“Sĩ phu mà ba ngày không xem sách, thì soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe.”

Thường thì nhu cầu của người viết sách là để cho người khác đọc, chia sẻ những suy nghĩ, quan niệm, tình cảm của mình, với không người cùng thời thì cũng nghĩ là để cho người đời sau, mong trên đời này còn tri kỷ hiểu được mình. Như cụ Tố Như, không mong gì người cùng thời hiểu được mình đã đành, mà sợ ba trăm năm sau cũng không có ai khóc cho ông.

docsachMột học sinh đọc sách lịch sử trong lúc ngồi tại một công viên ở Hà Nội. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Sách đem tặng người là mở lòng mở dạ tâm sự với người, như mình muốn nói với người, người không muốn nghe, ngoảnh mặt cũng như người được tặng sách không muốn đọc. Phải chăng người ta xem thường sách tặng, như nguyên tắc bất di bất dịch, “người mua sách mới là người đọc sách!”

Một người bạn giáo sư của chúng tôi, là người đang làm nghề dạy học, không những phải đọc sách trong phạm vi nghề nghiệp của ông mà còn phải đọc sách để trau dồi kiến thức, kẻo sợ như ông thái sử đời Ðường, Hoàng Ðình Kiên: “Sĩ phu mà ba ngày không xem sách, thì soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe.” Vậy mà ông cũng phải thú nhận, không đủ thời giờ để đọc hết sách, lớp mua, lớp được biếu tặng, mà phần lớn là sách tiếng Việt. Ngày nay khi ông đã luống tuổi, sách tràn lan từ tủ sách ra chỗ làm việc, đến phòng ngủ, phòng khách, và tràn đến nhà để xe. Ông cho biết, rồi cũng đến lúc phải dọn sạch cửa nhà.

Số sách này chắc chắn các con ông, theo ông sang Mỹ từ năm chúng 5, 10 tuổi, gọi là thế hệ 1.1/2 không buồn đọc hay không đọc được, nói gì đến lớp cháu nội, cháu ngoại sinh ra trên đất Mỹ của ông thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba. Nhiều lúc ông có ý định đem số sách này tặng cho các thư viện tư nhân hay của các hội đoàn, nhưng nghĩ đến việc ông phải ngồi xé từng trang sách có chữ ký tặng của bạn bè quen biết, có cuốn ngày tháng ghi mới tháng trước, có cuốn đã hơn 30 năm, tác giả, kẻ còn sống, người đã khuất núi, lòng ông thấy xót xa. Khi ông qua đời, chắc chắn số sách này được nằm trong những cái thùng rác màu lục mang chữ “recycle” để tái sinh thành những trang giấy in những thứ ngôn ngữ khác.

Ở Mỹ này không có tiệm bán sách cũ, cũng không có hàng sách cũ ở chợ trời để còn có người đi kiếm sách, mân mê từng trang sách đã ố vàng, bỏ ra mấy đồng bạc để mang cuốn sách về nhà đọc, thì vong linh những tác giả khuất núi cũng ngậm cười. Ðây là thời buổi, người ta có thể bỏ ra $200 để mua một cái vé đại nhạc hội VIP, ăn mặc đẹp, đi làm tóc, ngồi ở hàng ghế đầu, cười những tràng cười dễ dãi, tiêu phí hết năm sáu tiếng đồng hồ để “vui buồn theo nốt nhạc nổi trôi,” hơn là vào tiệm sách tìm mua một cuốn sách ưng ý khoảng $20 đem về nhà đọc. Sách tiếng Việt ở hải ngoại, thế hệ chữ nghĩa đầy mình bỏ nước ra đi từ ba, bốn mươi năm trước, cũng không buồn đọc sách, trông mong gì lớp trẻ con ngày nay, mỗi tuần học vài giờ Việt ngữ “cô sắc cố, cô nặng cộ!”

Nhưng cũng có những nơi không có sách, những nơi có người thèm đọc mà không có sách. Ðó là những em biết tiếng Việt trong những “Detention Center” (trại tạm giam) hay cả những nhà tù ở nhiều tiểu bang, thường thì các em xin sách bằng cách tìm đại một vài địa chỉ sau cuốn sách tình cờ các em đọc được để viết thư. Ðây là việc làm mà cộng đồng người Việt trên đất Mỹ cũng như các cơ quan tôn giáo nên nghĩ đến.

Cũng có nhiều nơi thèm sách như các em trong các vùng làng mạc, núi rừng xa xôi bị bỏ quên ở Việt Nam, nhưng khi mà các em phải đi chân đất đến trường, buổi sáng bụng đói thì sách vở đâu còn ý nghĩa gì nữa!

Hiện nay nhiều thư viện và đại học ở Việt Nam cũng đang cần sách và Việt Nam cũng đang xin sách. Thư viện của Ðại Học Trà Vinh ngày 9 Tháng Mười, 2011 tiếp nhận 15,548 quyển sách tiếng Anh do tổ chức “Foundation de la Chenelière” và nhà xuất bản Cengage Learning (Canada) tài trợ. Với số lượng sách lớn gồm các lĩnh vực khoa học xã hội, tự nhiên, ngoại ngữ, công nghệ... Buồn cười là trong danh sách những người mượn sách trả chậm của thư viện này, chỉ có một cuốn sách được mượn về nhà là cuốn “English Grammar” của một tác giả người Việt. Chế độ muốn trang điểm bằng sách chính là những kẻ đốt sách năm xưa.

Theo báo cáo của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng tại kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội CSVN, ngày 26 Tháng Sáu, 1976, sách vở miền Nam đã bị bên thắng trận xếp vào hạng “văn hóa nô dịch, lai căng, đồi trụy, cực kỳ phản động, những tàn dư mà Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam.” Nhà văn Nguyễn Văn Lục đã “ước tính số sách bị tiêu hủy, tịch thâu, đốt, hay bán ve chai là khoảng 180 triệu cuốn trên khắp miền Nam.” Chính những cuốn sách bị gán nhãn “dâm ô, đồi trụy” này của miền Nam sau này đã làm giàu cho bọn đầu nậu sách. Trước khí thế của Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, tất cả những cuốn sách viết bằng Anh, Pháp, Ðức ngữ đều là sách địch, lầm lẫn hay không thì đã ra tro.

Nếu tôi có quyền tặng sách cho Việt Nam hôm nay, tôi sẽ tặng vài mươi triệu cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư và bản dịch Tâm Hồn Cao Thượng của Hà Mai Anh, với điều kiện bắt trẻ em Việt Nam phải học thuộc lòng trong chương trình tiểu học và hai năm đầu trung học, bỏ hẳn, một cách tuyệt đối không khoan nhượng những gì nói về đảng về Hồ Chí Minh, may ra tương lai đất nước này mới khá lên được.

Còn bạn, nếu tặng sách cho các thư viện trong nước bây giờ, bạn sẽ tặng loại sách gì? Sách “học làm người” chăng?