main billboard

“Ðàn ông về nhà chỉ có ăn-tắm-ngủ thì khác gì con lợn! Muốn chứng minh đàn ông được vợ chăm sóc không phải như... chăm lợn, thì các ông hãy xắn tay rửa bát đi.”


Trên tờ “Một Thế Giới,” ngày 13 tháng 2 năm 2015 đăng bài phỏng vấn nữ nhà văn Trang Hạ, một blogger có tiếng.

Bài phỏng vấn xoay quanh chủ đề hôn nhân gia đình. Nhận định của Trang Hạ đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi, đặc biệt trên cộng đồng Facebook. Ý kiến đồng tình nhiều, mà không đồng tình cũng lắm.

conlonTrang Hạ nói:

“Ðàn ông về nhà chỉ có ăn-tắm-ngủ thì khác gì con lợn! Muốn chứng minh đàn ông được vợ chăm sóc không phải như... chăm lợn, thì các ông hãy xắn tay rửa bát đi.”

“Rửa bát chỉ là một cách ẩn dụ những việc nhà không tên.”

“Chỉ có người đàn ông tự cho phép mình nghỉ ngơi bù khú bạn bè trong lúc vợ vất vả với những việc không tên ở nhà mới khiến hạnh phúc gia đình bị lung lay.”

“Vấn đề ở đây là chồng vợ cùng chia sẻ thời gian làm việc nhà mỗi ngày, chứ không phải cào bằng các đầu việc, anh phải đi chợ thì em mới nấu cơm, anh phải giặt giũ thì em mới phơi phóng.” [1]

Phát biểu trên đây thực chất là đúng đắn, không nói về bất kỳ cá nhân nào, cũng không có ý miệt thị đàn ông Việt Nam. Phát biểu trong bài phỏng vấn nghiêm túc, đàng hoàng, nhắm vào những loại đàn ông chỉ biết “nghỉ ngơi, bù khú bạn bè,” “về nhà chỉ có ăn, tắm, ngủ.”

Nhưng vì Trang Hạ đã thẳng thừng so sánh những gã đàn ông có cách sống ấy với con lợn nên đã tạo ra giông bão.

Có tật giật mình, một số đàn ông ở Việt Nam dường như bị điểm đúng huyệt nên giãy như đỉa phải vôi.

Người ta cho rằng, Trang Hạ dùng lời văn chua ngoa, khắc nghiệt, thiếu tính nhân văn, không có tác dụng thuyết phục, thậm chí sử dụng phương pháp đả kích cá nhân. Họ cho rằng Trang Hạ thóa mạ đàn ông, coi họ là những con lợn. Không ít những lời phê phán khiếm nhã không thể chấp nhận nổi nhắm vào Trang Hạ.

Tương tự trước đây với một tác giả viết về cô gái miền Tây có ba chữ “N” (Ngon, Ngoan, Ngu), khiến tờ điện tử “Trí Thức Trẻ” bị phạt và đình bản 3 tháng, ầm ĩ một dạo.

Thế nhưng, quan sát toàn bộ xã hội Việt Nam nói chung và những gì diễn ra trên đất miền Tây Nam Bộ nói riêng, trong bối cảnh một nền giáo dục bất cân bằng, xuống cấp, cách nói đó có thể hiểu và cảm thông được, như tôi đã phân tích trong bài “Ơi, cô gái miền Tây.” [2]

Tình trạng nhậu nhẹt ở Việt Nam lâu nay đã trở thành tệ nạn. Từ khách sạn, nhà hàng đến các con hẻm ở Hà Nội, Sài Gòn hay các thành phố khác, ở đâu cũng thấy cảnh nhậu nhẹt huyên náo, từ trưa đến sáng hôm sau. Công chức nhà nước nhậu trong giờ hành chính là chuyện thường ngày. Người ta viện lý do gặp gỡ để giao dịch, làm ăn nhưng chỉ là bao biện, bởi vì phần lớn là bù khú.

Tôi cũng đã từng là nạn nhân của lối sống ấy. Hồi còn làm công chức ở Sài Gòn, khoảng một hai giờ trưa là chúng tôi kiếm cớ ra khỏi cơ quan và gặp nhau ở quán nhậu. Ai bỏ cuộc trở thành lạc lõng và bị chê cười. Có tiền nhiều nhậu sang, tiền ít nhậu theo kiểu nhà nghèo, thậm chí ở quán quen có thể ký sổ nợ. Riết thành thói quen. Thanh tra đến cơ quan thông thường kết quả kết thúc trên bàn nhậu. Giải quyết được việc gì xong nếu có tí tiền cũng thế.

Trong bài “Ðàn ông Việt 'lười, ham nhậu' trong mắt người nước ngoài” trên tờ VNExpress viết như sau:

“Ðàn ông các nước công nghiệp, tức các nước kinh tế thị trường nhất, đến giờ tan sở mệt nhoài vì công việc chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, ba chân bốn cẳng leo lên tàu điện, đổi dăm ba tuyến đường mới về được đến nhà phụ vợ con dọn cơm, rửa chén rồi đi ngủ sớm, đến cuối tuần cần tranh thủ sửa sang nhà cửa, chở vợ đi chợ. Xu hào đủng đỉnh lắm thì tối Thứ Sáu đưa vợ, đưa con đi ăn tiệm hoặc đưa vợ con đi nghỉ mát cuối tuần, chứ không ai rỗi hơi nát rượu tối này sang tối khác với bạn bè.”

“Tôi đến TP HCM bất kể giờ tan sở hay trước khi tan sở cũng thấy trong những quán cafe, quán nhậu, quán cóc, nhà hàng đều đầy ắp đàn ông ngồi túm 5 tụm 3 uống bia,” Alex (người Australia) phản ánh và nhận xét “đàn ông Việt Nam lười quá.”

Căn bệnh nhậu nhẹt là một trong những lý do chính làm người đàn ông Việt Nam xao nhãng trách nhiệm với gia đình và dẫn tới nhiều hệ lụy khác.

Theo một nghiên cứu đánh giá tình hình sử dụng và lạm dụng bia rượu tại Việt Nam do Viện Chiến Lược và Chính Sách Y Tế tiến hành, 63% người sử dụng rượu bia là nam giới, trong đó trí thức lại là nhóm có tỷ lệ sử dụng cao nhất.

Người Việt tiêu thụ 1.3 tỷ lít bia và hơn 300 triệu lít rượu hằng năm, tức là bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng, nằm ở Top 25 nước uống bia khủng khiếp nhất thế giới, thứ 3 của Châu Á, và nhiều năm liên tục dẫn đầu khu vực Ðông Nam Á. Ðó là chưa kể phí tổn điều trị các bệnh và tai nạn giao thông do lạm dụng rượu bia gây ra.

Trong một xã hột văn minh, bình đẳng, hôn nhân gia đình đòi hỏi sự đồng cảm, chia sẻ, vợ chồng chung lưng đấu cật với nhau trong những công việc hàng ngày.

Thậm chí những gia đình có điều kiện nuôi osin hoặc vợ ở nhà thì những sự chia sẻ nho nhỏ việc trong nhà không tên như thay chiếc bóng đèn bị cháy, sửa cái vòi nước bị tắc... đều mang lại niềm vui cho nhau, đặc biệt trong việc dạy dỗ con cái khi chúng còn ở tuổi đến trường. Nếu đàn ông chỉ đi làm kiếm tiền, cho mình cái quyền về nhà nằm khểnh xem TV, đọc báo, ăn cơm, tối đi ngủ đòi làm tình, phó mặc tất tật mọi thứ cho vợ thì đúng là “khác gì con lợn” thật.

Người Việt vốn hèn nhát, nhẫn nhục dưới sự cai trị độc tài của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng máu tự ái và tính hung hăng thì cao ngất trời, nếu như có ai đụng vào cái sĩ của bản thân, thì dễ nổi khùng.

Một bạn đọc trên Facebook viết:

“Mình thấy rất nhiều đàn ông ủng hộ bài viết Trang Hạ, chỉ những người thấy mình giống hình ảnh con lợn đó thì mới tự nhận mình là lợn. Chị ta có nói đàn ông là lợn đâu.”

Suy cho cùng, ví von “khác gì con lợn” xem ra rất bình thường, chỉ ai thấy mình có liên hệ, dính dáng ít nhiều với sự phát biểu của Trang Hạ thì mới hiểu sai lệch vấn đề.

Nhà tranh đấu dân chủ Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, người đoạt Giải Nobel Hòa Bình năm 2010, trong cuốn “Triết lý con heo” xuất bản năm 2011 nói giới trí thức Trung Quốc bán linh hồn cho quỷ dữ,” “tự ý ngoan ngoãn đi vào cái chuồng heo” để được vỗ béo, yên thân, trốn tránh trách nhiệm bênh vực đa số quần chúng nạn nhân của sự áp bức bóc lột ở khắp nơi.

Năm 2010, Quốc Hội Ba Lan bàn cãi về nhà văn Czeslav Milosz, giải thưởng Nobel Văn Học năm 1980. Một số đại biểu cho rằng Milosz “thường xuyên có thái độ gay gắt trong các đánh giá về đạo đức của người Ba Lan.” Họ trích các câu văn, thơ của ông như: “Ðối với Ba Lan không có chỗ nào trên trái đất,” “Nếu người ta cho tôi phương pháp, tôi sẽ làm nổ tung đất nước này trong không trung,” “Người Ba Lan sinh ra phải là một con lợn.” Thế nhưng Quốc Hội vẫn bỏ phiếu quyết định chọn năm 2011 làm năm Milosz để tôn vinh ông.

Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu cách đấy gần một thế kỷ cũng cho rằng dân Việt Nam ngu quá lợn (“Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn - Cho nên quân nó dễ làm quan”). Có ai ném đá Tản Ðà không? Nghiễm thấy quá đúng cho đến tận ngày hôm nay luôn!

Xem ra khả năng tiếp nhận những phân tích, nhận định có tính gay gắt tí chút trước một hiện tượng tiêu cực nào đấy của xã hội Việt Nam thực là khó khăn. Khi con người đặt cái “tôi” cao hơn tất cả, tính tự ái, tự phụ và kiêu căng sẽ làm méo mó đi ý nghĩa của lời phê phán.

Ðàn ông Mỹ vẫn hài hước thích thú với vị trí thứ tư sau trẻ em, phụ nữ và chó. Sự nổi khùng của các đấng mày râu Việt Nam với tác giả Trang Hạ thể hiện sự nhỏ nhen và trẻ con. Thật là:

“Dân gần trăm triệu chưa người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”
(Ý thơ Tản Ðà)

Chú thích:

[1]: http://motthegioi.vn/the-gioi-phai-dep/goc-chia-se/trang-ha-dan-ong-ve-nha-chi-an-tam-ngu-khac-gi-con-lon-162394.html
[2]: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=193552&;zoneid=97#.VQHwbS5vDgw
[3]: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/gia-dinh/dan-ong-viet-luoi-ham-nhau-trong-mat-nguoi-nuoc-ngoai-2307308.html