Tối hôm đó cô đãi tôi một chai nước li-mô-nát mà mỗi lần đến quán tôi hay kêu. Chính tay cô khui chai nước, rót chầm chậm vào ly. Cô dùng móng tay quay quay viên đá lạnh, mái tóc đen tuyền xõa xuống vai, che hết một bên mặt.

Với tôi, Sài Gòn muôn đời vẫn là chốn phồn hoa đô hội, nơi tôi mong muốn được đến, đến để rong chơi, đến để tìm hiểu. Chứ bảo đến để sống, để lập nghiệp, chắc tôi phải suy đi nghĩ lại nhiều lắm.

Hồi nào tới giờ tôi chỉ nghe nói người này là người Huế, người kia là người Hà Nội, người nọ là người Nha Trang,... chứ tôi chưa nghe ai xưng mình là người Sài Gòn bao giờ. Tôi nghĩ rằng Sài Gòn là nơi người tha phương đến lập nghiệp, lâu dần bén rễ, cho nên mới nhận là người Sài Gòn. Và đa số những người ngụ cư lâu đời ở Sài Gòn mỗi khi nói đến gốc gác của mình, họ vẫn nói “tui là người Hà Nội di cư vào Nam” hay “quê quán của tui ở Nghệ An, Thanh Hóa”...

Tính cách của người dân sống ở Sài Gòn rất dễ dàng cho tôi nhận ra được những nét đặc biệt của họ. Họ xuề xòa dễ dãi, hiếu khách và giàu tình cảm. Một khi thi ân họ bất cầu báo, đã giúp đỡ ai là họ giúp một cách tận tâm và nhiệt tình. Có lẽ câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” đã ngấm vào máu, cho nên đã tạo nên lối sống và cách cư xử rất đặc thù của những người dân Sài Gòn chăng!

Và cũng có lẽ vì những buổi đầu tiên trên bước đường tha phương cầu thực, họ đã gặp biết bao nhiêu sự trắc trở, khốn khó nơi xứ lạ quê người, cho nên họ dễ thông cảm với những kiếp người phải lìa bỏ nơi chốn nhau cắt rốn đi tìm kế sinh nhai như những gì họ đã từng trải qua.

Nói đến “người Sài Gòn,” tôi lại chạnh nhớ đến “cô hàng nước” mà tôi đã mon men làm quen lúc gia đình vào Sài Gòn chờ chuyến bay đi đoàn tụ ở Mỹ vào đầu năm 1986. Có thể nói cô là một tổng thể của người Sài Gòn, rặt chất Sài Gòn mỗi khi tôi nhớ về chốn ấy.

Thật ra bây giờ hỏi tên cô là gì, vóc dáng ra sao... tôi không thể nào nhớ nổi, vì chỉ mới gặp gỡ và quen nhau vỏn vẹn có một tuần lễ thôi. Sau đó tôi ra đi biền biệt, chưa một lần có dịp trở về thăm lại chốn xưa, hòng tìm lại người xưa để nhắc lại chuyện xa xưa mà có lẽ chính cô cũng chẳng còn nhớ tôi là ai của những ngày xưa nữa....

Nhà cô ở Chợ Lớn. Trước nhà là quán nước có kê một chiếc bàn và dăm ba chiếc ghế đẩu cũ kỹ. Cô bán linh tinh vài loại nước giải khát, nào là xá xị, nước cam, và một thứ nước ngọt có ga từa tựa như 7-up hay Sprite, tôi nhớ mang máng hình như li-mô-nát thì phải. Bên cạnh đó là tủ thuốc lá, bày dăm gói Hoa Mai, Ðà Lạt, Vàm Cỏ, Sài Gòn Ðen, và lèo tèo vài gói thuốc ngoại Zet, Si-Mit...

Lúc đó nhờ bán được một mớ băng nhạc cát-sét, rủng rỉnh tí tiền nên tôi tập tành làm người sành điệu ăn chơi vung vít. Chiều xuống tôi thường tém thùng, tóc tai chải gọn gàng, diện giày cho ra dáng công tử vườn lạc bước đến Sài Gòn hoa lệ. Lang thang vô quán của cô, tôi tay kéo ghế, ngồi tréo chân, miệng e hèm gọi nước, không quên kêu thêm vài điếu thuốc có cán, điếu vắt mang tai, điếu cắm vô mồm, ngậm lệch một bên, nheo nheo mắt mơ màng thả khói (bây giờ mỗi lần nhớ lại những trò khế khế đó, tôi còn rùng mình sởn cả da gà da ngỗng, không hiểu bà nhập hay sao tôi lại có thể cả quỷnh đến như vậy) .

Cô hàng nước mặc xác tôi thỏa thuê tác điệu, miệng mím mím cười bưng nước và lấy thuốc ra cho khách, xong rồi khều nhẹ một câu, “Anh ở đâu dô đây dậy!”

Tôi giật thót người:

-Tui là dân ở đây mà!

-Xạo!

-Sao chị biết?

-Thứ nhứt, hông ai kêu tui bằng chị giống như anh. Thứ hai dân Sì Gòn bi giờ hổng có ai ăn diện kỳ cục như anh hết. Thứ ba là anh nói tiếng gì khó nghe thấy bà nội!

Tôi biết là tôi đã lộ tẩy là tên nhà quê chính hiệu rồi, nên đành nhe răng cười trừ. Cô thấy tôi ngố nên cứ hỏi dồn hỏi dập, rồi cô ôm bụng cười nghiêng ngửa mỗi khi tôi nói thứ tiếng quái quỷ gì “lạ quắc lạ quơ.”

Tôi là tên nhà quê chứ tôi không phải là tên nhát gái. Biết tỏng là cô thích nhái giọng, cho nên tôi cứ lôi giọng nói nặng trình trịch ra xài, mục đích để được cô gần gũi sửa giọng giùm.

-Anh gì đó ơi, có quỡn tới đây em dạy anh nói giọng Sì Gòn nhen anh!

Có ngu lắm mới không ừ cho lẹ.

Kể từ đó trở đi tôi rất siêng lui tới, có hôm đến hai ba bận. Giọng Sài Gòn là giọng nghe ngộ lắm, viết một nơi phát âm một ngả. Thí dụ cô hỏi tôi chừng nào thì đi Mỹ. Tôi nói đang đợi chuyến bay, và có lẽ Thứ Sáu tuần sau là lên máy bay rồi.

Cô phát lên cười sằng sặc:

-Gì mà “thứ sấu từng sâu” với lại “mứa bưa!” Phải nói là “thứ sáo tuần sao, mái bai,” và nhớ phải đãi giọng ở cuối câu sao cho dẻo thiệt là dẻo mới đúng điệu.

Tôi cười he he:

-Cô ơi, tui là dịt, cô là gừa. Cô cho dịt “ở chung” dứ gừa, thớ nào dịt cũng biết gứa òa óa oa...

-Anh nói cái gì mà nghe mắc cười thí mồ đi!

***cogai

Ngày lên đường cũng đã đến. Tối hôm đó cô đãi tôi một chai nước li-mô-nát mà mỗi lần đến quán tôi hay kêu. Chính tay cô khui chai nước, rót chầm chậm vào ly. Cô dùng móng tay quay quay viên đá lạnh, mái tóc đen tuyền xõa xuống vai, che hết một bên mặt.

Cô châm cho tôi điếu thuốc, tránh nhìn vào mắt tôi, cô nói nhỏ “anh qua đó nhớ viết thơ dìa nghe!”

Tôi rít một hơi thuốc thật sâu, thở ra nhè nhẹ. Khói thuốc làm nhạt nhòa bóng dáng cô, và khói thuốc cũng làm cho tôi cay mắt quá.

- Ờ! Tui nhớ.

- Anh nói hổng đúng, phải nói là “Ừa! Anh nhớ!” Anh nói lại em nghe đi.

Tôi cười cười mà miệng không thể nào thốt lên thêm lời nào nữa hết, vội quay lưng chỉ kịp thấy mắt cô hàng nước long lanh nước...

***

Năm tháng đã vùn vụt trôi qua, tất cả giờ chỉ còn là kỷ niệm.

Quán nước nghèo gần bên Tòa Án Quận Năm chắc dâu bể lâu rồi. Cô hàng nước bây giờ ra sao tui cũng hoàn toàn mù tịt. Lần mò dò hỏi chốn xưa, không một ai biết con đường nhỏ trước bảy lăm có tên Lý Thành Nguyên ở Chợ Lớn đã một lần đổi thành đường Lê Thị Riêng bây giờ mang tên gì nữa.

Cô hàng nước ơi, tôi vẫn còn nợ cô một món nợ mà tôi không thể nào trả được. Không phải tiền nợ của điếu thuốc, của ly nước chanh lúc vội ra đi quên trả. Cũng không phải là lời hứa của lá thư không bao giờ gởi về. Mà là nợ về giọng nói dễ thương của cô, của người Sài Gòn đã từng chỉ dạy cho tôi.