Ông bảo hẳn là trong thỏa thuận này Bắc Kinh đã hứa với Hà Nội là làm gì thì làm, bắt giữ, trấn lột và uy hiếp ngư dân thì được nhưng không nổ súng. Và Bắc Kinh đã nuốt lời.

Thời còn mồ ma các chế độ Stalin ở Liên sô và Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, một trong những công việc rất quan trọng của các chuyên gia về Điện Kremlin và Bắc Kinh thường phải làm là một việc mà họ gọi là “đọc giữa giòng”, một phương thức đọc nhưng là để tìm những ý nghĩa tiềm ẩn trong những gì được phô bày.

Hình ảnh của hàng lãnh đạo Điện Kremlin hàng năm đứng ở trên khán đài sẽ được xem rất kỹ vì người nào đứng trước, người nào đứng sau, ai đứng bên phải, ai đứng bên trái sẽ cho biết ai đang lên ai đang xuống và sự vắng mặt có thể có nghĩa là đã bị thanh trừng.

Hôm nọ tôi gặp một nhóm bạn già trong đó có một cựu chuyên gia chuyên “đọc giữa hàng” về Á Châu và ông đã cười bảo có rất nhiều chuyện lý thú về những gì xảy ra trong vụ tàu Trung Quốc bắn vào tàu đánh cá của một ngư dân Việt Nam.

tauca bibanKhi tôi ngạc nhiên hỏi lý thú là sao thì ông chỉ ra một số điều. Trước hết ông chỉ vào lời tuyên bố của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hà Nội. Xin trích nguyên văn lời tuyên bố đó như được phổ biến bởi thông tấn xã nhà nước cho tiện theo dõi. Ông Lương Thanh Nghị, trong lời lẽ đanh thép nhất từ khá lâu nay, nói “Ngày 20 tháng 3 năm 2013, tàu cá mang số hiệu QNg-96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin. Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam”.

Ông chuyên gia chỉ ra câu “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc” và giải thích đó mới chính là điều làm Hà Nội tức tối. Ông bảo hẳn là trong thỏa thuận này Bắc Kinh đã hứa với Hà Nội là làm gì thì làm, bắt giữ, trấn lột và uy hiếp ngư dân thì được nhưng không nổ súng. Và Bắc Kinh đã nuốt lời.

Và điều đó giải thích tại sao ông Hồng Lỗi, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Bắc Kinh, đã phải tìm cách lấp liếm, biện minh cho hành động của mình là “Quả đúng và chính đáng để cho Trung Quốc có hành động chống lại các tàu đánh cá Việt Nam đã vào vùng biển của quần đảo Tây Sa của Trung Quốc để đánh cá bất hợp pháp. Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam hãy có những biện pháp hữu hiệu gia tăng giáo dục và quản lý ngư dân của họ để ngưng những hành động bất hợp pháp như vậy.”  

Sở dĩ ông Hồng không dám nói thẳng nhận là đã có chuyện bắn vào tàu cá mà chỉ khẳng định hành động đó là “đúng và chính đáng”, là vì bằng cớ từ Thuyền trưởng Bùi Văn Phải. Ông thuyền trưởng trẻ tuổi này là một người rất bình tĩnh, mặc dầu trở về với con tàu tơi tả, cabin cháy rụi mất mái, nhưng ông đã kể lại cho nhà báo đầu tiên của tờ Tiền Phong đến hỏi chuyện ông rất rõ ràng. Ông kể lại là khoảng 10 giờ sáng ngày 20 tháng 3, khi sắp hết giờ đánh bắt tại vùng đảo Lincoln (thuộc nhóm đảo An Vĩnh) của quần đảo Hoàng Sa. Tàu của ông có chín ngư dân đụng phải chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc mang số 786, sơn màu trắng xám. Tiền Phong viết tiếp “Tàu sắt Trung Quốc liền hùng hổ đuổi theo. Thuyền trưởng Phải kéo ga chạy thật nhanh. Do nằm ở vị trí không có rạn san hô ngầm để lọt vào tránh né như mọi lần, ông đành cho tàu chạy thẳng. Bọn lính bên tàu tuần tra liên tục buộc tàu ngư dân dừng lại. Khoảng 30 phút sau, bất ngờ đạn lửa từ tàu tuần tra Trung Quốc (có thể là động tác cảnh cáo) bắt đầu nã sang ca bin tàu ngư dân của ta. Hốt hoảng và bất ngờ, các ngư dân đang ngồi trước mũi thuyền liền đưa tay lên đầu la to. Nóc cabin bắt đầu bốc cháy ầm ầm. Tấm bạt nhựa trên cabin tan chảy để lộ ra 4 bình gas đang nằm giữa đống lửa rừng rực. Nếu không kịp thời dập tắt đám cháy thì có thể nổ tàu. Ông Thạch, một ngư dân lớn tuổi, liền lao lên nóc ca bin, 8 ngư dân còn lại múc nước đưa lên chữa cháy. Lúc này chiếc tàu tuần tra Trung Quốc vội vã tháo lui.”

Điều đáng nói đầu tiên là ông cho biết rõ số hiệu của con tầu và sơn màu xám. Tàu hải giám và tàu ngư chính của Bắc Kinh, một chuyên gia chỉ ra, sơn màu trắng, không sơn màu xám, vì màu xám là màu của hải quân. Như vậy là ông Phải đã bị rượt đuổi bởi một tàu của hải quân của Giải phóng quân. Và chính ông cũng công nhận chắc họ bắn hỏa châu để dọa nạt thôi.

Một người bạn khác chỉ ra là chính vì ông Phải nói quá rõ nên hải quân Trung Quốc đã phải lên tiếng công nhận là quả họ có bắn hỏa châu. Một thông cáo trên website của Giải phóng quân nói là một tàu tuần có bắn hai hỏa châu báo động sau khi không đuổi được thuyền đánh cá Việt Nam, nhưng khẳng định là không bắn vào tầu cá Việt Nam mà chỉ bắn lên không để dọa và hỏa châu đã tan biến khi rơi xuống nước. Ông bạn này, vốn biết nhiều về hàng hải thì cười bảo “Chắc không phải bắn lên trời đâu mà bắn đầu mũi bởi bắn lên trời đâu có làm ai sợ, bắn vào đầu mũi người ta mới sợ dừng lại. Có điều hẳn là hải quân Trung Quốc cũng ít có khi được bắn nên bắn vào mũi không trúng lại trúng ngay lên tàu.” Và chính vì thế mà thấy tàu bốc cháy thì họ đã “vội vã tháo lui,” vì biết là mình đã vượt quá lệnh trên, không cho bắn mà chỉ cho “xách nhiễu” thôi.

Ông này cũng chỉ ra một điểm lý thú về “chiến lược” của các ngư dân Việt Nam. Ông nhắc đoạn, “Do nằm ở vị trí không có rạn san hô ngầm để lọt vào tránh né như mọi lần” để nói là ngư dân cũng rất khôn, họ chạy tàu nhỏ, đáy nông, nên có thể chạy vào các khu bãi san hô để né tránh, tàu lớn không dám vào sợ mắc cạn như một tàu ngư chính của Bắc Kinh đã từng bị mắc cạn ở Trường Sa khi họ còn đang đối đầu với Phi.

Ông cũng lấy bản đồ ra chỉ cho thấy là ông Phải đang đánh cá ở đảo Lincoln. Gần nhất để có thể né tránh là khu vực bãi đá ngầm Macclesfield, nhưng khu vực đó xa quá, chạy đến không kịp nên ông Phải mới phóng ga chạy. Và một điều nữa cho thấy là tàu đánh cá của ngư dân Việt tuy nhỏ nhưng có vẻ khá nhanh nên tàu Trung Quốc mới phải tìm cách chặn bằng cách bắn hỏa châu.

Thế mới biết quả thật đọc giữa hàng cũng có những chuyện lý thú thật.