main billboard

Ông cho biết trong suốt mấy ngày đi nhiều nơi ở California, ông nhận ra một điều là rất ít người dùng đèn signal để ra hiệu cho những người lái xe khác biết họ sắp quẹo.


Người Mỹ sống ở hai miền Ðông và Tây rất khác nhau. Ít nhất là ở một chuyện. Ðó là chuyện xe cộ và quần áo.

Người Mỹ ở miền Ðông thích quần áo hơn người miền Tây. Mấy năm trước nhân sinh nhật của cậu bé con một gia đình tôi quen ở New York, tôi muốn mua cho cậu một món quà nhưng không biết mua gì. Tôi điện thoại hỏi thì cậu cho biết là muốn có một cái t-shirt nhưng phải là của Armani Exchange mới được. Tôi hỏi mấy người mới biết tiệm ở đâu. Cuối cùng rồi cũng kiếm ra tiệm ở South Coast Plaza. Tôi mua một chiếc mầu đen đúng như lời căn dặn cho sinh nhật thứ 12 của cậu. Cái áo tôi thấy không đẹp đẽ gì cho cam nhưng cái debit card của tôi bị trừ nghiến đi $75. Ðó là người New York 12 tuổi.

Người miền Tây thì thích xe hơi. Tôi được nghe kể một cậu nhỏ một hôm nhất định không chịu để mẹ đón ở cổng trường vì hôm đó, mẹ cậu đến bằng chiếc Corolla mượn của người bạn cùng sở vì xe của mẹ cậu, chiếc Lexus, bị trục trặc máy. Cậu sợ các bạn biết là cậu phải lên chiếc Toyota Corolla mẹ cậu lái đến trường hôm ấy. Cậu là người California, cũng 12 tuổi.

muaxeMua xe (Ảnh minh họa)

Cuối tuần qua, tôi phải hành nghề tài xế đưa đón một người bạn ở Washington D.C. qua chơi. Suốt hai ngày tôi phải chở chàng đi khắp nơi. Tối Chủ Nhật, trước khi lên đường về lại miền Ðông, chàng cho biết là có thể sẽ dọn sang California và khi đó, sẽ phải nhờ tôi giúp chàng mua một cái xe cũ còn chạy được để đi lại. Tôi thú nhận là người rất dở trong chuyện mua bán, nhất là xe cộ. Cũng may cái xe già của tôi không hay lăn đùng ra làm khó chủ của nó. Tôi hỏi tại sao chàng không đem cái xe chàng đang chạy ở Washington mà vừa mới năm ngoái tôi sang chơi thấy vẫn còn mới, còn chạy được thêm 5 năm nữa là ít, thì chàng nói là chàng thích mua xe ở California hơn. Ngay cả xe cũ của người California cũng tốt hơn xe cũ ở miền Ðông, tốt hơn cả chiếc xe chàng đang đi.

Nghe chàng nói vậy, tôi nghi chàng bắt đầu lên cơn sốt mê xe của miền Tây mất rồi chăng. Tôi nói lên điều thắc mắc ấy và được chàng giải thích là người California cẩn thận đối xử với xe của họ nhẹ nhàng hơn, không phá xe như người ở các tiểu bang khác nên nếu mua xe cũ thì nên mua ở California. Như thế chàng sẽ yên bụng hơn. Tôi nghe cách giải thích ấy của chàng thì lại càng thấy thắc mắc hơn. Bề gì tôi cũng đã bỏ miền Ðông sang California từ hơn mười năm nay nhưng tôi có thấy người lái xe ở California tử tế, nhẹ nhàng với xe của họ hơn là những người lái xe ở các tiểu bang khác mà tôi đã đi qua bao nhiêu đâu. Nói cho bạn tôi nghe nhận xét đó thì bạn tôi trả lời rằng cứ lái xe đi ở trên những con đường ở California là thấy ngay. Người lái xe, và nhiều phần, chắc đó cũng là chủ xe, rất gượng nhẹ với những chiếc xe họ lái. Bạn tôi giải thích rõ hơn rằng chủ xe ở California giữ gìn xe hết sức cẩn thận. Ngoài chuyện những cái gạt nước ít khi phải dùng tới vì California ít mưa, người ta còn ít dùng, hà tiện luôn cả việc sử dụng những cái đèn hiệu khi quẹo trái hay quẹo phải nữa. Ông cho biết trong suốt mấy ngày đi nhiều nơi ở California, ông nhận ra một điều là rất ít người dùng đèn signal để ra hiệu cho những người lái xe khác biết họ sắp quẹo. Ông nói thêm rằng những người ấy, nếu biết cách, chắc họ còn sửa luôn cả những cái đèn stop để khi đạp thắng, đèn sẽ không báo xe sắp stop cho đỡ tốn điện và không cháy bóng rồi hư thì... khổ. Vì thế, xe cũ ở California chắc chắn tốt hơn vì chủ rất nhẹ tay, cẩn thận khi lái.

Tôi lặng im ngồi nghe, không nói được gì. Mà nói gì khi mà chính tôi cũng nhận ra chi tiết ấy sau hơn một chục năm lái xe trên những con đường ở California.

Ấy là chưa nghe ông nói về nhưữg khuôn mặt quạu đeo từ những parking lot chạy ra nhập vào đường lớn mà cũng vẫn không thèm ngạo với nhân gian một nụ cười. Cứ tiếp tục nghiêm và buồn với người nhường đường cho xe của mình. Hay cũng cứ nghiêm và buồn để đóng cho trọn vẹn vai Việt Nam bi thảm Ðông Dương khi có người mở cửa rồi lại giữ cửa để cánh cửa khỏi bật lại đập vỡ cái bản mặt táo bón của mình hệt như mấy con sẩm đáng ghét mà ông Bá Dương đã cực tả trong cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí của ông.

Còn nhiều chuyện khác ở California mà tôi sợ phải mất mấy ngày mới cho chàng nghe hết được, chàng không về miền Ðông đúng ngày thì khổ đời chàng. Hay nghe hết chàng không dám sang California thì sao đây?