main billboard

“Bí kíp” của chiêu bán 1 tặng 1; bán 1 tặng 2; bán 1 tặng 3; bán 1 thành...4 là gì?


SÀI GÒN (NV) - Với người Việt, Trung Thu là một cái lễ, cái tết đặc biệt dành cho tuổi thơ. Năm nay, từ những ngày tháng Bảy âm lịch, những quầy bán bánh trung thu thấy đã dọn ra, trang hoàng để thu hút khách trên đường phố Sài Gòn.

trungthu sg 1Đèn trung thu Tàu,Việt gì cũng đều ế ẩm... (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Dù mới mùng 1 tháng Tám âm lịch, những đã thấy treo bảng mua 1 tặng 1 tại các quầy bán bánh trung thu. Và rồi nhịp độ giảm giá cứ tăng dần...

Có người buồn tình ngồi lẩn thẩn thống kê: Hơn 20 năm trước muốn ăn bánh trung thu giảm giá phải chờ tới sau ngày rằm, tức 16 âm lịch trở đi. 10 năm trước, muốn ăn bánh giảm giá thì chỉ cần chờ tới khoảng 8 giờ tối của của ngày rằm tháng Tám. Còn bây giờ, giảm giá từ tận đầu mùa, cho mãi tới tận... cuối thu.

Nhưng tại sao cứ “đến hẹn lại lên” mùa trung thu là mùa những quầy bán bánh tràn ngập những nẻo đường Sài Gòn? Các công ty lớn thì cứ sản lượng năm sau luôn tăng hơn năm trước?

Như thương hiệu bánh Kinh Đô,năm rồi chỉ tung ra thị trường 2,000 tấn bánh trung thu, thì năm nay cho ra thị trường tới 3,000 tấn bánh.

Trong đó xuất qua thị trường Mỹ là 100 ngàn cái, tương đương khoảng 20 tấn bánh, còn lại là tiêu thụ nội địa.

Mấy bà nội trợ ngồi tính nhẩm giá thành một cái bánh với giá trên thị trường, rồi phát hoảng khi phát hiện là một vốn mà tới... 40 lời. Hèn chi mùa trung thu là mùa vàng của các nhà sản xuất bánh.

“Bí kíp” của chiêu bán 1 tặng 1; bán 1 tặng 2; bán 1 tặng 3; bán 1 thành...4 là gì?

Rất đơn giản, cứ kê giá thành một cái lên thật cao, tùy theo tỉ lệ là 1,là 2 hay là 3. Để khi chia đều ra thì người mua cũng chả được lợi là bao nhiêu. Còn nếu thắc mắc là sao hai cái bánh giống nhau mà giá cả chênh lệch cả trăm ngàn đồng? Thì họ trả lời là vì nguyên liệu cao cấp hơn(?!). Cái đó thì chỉ có ăn mới biết, còn nhìn bằng mắt thì họa có là Tề Thiên Đại Thánh may ra mới biết. Mà muốn ăn thì phải... mua; mà hàng đã mua rồi thì... miễn trả lại.

Chiêu khác là vỏ hãng này nhưng ruột lại...hãng kia.

Kiểu gì thì người bán cũng có lời, vì triết lý kinh doanh xưa nay, là người mua lầm chứ người bán chẳng đời nào mà lầm.

Vì thị trường cạnh tranh ráo riết, trong thời gian ngắn hạn, chưa đầy một tháng. Nên không thiếu gì những chiêu trò bẩn đã được tung ra để “hạ gục” đối thủ. Nhẹ thì khi khách hàng thắc mắc về giá cả giữa hiệu bánh này với bánh kia, nhân viên bán hàng không ngần ngại “rỉ tai” khách hàng về việc công ty kia có dùng chất phụ gia độc hại của Trung quốc. Nặng tay hơn thì tung clip lên mạng Internet về quy trình làm “bánh bẩn” của công ty đối thủ. Nhưng mánh lời này đã bị lật tẩy bởi sự nhận xét sắc sảo của cư dân mạng...

Riêng một công ty trà và cà-phê, từ mấy năm nay đã tham gia thị trường bánh trung thu mang nhãn hiệu P.L.

Bánh trung thu P.L được sản xuất theo lối thủ công, mang hương vị của xứ Đài Loan. Vỏ bánh mỏng, nhân ngon với hương vị tự nhiên. Với các loại nhân như trà xanh, mè đen, khóm... được người tiêu dùng ưa thích.Vì không quá ngọt, quá béo như bánh trung thu truyền thống lâu nay của Việt Nam. Đặc biệt, P.L sản xuất với số lượng hạn chế. Năm ngoái, trước ngày rằm một ngày, người ta chen nhau mua làm... quà biếu. Đúng ngày trung thu, ra tiệm kiếm một cái bánh để mua cũng không còn. Năm nay, trước ngày rằm 1 tuần, bánh trung thu P.L đã tuyên bố “treo khay” vì hết hàng.


trungthu sg 2Những quầy bánh trung thu nơi đường phố Sài Gòn là nơi người nghèo
chỉ có thể “ngước nhìn.” (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Người ăn không mua, người mua không ăn

Trên một chuyến xe buýt cuối tuần rồi, chúng tôi nghe được câu chuyện giữa bác tài xế và cô nhân viên bán vé xe (trong lúc chờ kẹt xe). Bác tài khoe là hồi xưa,thời còn chạy xe tải, cứ hễ tới mùa trung thu là cùng với bạn hàng chở mấy chục hộp bánh đi biếu các sếp bên giao thông và cảnh sát giao thông (CSGT)...

Bác tài kết luận: Hồi xưa đem biếu bánh nhiều vậy, chứ bản thân cũng chưa hề biết mùi vị của cái loại bánh trung thu đắt tiền mà mình đem biếu nó ra làm sao!

Cô bán vé xe nhanh nhẩu đáp:  Hay là, chút xe về bến em với anh chạy mua một hộp bánh về ăn cho biết mùi với người ta!

Bác tài lắc đầu quầy quậy:  Thôi! Mắc lắm, để tiền ăn hủ tiếu “gõ” cho no bụng!

Một người quen kể với chúng tôi. Năm nay sếp chỉ đạo là không nhận quà Việt, quà Tàu mà chỉ nhận thư... Mỹ.

Chúng tôi thắc mắc? Thì được nghe giải thích,rằng thì là: Ý sếp là đừng có quà cáp, rách việc, cứ phong bì nhét đô xanh vô là OK!

Chẳng là, rút kinh nghiệm hồi năm ngoái, có tay phó phòng muốn “nhắm nhé” cái ghế trưởng phòng, nhân mùa trung thu khệ nệ đem biếu sếp một hộp bánh trung thu thật to. Sếp thì lâu nay đã no xôi chán chè, lòng dạ nào mà ăn bánh trung thu, hơn nữa thông tin đầy trên mạng về vụ một hộp bánh trung thu để 10 năm nay mà vẫn chưa hề... hư. Sếp bảo, bây giờ mà ăn bánh trung thu thì có mà sớm thành... xác ướp Ai-Cập. Nên đưa vợ hộp bánh, chỉ thị là đem cho hội từ thiện phường, coi như là làm phước cho mấy cháu dân nghèo.

Ai dè, vợ đi rồi sếp mới nhận được tin nhắn từ tay phó phòng: “Thưa anh, trong hộp bánh có một bao thư, với số tiền là...mong anh chiếu cố!” Sếp choáng váng, chưa kịp hồi chiêu, thì vợ đã về, cười toa toét, khoe: Bên từ thiện, người ta khui ngay hộp bánh để chia cho các cháu nghèo đang đến sinh hoạt. Phát hiện số tiền lớn anh để trong phong bì, họ cám ơn quá xá, nói anh làm từ thiện mà kín đáo quá, không phô trương. May mà khui ngay hộp bánh mới phát hiện, để làm biên nhận gởi anh, không thì có lỗi với anh quá.

Sếp cầm tờ biên nhận vợ trao mà lòng tê điếng.

Từ đó sếp chỉ thị, chỉ bì thư, không quà cáp nhé!

Một vị là giám đốc thương mại của một công ty chuyên sản xuất bánh trung thu, tên tuổi trên thị trường “tiết lộ.” Năm nay, công ty sản xuất bánh cho thị trường quà biếu cao cấp để phục vụ cho thị trường quà biếu. Bao gồm, một hộp bánh 4 cái, kèm một chai rượu ngoại, với giá từ 15 triệu đồng cho tới 25 triệu đồng /1 hộp quà biếu. Mặt hàng “chiến lược”này đem lại lợi nhuận tối ưu cho công ty...

Khi được hỏi sao công ty lại có tầm nhìn hơn người như vậy, vị giám đốc mại vụ, cười ruồi, cho rằng mọi việc xưa như trái đất rồi: Tất cả là học từ bên Tàu hết, từ nghệ thuật “bôi trơn,” đến nghệ thuật lấy lòng người.

Bình luận về xã hội quà biếu ở Việt Nam, một thầy giáo trẻ ở Sài Gòn chua chát, nhận xét, “Mỗi tỉnh có một vài công trình tượng đài 1,400 tỷ đồng kiểu Sơn La, thì chuyện hộp bánh trung thu vài chục triệu đồng nhằm nhò gì. Chỉ tội cho các em học sinh lội nước đến trường ngay giữa Sài Gòn, cha mẹ méo mặt lo đóng tiền trường đầu năm học. Lòng dạ đâu mà lo chuyện bánh trái, em trẻ nào muốn mơ mộng ngắm ánh trăng suông, thì nhìn lên chỉ thấy những bóng đèn nhà hàng trên những tòa nhà xám nhòa, nhấp nháy...”