Phải biết hổ thẹn vì những khiếm khuyết của đất nước mình, biết sửa sai may ra tương lai đất nước mới khá lên được.

Bài học về “tự ái dân tộc” vỡ lòng đầu tiên mà tôi đã đọc được thời niên thiếu, là câu chuyện “Lòng yêu nước của em bé thành Padoue” trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng” do nhà giáo Hà Mai Anh dịch thuật.

Em bé người Ý trong câu chuyện là một em bé nghèo bị bán cho một gánh xiếc, lưu lạc sang đến Tây Ban Nha, đã được Tòa Lãnh Sự Ý tại đây gửi trên con tàu biển để trở lại quê hương. Trong chuyến đi, em đã chịu ơn nhiều du khách ngoại quốc đã giúp đỡ cho em tiền bạc, nhưng trong câu chuyện của họ, khi những người này, đã từng có những chuyến du lịch đến Ý, bắt đầu phê phán những điều xấu xa của nước Ý, thì cậu bé này nổi giận, ném trả tất cả đồng tiền đã nhận được từ những người khách lên bàn của họ đang ngồi, và hét lớn:

- Cầm lại tiền của các người. Ta không thèm nhận của bố thí của những kẻ đã lăng mạ nước ta!

Vậy thì đứa nào đã phê phán, chê bai nước ta, chớ nhận viện trợ của chúng!

Thông thường chúng ta thích nhận lời khen, nhưng lời chê thì khó lọt tai. Ông Khổng Tử cũng từng nói “Trung ngôn nghịch nhĩ”. Dân gian Việt Nam thì công nhận: “Sự thật mất lòng!”

Ông Joel Brinkley, cựu phóng viên New York Times, người từng đoạt giải Pulitzer, bỗng dưng mang họa vì đã dám đụng đến Việt Nam khi ông viết: “Dù phồn thịnh lên, thú ẩm thực ở Việt Nam vẫn khác thường!”

Sau chuyến đi Việt Nam 10 ngày, ông cho rằng: “Chẳng cần ở Việt Nam lâu bạn cũng có thể nhận thấy một điều bất thường. Bạn không nghe thấy tiếng chim hót, không thấy sóc leo trèo trên cây hay chuột chui rúc trong các đống rác. Không thấy chó ở ngoài đường.” Ông Joel Brinkley đã nhận xét rằng người Việt thích ăn sóc, chim chóc và chuột bọ. “Nói chung bạn không thấy bất kỳ loại động vật nào, cả hoang dã lẫn thú nuôi. Chúng biến đi đâu hết cả? Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết: Chúng bị ăn thịt cả rồi.”

Nhận xét của ông Joel Brinkley gây công phẫn trên các diễn đàn mạng. Nhiều người chỉ trích ông là “hồ đồ, trịch thượng và phân biệt chủng tộc”. Làn sóng phản ứng giận dữ đã khiến công ty xuất bản Tribune Media Services phải ra thông cáo thừa nhận rằng bài viết của ông Joel Brinkley không đạt yêu cầu về báo chí. Người ta đòi đuổi việc ông, đòi ông phải xin lỗi công khai...”

Nhìn chung, ông Joel Brinkley nhận xét khá vội vã khi cho rằng người Việt có thói quen ăn thịt nên họ hung bạo hơn các dân tộc láng giềng chủ yếu ăn cơm. Nên biết rằng qua nhiều năm chiến tranh, người Việt, nhất là dân miền Bắc, suốt năm không có một miếng thịt mỡ bỏ miệng, chủ yếu là khoai, sắn, ngô. Dân Thái Lan chủ yếu ít sát sanh, ăn chay, chó hoang chạy đầy đường, nhưng cực kỳ tàn bạo qua các hành động hải tặc trong thời gian người Việt phải ra đi lánh nạn Cộng Sản. Dân Mexico ăn bắp nhưng dám chặt đầu địch thủ, móc xác người trên cầu như như treo động vật trong lò mổ.

Câu nói của ông chỉ đúng khi áp dụng vào động vật, hung dữ như cọp, beo là giống ăn thịt, hiền lành như dê, thỏ, trâu bò là loài ăn cỏ.

Một người phụ trách một tổ chức bảo vệ động vật hoạt động ở Việt Nam như ông Jake Brunner cho rằng: “Việt Nam không ghê sợ như nêu trong bài báo.”

Nhưng nghĩ cho cùng, ông Joel Brinkley có những nhận xét “độc lập” của riêng ông và những nhận xét này hẳn có phần đúng. Bà Naomi Doak của tổ chức bảo vệ động vật Traffic thì có câu bào chữa khá đểu: “Việt Nam còn nhiều chim chứ, nhưng chúng ở trong lồng; cũng có nhiều chó nhưng chúng là vật nuôi.”

Cứ vào các sân chùa ở Việt Nam, thấy chim nhốt trong lồng, nhưng nhận xét nhốt chim để ăn thịt là sai. Ðạo Phật khuyến khích việc phóng sanh, nên nhiều người mua các lồng chim này đem đi thả, nhưng một số người khác, lại bắt những con chim này, đem bán trả lại. Càng có nhiều người mua chim phóng sanh, thì càng có nhiều người bắt chim đem đi bán.

Nói về chó, Việt Nam ăn thịt chó, chắc không bằng người Nam Hàn. Nhưng Nam Hàn không có nghề đi bắt chó của người khác, không có cảnh người bắt chó bị giết một cách dã man, vô luật lệ. Không có người thèm ăn thịt chó, sao lại có cảnh con người giết nhau vì chó.

Có lẽ khoai sắn lâu ngày, nên bây giờ con người thèm ăn, bò heo là chuyện thường. Ðiều đáng chú ý mà báo chí trong nước cũng không ngớt lời bàn tán, là con người hiện nay quá chú ý đến miếng ăn, nên luôn đi tìm của ngon vật lạ, nào mễn, nào nhím, nào cheo, nào rùa, nào rắn, nào trăn, nào nai, nào beo, nào trút... Ăn để tỏ ra mình là nhiều tiền của, là đại gia, thích tìm cái lạ. Người nghèo ít tiền thì ăn châu chấu, dế, ve, cóc, nhái, nhộng, sâu. Ăn tiết canh heo, tiết canh vịt là chuyện xưa, nay phải uống máu rắn, ăn tim rắn. Rượu thì phải rượu rắn, rượu rết, rượu bào thai.

Trong một bài tạp ghi trước đây tôi đã có ghi lại chuyện ông Jason Picard, một người Mỹ kể chuyện, sau một thời gian du lịch ở Việt Nam về, đã thú nhận vì tò mò, đã có lần anh “chén” thịt chó. Lúc đó bà mẹ đang ngồi chơi với con chó tên KC, cả hai đều nhìn ông với vẻ khiếp sợ. Sau đó bà mẹ Picard đã bảo ông với giọng cương quyết: “Jason, con lại đây xin lỗi KC đi!”

Ông Joel Brinkley, giáo sư Ðại Học Stanford, là người Mỹ, ông có quyền dị ứng với thói quen ăn thịt chó của người Việt, sao lại trách ông.

Ông nhận xét rằng: “Quỹ động vật hoang dã xếp Việt Nam vào dạng quốc gia gây hại cho thiên nhiên hoang dã nhất thế giới!” Có lẽ chẳng mấy sai, nếu biết rằng dân Việt Nam đang truy lùng các động vật hiếm để cung cấp cho các quán nhậu, cho các đại gia và viên chức chính quyền đãi đằng, giao tiếp, mọi người đều thích chơi trội và thích của lạ.

Trong khi nhiều vị “yêu nước chân chính” lên án, nhục mạ ông Joel Brinkley, thì chính báo Lao Ðộng trong nước số xuất bản ngày 30 tháng 8, 2012 đã ghi nhận một sự thật:

“Trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên là điểm tập kết, chuyển tiếp và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép của Châu Á. Thực trạng trên đã làm cho sự đa dạng sinh học bị đe dọa, một số loài động vật quý hiếm đang đối diện với nguy cơ bị tuyệt chủng.

Hơn 147 loài động vật hoang dã ở trên cạn, 40 loại côn trùng, 90 loại bướm và hàng trăm loại thực vật khác đang bị khai thác và buôn bán ở Việt Nam.

Ðặc biệt, có ít nhất 37 loại động vật hoang dã đang trên đà bị tận diệt.

Hiện tại ở Việt Nam có 74 loại thú, 26 loại chim bị suy giảm mạnh về số lượng do thói quen săn bắt động vật để làm thức ăn, làm cảnh và thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, do thu lợi lớn từ việc buôn bán động vật nên nhiều người dân săn bắt theo kiểu tận diệt, tận thu để bán cho các nhà hàng hoặc bán sang Trung Quốc.

Theo đánh giá mới đây của Tổ Chức Theo Dõi Tình Trạng Buôn Bán Ðộng Vật Hoang Dã Quốc Tế (TRAFFC), Quỹ Quốc Tế về Bảo Tồn Thiên Nhiên (WWE) thì dongvat hoangdaViệt Nam được liệt vào danh sách một trong những quốc gia có số lượng tội phạm buôn bán động vật hoang dã lớn nhất; là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất thế giới, điểm nóng về buôn bán và sử dụng mật gấu, buôn bán ngà voi. Việt Nam cũng là quốc gia nhận thẻ đỏ trong việc bảo tồn tê giác, hổ.” (Hết trích)

Trên đây là những điều không phải là dân du lịch, người qua đường hay bọn thù nghịch với Việt Nam “bươi móc” mà chính báo đảng tự thú nhận.

Phản ứng quá đà với nhận xét của ông Joel Brinkley là “tự ái dân tộc” không phải chỗ. Nhiều người đã chê giáo sư dốt, đòi Ðại Học Stanford cách chức ông, bắt ông xin lỗi, hay rút bài của ông xuống, y như Việt Nam đã hành xử với đảng viên của họ. Họ còn kết tội ông là “kỳ thị chủng tộc,” “nên ra khỏi ngành giáo dục”. Giá mà ông ca tụng dân Việt Nam hạnh phúc đứng vào hạng ba thế giới, dẫn đầu cả Mỹ, Canada, Úc thì người Việt đã công kênh ông lên và gọi ông là “người bạn tốt”.

Nhà văn Edmondo De Amicis dạy trẻ con phải có tự ái dân tộc, nhưng không có chỗ nào dạy con người ta phải biết hổ thẹn vì những xấu xa của đất nước mình. Yêu tổ quốc, căm giận, biểu tình lên án bọn xâm lăng đất nước mình, mà bị chính quyền, đàn áp, bỏ tù, đất nước ấy có đáng hổ thẹn không? Ðòi hỏi quyền làm người, nói lên sự thật, là hành động chống phá tổ quốc, sự thật ấy có đáng xấu hổ không.

Phải biết hổ thẹn vì những khiếm khuyết của đất nước mình, biết sửa sai may ra tương lai đất nước mới khá lên được.

Nhà tư tưởng Tuân Tử có nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy!”

Mà này Giáo Sư Joel Brinkley, ông nên đừng bao giờ trở lại Việt Nam nữa, không khéo có ngày ông lại bị kết vào tội “lực lượng thù nghịch, tuyên truyền chống phá nhà nước” thì khó mà chống đỡ!