main billboard

Tình cảnh của chúng ta bi đát như thế, mà bọn lãnh đạo ở Hà Nội vẫn chưa một lần lên tiếng để tìm cách cứu lấy anh chị em nhà cá chúng ta.


cachet 2
Các anh chị em cá của tôi ơi:

Tôi vừa từ Vũng Áng trở về, chưa hoàn hồn, nhưng vẫn cố viết lá thư này gửi các anh chị em. Tôi vừa dại dột lại vừa liều lĩnh một mình làm một chuyến bơi vào vùng biển mà báo chí nói là cả mấy triệu anh chị em cá của chúng ta từ đầu Tháng Tư đã bỏ mạng một cách bi thảm ở các vùng biển thuộc bốn tỉnh miền trung Việt Nam. Lúc đầu khi nghe tin này, tôi không tin, tưởng đó là chuyện đùa hơi độc ác, trò cá Tháng Tư (poisson d'Avril) của loài người nên muốn tìm hiểu hư thực thế nào.

Tôi tách đàn bơi về Vũng Áng nơi tin tức nói là anh chị em cá chúng ta chết nhiều nhất xem sao. Dọc đường tôi gặp một đoàn các anh chị cá heo bơi trở ra. Các anh chị ra hiệu cho tôi quay đầu lại, bơi ra biển nhưng tôi không nghe vì cái tính ương ngạnh vốn dĩ của tôi. Tôi bơi tiếp mặc dù các anh chị cá heo la lớn rằng đã có mấy anh chị bỏ mạng, xác tấp lên bờ được dân chúng chôn cất trên bãi biển. Không những chỉ các anh chị cá heo bảo tôi quay đầu bơi trở lại ra biển, mà cả các anh chị cá khác, như mú, tuna, cá thu, cá hồng, cá đuôi vàng... cũng nói với tôi như thế.

Gần đến Vũng Áng, tôi bắt đầu thấy vài ba dấu hiệu bất ổn. Nhiều đàn anh chị em thuộc các giống cá khác hình như đều có vẻ lừ đừ, uể oải khác thường, tuy vẫn bơi, nhưng không còn tung tăng như thường ngày mà có vẻ mỏi mệt thấy rõ. Tôi chặn hỏi một vài anh chị thì chỉ được đáp lại bằng những cái lắc đầu, không nói một lời nào. Tôi đoán chừng họ không muốn tôi bơi tiếp vào khu mà họ vừa rời bỏ. Điều đó càng làm tôi muốn đi tiếp để tới Vũng Áng.

Rồi tôi bỗng cảm thấy choáng váng, hơi khó thở. Tôi trồi lên mặt nước, hớp lấy không khí thì thấy đỡ ngay. Tôi lại bơi tiếp, nhưng không thở bằng go nữa. Tôi cứ làm như thế, chỉ hớp không khí khi ngoi lên trên mặt biển chứ không thở dưới nước nữa. Gần tới Vũng Áng, tôi thấy anh chị em chúng ta chết, lúc đầu ít rồi càng lúc càng nhiều. Không phải là vài ba, không phải mấy chục, mấy trăm mà phải là hàng ngàn, hàng nhiều ngàn, rồi hàng trăm ngàn. Mà đó chỉ mới là các anh chị em chết dưới biển. Số bị thủy triều tấp lên bờ còn nhiều hơn thế nữa. Tôi bơi tiếp, dưới xác cả ngàn anh chị em cá đã chết nổi lều bều ở trên, thỉnh thoảng ngoi lên để thở. Càng vào gần bờ, số anh chị em cá chết càng nhiều. Tôi nghĩ riêng khu gần Vũng Áng cũng phải vài trăm ngàn hay cả triệu anh chị em cá chết.

Tôi thấy khó thở hơn. Tôi phải ngoi lên khỏi mặt nước để thở nhiều hơn. Tôi cũng cảm thấy ngứa ngáy sau làn vẩy, có lúc thấy như vẩy tróc hết ra đến nơi. Quanh tôi, trước sau, trên đầu toàn là xác anh chị em nhà cá chúng ta. Một sự im lặng rợn mình. Không còn tiếng quẫy quen thuộc nữa. Chỉ còn hàng ngàn anh chị em cá nằm nghiêng hay ngửa bụng lên trời, một số rất ít mang còn ngáp ngáp. Tôi bắt đầu thấy sợ. Số lần tôi phải ngoi lên hớp không khí gia tăng nhiều hơn nhưng tôi vẫn bơi tiếp xem thế nào.

Và bỗng tôi hiểu. Tôi thấy một đường ống phun xối xả một chất lỏng có mầu vàng hòa vào nước biển của chúng ta. Cái đường ống ấy khá lớn, đường kính phải khoảng một mét rưỡi, chôn ngầm dưới đáy biển chạy từ bờ ra tới chừng gần 2 kilômét. Ở đó, đường ống có 3 lỗ thoát cho các chất thải chẩy thẳng vào nước biển. Mắt tôi không nhìn thấy gì nữa, lượng không khí tôi vừa hớp được trước đó vài giây không còn trong phổi nữa. Tôi vùng vẫy cố ngoi lên mặt biển hớp vội lấy chút không khí và lặn xuống thêm một lần nữa để xem kỹ lại cái đường ống rất lớn mà các anh chị em cá khác nói là chạy từ cái nhà máy thép trên bờ thẳng ra biển. Như vậy là đúng như lời trối trăn của cả ngàn anh chị em đủ mọi loại cá để lại cho chúng ta trước khi chết lềnh bềnh rồi giạt vào bờ đang phân hủy thối rữa trên các bãi biển từ Nghệ Tĩnh qua Quảng Bình, Quảng Trị vào tới tận Thừa Thiên.

Tôi ngoi lên hớp thêm một chút không khí rồi lặn xuống, bơi tới sát cái đường ống thêm một lần nữa. Tôi thấy trên một đoạn đường ống có những chữ mà tôi đọc không được. Nhưng may quá, khi bơi sát một khúc đường ống khác, tôi thấy hàng chữ Made in China. Thôi thế là đúng rồi. Bọn khốn nạn từng đánh bắt chúng ta ở quanh vùng Hoàng Sa và Trường Sa lại vào tận đất liền để đầu độc chúng ta, không cho ngư dân Việt Nam mà chúng ta đã nuôi họ từ bao nhiêu năm nay được chúng ta giúp đỡ nữa.

Tôi bơi thêm một vòng cuối rồi quay đầu bơi ra biển. Vừa bơi vừa nín thở, ngoi lên hớp không khí cho đến khi ra khỏi được vùng biển chết đó thì lại phải tránh những đoàn tàu “lạ” khốn nạn phục kích chờ đánh bắt chúng ta ở những vùng hải phận chính ra là của Việt Nam. Tôi bơi một mạch suốt hai ngày mới tới được Nha Trang và cố gắng viết lá thư này cho các bạn để cảnh cáo các bạn tạm tránh xa vùng biển thuộc bốn tỉnh của Việt Nam nếu chúng ta còn muốn giúp các ngư dân Việt Nam, những người anh em của chúng ta chia tay nhau từ thuở Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ một nửa lên non một nửa xuống biển.

Các bạn cá của tôi ơi!

Tình cảnh của chúng ta bi đát như thế, mà bọn lãnh đạo ở Hà Nội vẫn chưa một lần lên tiếng để tìm cách cứu lấy anh chị em nhà cá chúng ta. Chúng nó biến thành hến hết. Chúng nó câm mồm nín khe ở Hà Nội trong khi các anh chị em nghêu sò ở miền Trung cũng đang chết tức tưởi. Riêng ở Hà Tĩnh (Kỳ Phương, Kỳ Anh) đã có hơn 60 tấn ngao trắng chết đầy biển. Trong khi đó, bọn lãnh đạo vẫn làm hến cho mãi đến tận ngày hôm nay, sau khi anh chị em cá chúng ta chết hàng triệu tấn.

Nhà cầm quyền không lên tiếng một lân nhưng lại để mặc cho một tên cắc ké Chu Xuân Phàm làm việc cho công ty Formosa, công ty đang diều hành và khai thác một nhà máy ở Vũng Áng nói với người dân đang đối đầu với thảm họa là phải lựa chọn hoặc có nhà máy hoặc có cá mà ăn!

Chao ôi sao lại có một câu phát ngôn hỗn hào coi thường đất nước và con người Việt Nam nặng nề đến như thế. Rốt cuộc chỉ nghe thấy những tiếng gào thét, nguyền rủa phẫn nộ của người dân trong khi bọn hến vẫn thủ khẩu như bình.

Thằng cắc ké Chu Xuân Phàm của Formosa còn đưa ra một giải thích ngu xuẩn khác, theo đó, anh chị em cá chúng ta chết ở các vùng biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên là vì người dân Việt Nam tắm biển không chịu chạy lên bờ đái mà đái ngay dưới biển nên họ hàng nhà cá chúng ta mới chết như thế.

Đúng là ăn nói tào lao xịt bộp. Thằng này liền bị Formosa cho nghỉ việc để tìm cách làm dịu bớt sự bực bội của người Việt. Bọn Formosa lên tiếng xin lỗi một cách bâng quơ (về câu nói của Chu Xuân Phàm) nhưng không đả động gì tới việc thải chất độc xuống biển ở Vũng Áng.

Mãi mấy hôm sau, bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Sinh mới tổ chức họp báo về vấn đề này để đọc một bản phát biểu ngắn vỏn vẹn 10 phút, không trả lời một câu hỏi nào của nhà báo và bỏ chạy như một thằng ăn cắp.

Trong khi đó, anh chị em nhà cá chúng ta vẫn tiếp tục chết, xác thối rữa trên bờ biển. Ngư dân Việt Nam bỗng nhiên mất hẳn cách kiếm ăn: Cái ... cân câu cá không câu được cá nữa. Có câu được mang ra chợ cũng không ai dám mua. Khoảng mấy chục ngàn gia đình ngư dân làm sao sống đây.

Một thằng ngu khác, Đặng Ngọc Sơn, phó chủ tịch ủy ban nhân dân Hà Tĩnh thì kêu gọi mọi người cứ yên tâm ăn cá ở Vũng Áng và tắm biển như thường. Nhưng khi bị báo chí hỏi là bao giờ đi tắm biển thì nó nói là chưa có lịch. Tôi muốn nói thẳng với nó rằng tắm biển đâu có gì là khó: cởi quần áo ra, chạy xuống nước, đứng xớ rớ ở đó, một phút thôi là đủ, rồi lên bờ, ăn một em cá rô biển chiên dòn coi... Vậy mà không dám làm. Đúng là ác với dân, hèn với... cá.

Đáng lẽ chúng nó phải đóng cửa cái nhà máy, kiểm nghiệm nước biển, xác định nguyên do làm chết anh chị em cá chúng ta, nếu thấy Formosa có lỗi thì truy tố cả lũ nhà chúng nó, trừng phạt nặng, bắt chúng nó bồi thường thiệt hại cho các ngư dân, làm sạch vùng biển bị ô nhiễm và cấm các công ty từng tạo nguy cơ cho môi trường hoạt động tại Việt Nam.

Nhưng rồi ai sẽ đớp tiền hối lộ cho bọn đầu sỏ ở nước Việt Nam khốn khổ này đây?

Chuyện Vũng Áng đau lòng lắm anh chị em cá ơi. Các anh chị em cẩn thận giữ mình nhé, để còn giúp cho người dân Việt tội nghiệp.