Chửi thẳng mặt, không khoan nhượng, không hòa giải với kẻ thù. Đó là Bùi Bảo Trúc.


chuyenthat ma nhudua

(Hình minh họa: Ngọc Lan/Người Việt)

Chuyện thật mà như đùa: Bùi Bảo Trúc đi rồi!

Mới đó mà tang lễ của Bùi Bảo Trúc đã qua gần nửa tháng.

“Mới đó” là loại chữ để nói một chuyện gì qua quá nhanh, mà chúng ta không ngờ tới. Nhiều chuyện không ngờ tới mà nó cũng tới!

“Chuyện thật mà như đùa!” là tên tập sách, in lại những bài viết cuối cùng của nhà báo Bảo Lâm Bùi Bảo Trúc vừa được Vietstream xuất bản ghi tháng năm là 12-2016.

Trong lời giới thiệu ở đầu sách, nhà xuất bản cho biết: “Để thực hiện ước muốn của ông, cuốn sách này tổng hợp tất cả những bài viết của ông trong hai năm 2015-2016, được thực hiện như một món quà mà nhà xuất bản muốn gửi đến ông, cũng như là một món quà tặng từ ông, nhà báo Bảo Lâm Bùi Bảo Trúc, gửi lại cuộc sống này.”

Cuốn sách này được sửa soạn lúc Bùi Bảo Trúc còn sống, bằng chứng là trong phần “Tiểu Sử Tự Thuật” ở trang bài sau đã ghi:

“Bùi Bảo Trúc sinh năm 1944 ở miền Bắc, nhưng chỉ ở Hà Nội đúng 10 năm đầu. Sống ở miền Nam nhiều hơn miền Bắc, và sống ở ngoài Việt Nam lâu hơn ở trong nước. Dạy học ở Sài Gòn rồi cho một Community College ở Washington, DC. Làm phát ngôn viên cho chính phủ VNCH trước năm 1975 rồi làm cho đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) trong hơn 20 năm cho đến khi về hưu. Viết cho một số báo chí ở hải ngoại như đã gắn bó với nghề cầm bút từ thời còn đi du học và sau khi về nước. Dính với cả truyền thanh và truyền hình Việt Nam ở nước ngoài. Cũng đã làm đài truyền hình ở Sài Gòn hồi năm 1968.

Đã có bốn cuốn tuyển chọn những bài phiếm luận xuất bản ở Hoa Kỳ, một cuốn cổ tích Việt Nam viết bằng tiếng Anh tại Canada và một cuốn thơ dịch sang tiếng Việt của ông già Rabindranath Tagore.

Không biết nấu ăn. Suốt đời chỉ cơm hàng cháo chợ!”

Đúng là văn phong Bùi Bảo Trúc, không chạy đi đâu!

Nhưng cuốn sách lại chỉ được in sau khi Bùi Bảo Trúc qua đời, vì trong phần phụ lục có in ba bài mới viết khi ông mất, của Nhật Tiến, Huy Phương và Phạm Thế Định.

Kể cũng may mà cũng lạ. Mấy năm gần đây, tôi vẫn thường giục Bùi Bảo Trúc chịu khó ngồi sửa lại bài vở trong mấy chục năm nay để in thành sách đi, kẻo thời gian không đứng lại để đợi mình, kể cả những bài soạn “Anh Ngữ Thực Dụng” đã phát hình mấy năm nay trên Hồn Việt TV với hai cô “nữ sinh” Quỳnh Anh và Diễm Thúy, mà nhiều người quen đã hỏi thăm tôi và muốn có những bài học này. Lần nào Bùi Bảo Trúc cũng nói vắn tắt: “Tôi lười quá ông ơi!”

Trong cuốn sách này ở bài trước in chân dung của một Bùi Bảo Trúc rất đẹp, không phải là chân dung thường lệ mà Bùi Bảo Trúc thích in kèm theo bài, đó là một cậu khỉ sờ râu Giáp Thân (1944.) Cậu khỉ này không làm vừa lòng cô chủ bút một tuần báo còn trẻ, và cô đã đề nghị thay hình này bằng ảnh chân dung của tác giả, nhưng ông không đồng ý và trả lời: “Không đăng bài thì thôi!”

Tuy vốn là người nho nhã, học thức nhưng không phải vậy mà Bùi Bảo Trúc tránh dùng những chữ mà người đọc có thể nhăn mặt, điều đó không thấy trong những cuốn sách “Thư Gửi Bạn Ta” cách đây hơn 20 năm, do nhà xuất bản Văn Nghệ của ông Võ Thắng Tiết xuất bản. Tôi cho đó là một điều dồn nén gây ra phẫn uất cho tác giả càng ngày càng nhiều, mà chỉ viết ra hay nói ra mới giải tỏa được sự buồn bực mà thôi.

Những đề tài hay là những mục tiêu mà Bùi Bảo Trúc nhắm tới là thói rởm đời, sự dốt nát và chuyện ngu chữ nghĩa Anh cũng như Việt, đang xẩy ra hàng ngày trong và ngoài nước. Những đề tài ấy lúc nào cũng gặp được nhan nhản ngoài đời, đọc được trên báo, nghe được trên đài phát thanh, và thấy được trên đài truyền hình.

Tuy là xuất hiện trên mặt báo mỗi ngày, tác giả viết “feuilleton” truyện dài chỉ là sự nối tiếp của một câu chuyện, nhưng với chuyên mục mỗi ngày mỗi đề tài như Bùi Bảo Trúc đã viết, không phải là dễ.

Bởi vậy, Bùi Bảo Trúc mất đi khó có người thay thế về sự uyên bác, hiểu biết rộng rãi tân cổ, Đông Tây của ông, viết mạnh và bền bỉ của ông, mà ngay cả văn phong không khoan nhượng, nể nang của ông cũng khó ai bắt chước, vì nó được viết xuống đúng lúc, đúng thời, nhiều khi cả bài kết luận bằng một câu chửi.

-Khốn nạn cho biển cả của ngư ông. Tiên sư cha bọn hến! (trang78)

-Dùng để phô cái ngu và cái dốt ra là như thế! Đáng đời dốt nát của các con! (78)

-Tiên phải học lấy tất cả những trò mất dậy và khốn bạn nhất. Và hậu học cái… củ gì thì có gì quan trọng đâu! (104)

-Chỉ vì chủ nghĩa khốn nạn ở Hà nội (161)

-… trường hợp cả hai người đàn ông thích ăn… này. Ai bảo dại thì cho chúng chết đáng đời! (127)

-Tôi đã đọc đi đọc lại mấy lần mà không sao đoán được ra tên Việt Nam của đương sự là thằng chó gì?(221)

-Lòi ra chuyện nát của cả lũ nhà chúng nó! (248)

-Hay là sợ bọn thái thú mới bợp tai đá đít chết cha mấy con luôn! ( 290)

-Tổ cha thằng khủng bố khốn nạn này. (322)

Đối với lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam thì Bùi Bảo Trúc không bao giờ nương tay:

Hồ Chí Minh: Bác sống chỉ làm bẩn đất nước mà thôi! Nên bác chết mừng là phải! (196)

Phan Văn Khải: Bọn đười ươi!

Nguyễn Tấn Dũng: Thằng chích đít!

Nguyễn Xuân Phúc: Bố khỉ! Nó là thằng đã ngu lại dốt!

Và thằng Tầu Chu Xuân Phàm: Thằng cắc ké!

Đôi khi khá độc, ghét Nguyễn Tấn Dũng và ghét luôn bầy con của nó. (153)

Bùi Bảo Trúc cũng để lộ thái độ ghét Trung Quốc: “Anh bồi tầu thân Tầu!” (Hồ Chí Minh)

Điều này, Bùi Bảo Trúc thú nhận trong bài viết (trang 225).

-“Nếu có ai nói tôi là người không độ lượng, không khoan dung, nhỏ nhen, thích trả thù, hay nghĩ ác, chúc ác cho một số người khác… thì tôi cũng nhận hết. Tôi nhận tôi là người có đầy đủ những cái tính không tốt như vừa kể trên.”

“Một số người khác” đó là những thằng công an đàn áp những người dân bất hạnh trong nước, những thằng Tầu chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, những thằng Tầu húc, bắn vào những ngư dân Việt khốn khổ trên biển Đông, những thằng Tầu đánh vào Cao Bằng, Lạng Sơn năm 1979, bắn giết, cướp phá, hãm hiếp người Việt. Ông nhắc lại chuyện Kim Thánh Thán và mong sao bọn này chết tiệt đi, “cũng chẳng khoái ư!”

Chửi thẳng mặt, không khoan nhượng, không hòa giải với kẻ thù. Đó là Bùi Bảo Trúc.

Thương ai thì nói thương, ghét ai cứ bảo là ghét. Đó là Bùi Bảo Trúc.

“Người mình thích thì dù họ đứng bên kia đường mình cũng chạy qua chào một tiếng, người mình chẳng ưa thì dù đứng trước mặt mình, cũng như không thấy!” Đó là lối xử thế của Bùi Bảo Trúc.

Vì cá tính này, tuy Bùi Bảo Trúc rất được nhiều người thương mà cũng có người ghét. Cuộc đời này, đâu có làm vừa lòng được tất cả mọi người! Nhưng có điều đáng quý, là cả những người ông ghét thậm tệ, không muốn nhìn mặt, sau khi ông nằm xuống cũng viết những lời tốt đẹp về ông.

Cuốn “Chuyện thật mà như đùa!” dày 380 trang gồm 86 bài phiếm, mà theo cách ngày trước của Bùi Bảo Trúc, viết một ngày một lá thư cho bạn, trong loạt bài “Thư Gửi Bạn Ta” đã in thành sách, như một “thương hiệu” riêng của tác giả.

Tiền lời bán sách sẽ được gửi về cho Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn để giúp cho thương binh VNCH, theo như ý nguyện của tác giả lúc sinh thời.

Độc giả có thể tìm mua tại các nhà sách hay liên lạc với Little Saigon Radio, 13749 Beach Blvd., Westminster, CA 92683, (714) 933-7888.