main billboard

“Mọi việc đã có đảng và nhà nước... khác lo” - như một thành ngữ dân gian hiện đại ở Việt Nam. Bối cảnh phát sinh thành ngữ này là rất non trẻ: tháng 5, 2014.


Lại “bất ngờ”

Lại thêm một tín hiệu “hữu nghị” bất ngờ nữa từ phía Quốc Hội Hoa Kỳ dành cho giới bảo thủ ở Việt Nam. Chưa đầy một tuần sau khi Thượng Nghị Viện Mỹ “nhất trí” về thỏa thuận hạt nhân dân sự với Việt Nam, đến lượt Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ ghé mắt một nghị quyết cho phép Mỹ bán vũ khí sát thương cho quốc gia cựu thù nhưng vẫn chưa thể “hòa giải.”

randy forbes and colleen hanabusaDân biểu J. Randy Forbes (trái) và Dân biểu Colleen Hanabusa

Ngày cuối tháng 7, 2014, hai dân biểu Forbes và Hanabusa đã đệ trình dự thảo nghị quyết về an ninh hàng hải tại Châu Á-Thái Bình Dương để Hạ Viện thông qua. Truyền thông quốc tế dẫn lời Dân Biểu Forbes rằng văn kiện được sự ủng hộ của cả hai đảng tại Hạ Viện Mỹ sẽ khẳng định trở lại “lợi ích quốc gia cơ bản của Mỹ trong việc duy trì quyền tự do lưu thông (trên biển và trên không), và giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ.”

“Cả hai điều trên đã nhiều lần bị Trung Quốc thách thức bằng những việc cố dùng sức mạnh để làm thay đổi hiện trạng trong khu vực,” ông Forbes thẳng thừng.

Chỉ mới ba tháng trước, có lẽ những nghị sĩ như Forbes và Hanabusa không hoàn toàn quyết tâm đối với ý tưởng “kiện” Trung Quốc - một hành động mà sau cả một quý bị hạm đội giàn khoan Bắc Kinh khiêu khích đến tận cùng liêm sỉ, phía Việt Nam vẫn im hơi lặng tiếng.

Nhưng giờ đây, loạt hành vi của Trung Quốc đã củng cố một sự thật quan trọng: Hoa Kỳ phải tiếp tục tích cực dấn thân vào vùng Châu Á-Thái Bình Dương để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của nền hòa bình và thịnh vượng mà khu vực được thừa hưởng trong sáu thập kỷ qua.

Nội dung bản dự thảo nghị quyết dài 16 trang của hai dân biểu Forbes và Hanabusa đã nêu bật gần như tất cả các hành vi “gây mất ổn định” trong cả hai vùng Biển Ðông và biển Hoa Ðông, mà thủ phạm là Trung Quốc đã bị nêu đích danh.

Trên các cơ sở đó, Hạ Viện Mỹ sẽ thông qua 17 quyết nghị với nội dung lên án các hành vi cưỡng bức, hù dọa hay dùng võ lực để cản trở quyền tự do lưu thông trên không và trên biển ở các vùng biển Châu Á, kêu gọi đích danh Trung Quốc không nên áp dụng các quy định về vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Ðông, và không được thiết lập các vùng tương tự ở nơi khác.

Nhưng điểm ấn tượng nhất liên quan đến “khách thể” Việt Nam là trong các khuyến cáo về mặt chính sách đối với chính quyền Mỹ, khuyến nghị thứ 13 liên quan đến quan hệ Mỹ-Việt đã bật đèn xanh cho việc bán vũ khí cho Hà Nội.

Với một nội dung vừa ẩn dụ vừa công khai, bản dự thảo nghị quyết của hai dân biểu Forbes và Hanabusa cho rằng chính sách của Mỹ phải “thiết lập và thực hiện một khuôn khổ chính sách với chính phủ Việt Nam sao cho phản ánh được cả sự tiến bộ lẫn thách thức còn tồn tại trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, cũng như là các lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu của Hoa Kỳ, bằng cách đào sâu và mở rộng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam thông qua việc bán hoặc chuyển giao thiết bị quốc phòng trong chiều hướng thích hợp với sự phát triển và duy trì khả năng phòng thủ chống ngoại xâm của Việt Nam...”


Hãy cố lên, những người bảo thủ!

Mới vào năm ngoài, câu chuyện bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hầu như chưa được người Mỹ chú trọng, dù ông Trương Tấn Sang đã không quên đề cập chủ đề này với chủ nhân tòa Bạch Ốc trong Thỏa thuận đối tác toàn diện giữa hai nước vào tháng 7, 2013. Thậm chí sau những chuyến ngoại giao con thoi của các viên chức ngoại giao cao cấp Mỹ như John Kerry và Wendy Sherman đến Hà Nội vào cuối năm trước và đầu năm 2014, cũng chưa phát lộ một tín hiệu khả quan nào về “bỏ cấm vận vũ khí” thể theo yêu cầu tha thiết của phía Việt Nam.

Nhưng xem ra giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đã kiến thiết tất cả. Biểu cảm vội vã và quá lộ liễu của cuộc chiến xâm lược dầu khí đã khiến không chỉ các nước trong khu vực Ðông Bắc Á và Ðông Nam Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines phải tính đến việc thành lập một liên minh quân sự nhằm chống lại Bắc Kinh, mà còn lôi kéo cả Quốc hội Hoa Kỳ vào cuộc phản kháng tham vọng bá quyền Trung Hoa.

Một chi tiết đáng lưu ý và có thể gây ngạc nhiên là vào tháng 6, 2014, Ted Osius - người lúc đó đang được Quốc Hội Mỹ xem xét tư cách để trở thành tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - đã đưa ra một đề xuất mạnh bạo trước tổ chức dân cử này: Mỹ cần thúc đẩy việc bán vũ khí sát thương cho Hà Nội, dựa trên cơ sở là Việt Nam đã “có tiến bộ” đối với một số mặt như xã hội dân sự, lập hội, người khuyết tật và có thể cả tự do tôn giáo...

Ðến đầu tháng 7, 2014 và ngay sau chuyến đi của Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Hoa - đến Hà Nội, Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ đã lần đầu tiên, bằng 100% số phiếu tán thành tuyệt đối, thông qua bản nghị quyết số 412 lên án Trung Quốc và yêu cầu chính thể này phải “trở về nguyên trạng trước tháng 5, 2014.”

“Mọi việc đã có đảng và nhà nước... khác lo” - như một thành ngữ dân gian hiện đại ở Việt Nam. Bối cảnh phát sinh thành ngữ này là rất non trẻ: tháng 5, 2014.

Người Mỹ đã hành động, thậm chí còn làm thay những gì mà Nhà nước Việt Nam đã không làm hoặc không muốn làm, bất kể tính chính danh của Hà Nội vẫn chưa hoàn toàn biến mất trên trường quốc tế.

Dường như một lần nữa từ sau các thời điểm năm 1995, 2001 và 2007, quan hệ Việt-Mỹ được “tái hợp.” Chuyến đi không công bố trước của đại biểu Quốc Hội kiêm ủy viên Bộ Chính Trị Phạm Quang Nghị đến Hoa Kỳ vào cuối tháng 7, 2014 cũng gần như một minh chứng ngấm ngầm cho công cuộc tái giao thoa này.

Bất ngờ không kém chuyến công du Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang tròn một năm trước, giờ đây ngay cả giới lãnh đạo “kiên định chủ nghĩa xã hội” cũng có vẻ đang muốn “giao lưu hải quân” với Hạm Ðội 7.

Hãy cố lên, những người bảo thủ Hà Nội!