main billboard

Thế mà, ngày Giáng sinh vẫn đông người, dân chúng tin tưởng vào một niềm tin mơ hồ nào đó về một biến cố chính trị. Các buổi giảng đạo trong nhà thờ đầy ắp người và Giáng sinh là một dịp để tôn giáo nói lên ước vọng của người dân.

caythong giangsinhSau lễ Tạ Ơn, và sau ngày “Black Friday”, là mùa Giáng sinh, mùa mua sắm của người dân Mỹ. Các trung tâm thương mại đã bắt đầu tấp nập dù năm nay tình hình kinh tế không có gì sáng sủa lắm. Đối với người Việt tị nạn chúng ta lại thêm một Giáng sinh trên xứ người. Và mỗi chúng ta không thể quên những Giáng sinh đã đi qua trong đời. Giáng sinh của thời tuổi trẻ. Giáng sinh của thuở thanh bình và chiến tranh. Giáng sinh của những ngày thê thảm nhất sau 30 tháng Tư 75 khiến cả triệu người phải thách đố với định mệnh vượt biển tìm tự do. Giáng sinh của đời tị nạn, từ những bước khởi đầu lập lại cuộc đời với hai bàn tay trắng để có được một cộng đồng tiến triển hôm nay.

***

Tôi có một kỷ niệm khó quên. Khi học ở trường Chu văn An, trong giờ Pháp văn khi giáo sư Nguyễn Văn Mùi đọc truyện ngắn “Conte de Noel” [Les Trois Messes Basses] trong Lettres de mon Moulin của nhà văn Alphonse Daudet*. Lúc thầy Mùi đọc truyện ấy vào giờ thứ tư của buổi sáng nghĩa là gần đúng ngọ lúc mà bao tử của cả thầy lẫn trò đều rỗng ruột. Đó là chuyện ông cha Thomas Arnoton làm thánh lễ nửa đêm nhưng vì bị các món ăn thịnh soạn hành hạ trong trí óc theo các hồi chuông lễ dồn dập thúc đẩy nên đọc thánh kinh ngắn đi để mau dự buổi tiệc nên bị tội. Trong truyện mô tả toàn những sơn hào hải vị và tiếng nuốt nước miếng ừng ực của ông cha đang giảng đạo làm cả thầy lẫn trò của lớp buổi trưa cũng nuốt nước miếng theo và đọc Pháp ngữ bằng cái miệng đầy nước bọt chứ không phải bằng giọng mũi nữa.

Đó là một kỷ niệm Giáng sinh của tôi về thời đi học. Nhưng còn có nhiều kỷ niệm khác nữa. Xin kể về một bài thơ Giáng sinh mà khi viết tôi đã ở trong một hoàn cảnh đặc biệt trong đời mình. Lúc ấy là năm 1979, khi tôi vừa mới ra tù «cải tạo» được mấy ngày. Bài thơ mang tên “Giáng sinh ở Sài Gòn»:”
“
Hãy xuống đường và mặc áo mới.
Chiếc áo ngày chúa bị đóng đinh
Còn khô vệt máu
Hãy xuống đường và xưng tội
Thân phận Việt Nam.
Âm như dao sắc
Thánh ca xoáy tròn
 cấu da nỗi đau có thực.
Giáng sinh ở Sài Gòn
Con phố không còn gió
Ngọn cờ ủ ê.
Lặng lẽ.
Giáng sinh ở Sài Gòn
Thắp trong mắt mỗi người ngọn nến nửa đêm
Đầu mang vòng  gai  buốt
Hân hoan hành xác mình
Giáng sinh ở Sài Gòn.
Mọi người đi ra đường
 Cầm trái tim
Làm vũ khí.
Lời đồng dao của quỉ
Bắt đầu chuông báo tử mùa xuân.
Hát cho rõ tiếng guốc nàng.
Hai mươi năm trẻ dại
Hát và thở ký ức chàng
Thác reo lũng gió
Hát và vỗ tay thế kỷ chúng ta.
Khúc hoan ca thinh lặng
Hát và long lanh hạt lệ
Giáng sinh ba  mươi năm trí nhớ.
Bây giờ nửa đêm
phơi khô dây hạnh  phúc
ngọn nắng phai phai
ru tôi tóc sợi.
Bây giờ ở Sài Gòn
Tôi trốn vào đám đông
Mặt nạ che tông tích
Tự hỏi có phải là dòng sông
Trôi qua những ấu thơ tinh nghịch
Cánh cửa khuya đóng lại bình minh.
Giáng sinh ở Sài Gòn
 nhớ ly cà phê gạo rang đắng chát.
Cho cũ một ngày.
Ngọn đèn dầu nhỏ tăm tối
 Sao không thắp hỏa châu
 Sân ga không tàu đợi
Giáng sinh ở Sài Gòn.
Ngực khan đám đông đau
Than vừa ngún
Bếp đỏ lửa rồi bè bạn ta ơi
Giáng sinh ở Sài Gòn
Sống lại chính chúng ta
Hàng hàng lớp lớp
Tôi phục sinh. Anh phục sinh
Từ dòng máu giọt…”

Giáng sinh năm đó không hiểu sao mà đường phố đông đảo đến như vậy. Một sự trùng hợp nào đó, hình ảnh của Hồ Chí Minh treo trên mặt tiền của Ủy ban Nhân dân Thành phố bị hạ xuống để sửa chữa và tiếp theo là có tin đồn có đảo chính và thay đổi chính trị. Lúc đó đời sống dân chúng cả nước thật là cực kỳ khó khăn, nghèo đói, ngoài đường đầy những người không nhà bị đánh tư sản hoặc ở vùng kinh tế mới trở về, hàng hóa thiếu thốn, chính sách ngăn sông cấm chợ, rồi hậu quả của việc đổi tiền, trại tù đầy ắp người… tất cả trong tình trạng bi đát. Thế mà, ngày Giáng sinh vẫn đông người, dân chúng tin tưởng vào một niềm tin mơ hồ nào đó về một biến cố chính trị. Các buổi giảng đạo trong nhà thờ đầy ắp người và Giáng sinh là một dịp để tôn giáo nói lên ước vọng của người dân.
…
Và một bài thơ khác, viết trong một thời điểm khác khi tôi bắt đầu làm lại cuộc đời ở xứ người. Một bài thơ lục bát với âm hưởng bâng khuâng của một người chưa biết đôi chân mình sẽ về đâu:…
                                     “
Vào thương xá giọt nhạc rơi
Giờ thánh tẩy, chợt cõi đời bù hao
Từ khi gươm súng vẫy chào
Ngẩn ngơ  tiền kiếp lao đao bóng hình
Soi gương  mù mịt nhân sinh
ngọn thông đèn thắp nỗi mình ở đâu?
Đứng bên hang đá u sầu
Thấy cây thập giá nỗi đau hình thành
Tượng  Mẹ giọt lệ long lanh
Hồng ân  thiên cổ trên cành còn treo
Chiếc xe đò cũ qua đèo
Nghe sương  khói chạnh  cuối chiều  bâng khuâng
Đứng trên đỉnh dốc phong trần
Áo cơ hàn cũ thế thân vẫn vừa
nhạc rơi ẩm sáng lạnh trưa
giáng sinh tôi, quạnh đêm mưa ngang đầu.

Tâm tư khi vừa qua Mỹ định cư ai cũng giống nhau. Vào ngày Noel trong không khí lễ hội tưng bừng nhưng trong lòng thì bâng khuâng, quá khứ thì vẫn còn những tha thiết sót lại, hiện tại thì ngơ ngác và tương lai thì chưa biết ra sao. Tôi nghe nhạc Giáng sinh trong tâm cảm ấy.…

Về âm nhạc có một bản nhạc Giáng sinh nhiều liên hệ quan trọng đến thời sự Việt Nam. Nhắc đến bài hát ấy là nhắc đến những ngày tháng không thể nào quên của cuộc chiến Việt Nam. Tôi muốn nói đến bản White Christmas của nhạc sĩ Irving Berlin được phát trên hệ thống truyền thanh Hoa Kỳ ngày 30 tháng Tư năm 1975 như một mật hiệu để bắt đầu cho chiến dịch Frequent Wind để di tản bằng không vận tất cả những người Mỹ ra khỏi Việt Nam. Sau khi đại sứ Martin tỏ ý muốn dời lại thời giờ di tản thì Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger ba phút sau ra lệnh phải thực hiện ngay và bản nhạc như một mật hiệu khởi đầu. Lời nhạc có những câu như:
“
The sun is shining, the grass is green
The Orange and palm trees sway
 There's never been such a day
In Bervely Hills, L.A.
But it's December the twenty-fourth-
And I am longing to be up North”

Và bản tạm dịch như sau:
mặt trời rực rỡ, đồng cỏ xanh non
những cây cam và cây cọ đong đưa
Không bao giờ là ngày đó
ở Bervely Hills, Los Angeles
Nhưng là ngày 24 tháng Mười hai
Và tôi ước ao ngược lên phương Bắc..”

Nhạc sĩ Irving Berlin đã viết bản nhạc này như thế nào?

Có rất nhiều tài liệu nói về thời gian và nơi chốn mà nhạc sĩ đã sáng tác ra bản nhạc này. Một tài liệu thì nói rằng ông đã sáng tác ca khúc này trong một đêm bên hồ tắm của khách sạn Baltimore ở thành phố Phoenix tiểu bang Arizona năm 1940. Với chúng ta, những người tị nạn Việt nam, phải chăng chính bản nhạc này đã đánh dấu những ngày bi thảm nhất của cuộc chiến không? [NMT]

* Alphonse Daudet (1840-1897) chào đời ở thành phố Nimes, Pháp. Ông thường được gọi là «The French Dickens» bởi vì có nhiều điểm giống với nhà văn Charles Dickens của văn chương Anh. Ông cũng là tác giả của tập thơ “Les Amoureuses», và các tác phẩm “Le Petit Chose», «Aventures prodigieuses de Tartarin De Tarascon», bản kịch ba hồi «L'Arlésienne» và tập truyện ngắn “Lettres de mon moulin». Tập truyện này, gồm một loạt những lá thư và truyện ngắn lấy đề tài từ vùng Provence. «Lettres de mon moulin» được quay thành phim do Marcel Pagnol đạo diễn với các tài tử Roger Crouzet, Henri Cremieux, Edouard Delmont, Henri Vilbert, Fernand Sardou.