế a?”

Nhưng nghĩ xa hơn, cũng chẳng nên trách hay phạt gì bà VietJet đến 44 triệu đồng, quả là theo bảng xếp hạng vừa được Forbes công bố, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet Air, đã có năm thứ hai liên tiếp lọt top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bây giờ người ta mới nghĩ là bà biết sử dụng cái quyền lực ấy, nhưng thực tế là Việt Nam sau năm 1975, người ta đã biết dùng cái “sức mạnh mềm” chứ không phải đợi đến phiên bà hôm nay.

Câu chuyên đơn giản, ở trong rừng đói khát đã đành, ở miền Bắc XHCN với chế độ tem phiếu, gạo ăn đong, thịt mua lạng, thèm khát lâu ngày, vào Nam gặp lúc gạo trắng nước trong, ai cũng cố ăn cho bõ những ngày gian khổ! Nên mời một người ăn, cả nhà cùng đi, vô ý mời một anh công an phường đi nhậu thì hôm đó coi như đồn công an đóng cửa. Thứ nào sang, đắt tiền nhất thì gọi: thuốc ba con 5, cà phê sữa đá hột gà, thậm chí bún bò cũng bỏ hột gà cho ra vẻ… tay chơi!

Vậy thì cũng dễ hiểu thôi, về cái chuyện thiếu đàn bà, vì suốt năm, xa nhà chỉ có “Bác cùng chúng cháu hành quân.” Cái chuyện “thiếu, thèm” ấy thành ra quan trọng. Các nhà đầu tư, doanh thương ngoại quốc vào Việt Nam làm ăn, ký hợp đồng nên nhớ nguyên tắc làm việc, trước hết là bàn thảo hội họp tại chỗ, bước tiếp theo “liên hoan” bia bọt và cuối cùng phải là kết thúc bằng món… tươi mát. Cái này mới là đặc sản Việt Nam, rẻ nhất thế giới, mà đã có lần chủ tịch nước cũng đưa ra lời mời mọc.

Chỉ tội nghiệp cho thức uống cao sang là món “cà phê” bị lôi cuốn vào cái khoái thứ ba của con người trần tục, nên từ lúc “chân lý chói qua tim” cũng là lúc chúng ta có thêm đủ loại cà phê độc đáo, không phải là Columbia, Jamaica, Blue Mountain hay Bourbon, mà là Cà Phê Võng, Cà Phê Lều, Cà Phê Ôm…

Chỉ ở xứ này mới có việc như UBND thị xã Hồng Lĩnh-Hà Tĩnh cử 21 nữ giáo viên đi tiếp khách trung ương. Chỉ ở xứ này mới có chuyện mừng ngày gia nhập đảng có các em lên sân khấu mặc bikini trình diễn. Ngay ngày lễ khánh thành tượng Bác Hồ ngồi đọc sách trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn cũ cũng được văn công ăn mặc diêm dúa múa men. Tiệm buôn điện khí cũng tuyển các cô bán hàng ăn mặc hở hang để câu khách, nhưng tuyên bố là để cho trẻ con học giới tính. Đón tiếp nguyên thủ quốc gia như Obama cũng có mấy cô yếm đỏ lăng xăng.

Nói ra thì tội cho danh tiếng phụ nữ Việt Nam, nhưng ở Việt Nam bây giờ coi bộ đàn bà hơi dư, phải “xuất khẩu” ra nước ngoài. Theo báo Đất Việt có 18,000 gái Việt ra nước ngoài hành nghề mại dâm mỗi năm, nhiều nhất là ở Malaysia, Singapore, Indonesia…

Ở trong nước thì “cái ấy” được đề cao và nhan nhản khắp nơi nên đất nước mới đi đến chỗ luân lý băng hoại, đạo đức suy đồi trụy như hôm nay. Không kể các vụ hiếp dâm mà nạn nhân hay thủ phạm là người lớn. Chính những vụ xâm phạm trẻ em và thủ phạm hiếp dâm đang còn tuổi vị thành niên mới là điều xót xa ở đây.

Xã hội Việt Nam và qua chuyện U23 vừa qua, chúng ta có dịp thấy thái độ hung hăng côn đồ, vô giáo dục của đám thanh niên và thấy thân xác phụ nữ Việt Nam đang là một thứ khá rẻ, tầm thường, phơi bày. Những chuyện này làm đỏ mặt những người đàn bà Việt Nam tử tế và xấu hổ cho những người đàn ông có liêm sỉ.

Nhưng đảng và nhà nước thì không? (Huy Phương)