main billboard

Hầu như chẳng ai ngạc nhiên khi nghe tin ông Cựu Thống Ðốc Jeb Bush dự tính tranh cử tổng thống


Ðây là lời đồn đãi đã được nói tới từ đầu Tháng Mười Một 2012, ngay sau khi Tổng Thống Barack Obama đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì. Lời đồn thổi này bùng nổ lớn hơn hồi đầu tháng trước sau khi đảng Dân Chủ thất bại quá lớn trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2014, giúp một số nhà phân tích nghĩ rằng “ngọn gió chính trị đã đổi chiều” giúp đảng Cộng Hòa ở thế thượng phong. Xen kẽ giữa 2 dấu mốc bầu cử đó là quyển sách do Cựu Tổng Thống George W. Bush viết để nói “tình thương và sự kính trọng của một người con” đối với thân phụ là Cựu Tổng Thống George Bush, trong đó vị tổng thống thứ 43 của nước Mỹ không chỉ ca ngợi vị tiền nhiệm thứ 41, mà còn dành nhiều trang giấy để trình bày cho người đọc hiểu thật cặn kẽ những lý do tại sao ông tin cậu em trai Jeb Bush 61 tuổi nên dự cuộc đua tranh chức tổng thống 2016, và sẽ được cử tri tín nhiệm để trở thành nhà lãnh đạo thứ 45 của nước Mỹ.

jeb bush 1Cựu Thống Ðốc Jeb Bush. (Hình: Andy Jacobsohn/Getty Images)

Tất cả những lời đồn đãi, đánh bóng hoặc thăm dò chính trị đó đã trở thành sự thật. Sáng Thứ Ba (16 Tháng Mười Hai 2014), ông Jeb Bush dùng trang mạng xã hội Facebook để loan báo Tháng Giêng năm tới sẽ dựng một Ủy Ban Hành Ðộng Chính Trị (PAC) “để thảo luận, trao đổi với người dân về những thử thách quan trọng nhất mà quốc gia chúng ta có thể phải đương đầu.” Dựng PAC cũng có nghĩa là ông sẵn sàng nhận sự đóng góp tài chánh của những người ủng hộ, dọn đường cho ngày chính thức loan tin ra tranh cử tổng thống.

Mặc dù ngay chính cô phát ngôn viên Kristy Campbell gửi email nhắc đi nhắc lại nhiều lần “ông sếp chỉ mới thăm dò chứ chưa quyết định có ra tranh cử hay không,” nhưng bước đi đầu tiên của ông Jeb Bush tức khắc gây nhiều sôi nổi trong chính trường quốc gia. Bà Bobbie Kilberg, một trong những người thường kiếm bạc triệu cho các ứng viên Cộng Hòa ở tiểu bang Virginia cho biết nghe tin buổi sáng, “đến buổi trưa đã có nhiều người gọi điện thoại hỏi chuyện, muốn biết ý kiến nên làm gì, có nên tuyên bố ủng hộ, sẵn sàng giúp tiền cho ông Jeb Bush ra tranh cử hay đợi thêm một thời gian nữa xem sao?”
Ðiều đó “có nghĩa là mọi người đều hiểu ông Bush đã sẵn sàng” để dự cuộc đua tranh chức tổng thống, và quyết định đi bước đầu tiên của ông “sẽ thúc đẩy những chính trị gia Cộng Hòa khác cũng phải loan báo ý định của họ sớm hơn chứ không thể ngồi chờ được nữa.”

Nhận xét đó cũng là nhận xét của ông John Horne, một trong những người thường xuyên tổ chức những cuộc vận động quyên tiền cho đảng Cộng Hòa ở tiểu bang Arkansas. “Trong danh sách những người thường được nói tới, ai cũng biết có ông Cris Christie, ông Rand Paul, ông Ted Cruz và một số vị thống đốc khác, trước đây, những người này vẫn nói chưa quyết định hoặc đang suy nghĩ nhưng bây giờ tôi tin chắc chắn họ phải xuất đầu lộ diện sớm hơn,” để báo cho cử tri biết “ngoài ông Jeb Bush còn có chúng tôi nữa.” Ông Horne nhắc lại lợi thế của người xuất hiện sớm: được nói đến nhiều hơn, được chú ý nhiều hơn, quan trong nhất là “có cơ hội quyền tiền nhiều hơn cho cuộc đua chính trị “chắc chắn sẽ tốn bạc tỷ, đặc biệt ông Jeb Bush lại xuất thân trong một gia đình quyền thế, là con trai của một vị tổng thống và là em trai của một vị tổng thống vừa rời Tòa Bạch Ốc cách đây mới vài năm.”

Ngay những nhân vật thuộc hàng “có máu mặt” trong đảng Cộng Hòa tin rằng sự xuất hiện của ông Jeb Bush “sẽ lôi cuốn những người đã từng làm việc với hai vị tổng thống George Bush và George W. Bush kết hợp lại với nhau hàng ngũ ủng hộ” và “đó là lợi thế chính trị không một ứng cử viên Cộng Hòa nào có.” Ông Mel Sempler - đại sứ Hoa Kỳ tại Australia thời ông Bush “bố” và đại sứ Mỹ ở Ý thời ông “W” - được đưa ra làm thí dụ điển hình sau khi ông này công khai lên tiếng nói dù rất quý trọng Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) “nhưng sẵn sàng góp một tay cho ông Jeb.” Lý do: ông thân với gia đình Bush, làm việc với gia đình Bush, lại “thấy khó có người địch lại ông Jeb Bush.” Ngay cả trường hợp người được ông ngưỡng mộ là Nghị Sĩ Rubio “cũng ở thế khó khăn khi đối đầu với ông Jeb. Tôi quý trọng ông Rubio, nhưng nước Mỹ cần người đã từng có kinh nghiệm điều hành. Trở ngại chúng ta đang có bây giờ là Tổng Thống Obama là người không có kinh nghiệm điều hành, và những gì ông (Obama) làm khiến tôi âu lo,” không dám nghĩ đến chuyện sẽ ủng hộ một nhà lãnh đạo “không có kinh nghiệm” như vị tổng thống đương nhiệm.

Chuyện ông Bush từng điều khiển tiểu bang Florida và vị thượng nghị sĩ trẻ tuổi đang đại diện cho tiểu bang này ở tòa nhà Thượng Viện Liên Bang chạm trán với nhau ở cuộc đua 2016 cũng là điều đang được nói đến ở thủ đô. Ðể giải tỏa phần nào thắc mắc của cử tri và cũng để ngăn chận những đồn đãi chính trị, văn phòng ông Rubio gửi cho giới truyền thông bản thông cáo, trong đó viết rằng “Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio rất quý trọng ông Thống Ðốc Bush và tin tưởng ông thống đốc sẽ là một ứng cử viên thật sáng giá. Tuy nhiên, Thượng Nghị Sĩ Rubio quyết định ra tranh cử tổng thống hay sẽ tái ứng cử chức thượng nghị sĩ tùy thuộc vào những cân nhắc xem ở vị trí nào ông sẽ thực hiện được những điều ông muốn làm cho quốc gia, chứ không tùy thuộc vào danh sách những người cùng ra tranh cử một chức vụ với ông.” Văn phòng ông Thống Ðốc Rick Perry (Cộng Hòa-Texas) cũng đưa ra bản thông cáo (mang chữ ký của ông Cố Vấn Chính Trị Jeff Miller) đại để cho rằng “chuyện ông Jeb Bush ra tranh cử không ảnh hưởng gì đến chúng tôi. Trong trường hợp Thống Ðốc Perry quyết định tranh cử tổng thống, chúng tôi sẽ quyên được số tiền cần phải có để thực hiện những điều chúng tôi cần phải làm.”

Nhưng nước Mỹ có cần tới 3 vị tổng thống mang tên Bush hay không? Câu trả lời nghe được từ Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Tom Coburn là một chữ “không” to tướng. Vài giờ sau khi được tin ông Jeb Bush sửa soạn ra tranh cử, vị nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Oklahoma cho mọi người biết ông “không nghĩ là chúng ta cần thêm một vị tổng thống mang tên Bush. Tôi quý gia đình Bush, nhưng câu trả lời của tôi là chúng ta không cần một ông tổng thống mang tên Bush nữa.” Tổ chức siêu vận động (Super PAC) Conservative Action Fund của cánh bảo thủ Cộng Hòa cũng lên tiếng cảnh báo sự xuất hiện của “ông Bush thứ ba” sẽ khiến ước mộng lấy lại Tòa Bạch Ốc trở thành khó khăn hơn. Trong email gửi cho những người ủng hộ, tổ chức này viết rằng “nếu các bạn nghĩ đảng Cộng Hòa sẽ thua cuộc chỉ vì có ông Bush, thì bạn hãy ký tên vào bản kiến nghị của chúng tôi.” Bản kiến nghị được phổ biến trên mạng vỏn vẹn có 4 chữ: “Stop Jeb Bush NOW.”

Phe ông Jeb Bush vẫn giữ thái độ im lặng, không trả lời tất cả những câu hỏi liên quan đến chuyện bị chống đối, vẫn âm thầm và cắm cúi làm “những điều chúng tôi thấy cần làm, không bị bận tâm vì chuyện khác,” theo lời một người thân cận với ông cựu thống đốc tiểu bang Florida. Nghe đâu hai việc mà cánh ông Jeb Bush đang ráo riết làm trong những ngày vừa qua: thứ nhất, liên lạc với tất cả những mạnh thường quân cỡ “gộc” từng ủng hộ Tổng Thống Bush thứ 41 và Tổng Thống Bush thứ 43, nhắc nhở “đừng vội nhận lời ủng hộ bất cứ ai”; và thứ nhì, ông trưởng ban chiến lược Mike Murphy đang lập danh sách, gọi điện thoại và tiếp xúc trực tiếp với những người sẽ được mời làm việc trong ban vận động, đi kèm với lời dặn dò “sau Tết Dương Lịch 2015 tụi này sẽ gọi lại.”