Những gì đang xảy ra ở Washington D.C. dẫn đến kết luận: cả hai phía Dân Chủ lẫn Cộng Hòa vẫn chưa tìm được những điểm đồng thuận để giải quyết căng thẳng.

“Tôi không gặp các bạn để vận động tranh cử, tôi gặp người dân cũng chẳng phải để vận động tranh cử,” Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa cười vừa nói. “Ai cũng biết tôi không được quyền tái ứng cử nữa,” ông bảo tiếp, “hy vọng các bạn cũng hiểu điều đó để chúng ta cùng bắt tay làm việc chung.”

US capitolTất cả các Dân Biểu Cộng Hòa vỗ tay khi nghe nhà lãnh đạo nước Mỹ nói điều này khi ông đến trụ sở Quốc Hội Liên Bang để họp kín với họ hồi cuối tuần trước. Đây là lần đầu tiên ông Obama đến Hạ Viện để “giải quyết những chuyện cần giải quyết” theo như lời ông Phát ngôn viên Jay Carney nói với báo chí trước và sau cuộc gặp gỡ. Các đề tài được ông Obama nói đến gồm có vấn đề ngân sách, cải tổ di trú để giải quyết tình trạng của khoảng 11 triệu người cư ngụ bất hợp pháp ở Hoa Kỳ, và dự luật giới hạn về quyền được mua và giữ súng đạn. Ngoài ra ông cũng kêu gọi các dân cử Cộng Hòa cùng ông khẳng định lập trường ủng hộ Israel, giúp ông thuận lợi về ngoại giao “trước khi tôi lên máy bay đi Jerusalem.”

Cuộc gặp mặt Dân Chủ-Cộng Hòa diễn ra trong loạt gặp gỡ cả 2 bên đều muốn thực hiện. Đầu tiên là bữa cơm tối giữa Tổng thống với các nghị sĩ Cộng Hòa được tổ chức ở một khách sạn nằm sát Tòa Bạch Ốc, kế đến là bữa ăn trưa ngay tại Tòa Bạch Ốc giữa ông với Dân Biểu Paul Ryan, người mới vài tháng trước đứng phó cho liên danh Mitt Romney và hiện là Chủ Tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện, cuối cùng là cuộc gặp ở Quốc Hội với các dân biểu khác đảng, những chính trị gia trong 2 năm qua luôn luôn lắc đầu với những gì vị Tổng Thống Dân Chủ đưa ra, từ ngân sách, chính sách về kinh tế, cho tới các đề nghị liên quan đến các chương trình mang tính  xã hội.

Những cuộc gặp mặt này “chưa hẳn đã đem lại kết quả mọi người trông chờ, nhưng chứng minh cho mọi người thấy bên hành pháp rất muốn làm việc chung với bên lập pháp”, bà Cố Vấn Valerie Jarrett nhắc đi nhắc lại điều này mỗi khi tiếp xúc với giới truyền thông, và đó cũng là điểu phía đảng Cộng Hòa nói tới mỗi khi được hỏi, bảo “chúng tôi cũng muốn làm việc với Tổng Thống”.

Không đạt được kết quả như mong chờ, nhưng điều đó không có nghĩa là không có tiến bộ. Sau 2 buổi gặp các ông bà Thượng Cộng Hòa và gặp ông Paul Ryan, bên phía Cộng Hòa cho hay “có cơ hội thảo luận cởi mở hơn” hoặc đi xa hơn, xem đó là “bước đầu tiên” giúp giải quyết những căng thẳng chính trị đang có. Ở buổi họp diễn ra tại Hạ Viện hồi tuần rồi, tất cả các dân cử Cộng Hòa đều đứng lên vỗ tay chào đón ông Obama khi ông bước vào và làm điều tương tự khi ông chia tay họ để trở về Tòa Bạch Ốc, một số không ít các Dân Biểu Cộng Hòa còn bảo “chúng ta phải làm việc chung với nhau” hoặc bảo “chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng đón Tổng Thống.” Những cử chỉ và chia sẻ “thân thiện đầy ngạc nhiên” này khiến chính các nhà phân tích chính trị ở Washington phải ngạc nhiên, ngay chính ông Cựu Cố Vấn Jim Messina cũng phải gật đầu, bảo “rõ ràng là có tiến bộ.”

Điều đáng tiếc: tiến thì có tiến nhưng chuyện cần giải quyết thì vẫn chưa xong.

Tìn hành lang Quốc Hội cho biết Tổng Thống Hoa Kỳ hứa vận động với các vị dân cử Dân Chủ “cắt giảm ngân sách nhiều hơn nữa” nhưng đi kèm với điểu kiện “quý vị phải đồng ý tăng thuế” đánh vào những người có mức thu nhập cao và hủy bỏ nhiều quyền lợi khấu trừ đặc biệt các công ty đang được hưởng. Về dự luật cải tổ di trú, ông Obama nói rõ chỉ ký dự luật nào “trong đó có điều khoản cho phép những người đang cư trú bất hợp pháp “sau này có thể nộp đơn xin trở thành công dân Mỹ”, bảo thêm đó là cách duy nhất để “giải quyết toàn diện” một trong những vấn đề nổi cộm của quốc gia.

Chỉ nội vấn đề ngân sách không thôi đã thấy mệt mỏi. Ông Obama vừa rời trụ sở Quốc Hội chưa về đến Tòa Bạch Ốc đã được tin ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner bực bội bảo với các vị dân cử cùng đảng “sẽ không bao giờ đồng ý với yêu cầu tăng thuế bên hành pháp đưa ra,” nói thêm “nếu ông Obama có kế hoạch về ngân sách hợp lý như ông ta thường nói, sao bên Thượng Viện Dân Chủ không đưa ra thảo luận và bỏ phiếu thông qua?”

Cũng như ông Boehner, Chủ Tịch Khối Thiểu Số Thượng Viện là ông Mitch McConnell cho rằng ông Obama “đi quá đà” vì 2 bên đã “đạt được thỏa thuận tăng thuế hồi đầu năm nay, không có lý do gì để phải tăng thuế thêm một lần nữa.” Chuyện còn lại, theo Thượng Nghị Sĩ McConnell, “hành pháp phải cắt giảm chi tiêu, Tổng Thống phải nghĩ đến chuyện cân bằng ngân sách.”

“Đã cắt giảm nhiều rồi” là điều Tổng Thống Obama đưa ra để trả lời câu hỏi gay gắt của Dân Biểu Cộng Hòa James Lankford, khi vị dân cử đại diện cho tiểu bang Oklahoma đặt vấn đề “hành pháp và lập pháp có nên soạn thảo chung một kế hoạch để trong vòng 10 năm tới sẽ cân bằng được ngân sách hay không.” Theo Tổng Thống, “các khoản chi tiêu nội địa đã được cắt bớt từ ngày tôi nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên, tôi nghĩ không thể cắt giảm thêm được nữa.” Vẫn theo ông Obama, “cắt giảm quá nhiều sẽ cản trở mức phát triển kinh tế, trong lúc chính các bạn (phía Cộng Hòa) đều bảo với tôi là phải làm thế nào để tăng phát triển càng nhanh, càng vững vàng càng tốt”. Tranh cãi chỉ kết thúc sau khi ông Obama nói thẳng thừng “cử tri bầu tôi lên không phải để cân bằng ngân sách, mà để cứu nguy một nền kinh tế nằm bên bờ vực thẳm. Tôi sẽ làm điều cử tri đòi hỏi trước, những chuyện khác tính sau.”

Dân Biểu Dave Camp, Chỉ Tịch Ủy Ban Thuế Vụ Hạ Viện không hài lòng với câu trả lời của nhà lãnh đạo nước Mỹ, cho rằng phía hành pháp “không muốn thực hiện đúng những gì hai bên đã thỏa thuận với nhau” trong đó bao gồm việc cắt giảm chi tiêu Medicare và giảm bớt mức tiền tăng hàng năm cho những ai đang hưởng trợ cấp xã hội (Social Security), đồng thời chỉ trích ông Obama “vẫn chủ trương tấn công chúng tôi (Cộng Hòa), vẽ nên một hình ảnh xấu về chúng tôi, khiến người dân nghĩ rằng bên Công Hòa chuyên gây cản trở, bế tắc chính trị xảy ra vì lỗi của đảng Cộng Hòa.”

Ông Camp nêu câu hỏi tại sao đến giờ “Tòa Bạch Ốc vẫn chưa thực hiện những gì đã hứa,” ông Obama trả lời “lúc nào tôi cũng sẵn sàng làm điều đó, nhưng các bạn đừng quên tôi có nói là tất cả mọi người phải chia sẻ gánh nặng ngân sách quốc gia, nếu các bạn đồng ý hủy bỏ những khoản khấu trừ đặc biệt đang dành riêng cho các đại công ty, tôi sẽ thực hiện những khoản cắt giảm khác như các bạn đòi hỏi.”

Những gì đang xảy ra ở Washington D.C. dẫn đến kết luận: cả hai phía Dân Chủ lẫn Cộng Hòa vẫn chưa tìm được những điểm đồng thuận để giải quyết căng thẳng. Hai ngày trước đây, Dân Biểu Ryan Paul nói với báo chí rằng ông thật tình “không hiểu Tổng Thống Obama có quyết tâm muốn làm việc chung để giải quyết chuyện ngân sách hay không?” Ngay tức khắc, Tòa Bạch Ốc bắn tiếng trả lời “phía Cộng Hòa cứ nêu thắc mắc về phía chúng tôi, sao họ không thắc mắc về lối làm việc của chính họ.”

Điều đáng nhớ: đúng một tuần lễ nữa Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc phải giải quyết ngân sách cho tài khóa 2013 trước khi bắt đầu thảo luận về ngân sách tài khóa 2014. Hầu như không ai hy vọng chuyện quan trọng này sẽ xong, dẫn chứng là dư luận bắt đầu nói đến chuyện có thể kể từ đầu tháng Tư chính phủ liên bang sẽ phải đóng cửa vì không có tiền!