main billboard

Gần như toàn bộ các nhà thầu Trung Quốc không thực hiện đúng hợp đồng. Các nhà thầu Trung Quốc sử dụng công nghệ, thiết bị của Trung Quốc nên chất lượng của các công trình do họ thực hiện tại Việt Nam rất tệ.


duan duongsat hanoi
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội-Cát Linh do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. (Hình: Getty Images)

HÀ NỘI (NV) – Cuối cùng thì Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư của Việt Nam vẫn đề nghị thủ tướng Việt Nam chỉ đạo Bộ Tài Chính đàm phán với Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng Trung Quốc về việc vay 304.6 triệu Mỹ kim.

Cách nay vài ngày, Bộ Giao Thông-Vận Tải và Bộ Tài Chính Việt Nam từng tranh luận về chuyện có nên vay Trung Quốc khoản tiền vừa kể để thực hiện đường cao tốc Hạ Long-Vân Ðồn-Móng Cái hay không.

Trong khi Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam cho rằng, nên chấp thuận đề nghị cho vay của Trung Quốc vì cao tốc Hạ Long-Vân Ðồn-Móng Cái là một dự án quan trọng việc mở rộng giao thương với Trung Quốc, góp phần phát triển kinh tế khu vực Ðông Bắc, mặt khác đoạn từ Hạ Long đến Vân Ðồn sẽ hoàn tất vào năm tới nên cần vay để làm thêm đoạn từ Vân Ðồn tới Móng Cái thì Bộ Tài Chính Việt Nam khuyến cáo phải thận trọng.

Theo các viên chức Bộ Tài Chính Việt Nam thì dù khoản tiền mà Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng Trung Quốc đề nghị cho vay thuộc loại có ưu đãi song do kèm nhiều ràng buộc như phải sử dụng nhà thầu, công nghệ, thiết bị của Trung Quốc nên rủi ro không nhỏ chút nào.

Bộ Tài Chính Việt Nam nhấn mạnh, cao tốc Hạ Long-Vân Ðồn-Móng Cái là dự án đầu tư để phát triển, có thể thu phí cầu đường ngay sau khi hoàn tất do đó cần gia tăng nỗ lực tìm các nguồn vốn khác. Chỉ như vậy mới vừa bảo đảm được chất lượng công trình, vừa có thể tránh những rủi ro thường gặp từ phía nhà thầu, công nghệ Trung Quốc.

Cần nhắc lại rằng, theo một thống kê công bố hồi năm 2010 thì tính đến cuối năm 2009, các nhà thầu Trung Quốc nắm giữ quyền thi công số dự án có tổng giá trị lên tới 15.4 tỉ Mỹ kim tại Việt Nam. Cũng vì vậy, Việt Nam trở thành thị trường xây dựng lớn nhất của Trung Quốc ở Ðông Nam Á. Gần như toàn bộ các công ty xây dựng tại Việt Nam trở thành người làm thuê cho nhà thầu Trung Quốc ngay trên xứ sở của mình.

Ðến năm 2011, Ủy Ban Tài Chính và Ngân Sách của Quốc Hội Việt Nam công bố một thống kê nữa, theo đó, các nhà thầu Trung Quốc nắm giữ tới 90% dự án tổng thầu EPC, vốn có giá trị nhiều tỷ đô la trong các lĩnh vực dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim.

Thực trạng đó kéo theo nhiều hậu quả tai hại: Gần như toàn bộ các nhà thầu Trung Quốc không thực hiện đúng hợp đồng. Các nhà thầu Trung Quốc sử dụng công nghệ, thiết bị của Trung Quốc nên chất lượng của các công trình do họ thực hiện tại Việt Nam rất tệ. Các nhà thầu Trung Quốc chỉ sử dụng công nhân Trung Quốc nên người Trung Quốc tràn ngập lãnh thổ Việt Nam, tuy có nhiều công trình được thực hiện ngay tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt Nam và công nhân Việt Nam không có việc làm.

Người ta từng tin việc hào phóng giao các dự án cho nhà thầu Trung Quốc và đối xử dễ dãi với nhà thầu Trung Quốc là vì yếu tố chính trị, tuy nhiên càng ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, thực trạng đó đơn thuần chỉ vì việc đòi tiền “lại quả” dễ dàng hơn, việc nhận tiền “lại quả” an toàn hơn. Chắc chắn chính quyền Trung Quốc sẽ không điều tra các công ty Trung Quốc đưa hối lộ cho viên chức Việt Nam như Nhật hoặc chính quyền nhiều quốc gia khác đã làm.

Chưa rõ cuộc thảo luận giữa các bộ hữu quan của Việt Nam thế nào nhưng tin mới nhất liên quan đến việc vay tiền thực hiện cao tốc Hạ Long-Vân Ðồn-Móng Cái là Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư cho rằng không nên gạt bỏ đề nghị cho vay của Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng Trung Quốc nhưng Bộ Tài Chính Việt Nam phải thuyết phục ngân hàng này loại bỏ yêu cầu Việt Nam phải giao cho công ty Trung Quốc làm tổng thầu.

Dường như bối cảnh hiện nay (bội chi, các khoản vay ngoại quốc không dễ được ưu đãi như trước, phát hành trái phiếu trung han và dài hạn càng lúc càng khó) đang đẩy chính quyền Việt Nam đến chỗ, dẫu biết nhiều hiểm nguy vẫn phải “nhắm mắt đưa chân.” (G.Ð)