main billboard

Tại miền Bắc, trong chiến tranh, và nhất là trong những vùng “giải phóng,” dân gian đã có hai điều “hạnh phúc” nhất, đó là: “Nhứt sờ vú đàn ông, nhì xem văn công ca hát,” hay trần trụi hơn: “Thà bóp vú đàn ông còn hơn xem văn công... cách mạng!”


Câu chuyện đầy ẩn ý mà chúng ta vẫn thường nghe là Thượng Đế sinh ra con người, có hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi, hai tay, hai chân mà chỉ độc một cái miệng. Chúng ta cần đến hai lỗ tai để nghe nhiều, tai không cử động được nhưng vành tai giúp cho con người nghe được từ mọi phía. Hai con mắt linh động có thể “nhìn xa thấy rộng,” phải trái, trên dưới, xa gần. Con người tốt là người biết lắng nghe với đôi tai, và biết quan sát sự việc bằng hai con mắt, tháo vát “làm nên tất cả” với đôi tay, “đi một ngày đàng học một sàng khôn” với đôi chân.

miengluoiThượng Đế trong khi đó tạo con người ra chỉ có một cái miệng, phải chăng khuyên con người phải hạn chế sự làm việc của nó. Miệng người có răng cứng để nhai thức ăn, có lưỡi mềm mại để nói.

Riêng cái lưỡi không thôi cũng đã lắm chuyện, nhiều lời!

Phải chăng vì nó chỉ một, người đời có bài học chớ lắm lời, khuyên ta “phải uốn lưỡi bảy lần,” và cảnh cáo “nhất ngôn xuất, tứ mã nan truy” (một đã nói ra, ngựa tứ cũng khó đuổi theo) và lời nói dịu dàng, ví von như “mật rót vào tai,” lời nói độc ác được so với “một đọi (tô) máu” hay “ngậm máu phun người!” Và dù lưỡi đã cho chúng ta bao nhiều lời nói dịu dàng, để lại cho lòng ta những lời ru, khúc hát khó quên, người đời vẫn dè bỉu: “Dở ngon, xấu đẹp cũng một cái lưỡi,” như trong câu chuyện “luân lý giáo khoa thư” thuở ấu thơ ngày trước.

Cái miệng để xay thức ăn nuôi sống cơ thể, nhưng cũng có khi làm hại thân thể. Người xưa đã khuyên “bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất” (bệnh tật vào bằng đường miệng và tai họa do từ miệng mà ra). Miệng nói bậy có khi mang tai họa vào thân (thần khẩu hại xác phàm), miệng ăn bậy gây ra bao nhiêu bệnh tật (con người lấy răng đào hố chôn mình)!

Miệng có môi, răng và lưỡi. Hở môi thì răng lạnh. Răng cắn thì môi đau. Khổ đau thì cắn răng mà chịu đựng. Đường cùng thì dùng răng cắn lưỡi mà chết. Răng cứng rồi sẽ rụng, lưỡi mềm nên còn mãi.

Ít khi cái lưỡi được khen như “lưỡi Tô Tần,” kẻ du thuyết, dùng lời nói mà hợp tung được sáu nước, cùng chung sức chống nước Tần, mà xã hội ngày nay sao toàn nghe những kẻ “nói dai, nói dài mà nói dở” hễ có cơ hội là leo lên sân khấu và ôm chặt lấy cái “microphone,” dù đó là sân khấu đám cưới hay sân khấu hội họp cộng đồng.

Trong tập thể những người cai trị Việt Nam hiện nay, hầu hết đều thích dùng lưỡi, mà nói những điều ngang ngược, ngụy biện, lừa dối, nói cho bằng được, mà ông Trần Độ cho đó là bọn “lưỡi gỗ:” “Nổi bật lên là một bộ máy độc đoán, độc tài toàn trị, đàn áp thẳng tay các ý kiến khác. Có một đội ngũ 'lưỡi gỗ' rất đông đảo, chuyên ngụy biện, nói lấy được, nói bừa bãi, nói trắng trợn, bất chấp lẽ phải, đạo lý và cả luật pháp, và có lúc dùng thủ đoạn như lưu manh!” (*)

Con người chỉ có một cái miệng, nhưng người nói nhiều lại bị chê là “lắm mồm,” hay “không để miệng đâm da non!” hoặc “lúc ra đời, bà mụ lôi cái mồm ra trước!”

Tứ chi và cái miệng vốn không ở gần nhau, nhưng quả có nhiều tương quan. Nói đến “mồm miệng và chân tay” người ta nghĩ ngay đến thành ngữ “mồm miệng đỡ tay chân.” Đó là những người mồm mép giảo hoạt, dùng lời nói để che lấp khuyết điểm của mình hay thuyết phục, nịnh bợ người khác, cuối cùng không dùng sức, không tham gia mà vẫn hưởng lợi. Thường đây là lối xử thế của những cấp chỉ huy hay những kẻ lười biếng khôn vặt ở đời.

Tay chân (tứ chi) chính là bộ phận lao động vất vả, dùng hết sức lực của mình làm ra của cải vật chất để nuôi cho mỗi một cái miệng. Cái miệng đó ai muốn hiểu ra là ban quản trị hợp tác xã thời trước, là những chủ tịch, bí thư, giám đốc ngày nay, đều đúng.

“Tay làm hàm nhai” hiểu là tự lực cánh sinh, hay cũng có thể hiểu cách khác, một thằng làm cho một thằng khác hưởng thụ. Một thằng làm đầu tắt mặt tối cho một thằng ngồi ăn trên, ngồi trốc. Dân è cổ ra đóng thuế không đủ cho bọn cầm quyền xài phí, xài phí không đủ thì bán nước, cho thuê lãnh thổ, để hậu quả cho con cháu đời sau.

Thậm chí, người ta nói rằng, nếu tạo hóa sinh ra con người không có cái mồm, thì trên địa cầu này làm gì có chiến tranh!

Hai cái tay với hai cái chân đúng là anh em, họ hàng, thủ với túc, gắn bó, gần gũi và giúp đỡ nhau, không bao giờ thấy chúng tranh chấp, đánh đấm nhau. Một việc tay trái không làm nổi thì có tay phải giúp đỡ. Chân trái bước đi, vừa khỏi mặt đất thì đã có chân phải đỡ đần! Bởi vậy, các cụ lấy cái tình tương thân, khắng khít đó để dạy con, là phải coi trọng tình anh em mà xem nhẹ nghĩa vợ chồng: “huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục!” (anh em như tay chân, vợ chồng như quần áo).

Nhưng cũng có những việc tay này làm mà không nên cho tay kia biết. Thiên Chúa Giáo nói, “Tay phải làm mà tay trái không biết,” khuyên người làm việc từ thiện nên làm với tinh thần khiêm tốn, thầm lặng, không khoe khoang, không cần ai biết đến.

Bàn tay còn là ý nghĩ của sự nhận và cho, của tương thân và an ủi, thương yêu và trìu mến của con người.

Người ta lại hỏi sao Thượng Đế sinh ra người phụ nữ có hai vú để nuôi con, mà nam hay nữ chỉ có một sinh thực khí? Phải chăng Thượng Đế cho rằng ngài cung cấp không đủ thực phẩm cho loài người trên trái đất này, ngài cho con người vui chơi chút đỉnh, nhưng phải ráng mà hạn chế sinh nở cho đủ miếng ăn.

Đàn ông, đàn bà có một cái ấy thôi mà nạn nhân mãn đã tràn lan. Trung Quốc còn chút nhân đạo nên không bắt đàn ông phải đi thiến mà chỉ bóp mũi các bé gái sơ sinh.

Vua Mswati III, 45 tuổi của Swaziland, Phi Châu, mới có vợ thứ 14, trong khi Vua Minh Mạng nổi danh với “nhất dạ lục giao,” có đến hằng trăm cung tần, mỹ nữ. Cũng chỉ có một, mà “Bác” dù bận rộn chuyện đi làm cách mạng suốt đời, đã “sinh sự” với năm bảy bà, huống chi “Bác” có đến hai cái ấy!

Vua chúa thời xưa đã có “tam cung, lục viện,” quan chức thời nay cũng có “phòng một, phòng hai.” Sinh sản nhiều là một đại họa cho nhân loại: “Phố phường chật hẹp người đông đúc, bồng bế nhau lên nó ở non...” (Tú Xương)

Ở nước ta, đàn bà chỉ có một cái thôi, mà đã dùng đến một ông đại tướng “cầm quần chị em.” Giá mà mỗi người có hai, thì bao nhiêu đại tướng cho đủ?

Nhân nói đến chuyện một, hai... nhắc chuyện vú phụ nữ mà không nói chuyện vú đàn ông cũng là một chuyện thiếu sót. Quả là Thượng Đế đã tạo ra một vật... hoàn toàn vô tích sự cho nhân dân, ăn bám sức lao động của quần chúng, là hai cái vú đàn ông. Nó thật sự có mặt trên cuộc đời này nhưng hầu như không dùng, cũng chẳng ai nhớ đến. Nhưng cũng còn cái may! “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ...” nghĩa là từ khi có chế độ Cộng Sản của Tố Hữu ra đời ở Việt Nam, hai cái vú đàn ông mới được người đời nhắc nhở đến.

Tại miền Bắc, trong chiến tranh, và nhất là trong những vùng “giải phóng,” dân gian đã có hai điều “hạnh phúc” nhất, đó là: “Nhứt sờ vú đàn ông, nhì xem văn công ca hát,” hay trần trụi hơn: “Thà bóp vú đàn ông còn hơn xem văn công... cách mạng!”

Trong các loại dư thừa, không có “bảng cấp số,” có người nhắc tôi cái lỗ rốn cũng chưa được phân công. Lỗ rốn chính là dấu vết còn lại của cái cuống rốn mang máu huyết của mẹ chín tháng mười ngày cưu mang, ngoài việc để cho chuồn chuồn cắn, nó nhắc cho chúng ta, mỗi người chỉ có một mẹ!

Khi sống thì tay chân ngó ngoáy, mồm miệng lắm điều, lúc lìa đời thì miệng cũng khép, mắt cũng nhắm, chân cũng duỗi mà tay cũng xuôi. Chuyện của mình bây giờ không còn là của mình nữa, mà ở trong mồm thiên hạ!

Bởi vậy, trên đời này, trong các loại bia, có một thứ gọi là bia miệng!

(*) Nhật Ký Rồng Rắn, trang 58.