main billboard

“đòi hỏi Quốc Hội phải chấp thuận cho tổng thống được rộng quyền quyết định oanh tạc quân ISIS ở bất kỳ nơi nào chúng hiện diện, để tiêu diệt hiểm họa đang gây bất ổn cho thế giới và cho Hoa Kỳ.”


khungbo isisKhủng bố Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) “đang mở rộng địa bàn hoạt động,” không chỉ ở Iraq và Syria mà “đã trải dài sự hiện diện của chúng ở một số quốc gia Bắc Phi,” theo lời trình bày của ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Ash Carter trong buổi điều trần sáng Thứ Tư vừa qua trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện. Ðiều đó, ông Carter nói tiếp, “đòi hỏi Quốc Hội phải chấp thuận cho tổng thống được rộng quyền quyết định oanh tạc quân ISIS ở bất kỳ nơi nào chúng hiện diện, để tiêu diệt hiểm họa đang gây bất ổn cho thế giới và cho Hoa Kỳ.”

Lời kêu gọi của người điều hành Ngũ Giác Ðài không được các vị nghị sĩ Dân Chủ lẫn Cộng Hòa lắng nghe. Trong cuộc tiếp xúc với báo chí sáng Thứ Năm (12 Tháng Ba 2015), chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao là Thượng Nghị Sĩ Bob Corker cho biết đã nói chuyện với các đồng viện, kết quả “không một vị nghị sĩ Dân Chủ nào ủng hộ, cũng chẳng có vị nghị sĩ Cộng Hòa nào gật đầu.” Lý do: dự thảo do bên Tòa Bạch Ốc gửi sang xin Quốc Hội phê chuẩn “có những điều không làm vừa lòng cả hai đảng,” và “theo cái nhìn của tôi, tiến trình thông qua dự thảo luật đó đang gặp nhiều khó khăn.”

Tin ghi nhận được từ Quốc Hội cho thấy khó khăn đến từ chỗ tổng thống Hoa Kỳ chỉ muốn dùng không lực để đánh ISIS, cam kết “sẽ giới hạn tối đa việc sử dụng quân bộ chiến” ngoài trừ những đơn vị “khi thấy thật cần thiết sẽ được gửi đến” để giúp các quốc gia đồng minh bảo vệ những vùng lãnh thổ tái chiếm được. Ðiều khoản này không làm hài lòng các vị dân cử Cộng Hòa chủ trương muốn chiến thắng phải đối mặt tấn công tức trên trời giội bom, dưới đất phải có những đơn vị chiến đấu. Các vị dân cử của đảng Dân Chủ cũng không hài lòng về điều này, e ngại nếu đã có quân dưới đất và chiến đấu cơ bay ầm ĩ trên bầu trời, biết đâu chừng có ngày vị tổng tư lệnh quân đội sẽ đi xa hơn, viện lý do vì tình hình biến chuyển bất ngờ để mở một cuộc chiến mới, trong lúc nước Mỹ vẫn chưa trả xong nhưng món nợ khổng lồ đã chi tiêu cho 2 cuộc chiến Iraq và Afghanistan và người dân không muốn thấy quốc gia can dự vào một cuộc chiến mới.

Trong buổi điều trần, ba viên chức cao cấp nhất gồm Ngoại Trưởng John Kerry, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Carter và Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Martin Dempsey thay nhau lên tiếng giải thích nhưng dường như chẳng ai muốn nghe. Theo lời ông Carter, “Quốc Hội không nên giới hạn những khu vực không quân có thể giội bom,” Ngoại Trưởng Kerry tiếp lời cho biết những cuộc oanh kích do Hoa Kỳ và đồng minh thực hiện “đã phá hủy đường tiếp vận của quân ISIS, giết chết những thủ lãnh của chúng và giảm bớt số thanh niên nam nữ từ những nước khác đi sang Trung Ðông cầm súng chiến đấu với chúng.” Ðại Tướng Dempsey thì nói rằng Washington “không có kế hoạch đưa bộ binh vào chiến trường,” kể lại trong những cuộc thảo luận về chiến lược, rất nhiều lần ý kiến yêu cầu các quốc gia Hồi Giáo Trung Ðông đứng ra thành lập liên minh quân sự đã được nói đến và có nhiều khả năng sẽ được thực hiện, tức không cần đến sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Sau những lời giải thích này, cả 3 ông đều nói việc dành cho tổng thống được rộng quyền thực hiện cuộc chiến “là điều cần phải làm,” vì “đó là điều kiện để chúng ta chiến thắng ISIS.”

Nhưng thắc mắc vẫn nằm ở chỗ “giới hạn tối đa việc sử dụng quân bộ chiến.” Các vị nghị sĩ thay nhau xoáy câu hỏi vào điểm này, các viên chức dân sự lẫn quân sự của chính phủ đưa ra những câu trả lời có vẻ không được ăn khớp với nhau.

Mới đây khi ra điều trần trước Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, người đang điều khiển chiến dịch oanh kích ISIS là Ðại Tướng John Allen cho biết theo ông nghĩ thời gian bộ binh tham dự cuộc chiến “có thể kéo dài từ 2 tuần đến 2 năm,” Thứ Tư vừa rồi, đại tướng tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ trả lời “thời gian dài ngắn tùy theo tình hình không thể nào định trước được”; ông tổng trưởng Quốc Phòng thì nói rằng “giới hạn tối đa việc sử dụng quân bộ chiến có nghĩa là chúng ta sẽ không can dự vào cuộc chiến dài hạn như cuộc chiến Iraq hoặc Afghanistan,” còn ông Ngoại Trưởng Kerry thì bảo “tổng thống không hề có ý định sử dụng quân bộ chiến cả năm trời, ngay cả chuyện sử dụng trong nhiều tháng trời tổng thống cũng không nghĩ đến.”

Những câu trả lời có vẻ “lấp lửng” đó khiến các vị dân cử lưỡng đảng lắc đầu. Ngay sau buổi điều trần, phe Cộng Hòa lên tiếng chê trách Tổng Thống Barack Obama là người không biết gì về chiến tranh, “không thể nào chiến thắng khi tự trói tay mình” bằng cách chỉ dùng không quân mà không sử dụng bộ chiến. Phe Dân Chủ, đại diện là Thượng Nghị Sĩ Robert Menendez cho rằng Tòa Bạch Ốc “phải định nghĩa rõ ràng hơn sẽ sử dụng quân bộ chiến như thế nào,” e ngại “nếu đồng ý cho tổng thống những gì ông muốn, lúc đó Hoa Kỳ sẽ ồ ạt gửi một lực lượng đông đảo binh sĩ sang Iraq và Syria, lấy lý do là chúng ta phải giúp các nước này giữ vững những thành phố mà họ tái chiếm được.” Ông Menendez còn nêu thắc mắc “trong thời gian mang danh nghĩa giúp bảo vệ đó, binh sĩ Mỹ có đóng vai trò chiến đấu hay chỉ giữ vai trò giúp bình định, tái thiết?”

Trở ngại đó chưa giải quyết xong, các vị dân cử Thượng Viện lại nghe đề nghị đến từ Nghị Sĩ Dân Chủ Christopher Coons của tiểu bang Delaware, nói rằng nếu đồng ý cho Tổng Thống Obama rộng quyền quyết định chiến tranh “chúng ta cũng phải nghĩ đến việc phải làm sao trang trải chi phí.” Ðề nghị của ông có thể tóm tắt như sau: Quốc Hội sẽ thông qua “thuế chiến tranh,” nhưng chưa cho biết thời hạn bắt dân phải đóng loại thuế “đặc biệt” này sẽ kéo dài bao lâu.