TT Johnson leo thang chiến tranh, oanh tạc BV dữ dội mục đích cho Hà Nội thấy cái giá phải trả để phải ngồi vào bàn hội nghị, rút quân về Bắc.


nhanvat kis tho

Trong những năm 1966, 67, 68… TT Johnson leo thang chiến tranh, oanh tạc BV dữ dội mục đích cho Hà Nội thấy cái giá phải trả để phải ngồi vào bàn hội nghị, rút quân về Bắc. Mặc dù bị thiệt hại nặng nề vì hỏa lực Mỹ nhưng Hà Nội vẫn ngang bướng không chịu đàm phán, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau trận Mậu Thân tháng 2-1968, phong trào chống đôi lên cao hơn trước, người dân đã quá chán cuộc chiến sa lầy.

Johnson chán nản, ngày 31-3-1968 ông tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ sau, cũng khoảng thời gian này ông cho lệnh ngưng oanh tạc một phần lớn lãnh thổ miền Bắc VN và đề nghị Hà Nội ngồi đàm phán cùng với lời đe dọa nếu không sẽ cho nếm mùi sức mạnh. Khoảng một tháng sau Hà Nội nhận lời, hai bên chọn Paris làm nơi hội họp.

Diễn tiến

Hòa đàm Paris khai mạc ngày 5-10-1968 giữa Mỹ và BV, một hội nghị được chú ý nhất từ trước đến nay, có khoảng ba ngàn phóng viên quốc tế tới lấy tin, theo dõi. Phái đoàn CS đòi chỉ nói chuyện với Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa đàm phán với Mặt Trận Giải Phóng tức Việt Cộng. Suốt mấy tháng liền phái đoàn CS chỉ lên án người Mỹ tàn ác ném bom gây tang tóc cho nhân dân mà không hề thương thuyết, họ chỉ coi đây là chỗ tuyên truyền. Họ đòi Mỹ phải ngưng oanh tạc toàn diện miền Bắc VN, ngày 31-10-1968 TT Johnson chấp nhận yêu cầu của BV chấm dứt oanh tạc . Tháng 11-1968 phía VNCH đồng ý tham gia Hội nghị. Cuộc đàm phán thực sự bắt đầu dưới thời TT Nixon từ giữa năm 1969, trên thực tế Hội nghị do đàm phán mật (secret peace talk) giữa Kissinger và Lê đức Thọ. Hồi ấy Nixon và Kissinger tưởng chỉ trong một năm là có thể tìm được hòa bình không ngờ nó dai dẳng kéo dài tới gần bốn năm sau, trầy da tróc vẩy mới ký được Hiệp định. Đây là một cuộc hội nghị bẩn thỉu nhất trong lịch sử ngoại giao quốc tế, cò kè bớt một thêm hai, kéo dài kỷ lục, chưa từng thấy.

Ngày 8-6-1969 TT Nixon họp với TT Thiệu, Kissinger, Bộ trưởng quốc phòng Laird, Tướng Abram…tại Midway để thảo luận về việc Mỹ rút quân thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh (Walter Issaacson, Kissinger abiography, trang 235, 236). Bộ trưởng quốc phòng Laird đề nghị rút quân theo yêu cầu của người dân, TT Nixon chấp thuận đề nghị này mặc dù Kissinger phản đối lấy lý do nó sẽ tạo thế yếu cho Mỹ tại bàn hội nghị. Việc rút quân Việt nam hóa chiến tranh được thực hiện ngay từ 1969. Đầu năm 1969 quân Mỹ tại Việt Nam là 536 ngàn người, năm 1969 Mỹ rút 61 ngàn người, năm sau 1970 rút 140 ngàn, năm sau 1971 rút 177 ngàn, năm 1972 rút dần chỉ còn 24 ngàn (Nguyễn đức Phương,Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 886).

Theo Nixon (No More Vietnams trang 126) từ 1968 trở về trước dưới thời TT Johnson, phong trào phản chiến có tính thụ động, biểu tình, đốt thẻ trưng binh nhưng sang năm 1969, 70 thời Nixon người dân chống đối ngày càng dữ dội, bạo động, đổ máu chết người… họ quá chán chiến tranh Đông dương.

Từ tháng 4-1970 tới tháng 7-1970 TT Nixon giúp VNCH mở cuộc hành quân sang Miên yểm để phá hủy các căn cứ hậu cần của BV và để làm suy yếu áp lực địch tại miền Nam VN. Từ tháng 2 tới tháng 3-1971 ông giúp VNCH mở hành quân sang Lào để ngăn chận đường tiếp tế của BV. Các cuộc hành quân này có mục đích làm suy yếu địch để Hoa Kỳ rút quân mà không làm sụp đổ miền nam. Người dân Mỹ vô cùng giận dữ cho là TT Nixon leo thang chiến tranh. Phái đoàn BV nhân cơ hội Hành pháp Nixon bị Quốc hội và trong nước chống đối, đòi hỏi Mỹ phải rút quân đơn phương, lật đổ Nguyễn văn Thiệu, lập chính phủ liên hiệp tại nam VN, cắt viện trợ VNCH.

Hà Nội kiên nhẫn đòi Mỹ phải thỏa mãn những đòi hỏi trên của họ hết năm này qua năm khác, áp dụng chiến lược trường kỳ kháng chiến tại mặt trận cũng như tại Hòa đàm. BV chủ trương ai kiên nhẫn sẽ thắng, họ cố làm cho đối phương chán nản phải nhượng bộ tại bàn hội nghị. Họ chỉ chờ cho Mỹ rút quân để chiếm miền nam.

Vừa đánh vừa đàm

Cuối tháng 3-1972, Hà nội đánh một canh bạc táo bạo, nhờ được sự viện trợ vũ khí thật dồi dào của Nga và Trung Cộng, họ gần như dốc toàn lực vào cuộc Tổng công kích tại miền nam VN thường gọi là trận mùa hè đỏ lửa. Hà nội thấy Mỹ đã rút gần hết nên dàn trận đánh công khai theo chiến tranh qui ước, mục đích chính tạo thế mạnh tại bàn Hội nghị theo kiểu năm 1954 đánh thắng Điện Biên Phủ để yểm trợ cho Hội nghị Geneve. Ngoài ra nếu thừa thắng có thể họ sẽ chiếm hết miền nam, Hà nội tin rằng Hành pháp Mỹ hiện bị người dân chống đối dữ dội không thể cứu VNCH.

BV đã đưa hơn 10 Sư đoàn chính qui, trên 100 ngàn người, sáu sư đoàn tại Quảng Trị Vùng I bắt đầu từ 2-4, hai Sư đoàn tại Kontum thuộc Vùng II bắt đầu tấn công từ 23-4 và ba Sư đoàn tại Bình Long Vùng III từ 5-4. BV thắng thế trong tháng đầu, quân đội VNCH phải rút về Nam vì lực lượng và hỏa lực địch rất mạnh. Địch chiếm Quảng trị cuối tháng 4-1972 sau đúng một tháng tấn công,. Tại Vùng III, An Lộc bị tấn công từ 5-4 và bị vây hãm nguy kịch.

Nhận định của Hà Nôi hoàn toàn sai lầm, hơn một tháng sau Nixon tức giận cho dội bom địch dữ dội bằng B-52 và các oanh tạc cơ chiến đấu. Ông tuyên bố với các phụ tá thân cận rằng trong trường hợp Cộng quân chiếm được miền nam VN ông sẽ san bằng miền Bắc, Hoa kỳ không thể thua. Trong khi hai bộ trưởng Laird và Rogers đề nghị biện pháp ôn hòa trước trận tổng tấn công, Nixon bác bỏ và ra lệnh trực tiếp giáng trả BV (Nguyễn Kỳ Phong, Vũng Lầy Của Bạch Ốc trang 504). Nixon nhất định không chịu thua, không được ăn thì đạp đổ

Ngày 2-5 tại Paris phái đoàn BV vênh vang trước thắng lợi quân sự của họ và tỏ vẻ hỗn hào, khó chịu với Kissinger khiến buổi nói chuyện tan vỡ. Hà nội cho rằng Mỹ đã rút gần hết không thể cứu miền nam và Nixon không dám phản ứng mạnh vì sợ dư luận trong nước và Tây phương chống đối nhưng họ đã hoàn toàn sai lầm. Theo Nixon (No More Vietnams trang 144, 145) Hà Nội đánh qui ước là chiến thuật mà Mỹ đã quá thành thạo, lực lượng qui mô của họ với nhiều sư đoàn bộ binh, xe tăng, tiếp liệu… nối đuôi nhau vào trận địa đã làm mồi cho không quân oanh tạc tiêu diệt. Ngay đầu tháng tư TT Nixon cho lệnh oanh tạc phía trên vĩ tuyến 17 và tăng cường hải pháo yểm trợ cho mặt trận Quảng trị với hai tuần dương hạm, tám khu trục hạm, 20 B-52 và 4 phi đội F-4 để yểm trợ phi pháo. Hai tháng trước đó Nixon đã viếng Bắc Kinh lần đầu, sẽ sang Moscow tháng 5, nhiều người e ngại cho rằng Nga sẽ hủy bỏ cuộc hội kiến nhưng họ vẫn tiến hành để giải quyết những vấn đề của họ, Brezhnev cho chiến tranh VN chỉ là thứ yếu
(…Brezhnev considered the war in Vietnam an issue of secondary significance by comparison – Sách đã dẫn trang 141)

Nixon cho rằng nếu để BV chiếm VNCH Nga và Trung Cộng sẽ coi thường Mỹ vì không dám bảo vệ quyền lợi và không đáng cho họ nói chuyện nên ông đã mở cuộc oanh tạc Linerbacker I từ 8/5/1972 cho tới tháng 10/72 với trên 400 máy bay gồm B-52 và F-4 tại cả hai miền Nam Bắc. Trận tổng công kích kết thúc khoảng tháng 10, Hà Nội bị thảm bại với khoảng từ 70 cho tới 100 ngàn cán binh bị thiệt mạng, 700 xe tăng bị phá hủy, phía VNCH có khoảng 30 ngàn lính tử trận.

Huy Đức trong Bên Tháng Cuộc cuốn hai trang 165 cho biết quân đội VNCH có pháo binh và không quân yểm trợ phản công quân đội BV dữ dội, BV bị thiệt hại rất nặng mỗi ngày họ mất một đại đội

“Trước tình hình đó, theo ông Phi Long, Tướng Giáp phải họp Thường trực Quân ủy Trung ương để thảo luận tiếp, và cuối cùng xác định dứt khoát phải chuyển sang phòng ngự. Cùng thời gian ấy, quân đội Sài Gòn tăng thêm lực lượng, hình thành thế bao vây, thường xuyên bắn phá dữ dội các trận địa pháo của miền Bắc, đặc biệt là chung quanh thành cổ Quảng Trị. Máy bay B52 rải thảm bờ bắc sông Bến Hải. Từ ngày 9 đến 16-9-1972, quân Giải phóng đồng loạt tiến công trại La Vang, Tích Tường, Như Lệ, Bích Khê, Nại Cựu và Thị xã. Nhiều trận phản kích đẫm máu của bộ đội sát chân thành cổ, giành giật nhau từng mô đất, bờ tường. Mỗi ngày, quân miền Bắc trung bình mất một đại đội. Đến đêm 16-9, một bộ phận nhỏ còn lại buộc phải rút khỏi thành cổ, sau 81 ngày đêm khốc liệt.”
(ngưng trích)

Hà nội cũng đã nướng nhiều người cho canh bạc táo bạo này, mạng người chỉ là những quân bài vô tri vô giác

“Những người chỉ huy chiến dịch Quảng Trị chịu rất nhiều áp lực từ các cuộc Hội đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ. Theo Tướng Lê Phi Long, trong thời gian diễn ra Chiến dịch Quảng Trị: “Ông Lê Đức Thọ (ở Paris) không hiểu bằng con đường nào, thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh. Kỳ quặc! Chúng tôi, cơ quan tham mưu, không đồng tình với cách làm này nhưng không biết than thở với ai…

Tướng Lê Hữu Đức thừa nhận: “Cố đánh Quảng Trị là do nhu cầu đàm phán”. Thành cổ Quảng Trị thất thủ khi quân miền Bắc đã gần như hoàn toàn kiệt sức. Theo tướng Lê Phi Long: “Lực lượng chiếm giữ Thành Cổ khi đó nói là có mấy tiểu đoàn nhưng trên thực tế chỉ còn phiên hiệu, mỗi tiểu đoàn chỉ còn ba bốn chục người. Việc bổ sung quân số tiếp tế qua sông hết sức khó khăn. Nhiều sinh viên đã phải rời giảng đường để nhập ngũ. Nhiều tân binh chưa gặp mặt người chỉ huy đã ngã xuống. Nhiều cán bộ chỉ huy ngày đêm vất”
Trang 165, sách đã dẫn

Trần Khải Thanh Thủy trong bài “Tướng Giáp tiết lộ 4 bí mật về chiếntranh Việt Nam” cho biết khi là phóng viên đã được nghe Võ nguyên Giáp nói trong ngày lễ sinh nhật ông năm 1984. Giáp nói về lệnh của Lê Duẫn cho đánh thành Quảng trị.

“Kết quả trong suốt 60 ngày đêm của chiến dịch thành cổ, cứ 5 giờ 30 phút chiều, khi trời bắt đầu chập choạng tối, một đại đội ta ở bên này bờ sông Thạch Hãn, lặng lẽ bơi sang để đánh vỗ mặt thành, 8 giờ 30 phút bơi trở về chỉ còn được mươi, mười lăm người. Lần nhiều nhất là 35 đồng chí (cả lành lặn, cả bị thương). Lần ít chỉ còn 5, 7 đồng chí thương tích đầy người, thậm chí có lần cả một khúc sông, không một bóng người, chỉ có tiếng gió hú ghê rợn như những âm hồn vọng vang khắp đáy sông. Như vậy, trung bình mỗi ngày ta tiêu hao một đại đội chủ lực (khoảng 135 người) và 60 ngày đêm tấn công thành cổ ta mất gần một vạn người, biến thành cổ Quảng Trị thành nấm mồ chôn thanh niên, sinh viên, trí thức Việt Nam .”
(ngưng trích)

Sau khi bị Mỹ và VNCH đè bẹp trong trận tấn công vừa qua, Hà nội đã đàm phán nghiêm chỉnh tại bàn Hội nghị. Kissinger nhận thấy từ tháng 9-1972 phái đoàn BV đã tỏ ra muốn nhượng bộ không đòi lật đổ Thiệu và trong phiên họp ngày 8-10 (có tài liệu nói ngày 8/10) Lê đức Thọ đã nhượng bộ gần hết những đòi hỏi cứng rắn từ 1969 tới nay (NoMore Vietnams trang 152) như: Không đòi lật đổ Thiệu, cắt viện trợ VNCH, không đòi Liên hiệp, không đòi Mỹ rút đơn phương…

Về lý do Hà Nội đổi thái độ có ba nhận định khác nhau:

-Nixon cho rằng BV bị đánh bại và biết chắc Nixon sẽ tái đắc cử ngày 7-11-1972 sắp tới qua thăm dò ông vượt xa McGovern , nếu ký trước ngày này họ sẽ được ông ta dễ dãi hơn.

-Kissinger cho rằng Nga đã áp lực với Hà Nội ngày 11-9-1972, theo Marvin Kalb, Bernard Kalb, trong Kissinger trang 345, 346, 347 ông ta tới Moscow đàm luận với Tổng bí thư Brezhnev trước khi tới Paris . Kissinger ở Moscow bốn ngày để thương thuyết giữa việc Nga cần mua lúa mì, Mỹ cần chấm dứt chiến tranh VN nhờ Nga áp lực Hà Nội. Khi ấy Brezhnev đang cần cứu trợ vì nạn mất mùa, thiếu hụt lúa mì trầm trọng của Nga. Nixon hy vọng Sô viết sẽ áp lực Hà Nội ký kết Hiệp định ngưng bắn tại Paris , do đó đưa tới việc Hà Nội đã nhượng bộ như trên

- Tướng Haig, Negroponte, hai phụ tá của Kissinger lại cho rằng BV thay đổi chính sách, chịu nhượng bộ ngày 9-10-1972 không phải vì áp lực của Sô viết mà do hậu quả liên tục của việc Mỹ ném bom và phong tỏa hải cảng trong trận tổng công kích kể trên.

Lý do Nixon nêu ra có thể đúng hơn, cũng có thể cả ba nhận định đều đúng

Như đã nói trên tại phiên họp 8-10-1972, Hà Nội nhượng bộ hết những đòi hỏi quá đáng như loại bỏ TT Thiệu, không Liên hiệp, Hội đồng hòa giải dân tộc chỉ có hình thức…nhưng họ không phải rút về Bắc, Kissinger điện về cho ban tham mưu của TT Nixon và được TT chấp thuận. Hai bên họp tiếp ngày 9 và 10-10 soạn bản Dự thảo hiệp định. Theo Larry Berman (No Peace No Honor trang 157) Kissinger dự trù thời khóa biểu: 12 về Hoa Thịnh Đốn, 18-10 ngưng oanh tạc và phong tỏa Hải phòng; 17, 18-10 sang Sài Gòn bàn luận với TT Thiệu, khoảng 19, 20-10 Kissinger và Lê Đức Thọ ký sơ thảo tại Hà Nội sau khi thỏa thuận với TT Thiệu tại Sài Gòn; 26-10 các bộ trưởng ngoại giao của hai nước sẽ ký; 27-10 ngưng bắn tại chỗ sẽ có hiệu lực trên toàn cõi nam VN. Ngày ký chính thức trễ nhất là cuối tháng 10.

Phía BV Thọ mừng rỡ vì họ thua trận mà vẫn được đóng quân tại miền nam. Tiến sĩ Kissinger còn mừng hơn nữa, điều mà ông, Nixon và cả nước Mỹ khao khát mong đợi bao năm nay thành sự thật. Kissinger vô cùng mãn nguyện vì đã có công đem lại hòa bình, ký Hiệp định trước ngày bầu cử (7-11), lập công lớn với Tổng thống và cả nước Mỹ. Ông Tiến sĩ chủ quan tin chắc ông Thiệu sẽ chấp thuận Dự thảo vì ông vẫn được làm Tổng thống nhưng đó là một lỗi lầm tai hại.

Ngày 15-10-1972 Kissinger trở lại Paris để bàn thảo thêm, ngày 18 tới Sài Gòn sau mấy ngày bàn cãi sôi nổi với TT Thiệu và ban cố vấn, phụ tá, phía VNCH cương quyết từ chối ký bản Dự thảo cho là phản bội đồng minh, bán đứng miến nam. TT Thiệu đòi BV phải rút quân, xóa bỏ Chính phủ cách mạng lâm thời. Tiến Sĩ dỗ ngon dỗ ngọt rồi hù dọa nhưng ông Thiệu và ban tham mưu vẫn một mực từ chối. Khi còn ở Sài Gòn, ngày 22-10 Kissinger đánh điện cho Nixon đề nghị ký riêng với Hà Nội vì Sài Gòn gây trở ngại nhưng Nixon từ chối, ông không cần ký trước bầu cử vì theo thăm dò ông vượt quá xa đối thủ McGovern. Nixon khuyên Kissinger đừng ép Thiệu cứ để ông ta thoải mái.

Kissinger về Mỹ ngày 23, mấy hôm sau, ngày 26-10 mở cuộc họp báo tại tòa Bạch Ốc theo ý muốn Tổng thống, Tiến sĩ tuyên bố Hòa bình trong tầm tay (Peace is at hand) khiến cho cả nước hân hoan sung sướng, chứng khoán vọt lên cao. Lời tuyên bô vừa có mục đích trấn an Hà Nội vi bị họ lên án là thất hứa và vừa để trả đũa VNCH rằng Hiệp định vẫn được tiến hành dù miền nam chống đối. Ông ta lại phạm một lỗi lầm tai hại, lời tuyên bố ấy vài tháng sau đã đưa Tổng thống Nixon vào chỗ kẹt khi Hà Nội phá hòa đàm, cần phải trừng trị chúng.

Cuộc bầu cử Tổng thống 7-11-1972 diễn ra ngoạn mục, Nixon tái đắc cử với số phiếu áp đảo 520 phiếu cử tri đoàn (95%) trên 49 tiểu bang so với 17 phiếu của McGovern trên một tiểu bang. Nixon đoạt hơn 60% phiếu phổ thông hơn McGovern 18 triệu phiếu, ông đã đem gần hết quân về nước, Hiệp định Paris sắp được ký kết

Tại miền nam VN, TT Thiệu mở chiến dịch chống Kissinger nhượng bộ CS, phản bội đồng minh trong khi Hà Nội và cả Nga, Trung Cộng lên án Mỹ thất hứa đánh lừa BV. Bị cả hai miền chống đối, Tiến sĩ chán nản không muốn tiếp tục đàm phán vì thấy hòa bình ngày càng xa vời. Nixon vẫn tín nhiệm Kissinger và khuyến khích ông ta tiếp tục thương thuyết tại bàn hội nghị.

Từ 10-11 Mỹ và BV tiếp tục đàm phán, ngày 20-11 Kissinger đưa những điểm của VNCH đòi sửa chữa trong bản Dự thảo, mấy ngày sau 23, 24-11 Lê đức Thọ bác bỏ hết tố và cáo Kissinger tráo trở không giữ lời hứa. Ngày 25-11 phiên họp cuối cùng cùa tháng 11 không có kết quả, Tiến sĩ lại càng chán nản và thấy một viễn tượng bi đát khi BV tấn công, Mỹ oanh tạc, Sài gòn lại ầm ĩ, Quốc hội mới bầu ra 1972 mà Dân chủ chiếm 55.6% Hạ viện sẽ ra luật kết thúc chiến tranh hơn là bằng ngoại giao.

Ván bài chót

Ngày 4-12-1972 Thọ họp với Kissinger lúc 10 giờ sáng, Thọ đòi lại những cái đã nhượng bộ, ông ta nói một hơi: Thiệu phải ra đi, BV không rút quân, Mỹ ngụy phải thả tù chính trị (VC) ngay mới có Hiệp định, BV mới thả tù binh Mỹ. Hai bên đụng nhau tóe lửa, Kissinger cảm thấy kiệt lực chán nản. Ngày 6, 7-12 họp tiếp có tiến bộ, Thọ bỏ yêu cầu Thiệu từ chức, không có liên hiệp Thọ tiến gần sơ thảo Hiệp định tháng 10, Kissinger điện cho Nixon báo cáo có thể ký được. Tiến sĩ cho Thọ biết Tướng Haig về Mỹ sửa soạn đi Sài Gòn để yêu cầu ông Thiệu ký

Một viên chức Mỹ nói hòa đàm như cuộc chiến gây hao mòn tại bàn hội nghị, ai yếu tinh thần sẽ thua. Hà Nội áp dụng chính sách trường kỳ kháng chiến tại cả ngoài trận địa lẫn trên bàn Hội nghị. Họ áp dụng chiến lược vô địch cố đấm ăn xôi để làm kẻ địch chán nản bỏ cuộc, đó là cuộc đàm phán bẩn thỉu nhất trong lịch sử bang giao quốc tế từ xưa đến nay.

Có thể Thọ mới nhận chỉ thị của Bộ chính trị tại Hà Nội nên mấy ngày sau tình hình xấu trở lại, Ngày thư hai 11-12 mở đầu một tuần vô cùng căng thẳng, Thọ đòi thả tù chính trị tại miền Nam coi nó có liên quan tới việc trả tù Mỹ, cả hai chơi ván bài liều có thể phá vỡ đàm phán. Ngày thứ ba 12-12, tự nhiên Thọ lại ngoan cố như tự bao giờ. Sau 4 giờ rưởi đàm phán họ rút 17 điểm tranh cãi xuống còn 2. Sáng thứ tư ngày 13-12, Kissinger cho biết cuộc đàm phán không đi tới đâu, Thọ bỏ Hội nghị và không hẹn ngày nào họp trở lại

Lần này Hà Nội đánh một lá bài chót vô cùng liều lĩnh. Theo nhận xét của Kissinger, BV có tin tức tình báo đấy đủ về tình hình chính trị tại Mỹ. Cuối năm 1972, Quốc hội Mỹ vì quá sốt ruột muốn có hoà bình để rút quân lấy tù binh, họ đã nhắc nhở cảnh cáo Hành pháp trong trường hợp hòa đàm bế tắc, không ký được Hiệp định Paris có thể Lưỡng viện sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh, rút quân, cắt viện trợ VNCH để đổi lấy tù binh. Quốc hội sẽ thỏa mãn hai yêu cầu của BV bằng cách rút quân, cắt viện trợ VNCH, để đổi lấy 580 người tù binh còn bị Hà Nội giam giữ. Đối với họ nay chỉ có sinh mạng của tù binh Mỹ mới là quan trọng, sinh mạng của cả Đông Dương nay không nghĩa lý gì.

Quốc hội mới bầu mà đa số là Dân chủ chiếm 56% Hạ viện và 57% Thượng viện có chính sách đối lập trái ngược với Hành pháp Cộng hòa sẽ nhóm họp phiên thứ 93 ngày 3-1-1973. Theo Nixon (No More Vietnams trang 169,170) ngày 2-1-1973 (trước phiên họp) đảng Dân chủ Hạ viện bầu nội bộ với 154 phiếu thuận và 75 chống để cắt viện trợ miền nam VN, rút quân đổi tù binh. Hai ngày sau, Thượng viện Dân chủ bầu nội bộ với tỷ lệ 36-12 thông qua dự luật tương tự. Cuộc bầu cử nội bộ này để hăm dọa, cảnh cáo Nixon và Thiệu phải tranh thủ ký sớm Hiệp định Paris . GS Larry Berman cũng nói vậy (No Peace No Honortrang 221)

Nhân thấy hòa đàm bị trở ngại vì phía VNCH chống đối, đòi sửa chữa, Bộ chính trị tại Hà Nội phá cho hòa đàm tan vỡ ngày 13-12, triệu Lê đức Thọ về nước, hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh vào kỳ họp 93 này. Đó là một lỗi lầm tai hại của BV đưa tới trận đòn thê thảm nhất trong cuộc chiến tranh VN từ trước đến nay. Họ tràn trề hy vọng vào phiên họp 93 ngày 3-1-1973 sắp tới trong vài tuần nữa, Quốc Hội Dân chủ sẽ ra luật… cắt viện trợ VNCH để đổi 580 tù binh Mỹ, khi ấy khỏe re, khỏi cần họp hành, miền nam sẽ rơi vào tay Cách mạng một ngày gần đây. Bài Chiến dịch Linebacker II (Operation Linebacker II)nguồn Wikipedia có cho ta biết về chi tiết này
“Tổng thống Nixon lo ngại phiên họp thứ 93 của Quốc hội vào ngày 3 tháng1 và Tổng thống sợ rằng Lập pháp mà Dân chủ chiếm đa số sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh trước lời hứa tìm “hòa bình danh dự” của ông. Nó đã thúc đấy ông phải mở cuộc tấn công mạnh ..”

Trong No More Vietnams trang 156,157 Nixon cũng cho biết Hà nội đã gây hòa đàm tan vỡ ngày 13-12, đối với BV, người Mỹ sẽ phải dùng hành động chứ không dùng lời nói nghĩa là oanh tạc miền bắc. Nixon nói nếu ông không buộc họ theo điều kiện, thời hạn của Mỹ có thể Quốc Hội bắt Hành pháp phải chịu thất bại, ép buộc rút quân để đổi tù binh.

Ngày 14 Kissinger về Mỹ họp với Nixon và Tướng Haig, ba nhà chính khách này đã đưa tới quyết định oanh tạc, sau đó gửi tối hậu thư cho Hà Nội đe dọa nếu không trở lại bàn hội nghị trong 72 giờ đồng hồ (3 ngày) sẽ đưa tới hậu quả nghiêm trọng. Cũng trong ngày Nixon ra lệnh thả mìn phong tỏa cảng Hải Phòng. Nixon cho đây là quyết định khó khăn nhất trong nhiệm kỳ của ông nhất là hai tháng trước ngày 26-10 Kissinger đã vội loan tn hòa bình trong tầm tay chẳng lẽ nay trở lại chiến tranh, ông lệnh cho Kissinger mở cuộc họp báo ngày 16-1-1973 cho biết hòa đàm bế tắc BV ngoan cố.

Hà Nội không hưởng ứng lời kêu gọi của Nixon và sẵn sàng nghênh chiến, phòng không của BV được Ngũ giác đài coi là mạnh nhất thế giới hồi đó, họ có hơn một ngàn hỏa tiễn địa không do Nga cung cấp. Lần này Nixon cho xử dụng B-52 oanh tạc Hà Nội Hải Phòng, tổng cộng 207 B-52 và 200 máy bay chiến thuật dội bom 12 ngày đêm từ 18-12 đến 29-12-1972. Sau khi không chịu đựng nổi trận mưa bom 20 ngàn tấn, Hà Nội hết hồn xin trở lai Hòa đàm. Nixon đã nhanh tay buộc Hà Nội phải trở lại bàn hội nghị, cuộc oanh tạc đã cứu Đông dương không bị sụp đổ it ra là lúc này, Hà Nội đã thua một canh bạc lớn.

BV thiệt hại nặng về hạ tầng cơ sở: Không quân ước lượng 500 đường xe lửa bị đình chỉ hoạt động, 372 toa xe lửa và ba triệu gallons săng dầu bị phá hủy, 80% điện năng của BV bị hư hỏng. (Wikipedia: Operation Linebacker II): về nhân mạng Hà nội cho biết có tổng cộng 1,624 người (đa số dân cư) bị thiệt mạng .Thiệt hại phía Mỹ: 15 B-52, mỗi chiếc trị giá 8 triệu dollars thời đó và và 12 máy bay oanh tạc chiến đấu, mất 93 phi công và phi hành đoàn trong đó có 31 người bị bắt.

Hà Nội vì chủ quan đã ăn trận đòn chí tử, họ sai lầm ở chỗ Nixon đã tái đắc cử với số phiếu áp đảo, ông ta có uy tín không phải sợ sệt gì cả. Nixon cũng đã đi Nga Tầu dàn xếp với các siêu cường rồi, Hà Nội sai lầm khi đã vuốt râu hùm

Lê Đức Thọ tới Paris ngày 6-1-1973, hôm sau Kissinger cũng đến. Họ họp với nhau ngày 8-1, Thọ đập bàn chửi bới cuộc oanh tạc ngày đêm của Mỹ nhưng vẫn muốn tiếp tục đàm phán, ngày 9-1-1973, có nhiều tiến bộ để đạt thỏa ước. Ngày 11-1 hai bên bàn thủ tục ký kết. Ba ngày liên tiếp hai bên đạt nhiều tiến bộ, cuối tuần họ đã xong cơ bản Hiệp định. Ngày thứ bẩy 13, bàn về tái thiết BV, họ duyệt từng khỏan, điều… Buổi trưa hai bên ăn mừng Hiệp định sắp hoàn thành,

Phía VNCH, ông Thiệu vẫn chưa chịu ký còn hy vọng sự ủng hộ của một số dân cử Mỹ nhưng cuối cùng phải ký, phần vì áp lực của Nixon, nhất là tại Quốc hội nay không còn ai ủng hộ cuộc chiến, người Mỹ đã quá mệt mỏi vì khao khát hòa bình. Sau trận Mậu thân tháng 2-1968 số người ủng hộ chiến tranh tụt thang nhanh chóng, từ đầu 1968 tới tháng 10-1968 giảm từ 42% xuống còn 37%, từ đầu 1969 tới tháng 10/1969 giảm từ 39% xuống 32%, từ đầu 1970 tới giữa 1971 giảm từ 33% xuống còn 28%… (Wikipedia:Opposition to the US involvement in the Vietnam war)

Ngày 23-1-1973 Lê đức Thọ và Kissinger ký tắt Hiệp định, ngày 27-1-1973, Bộ trưởng ngoại giao bốn bên ký chính thức Hiệp Định Chấm dứt Chiến Tranh và Phục Hồi Hòa Bình tại Việt Nam, Agreement on Ending the War and Restoring peace in Vietnam .

Bản Hiệp định này không khác gì Sơ thảo tháng 10 là mấy: TT Thiệu không bị loại, miền nam không bị liên hiệp, Cộng quân không phải rút về Bắc. Đa số các nhà chính trị, quân sự, các ký giả, các nhà học giả nghiên cứu chiến tranh VN đã nhận định trận oanh tạc cuối tháng 12-1972 không mang lại kết quả mong muốn có nghĩa là Hiệp định ký ngày 27-1-1973 không đòi hỏi được gì thêm so với bản Dự thảo trước đó 3 tháng (tháng 10-1972).
Negroponte và Tướng Haig, hai vị phụ tá của Kissinger phàn nàn cuộc oanh tạc long trời lở đất đã không đòi hỏi được gì thêm, không tống cổ được CSBV ra khỏi miền Nam (Kissinger A Biography, trang 483). Đa số các nhà học giả nghiên cứu chiến tranh VN như Marvin Kalb, Bernard Kalb, Walter Isaacson, Larry Berman, Stanley Karnow.. đều chỉ trích bản Hiệp định không hơn gì Sơ thảo tháng mười đúng ba tháng trước. Họ chỉ trích cuộc oanh tạc tốn kém và thiệt hại nhân mạng cả hai bên mà không đòi gì thêm được, BV vẫn còn đóng quân ở miền nam. Mỹ và VNCH thắng mà lại như thua, CSBV thua mà lại như thắng vì không phải rút quân.

Về điểm này Nixon đã trả lời rất rõ ràng trong No More Vietnams trang 152
“Nhưng có một vấn đề then chốt mà chúng ta không thể nào lay chuyển BV thay đổi lập trường: Họ từ chối rút quân khỏi miền nam VN. Từ đầu chí cuối họ xác nhận đây là nội chiến và từ chối nhìn nhận đóng quân ở miền nam. Hà Nội vì thế bác bỏ yêu cầu của ta đòi họ rút quân lấy cớ họ không can thiệp vào cuộc chiến”

Trang 167, ông nói
“Tôi biết rằng Hiệp định có nhiều khuyết điểm. Nhưng tôi nghĩ nhìn chung cũng tốt đẹp. Và tôi biết rằng trong khi Quốc Hội đang phản đối ầm ĩ, chúng ta không thể làm gì khác hơn thế”.

Và trang 169,170 ông nói
“Chúng ta bị bó buộc phải kết thúc thỏa hiệp chấm dứt chiến tranh tái lập hòa bình ở Việt Nam, nó không hoàn toàn, có nhiều khuyết điểm. Tôi muốn thương thuyết một Hiệp định tốt đẹp hơn nhưng chúng ta không thể chần chờ thêm để được những khoản tốt hơn khi Quốc hội sắp ra luật chấm dứt chiến tranh có lợi cho Hà Nội.

Đó không phải là giờ phút tốt đẹp nhất của ta, mà là giờ phút cuối cùng (It was not our finest hour- but it was the final hour)”

Nếu đòi BV phải rút thì sẽ không có hòa bình, BV thà không ký còn hơn rút quân, chẳng lẽ họ đã nướng một triệu quân nay chẳng được gì, phải trở về tay không thì hơi khó, trường hợp không ký được Hiệp định sẽ là thảm kịch cho cả Đông dương. Quốc hội phản chiến mà Dân chủ chiếm 56% tại lưỡng viện sẵn sàng ra luật đánh đổi cả Đông Dương lấy 580 người tù binh Mỹ, họ được người dân ủng hộ. Trước sự thúc ép của Quốc hội, Nixon không thể chần chờ được nữa

Nhận xét

Hiệp định Paris dài khoảng 10 trang, có chín chương (8 chương chính, một chương phụ)

Chương I- Chủ quyền, thống nhất; II- Chấm dứt chiến sự, rút quân; III -Trao trả tù binh; IV- Hội đồng hòa giải dân tộc; V- Thống nhất đất nước hai miền, không bên nào được thôn tính bên nào; VI- Ủy ban liên hợp quân sự; VII- Đối với Miên, Lào; VIII- Quan hệ VNDCCH và Mỹ, IX-Những điều khoản khác. Quí vị có thể coi trong Chiến Tranh Việt NamToàn Tập từ trang 944 tới 954, tác giả Nguyễn Đức Phương hoặc coi trên Wikipedia.

Trên thực tế mấy năm đàm phán chỉ xoay quanh một số điểm chính như sau: Vấn đề lật đổ TT Thiệu, vấn đề Liên hiệp, vấn đề BV ở lại miền nam, vấn đề trả tù binh Mỹ và Mỹ rút hết quân. Hà Nôi cò kè bớt một thêm hai, vừa đánh vừa đàm y như ván bài, canh bạc…Ngoài ra có một số vần đề phụ khác như thả tù VC tại miền nam, lập Hội đồng hòa giải dân tộc, những chi tiết khác chỉ có hình thức

Đối với Mỹ Hiệp định Paris để rút quân, lấy tù binh bỏ Đông Dương, đối với CSBV là trông cho Mỹ rút để đem quân xâm lược Miền Nam

Khi ký Hiệp định Paris, TT Nixon đã dự trù hai kế hoạch để bảo vệ VNCH: Cưỡng bức địch thi hành Hiệp định bằng B-52, cấp quân viện đầy đủ cho VNCH, kế hoạch của ông rất đúng vì rút kinh nghiệm của trận Mùa hè đỏ lửa nhưng cả hai đều bị Quốc hội loại bỏ hết (No More Vietnams trang 189). Nước Mỹ chia rẽ từ đầu chí cuối trong cuộc chiến VN, Theo Kissinger (Years of renewal trang 476) nhiều vị dân cử Lập pháp hứa hẹn với chính phủ sẽ tiếp tục ủng hộ viện trợ cho VNCH sau Hiệp định, nhưng ký xong họ trở mặt cắt viện trợ bỏ Đông dương, giữa Quốc hội và Hành pháp cũng đánh lừa nhau.

Nước Mỹ bị tê liệt vì chia rẽ, họ đứng nhìn quân CSBV tiến vào Sài Gòn ngày 30-4-1975

Trọng Đạt

Richard Nixon: No More Vietnams , Arbor House, New York 1985
Marvin Kalb and Bernard Kalb: Kissinger; Little, Brown and company 1974
Walter Isaacson: Kissinger A Biography Simon & Schuster 1992.
Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam -The Free press 2001
Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999
Robert Dallek: Partners In Power, Nixon and Kissinger – Harper Collins publishers 2007
Rebecca Larsen: Richard Nixon, Rise and Fall of a President, Franklin Watts 1991.
Elizabeth Drew: Richard M. Nixon, Times Books 2007.
Jonathan Aitken: Nixon a Life, Regnery Publishing, inc 1993
The Word Almanac Of The Vietnam War: John S. Bowman – General Editor, A Bison-book 1985
Stanley Karnow: Vietnam , A History, A Penguin Books 1991
Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war
Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Cao Văn viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà,Vietnambibliography 2003