Bên Cộng Hòa chưa ứng cử viên nào có khả năng đánh bại ông tỷ phú Trump, bên Dân Chủ bà Clinton coi như chắc chắn sẽ là người đại diện cho đảng để tranh cử tổng thống.


Chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày Super Tuesday 2016? Câu trả lời đúng nhất: Cánh cửa thành công của ông Donald Trump (Cộng Hòa) đang mở rộng, đường dẫn đến chiến thắng của ông Bernie Sanders (Dân Chủ) ngày một hẹp dần.

trump co
(Hình minh họa: Scott Olson/Getty Images)

Hai mươi bốn giờ đồng hồ trước khi các cuộc bỏ phiếu bầu sơ bộ diễn ra ở hàng chục tiểu bang và vùng lãnh thổ, truyền thông Hoa Kỳ đồng loạt đưa ra những dự đoán giống nhau: Bên Cộng Hòa chưa ứng cử viên nào có khả năng đánh bại ông tỷ phú Trump, bên Dân Chủ bà Clinton coi như chắc chắn sẽ là người đại diện cho đảng để tranh cử tổng thống. Lý do: Cả ông Trump lẫn bà Clinton đều được dự đoán sẽ thắng lớn, tiếp tục giữ vị trí ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua ngày một trở nên sôi nổi hơn trước.

Trước hết, hãy nói về phía đảng Dân Chủ.

Sau chiến thắng mới đạt được ở South Carolina hôm Thứ Bảy vừa qua, “người ta thấy rõ bà Clinton được mọi thành phần cử tri ủng hộ,” theo trình bày của nhà phân tích Matthew Owen từng giữ vai trò đặc trách chính trị trong Ủy Ban Tranh Cử của Cựu Phó Tổng Thống Al Gore. “Thượng Nghị Sĩ Sanders hơn bà Clinton ở sự ủng hộ của lực lượng cử tri trẻ tuổi, nhưng bà Cựu Ngoại Trưởng lại dẫn trước (ông Sanders) ở những thành phần còn lại.” Nếu nhìn vào những cuộc thăm dò, ông Owen nói tiếp, “Khối cử tri phụ nữ, khối cử tri da đen và lực lượng thiểu số Hispanic là những tập thể giúp bà Clinton ở South Carolina cũng như ở Nevada cách đây 2 tuần lễ đồng thời không có dấu hiệu họ sẽ bỏ bà Clinton.” Vì thế khi nói đến Super Tuesday và lực lượng cử tri những tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ, “Chuyện bà Clinton sẽ thắng lớn là điều ai ai cũng có thể đoán trước, chỉ không rõ khi nào ông Sanders sẽ loan báo rời cuộc đua thôi.” Về thắc mắc này, Ủy Ban Tranh Cử của ông Sanders nói rất rõ: “Sẽ đi đến cùng, không có chuyện bỏ cuộc giữa đường.”

Ngay chính những nhà báo được cử quan sát, đưa tin bầu cử cũng đoán như thế. Một nhà báo đang viết cho tờ The New York Times nói rằng, “Khi ông Sanders không xuất hiện ở South Carolina, mọi người biết ngay ông Thượng Nghị Sĩ chấp nhận buông tiểu bang này để mở các cuộc vận động ở vùng Tây Nam, nơi ông có hy vọng thành công.” Trên đài truyền hình CNN, nhà báo Dana Bash cũng đưa ra nhận xét tương tự, cho hay ông Sanders có nhiều cơ hội thắng ở Texas, ở Colorado, nhưng “gặp khó khăn ở những tiểu bang quan trọng khác như Alabama, Arkansas, Georgia, Tennessee và Virginia.” Nhà báo này còn cho rằng thành công ở Super Tuesday “không có nghĩa bà Clinton chắc chắn sẽ đại diện cho đảng Dân Chủ, nhưng có nghĩa là ông Sanders sẽ gặp thêm khó khăn.” Khó đến mức nào? “Rất khó,” nhà báo Stephanie Condon của CBS News trả lời, “Bà Clinton hiện đang dẫn đầu số đại biểu, lại được sự ủng hộ mạnh mẽ của tập thể siêu đại biểu (super delagates), nếu bà thành công ở Super Tuesday, ông Sanders sẽ khó đuổi kịp.”

Bên Cộng Hòa thì sao?

Hiện còn tới 5 ứng cử viên nhưng mọi chú ý đều được dành cho các ông Trump. Marco Rubio và Ted Cruz, hầu như không mấy ai để ý đến 2 người còn lại là ông John Kasich và Ben Carson. Tháng Bảy năm ngoái, ông Carson dẫn đâu một vài cuộc thăm dò cử tri Cộng Hòa, nhưng bây giờ vẫn đứng cuối bảng và có lẽ sẽ rời cuộc đua sau Super Tuesday, tức sau ngày mùng 1 Tháng Ba tới đây. Ông Kasich cũng được dự đoán sẽ không tiếp tục cuộc vận động nếu 2 tuần sau đó không thắng ở tiểu bang nhà Ohio.

Trong những ngày cuối tuần vừa rồi, cả 2 ông Rubio và Cruz liên tục mở những cuộc tấn công chính trị nhắm vào ông Trump với mục đích cho cử tri Cộng Hòa thấy hình ảnh của một người đang dẫn đầu cuộc đua nhưng không xứng đáng để lãnh đạo quốc gia. Thượng Nghị Sĩ Cruz gọi ông Trump là người “chỉ thích dọa kiện người khác” thách thức ông Trump công bố hồ sơ thuế cá nhân để mọi người biết số tài sản “ông ta đang có là bao nhiêu.” Vẫn theo ông Cruz, “chưa chắc ông Trump đã giầu như ông ta thường nói,” ngụ ý cho rằng nhà tỷ phú xuất thân từ New York là người ưa khoác lác. Ông Rubio cũng dùng những chữ thật nặng để gọi ông Trump, chẳng hạn như “ông ta là một tên lừa đảo” (nguyên văn: “con man”), hay nếu không nhờ tài sản của gia đình thì “giờ này ông ta chỉ là một người bán đồng hồ ở New York.”

Những lời lẽ tấn công nặng nề đó vẫn không đánh bật được ông Trump. Lên tiếng trong một buổi tiếp xúc với cử tri ở Arkansas, ông Trump nói rằng, “Đối thủ của tôi đánh đấm lung tung, chứng tỏ là họ đang trong trạng thái tuyệt vọng.” Ông giải thích thêm ông Cruz vẫn khoe khoang thắng sơ bộ Iowa “nhưng sau đó chẳng thắng thêm ở tiểu bang nào khác. Còn Ông Rubio thì sao? Ông ta cứ nói là ông ta xứng đáng nhất để lãnh đạo nước Mỹ, nếu ông ta giỏi như thế, tại sao vẫn thất bại, tại sao vẫn không được cử tri ủng hộ?”

Ông Trump cũng không quên nhắc lại với cử tri: Tất cả các cuộc thăm dò dẫn về Super Tuesday 2016 “đều giống nhau, số phiếu cử tri ủng hộ tôi gấp đôi hay gần gấp đôi số phiếu họ ủng hộ người khác, vì cử tri biết tôi là người sẽ đưa nước Mỹ đến thịnh vượng, các nước khác phải nể trọng chúng ta, tôi sẽ đem việc làm từ nước khác về cho công nhân Hoa Kỳ, tôi sẽ thực hiện đúng lời hứa xây bức tường dọc biên giới với Mexico, tôi sẽ bắt chính phủ Mexico phải trả chi phí xây bức tường này.”