main billboard

Bất kể mọi người đồn đãi, bàn tán như thế nào, chuyện cuối cùng vẫn là liệu ông có tranh cử vào năm 2016 hay không.

Trưa Thứ Hai vừa rồi ông cười thật tươi.

joe bidenTay cầm ly champagne, ông kể lại câu chuyện ngày đầu tiên đặt chân vào Thượng Viện, “Gặp gỡ biết bao nhiêu người, tất cả đến giờ vẫn là những người bạn thân thiết nhất của tôi.”

Ông kể thêm trong thời gian 36 năm đại diện cho tiểu bang Delaware, “Tôi học được rất nhiều điều, trải qua biết bao nhiêu cuộc tranh luận, có lúc chúng ta đồng ý với nhau, có lúc không, nhưng tình bạn vẫn chẳng sứt mẻ vì tất cả chúng ta đều biết mình đang cùng nhau phục vụ cho quốc gia.” Cũng ông nói “dù bây giờ tôi đang lãnh một nhiệm vụ khác, nhưng tôi vẫn là người của Thượng Viện.” Nhiệm vụ của ông là phó tổng thống và theo Hiến Pháp ông chính là chủ tịch Thượng Viện, trong tòa nhà Quốc Hội Liên Bang có văn phòng riêng dành cho ông, với đầy đủ nhân viên làm việc y hệt như văn phòng của các thượng nghị sĩ khác.

Bài phát biểu ngắn của ông kết thúc bằng chuyện liên quan đến công việc ông đang làm. Ðưa mắt nhìn khoảng 200 quan khách dự bữa tiệc do Quốc Hội khoản đãi ngay sau lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng Thống Barack Obama, ông bảo ông hãnh diện được tổng thống tín nhiệm trong 4 năm vừa qua, và hãnh diện giữ vai trò phó tổng thống Hoa Kỳ. “Hãnh diện hơn nữa là được chọn làm phó cho Tổng Thống Barack Obama,” và mời mọi người cùng nâng ly chúc mừng.

Mọi người cùng đứng dậy, giơ cao ly champagne đang cầm trong tay. Trước mặt họ là ông Joseph Biden, đương kim phó tổng thống Hoa Kỳ, nhân vật quyền uy thứ nhì của quốc gia. Trong số những người hiện diện, chắc chắn số người nghĩ thế nào ông cũng ra tranh cử tổng thống 2016 không phải là ít.

Chỉ một ngày sau khi lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng Thống Obama kết thúc, chuyện ông Biden ra tranh cử hay không là chuyện được nói đến nhiều nhất ở thủ đô Washington D.C., nhiều hơn những nhận định chung quanh bài diễn văn nhậm chức ông Obama mới đọc. Ngay trong những buổi dạ vũ mừng ngày ông Obama nhậm chức, quan khách cũng hỏi nhau “chuyện xa vời,” muốn biết ông Biden có phải là ứng viên của nhiệm kỳ tới hay không, chưa kể đến chuyện nếu ông được đảng đề cử, ông sẽ chọn ai đứng chung liên danh. Ðiều này cũng dễ hiểu: ông Biden đã 2 lần ứng cử (1998 và 2008) nhưng thất bại ngay vòng sơ bộ, hiện đang là phó tổng thống thì đương nhiên ông là ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Dân Chủ.

“Tôi thấy ông Biden có đủ mọi điều kiện để trả thành người lãnh đạo nước Mỹ,” ông Marc Williams, một thành viên nòng cốt của đảng Dân Chủ tiểu bang Florida nhận xét về Phó Tổng Thống Biden. “Ông Biden làm được rất nhiều việc, là cố vấn, là cánh tay mặt của Tổng Thống Obama, là người điều hành cả 2 chương trình kích cầu kinh tế và chương trình rút quân khỏi Iraq.” Về mặt đối nội, thành công chính trị lớn nhất của ông Biden là chuyện giải quyết được căng thẳng giữa 2 đảng trong vụ “fiscal cliff,” “không có ông Biden nhảy vào giúp điều đình thì chẳng biết chuyện bây giờ sẽ ra sao.” Người bạn đi cạnh ông Williams gật đầu đồng ý, tin “ông Biden sẽ được đảng Dân Chủ đón nhận bằng những cảm tình nồng hậu nhất dành cho một vị phó tổng thống.”

Cảm tình nồng hậu đó có thể sẽ đến với ông Biden trong tương lai, nhưng ngay lúc này ông không phải là ông phó được người dân Hoa Kỳ quý trọng. Hai tuần trước đây, trung tâm Pew Research Center thực hiện cuộc phỏng vấn để tìm hiểu cảm nghĩ của người dân đối với ông phó mới kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên. Kết quả: 42% hài lòng, 42% không hài lòng. Tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ dân chúng Hoa Kỳ dành cho Phó Tổng Thống Al Gore hồi 1997 (65%), thấp hơn cả tỷ lệ ông Dick Cheney có được hồi 2005 (48%).

“Tôi tin rằng sau khi chọn ông Obama, người dân Hoa Kỳ muốn quốc gia tiếp tục thay đổi” là nhận xét của cô Nichelle Muller, một thành viên của North Carolina, đi xe buýt về thủ đô “để chứng kiến hình ảnh lịch sử.” Là một phụ nữ da đen từng tham chiến ở Afghanistan, cô nghĩ rằng “nước Mỹ bây giờ cần người trẻ trung hơn, có óc cầu tiến hơn,” không muốn vai trò lãnh đạo “tiếp tục nằm trong tay những ông già da trắng nữa.” Cô kể lại trên chuyến xe đến D.C., có người nói chuyện này, “cá nhân tôi cũng nhìn nhận ông Biden có tài” (từng làm chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại và Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện) “nhưng đâu tài bằng bà Hillary Clinton.” “Tôi nghĩ cử tri Hoa Kỳ thích bà Clinton hơn.”

Ðiều cô Nichelle Muller nói được sự ủng hộ của những người trong nhóm. “Ông Biden năm nay đã 67, 68 tuổi gì đó, nếu đắc cử lúc đó ông sẽ hơn 70 tuổi, người Mỹ bây giờ chắc không muốn thấy ông tổng thống lớn tuổi như vậy đâu.” (Thật sự ông Biden năm nay đã 70 tuổi, nếu đắc cử cuộc đua 2016, ông sẽ là vị tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ khi tuyên thệ nhậm chức năm 74 tuổi).

Bất kể mọi người đồn đãi, bàn tán như thế nào, chuyện cuối cùng vẫn là liệu ông có tranh cử vào năm 2016 hay không.

Chính ông Biden cũng hiểu mọi người đang thắc mắc gì về mình và biết cách khéo léo nhất là đừng nói có mà cũng chẳng nói không. “Có nhiều lý do tại sao tôi không ra tranh cử,” Phó Tổng Thống Biden trả lời phỏng vấn trên đài CNN. “Tôi chưa quyết định gì về chuyện đó cả, và cũng còn lâu lắm tôi mới phải quyết định việc này.” Câu trả lời này có nghĩa là ông “chưa nghĩ đến” hay khéo léo chính trị, ông chẳng gật đầu mà cũng chẳng lắc đầu, để mặc mọi người muốn nghĩ sao thì nghĩ.

Nhưng tối Thứ Bảy tuần trước khi đến nói chuyện với các đại biểu của tiểu bang Iowa về thủ đô dự lễ, ông lại nói “tôi rất hãnh diện là tổng thống Hoa Kỳ.” Nói xong ông biết ngay mình lỡ lời, vội sửa lại thành “hãnh diện làm phó tổng thống của các bạn.” Những người có mặt kể lại “ai nấy reo hò tán thưởng,” và có người nghĩ ngay ông phó buột miệng nói như thế “vì chính đầu ông đang nghĩ sẽ ra tranh cử tổng thống.”