main billboard

“Ðịch” đang tiến quân, nhưng nếu nghe những gì hành pháp và lập nói thì thấy ngay “ta” chưa biết phải làm gì để cứu nguy đồng minh Iraq.


“Những gì chúng tôi được nghe hôm nay là những điều chúng tôi đã từng dự đoán nhiều năm trước đây,” Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham chia sẻ với giới truyền thông ngay sau khi rời phòng họp. Chừng 45 phút đồng hồ trước đó, ông cùng với một số nghị sĩ thuộc các ủy ban tình báo, quốc phòng và ngoại giao dự cuộc họp kín với các viên chức hành pháp, để nghe phía Tòa Bạch Ốc cho biết tình hình Iraq và những gì chính phủ Baghdad yêu cầu Washington D.C. trợ giúp.

phienquan iraqMột phiến quân đứng trước chiếc của quân đội Iraq bị đốt cháy. (Hình: AP Photo/Iraqi Revolution via AP video)

“Tình hình hôm nay là điều tôi đã trình bày với Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush,” ông Graham kể tiếp. “Tôi và ông John McCain vào Tòa Bạch Ốc, trình bày với Tổng Thống Bush rằng bắt buộc phải tăng quân để ổn định tình hình Iraq, sau đó, chúng tôi lại vào gặp Tổng Thống Bush để nói với tổng thống là không thể rút hết quân, phải để lại một lực lượng để gìn giữ những gì chúng ta đã tạo được ở chiến trường Iraq.” Vẫn ông nghị sĩ của tiểu bang North Carolina, “khi Tổng Thống Obama quyết định rút quân, tôi cũng đã nhắc lại điều này, nói cho bên Tòa Bạch Ốc biết chúng ta tốn kém cả xương máu binh sĩ lẫn rất nhiều tiền của, không thể cứ bỏ đi vì sau đó trở lại khó lắm.”

Các vị nghị sĩ có mặt trong cuộc họp không nói hết những gì họ được nghe từ phía hành pháp, cũng không nói bên Baghdad yêu cầu Hoa Kỳ giúp những gì, nhưng theo Thượng Nghị Sĩ Roy Blunt (Cộng Hòa, Missouri) “theo tôi hiểu thì tình hình bây giờ là cảnh vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm. Lỗi này là vì chúng ta không để lại Iraq một lực lượng cần thiết phải có để giúp ổn định tình hình (sau ngày quân đội Mỹ rút khỏi chiến trường).” Ông cũng tiết lộ “những điều nghe được mà ớn lạnh” chẳng hạn như tin “4 trong 17 sư đoàn của quân đội Iraq đã tan rã, nhiều binh sĩ Iraq khi đi làm mặc quân phục bên ngoài, quần áo dân sự bên trong” gọi đó là “dấu hiệu xấu,” trong lúc phiến quân giáo phái Sunni đã làm chủ Tikrit và Mosul, đang trên đường tiến về Baghdad với mục tiêu lật đổ chính phủ của Thủ Tướng Nouri Al-Maliki.

“Ðịch” đang tiến quân, nhưng nếu nghe những gì hành pháp và lập nói thì thấy ngay “ta” chưa biết phải làm gì để cứu nguy đồng minh Iraq. Trong cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc, Thổng Thống Brack Obama cho hay “mọi giải pháp đều đang được tính tới,” nhưng cũng nói thêm ông từng bảo “Hoa Kỳ không thể nào can dự ở khắp mọi nơi,” để nghị chính phủ Bangdad phải biết nắm cơ hội để xây dựng đoàn kết chính trị, yêu cầu ông Al-Maliki tập hợp “những người Hồi Giáo Shiite và Sunni có chung tư tưởng muốn xây dựng quốc gia.” Sau đó, ông phát ngôn viên Jay Carney giải thích rõ hơn: mặc dù Tổng Thống nói mọi giải pháp đểu mang được tính tới “nhưng Hoa Kỳ sẽ không đổ bộ binh sĩ trở lại Iraq.” Một nhân viên Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia nói thêm: nếu có can dự, tối đa là oanh tạc và sử dụng máy bay không người lái.

Ý kiến “chỉ dùng máy bay” được phần lớn các vị dân cử Cộng Hòa lẫn Dân Chủ ủng hộ, chẳng hạn như bà Nghị Sĩ Dân Chủ Jeanne Shaheen (New Hampshire) cho rằng “đây là giải pháp hợp lý nhất,” Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Carl Levin tin “có lẽ đây là cách duy nhất để chúng ta có thể chận đường tiến quân của phiến quân, trong lúc chờ đợi quân đội Iraq tái phối trí.” Ông Levin cũng nói cho dù chính phủ Bangdad có nhờ vả đi chăng nữa, “cho dù không để yên cho những kẻ làm loạn nhưng Hoa Kỳ cũng phải cân nhắc cho thật kỹ” vì “chỉ vài năm trước đây họ có cơ hội nhận được sự giúp đỡ của nước Mỹ, nhưng chính họ từ chối ký hiệp ước an ninh với chúng ta.” Thượng Nghị Sĩ John McCain tán thành ý kiến đó, cho dù ông nghĩ rằng “oanh tạc thôi vẫn chưa đủ, phải làm gì thêm nữa” để cứu Bangdad. Làm gì thêm cho Iraq thì không nghe ông nói, nhưng ông đề nghị Tổng Thống Obama “nên sa thải dàn cố vấn an ninh, sa thải cả tướng tổng tham mưu trưởng” vì những người này phân tích tình hình sai, đưa đề nghị “láo lếu.”

Nhẹ nhàng nhất trong chuyện này là bà Nghị Sĩ Dân Chủ Diane Feinstein của tiểu bang California. Bà nhỏ nhẹ bảo “bây giờ không phải là lúc chỉ trích nhau xem ai phải ai trái, mà phải ngồi lại bàn tính xem trước tình huống này thì chúng ta nên làm gì.” Bà Feinstein đề nghị: tổng thống gặp Quốc Hội càng sớm càng tốt, cùng nhau tính cách giải quyết vấn đề, “tôi tin rằng nếu được tham khảo ý kiến, Quốc Hội sẽ đóng góp để cùng hành pháp có một kế hoạch hành động chung” giúp Iraq vượt khó khăn.

Một nghị sĩ khác là bà Kelly Ayotte (Cộng Hòa, New Hampshire) nhắc nhở mọi người: bài học Iraq hôm nay là “bài học Tổng Thống Obama phải nhớ” khi quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Bà cho rằng ông Obama đã sai lầm khi quyết định rút hết quân vào năm 2016 “thay vì chỉ rút quân tùy theo tình hình chiến trường,” nhấn mạnh “tôi hy vọng tổng thống học được bài học, đừng để chuyện xảy ra ở Iraq tái diễn ở Afghanistan.”