Nhiều khi tôi không hiểu nổi được Phạm Duy!

Người xưa có câu “Cái quan luận định” là khi người chết, đậy nắp quan tài rồi thì lời khen chê, luận công tội mới chính xác, nhưng cũng có câu “nghĩa tử là nghĩa tận” chết là hết, mọi sự thù hận nên bỏ qua, tương tự như một thành ngữ Pháp: “Laissez les morts tranquille” là hãy để yên người đã chết, nghĩa là không nói đến nữa!

banhopca thanglongGia đình Ban Hợp Ca Thăng Long. Từ trái sang phải (hàng sau): Phạm Duy, Hoài Bắc, Hoài Trung; (Hàng trước): Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh.

Ðối với người Việt ly hương, Nguyễn Cao Kỳ và Phạm Duy là những tên tuổi lớn của Việt Nam, nói cho đúng là miền Nam một thời loạn ly, đều là những người Việt từ miền Bắc di cư vào Nam, vui buồn trong một đất nước chiến tranh, lại một lần nữa bỏ nước ra đi trong một lúc đau đớn tột cùng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhưng cuối cùng cả hai lại trở về chốn cũ, kiểu “nếu đi hết biển” thì trở lại ngôi làng xưa như luận điệu và cách nói của Trần Văn Thủy.

Dư luận đã không hề để cho hai ông này yên nghỉ sau khi nằm xuống. Những quân nhân đã sống chết dưới cờ để cho vị tướng nắm giữ vận nước, đã bất bình khi thấy ông phản bội lại họ. Phạm Duy lớn hơn tất cả các lãnh tụ chính trị một thời, nhạc của ông là mãi mãi, nhạc của ông “khóc cười theo vận nước nổi trôi” cũng như mảnh đời của hàng triệu người bỏ quê hương xứ sở lánh nạn cộng sản vào Nam, qua những ngày chiến tranh bom đạn hay thanh bình. Ai là người lính chiến mà không rung cảm thiết tha cùng buồn với Phạm Duy trong hình ảnh “anh trở về, bại tướng cụt chân” hay “anh trở về chống nạng cày bừa!” Tuổi Sài Gòn mới lớn ai mà không nhớ “con đường Duy Tân, cây dài bóng mát,” có ai mà không một thuở theo ai đó trên con đường: “Em tan trường về...” Họ yêu Phạm Duy đến mức nào, những danh xưng “đại thụ” hay “cổ thụ” chỉ mô tả phần xác, nhưng phần hồn còn cao đẹp, lớn lao biết chừng nào. Người Việt tị nạn cũng như Phạm Duy cùng là bầy chim bỏ xứ, cùng chung cái nỗi niềm đau đớn đánh mất quê hương. Thế mà thần tượng của họ một sớm một chiều xử sự như một cánh chim đơn lẻ, bỏ bầy để trở lại chốn xưa một mình, gây nỗi bất bình lớn cho thiên hạ.

Ở cái đất nước nhỏ bé này, sau năm 1954, miền Bắc hầu như đã quên hẳn Phạm Duy hay nhà nước đã không muốn người ta nhớ đến Phạm Duy, vì lý do chính trị, nhạc của ông bị cấm hoàn toàn tại miền Bắc Việt Nam sau 1954, và toàn Việt Nam sau 1975, nhưng ở miền Nam, nhạc Phạm Duy đến với mọi nhà, đó là thời gian Phạm Duy là ngôi sao sáng trong nền âm nhạc tự do của miền Nam.

Phạm Duy là khuôn mặt của công chúng, có yêu thì có ghét, hay vì quá yêu nên quá ghét, là thần tượng, khi thần tượng sụp đổ, thì người hâm mộ thất vọng, tưởng có thể tự sát hay chết theo thần tượng. Cũng có khi vì quá yêu, người ta sẵn sàng giết chết thần tượng của mình để giữ độc tôn sở hữu, hay như Chapman, người đã bắn vào ca sĩ nhạc Rock John Lennon 5 phát súng, đã khai rằng hắn muốn giết John Lennon để được nổi tiếng. Số người tự tử sau cái chết của Michael Jackson ước tính đã lên tới 12 người.

Cho nên, chúng ta không lấy làm lạ, chỉ sau khi nghe tin Phạm Duy qua đời, hàng trăm bài viết trên báo chí và trên “lưới” đã tung lời ca tụng ông hay nặng lời chê trách. Ðó là số phận của những người nổi tiếng trên thế giới.

Phạm Duy cũng là thần tượng của tôi. Năm 1951, khi Phạm Duy “Dinh tê” cũng như những thiếu niên mới lớn lên thời đó, tôi đã mê những bài nhạc kháng chiến như Bà Mẹ Gio Linh, Nương Chiều, Về Miền Trung... được phổ biến rộng rãi trong vùng đất tự do. Tôi cũng đã từng ngồi nắn nót chép lại một bài thơ nói là của một “bà mẹ” nào đó ở “bên tê” viết cho Phạm Duy khi ông trở về thành. Ở miền Nam tôi thích nghe những bài thơ phổ nhạc của ông, đã đưa nhiều thi sĩ trở thành tên tuổi, ra khỏi địa hạt của thi ca, “bên ni” như Nguyễn Tất nhiên, Phạm Thiên Thư, Lê Thị Ý, Linh Phương, Cung Trầm Tưởng, Phạm Văn Bình... hay “bên tê” như Huy Cận, Hữu Loan, Lưu Trọng Lư, Hoàng Cầm, Thế Lữ...

Sau cái tháng 4 oan nghiệt, khi đi tù, bị đưa ra Việt Bắc, không buổi chiều nào, trên đường thất thểu về trại, mà không liên tưởng đến lời nhạc của Phạm Duy “trâu bò về dục mõ xa xôi, hỡi chiều!” Hồi niên thiếu nghe câu hát này, tôi cứ ngỡ là vào buổi chiều, người ta đánh mõ để gọi trâu về, có ngờ đâu, ở Việt Bắc, người ta đeo mõ vào cổ trâu để theo dõi bước đi của đàn trâu, vì khi trâu gặm cỏ, tạo nên tiếng mõ lốc cốc.

Vậy thì tôi cũng có quyền phát biểu dăm câu về con người mà tôi đã yêu mến từ tuổi ấu thơ cho đến lúc biết yêu và trưởng thành, tù tội và... lưu vong.

Theo tôi, trong Phạm Duy có hai con người đối chọi, khác biệt và mâu thuẫn nhau mà một người bình thường như tôi hay các bạn không có được, hay không làm được, như giữa trắng và đen, cao thượng và thấp hèn, đẹp đẽ và xấu xa...

Nhiều khi tôi không hiểu nổi được Phạm Duy! Khi ông rời bỏ cộng sản, trong không khí tự do, mọi ưu đãi đã được dành cho người nghệ sĩ có tài, năm 1953, sau khi vào Nam, ông được đi Pháp học dự thính hai năm về âm nhạc, được cử đi Phi Luật Tân, Nhật Bản, Thái Lan để giới thiệu văn nghệ Việt Nam, và được Hoa Kỳ mời sang thăm viếng năm 1966, bốn năm sau ông lại có dịp đi Mỹ với tư cách là cố vấn cho Bộ Thông Tin VNCH.

Những năm 1967-1968, khi người Mỹ tham chiến đông nhất ở Việt Nam, hàng loạt ban nhạc lấy tên tiếng Anh ra đời trong đó có “The Dreamers” của các con Phạm Duy, đây cũng là thời gian băng cassette thịnh hành, giúp ông và gia đình trở nên giàu có.

Ra hải ngoại, Phạm Duy vĩ đại và tự do như cánh chim bằng đã đi nhiều nơi trên thế giới, tự do ca hát... vậy mà ở tuổi 85, ông lại muốn về nước, nộp đơn xin “Nhà nước Việt Nam” cho phép phổ biến 9 ca khúc cũ của ông vốn thịnh hành và phổ biến ở miền Nam, trong đó có 5 ca khúc viết trong “thời gian dân tộc kháng chiến chống Pháp”(!) và 4 bài thơ phổ nhạc, trong đó có tác giả ba bài thơ là người của đảng: Xuân Diệu, Huy Cận và Hữu Loan, nhưng không hề được nhà nước đoái hoài. Thậm chí cho đến 7 năm sau, trước lúc sắp chết, Phạm Duy còn nói: “Tôi là Phạm Duy, nhạc sĩ đã được hồi tịch và cư ngụ tại 349/126 đường Lê Ðại Hành, phường 13, quận 11, TP. Hồ Chí Minh, thực tế đã là một công dân Việt Nam từ năm 2005... Tôi nghĩ rằng tôi có quyền nuôi một nguyện vọng đóng góp vào sinh hoạt âm nhạc trong nước bằng một ca khúc có tính chất xưng tụng nước ta nhan đề ‘Việt Nam, Việt Nam’ sáng tác từ 1960, rút trong trường ca Mẹ Việt Nam là một tổ khúc kêu gọi sự đoàn kết dân tộc dưới bóng Mẹ Tổ Quốc thiêng liêng và độ lượng. Sau đây là ca khúc đó. Tôi mong có ngày ca khúc này được phép phổ biến (kèm theo là một CD với hai bản hợp ca hát bài Việt Nam, Việt Nam!).” Khó mà chịu được thái độ này!

Tác giả những câu thơ mượt mà, “Tìm nhau trong hoa nở/ Tìm nhau trong cơn gió/ Tìm trong câu thơ cổ/ Tìm qua tranh Tố Nữ/ Tìm nhau trong thống khổ/ Tìm nghe câu than thở!” lại là tác giả của những câu “tục tĩu”: “Nhìn lồn”, “Cầm cặc!” Phải chăng trong thế gian, “có tài thì có tật!”

Phạm Duy từ Việt Bắc về Hà Nội không cần phải xin phép nơi đến. Ông từ Bắc di cư vào Nam không cần lệnh lạc của ai. Ông đến Mỹ không cần ai cấp visa. Vậy mà ông phải cậy cục, nhờ vả, vận động khi muốn trở lại Việt Nam. Hình ảnh thần tượng tân nhạc Việt Nam khoe cái CMND và miếng giấy “hộ khẩu” làm cho người ta, những người thương yêu ông, điên tiết.

Ông danh giá, cao sang, vĩ đại và bất diệt hơn mọi thứ ấy.

Ông đã từng phổ lời thơ “làm sao giết được người trong mộng...”

Ðã hơn nửa thế kỷ trôi qua, chúng tôi đã cùng ông “cười khóc theo mệnh nước nổi trôi,” giờ đây vận nước đang còn trôi nổi, không biết mất còn ra sao, ông không còn khóc cười, buồn vui với chúng tôi nữa.

Nhưng Phạm Duy là vậy; vĩ đại một bên, và đời thường, thậm chí tầm thường, một bên.

Thôi, “còn một chút gì để nhớ để quên!” Có thương thì có ghét!

Xin vĩnh biệt ông!