Thế giới phải gánh chịu hậu quả

Rafał Tomański

Nhà báo Rafał Tomański làm việc cho tờ Rzeczpospolita (Cộng Hòa) ở Ba Lan - DR



Diễn biến ở Biển Đông trong hiện nay giống như chuyện Nga thao túng khiến cho Ukraina bất ổn và thế giới phải gánh chịu hậu quả.

Đó là phân tích của chuyên gia thời sự hàng đầu của Ba Lan về các vấn đề Đông Á, Rafał Tomański.

Rafał Tomański vừa tổ chức buổi giới thiệu quyển sách mới xuất bản tại tòa soạn tờ nhật báo lớn nhất Ba Lan Gazeta Wyborcza, với sự tham gia của nhiều nhân vật quan trọng trong đó có hai giáo sư đại học Ba Lan.

Thông tín viên Lê Hải, tại Luân Đôn đã có dịp đến thủ đô Vacxava dự buổi ra mắt và cho biết thêm chi tiết :

Rafał Tomański là nhà báo nổi tiếng của tờ Rzeczpospolita, tức là Cộng Hòa – là tờ nhật báo có tầm ảnh hưởng mạnh nhất tới giới kinh tế và luật pháp ở Ba Lan.
Vốn cho đến nay anh chuyên phân tích tình hình Nhật Bản và Đông Á, nhưng cuộc biểu tình của người Việt ở thủ đô Vacxava hồi năm 2014 đã khiến anh quan tâm hơn đến khu vực Đông Nam Á, và đặc biệt là gắn kết vấn đề Biển Đông với bối cảnh địa chính trị ở bờ Tây Thái Bình Dương.

Với cách nhìn của người Ba Lan, thì tư duy hiếu chiến và hành động can thiệp quân sự của Nga vào Ukraina, cũng như tác động vào chính trị nội bộ của khu vực để chiếm đất Crimée, chuyên gia Tomański thấy tình hình ở Biển Đông cũng giống hệt như vậy, với một nước lớn đang đưa quân đội vào khu vực và chiếm Việt Nam để làm chủ toàn bộ Biển Đông cũng là một trong số những kịch bản có thể xảy ra nếu không có ai can thiệp.

RFI: Vậy thì Ba Lan trong tư cách là một nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu sẽ có can thiệp gì hay không?

Lê Hải: Tổng hợp lại những gì đã chứng kiến, anh Rafał Tomański thấy rằng chính sách của Ba Lan trong vài năm trở lại đây rất là chệch choạc, không có hướng đi hay nguyên tắc gì rõ ràng, thậm chí nhiều lúc chỉ vì hứng chí với ngân hàng đầu tư Trung Quốc mà nêu quan điểm ngược lại với chính sách của Hoa Kỳ, vốn là đồng minh rất quan trọng của Ba Lan trong khối NATO.

Tuy nhiên, anh cho rằng quá trình đàm phán sắp tới đây giữa EU và ASEAN sẽ kéo Ba Lan quay trở lại một con đường rõ ràng hơn về chính sách đối ngoại.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu hiện nay chính là cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, cho nên đây sẽ là một lá bài rất khó đoán trước và chắc chắn sẽ rất bất ngờ cho tất cả các bên về tác động của Ba Lan và Liên Hiệp Châu Âu vào câu chuyện Biển Đông.

Điểm lại lịch sử thì Ba Lan từng khiến thế giới bất ngờ khi đứng ra giám sát hiệp định đình chiến ở Việt Nam hồi 1954, và tới bây giờ rất nhiều cán bộ tập kết vẫn còn nhớ tới con tàu Kilinsky của Ba Lan từng chở họ trên Biển Đông ra Bắc vào Nam.

RFI: Ở Ba Lan có hàng chục ngàn người Việt đang sống và trên 2000 người mang quốc tịch Ba Lan. Vậy quan điểm và ảnh hưởng của họ ra sao?

Lê Hải:Trong buổi tọa đàm có hai giáo sư và một chính trị gia người Ba Lan, cùng với một lãnh đạo hội đoàn người Việt ở đây.
Một vài người nghe khá bất ngờ khi thấy ông không nói mà đọc nguyên văn một tờ giấy đã được chuẩn bị từ trước.

Có một số người Việt đến nghe nhưng không phát biểu. Tuy nhiên, đến phần giao lưu ở bên ngoài thì có một lãnh đạo hội đoàn người Việt bức xúc về lệnh của lãnh đạo Việt Nam cấm sử dụng vũ khí trên đảo Gạc Ma khi bị Trung Quốc đổ bộ chiếm đóng và giết chết bộ đội Việt Nam năm 1988.

Ông cũng tỏ ý không hài lòng với tư duy biển đảo của các lãnh đạo hiện nay, và cho rằng đảng cộng sản Việt Nam cần phải coi lợi ích dân tộc là quan trọng hơn lối tư duy ý thức hệ cứng nhắc.

Có lẽ cũng cần nhắc thêm ý kiến của một thính giả người Ba Lan, rằng trong lịch sử, dư luận Ba Lan luôn ủng hộ nước yếu bị kẻ khác bắt nạt.

Và điều đáng chú ý là tỷ lệ người nghe là thanh niên Ba Lan là rất ít, và hoàn toàn vắng mặt giới trẻ Việt Nam, kể cả những người từng tích cực tổ chức và tham gia biểu tình chống giàn khoan của Trung Quốc hồi năm 2014.

Khi đó từng nổ ra các cuộc tranh cãi về chuyện số đông thuộc phe cờ đỏ sao vàng không muốn người cầm cờ vàng ba sọc cùng tham gia tuần hành thể hiện lòng yêu nước.

RFI: Nhìn rộng ra trên thế giới thì sau nhà báo Bill Hayton ở Anh thì đây là quyển sách thứ hai của các nhà báo trên thế giới phân tích tình hình Biển Đông. Tại sao Ba Lan lại sớm hơn nhiều nước khác ?

Đặt trong bối cảnh chính trị quốc tế ở Ba Lan hay kể cả ở Anh trong vòng một năm qua thì đây là hiện tượng rất lý thú và thực sự ngay bây giờ sẽ khó có câu trả lời thỏa đáng.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng câu chuyện Biển Đông như hiện nay chỉ hấp dẫn với người nào quan tâm thường xuyên đến lịch sử và cục diện thế giới.
Mà ở điểm này thì mối quan tâm đó của người Ba Lan cũng cao giống như là ở Anh, tạo ra nhu cầu cho thị trường sách, hay là các buổi tọa đàm chuyên đề như thế này.

Cũng cần nhìn vào tác động của cuộc biểu tình rầm rộ của người Việt ở Ba Lan đã tác động mạnh vào dư luận, đặc biệt khi ban tổ chức in sẵn hàng chục ngàn tờ rơi bằng tiếng Ba Lan để phát cho người dân đứng hai bên đường xem khi tuần hành ở khu trung tâm thủ đô Vacxava.

Cuộc biểu tình cũng lôi kéo được một nữ giáo sư trẻ người Ba Lan đang dạy ở trường đại học tổng hợp Vacxava, cho nên cũng đánh động mối quan tâm của giới chuyên môn.

Và quan trọng nhất, Ba Lan có rất nhiều di dân sang Mỹ nay giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ hay quân đội, như chúng ta từng biết đến cố vấn tổng thống thời chiến tranh Việt Nam Zbigniew Brzeziński, hay Sikorsky là hãng sản xuất máy bay trực thăng cho hải quân Mỹ đang triển khai vào Biển Đông.

Như vậy, thân nhân của di dân ở lại Ba Lan tất nhiên cũng quan tâm đến khu vực mà Hoa Kỳ đang xoay trục dần sang.

Có vẻ như Trung Quốc hiểu được điều đó cho nên họ chi rất nhiều tiền cho các hoạt động nghiên cứu của giới chuyên gia Ba Lan và xuất bản sách báo ồ ạt, và với chi phí lớn như vậy sẽ dễ lấy lòng dư luận Ba Lan khi cần thiết.