Chủ Tịch Quốc Hội ăn mặc cách chi tôi ngó cũng xinh, chụp hình kiểu nào tui coi cũng đặng. Ngay cả cái cách bà ấy đổ (mẹ) nguyên cả sô bắp xuống ao cá bác Hồ tui cũng thấy (sao) nhí nhảnh, ngây thơ và dễ thương hết sức!


Hồi nẳm, không hiểu thi sĩ Bùi Giáng si mê kịch sĩ Kim Cương cái điểm nào; chớ còn bây giờ thì tui chết mê chết mệt chỉ vì nhan sắc khuynh thành của thím Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ Tịch Quốc Hội ăn mặc cách chi tôi ngó cũng xinh, chụp hình kiểu nào tui coi cũng đặng. Ngay cả cái cách bà ấy đổ (mẹ) nguyên cả sô bắp xuống ao cá bác Hồ tui cũng thấy (sao) nhí nhảnh, ngây thơ và dễ thương hết sức!

Một phụ nữ xinh đẹp và khả ái quá cỡ như vậy, tất nhiên, không thể nào tránh được lòng ghen ghét hay đố kỵ của bàn dân thiên hạ. Chả trách thím Ngân bị nhiều người (trong cũng như ngoài nước) mắng nhiếc và xỉ vả không tiếc lời, dù hổng có làm điều chi sai trật cả.

Coi: Quốc Hội khoá XIV tiếp tục lùi luật biểu tình thì có gì bất ngờ hay mới lạ đâu nào? Cả chục khoá trước cũng đều “bàn lùi” hết trơn hết trọi mà.

Thím Ngân chỉ nói lên là một sự thật hiển nhiên, khi bầy tỏ quan ngại về tình trạng “rối loạn đất nước” thôi. Chớ hơn bẩy mươi năm qua, kể từ khi mà cách mạng cướp được quyền bính, có ngày nào mà xứ sở này được an bình đâu mà không lo “rối loạn” ?

nguyenthikimngan 21
Có xét nét lắm thì cũng chỉ nên phiền trách thím Ngân về một chuyện nhỏ thôi, nhỏ còn hơn con thỏ nữa, đó là việc Quốc Hội khoá XIV đã dùng phiên họp khai mạc để thảo luận về một dự luật mà tôi e là hoàn toàn không cần thiết – Luật Cảnh Vệ.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 29 điều. Xin trích dẫn vài khoản trong điều 10 để rộng đường dư luận:

 Đối với Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ sau đây:

a) Bảo vệ tiếp cận;

b) Bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác tại nơi ở, nơi làm việc;

c) Kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại, các tác nhân khác; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng;nắm tình hình, khảo sát xây dựng, triển khai phương án bảo vệ.

Thảo nào mà đã có lúc ông Tôn Đức Thắng la làng là trong nhà toàn là “lính kín” không hà:

"Một người bạn tôi quen thân với cụ, cha anh trước kia là đàn em cụ, kể rằng một hôm anh đến thăm cụ, vào thời gian nghị quyết 9, thì cụ dắt anh vào phòng riêng thì thào: 'mày có thấy lính kín theo mầy tới đây không mầy?' Anh ngạc nhiên quá. Tưởng anh lo lắng cho cụ, cụ mỉm cười hiền hậu:'Là tao lo cho tụi bây, chớ tao hổng lo cho tao .Trong nhà tao nè, lính kín không có thiếu.” (Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày. California: Văn Nghệ, 1997).

Bác Tôn (chắc) bị bệnh hoang tưởng? Đảng bố trí lực lượng cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác tại nơi ở, nơi làm việc của lãnh tụ mà ổng lại tưởng “lính kín” đang rình rập nhà mình.  Tổng Bí Thư Đặng Xuân Khu cũng vậy, cũng đa nghi dữ lắm:

“Trường Chinh chết, Hồng Ngọc, vợ Hoàng Minh Chính và Hà, con gái cả đến nhà chia buồn. Hai mẹ con về, Đặng Xuân Kỳ tiễn. Kỳ vừa đi qua sân sỏi vừa nói: ông cụ tôi ngoài không dám ăn uống bất cứ thứ gì. Họp Bộ chính trị với Trung ương cũng uống nước của nhà mang theo và nếu không về nhà ăn trưa được thì ông cụ nhịn.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù, tập II. Người Việt, Westminster, CA: 2014).

Cũng ở tác phẩm dẫn thượng, nơi trang 194, tác giả còn cho biết thêm là Thủ Tướng Phạm Văn Đồng có thói quen “thì thào” với khách quen ở ngoài vườn vì ổng sợ trong nhà ... có rệp!

Coi: Chủ Tịch Nước, Tổng Bí Thư, Thủ Tướng đều không dám ăn, cũng không dám nói, vì sợ bị đầu độc hay nghe lén. Nếu Dự Luật Cảnh Vệ có điều “ngăn cấm các đồng chí không được rình rập và hãm hại lẫn nhau” thì hay biết chừng nào. Hay nhất là qúi ông Dương Bạch Mai, Phạm Quí Ngọ, Nguyễn Bá Thanh, Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn ... đã không uổng mạng!

Luật Cảnh Vệ chỉ chuyên chú vào việc bảo vệ các đồng chí lãnh đạo khỏi bị những thế lực thù địch ám sát thôi hà. Thiệt là suy bụng ta ra bụng người. Rảnh, xem qua vài đoạn trong cuốn hồi ký (Gió Mùa Đông Bắc) của bác sĩ Trần Ngươn Phiêu coi:

Lúc Pháp chưa trở lại chiếm Sài Gòn, ngày 09-09-1945 người của Trần Văn Giàu là Lý Huê Vinh thuộc Quốc gia Tự vệ Cuộc, đã bao vây trụ sở Việt Nam Độc lập Vận động Hội để bắt Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo, Huỳnh Phú Sổ ở biệt thự đường Miche (tức Đường Phùng Khắc Khoan). Ông Huỳnh Phú Sổ đã thoát, nhờ sang được một nhà bên cạnh.

 Quốc gia Tự vệ Cuộc với sự trợ giúp của Mai Văn Bộ, đã dàn cảnh để bêu xấu Ông Huỳnh Phú Sổ bằng cách ngụy tạo chưng bày một rương đầy hình ảnh phụ nữ khỏa thân mà họ phao vu là đã bắt gặp trong khi lục soát nhà.

Trong đêm 23 tháng 9 năm 1945, ngày lịch sử mở màn cuộc Kháng chiến Cách mạng Mùa Thu ở Nam bộ, người bị giết đầu tiên, thây phơi trên đường Albert 1er (Đường Đinh Tiên Hoàng) là ông Lê Văn Vững, bí thư vùng Sài Gòn-Chợ Lớn của nhóm Tranh Đấu và cũng là người phụ trách phát hành lại báo Tranh Đấu. Như vậy người Việt Nam đầu tiên đã bỏ mình trong cuộc Kháng chiến chống Pháp không do thực dân giết mà lại do Tự vệ Cuộc miền Nam thanh toán…

Vài ngày sau 23 tháng 09, 1945 nhà giáo Nguyễn Thi Lợi phụ trách báo Tranh Đấu cũng bị thủ tiêu ở Cần Giuộc, Chợ Lớn. Cuộc khủng bố trắng, săn bắt, ám sát các nhân sĩ  ái quốc có uy tín nhưng không thuộc Đảng Cộng sản từ đó đã xảy ra hằng ngày, bắt đầu từ Bùi Quang Chiêu đến Hồ Văn Ngà, Trần Quang Vinh, Luật sư  Hồ Vĩnh Ký và vợ là Bác sĩ Nguyễn Thị Sương (nguyên Thủ lãnh Phụ Nữ Tiền Phong) v.v...

Đối với bọn tay sai Mỹ/Ngụy, bán nước cầu vinh thì Đảng còn mạnh tay hơn nữa. Báo Dân Việt, số ra hôm 30 tháng 4 năm 2011, có bài viết (“Tôi Ám Sát Người Sắp Làm Thủ Tướng Sài Gòn”) của chiến sĩ đặc công Vũ Quang Hùng. Xin trích dẫn đôi đoạn:  

Trưa 10.11.1971. Một tiếng nổ long trời tại ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản khiến ông Nguyễn Văn Bông - Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, người chuẩn bị nắm chức thủ tướng (ngụy) chết tại chỗ...

Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam - Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Định): “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch.

amsat nguyenvanbong
Ảnh: Blog Sự Đời

Giáo sư Nguyễn Văn Bông không phải là người “trí thức có uy tín” đầu tiên, hay duy nhất, bị cách mạng ... trừ khử bằng chất nổ và lựu đạn. Hai năm trước đó, G.S.  Lê Minh Trí cũng bị giết chết theo cùng một cách.

Bộ Trưởng Giáo Dục Lê Minh Trí bị ám sát năm 1969. Ảnh: Minh Đức

Cách ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông và Lê Minh Trí, tuy thế, “văn minh” hơn thấy rõ nếu so với kiểu “trừ khử” học giả Phạm Quỳnh – theo lời kể của ông Phạm Tuân:

“Thầy tôi bị giết trước, bị đánh vào đầu bằng xẻng, cuốc, sau đó còn bị bắn bồi thêm 3 phát đạn… Cụ Khôi cũng bị bắn 3 phát… ông Huân hoảng sợ, vùng chạy thì bị bắt lại và bị bắn một phát ngay vào đầu… Cả 3 thi hài bị xô xuống mương rồi vội vàng lấp đất.”

Cuối bài tiểu luận (Những Cái Chết Tức Tưởi Của Nhà Văn, Chuyện Bây Giờ Mới Kể) nhà nghiên cứu văn học Thái Doãn Hiểu hạ bút:

 “Những người bị giết đều là những tinh hoa, là  danh sĩ đạo cao đức trọng, yêu nước thương dân, có thành tựu văn hóa sáng giá cống hiến cho nền văn hiến nước nhà. Họ chết mỗi người mỗi cách đau xót và hàm oan: Nhà văn Lan Khai bị xô xuống vực, văn hào Ngô Tất Tố bị bức cho treo cổ tự vẫn, Khái Hưng bị bỏ rọ trắn sông, Phạm Quỳnh đối thủ  đáng gờm của thực dân Pháp bị xử tử, Tạ Thu Thâu nhà yêu nước lớn bị tử bắn; nàng thơ  nữ sĩ Thu Hồng bị bắn lén từ sau lưng; Nhượng Tống dịch giả tài hoa số 1 bị ám sát; Dương Quảng Hàm vị giáo sư đáng kính ra khỏi nhà đi  mãi không về; vị bồ tát Thiếu Chửu bị bức hại nhảy xuống sông tự tận...”

Tính gồm luôn mạng sống của những thường dân vô tội bị xử tử trong Cải Cách Ruộng Đất (ở miền Bắc) Chiến Cuộc Mậu (ở miền Trung) và vô số viên chức xã ấp bị lôi ra khỏi nhà bắn chết giữa đêm (ở miền Nam) thì con số nạn nhân của cách mạng dám lên tới hàng triệu mạng. Thay vì bàn thảo về Dự Luật Cảnh Vệ, nếu Quốc Hội khoá XIV khai mạc phiên họp đầu tiên bằng dự luật phục hồi danh dự cho những nạn nhân kể trên thì chắc chắn thím Ngân sẽ để lại một dấu ấn tốt đẹp hơn trong lòng người.

Nói qua nói lại gì chăng nữa thì chuyện cũng dĩ lỡ hết trơn rồi.  Chủ Tịch Quốc Hội cùng các bạn đồng viện, nói nào ngay, cũng đã làm việc hết sức mình theo cái tâm và cái tầm của họ.

Chúng ta không nên khắt khe và kỳ vọng nhiều quá vào một cơ quan lập pháp mà nhà nước hiện hành chỉ đặt ra để làm kiểng, ngó cho nó đẹp mắt thôi. Mà đã nói đến cái đẹp thì nhan sắc của phụ nữa là điều rất đáng quan tâm, mọi thứ khác đều là chuyện nhỏ và là đồ bỏ!