Với nhu cầu phát triển và gia tăng quân số của QL/VNCH, Ngành Quân Nhạc cũng tăng theo.

vnch quannhac

I-Tình trạng Quân Nhạc trước 1945.

Trước năm 1945, Việt Nam có 3 ban Quân Nhạc. Nhạc viên toàn người Việt dưới quyền điều khiển của Nhạc Trưởng người Pháp tại 3 nơi như sau:

- Hà nội: Ban Quân Nhạc khố xanh

- Huế: Ban Quân Nhạc khố vàng

- Sàigòn: Ban Quân Nhạc khố đỏ.

Ban Quân Nhạc khố vàng ở Huế nổi bật hơn cả vì tài nghệ các nhạc công giỏi hơn 2 ban kia.

Năm 1930, khi Hoàng Đế Bảo Đại sang thăm Pháp và dự Hội chợ quốc tế tại Paris, ban Quân Nhạc khố vàng được tháp tùng. Các buổi trình diễn được khán thính giả tại Paris hoan nghênh nhiệt liệt. Đến năm 1944, quân đội Nhật đảo chánh quân đội Pháp tại Đông Dương, 3 ban Quân Nhạc cũng bị tan rã.

II-Tình trạng Quân Nhạc từ 1947 đến 1954.

Khi Hoàng Đế Bảo Đại được Pháp đưa về làm Quốc Trưởng, Ngài nhờ người Pháp thành lập các ban Quân Nhạc cho Việt Nam.

Đầu tiên là Sàigòn, Nhạc trưởng Permentier liên lạc với Thượng sĩ Dương văn Huấn (cựu nhạc công ban Quân nhạc khố đỏ trước kia) tập họp lại các nhạc công trong ban Quân nhạc khố đỏ cũ, tuyển mộ thêm nhạc viên và huấn luyện để thành lập ban Quân nhạc Sàigòn. Nơi đồn trú là trại Lê văn Duyệt Gia Định. Ít lâu sau, nhạc trưởng Permentier về Pháp, trao quyền Nhạc trưởng lại cho Thượng sĩ Dương văn Huấn.

Tại Huế, Tổng Trấn Trần văn Lý mời Thượng sĩ I Trần như Tú đứng ra tập họp các anh em trong ban khố vàng khi xưa để thanh lập Ban Quân nhạc Bảo Vệ Quân tại Huế. Thượng sĩ I Tú được đề cử làm Nhạc Trưởng với cấp bậc Thiếu úy..

Sau cùng là Hànội. Vào thượng tuần 1947, Nhạc trưởng Messler, người Pháp được mời thành lập Ban Quân nhạc cho Hànội. Thông báo tuyển mộ được đăng trên các báo Việt, số người nộp đơn xin gia nhập rất đông. Ai nộp đơn trước sẽ được mang cấp bậc Thượng sĩ, các người sau cấp bậc thấp hơn. Những người sau cùng chỉ được mang cấp bậc Hạ sĩ hay Binh I mà thôi. Khi thành lập xong, ban nhạc đồn trú trong trại lính khố xanh cũ.

Thành phần các ban nhạc này đều rập khuôn ban Quân nhạc Pháp. Mỗi ban nhạc gồm 2 phần: phần chính là ban Hòa tấu, tiếng Pháp là Harmonie. Phần phụ là ban Chào kính đưọc đọc trại theo tiếng Pháp là "Lích"(Cliques) dưới quyền một Lích trưởng (Tambour Major) luôn luôn mang cây Huy côn (canne de Tambour Major). Hai thành phần này dưới quyền điều khiển của một Nhạc trưởng.

Khi được lệnh hồi hương, nhạc trưởng Messler trao quyền Nhạc trưởng lại cho Thượng sĩ Nguyễn Nhật điều khiển Ban Quân nhạc Hànội, cũng là một cựu nhạc viên ban nhạc khố xanh.

Ngoài 3 ban quân nhạc trên, còn có thêm ban nhạc Bảo Chính Đoàn dưới quyền điều khiển của Nhạc trưởng Vũ văn Tuynh và ban nhạc Thính Phòng Thăng Long trực thuộc Tổng trấn Bắc Việt về tài chánh và Nha Cảnh Sát Đô Thành về quản lý. Ban nhạc Thăng Long được thành lập bởi Nhạc Trưởng Lê hữu Mục, sau đó trao quyền điều khiển lại cho Nhạc Trưởng Lê như Khôi. Mỗi chiều Chủ Nhật, ban nhạc này thường trình diễn tại vườn hoa Ba Đình với những giọng ca nổi danh đương thời như Minh Đỗ, Quách Đàm, Hoàng Giác lôi cuốn một lượng khán giả khá đông và được hoan hô nhiệt liệt.

III-Cải tổ và chấn chỉnh các ban Quân nhạc.

Vì nhu cầu, các ban Quân nhạc được thành lập một cách vội vàng. Không bao lâu người Pháp về nước và trao lại cho người Việt Nam. Các nhạc trưởng được người Pháp trao lại lúc bấy giờ chỉ có kinh nghiệm chứ chưa được đào tạo qua trường lớp nào nên có người chưa đủ khả năng để chỉ huy một ban nhạc. Muốn nâng cao trình độ các ban quân nhạc, trước tiên, mỗi ban nhạc cần một nhạc trưởng có trình độ và khả năng để huấn luyện nhạc viên.

Thấy điều cần thiết trên, Bộ Quốc phòng liền giao cho Trung úy Nhạc trưởng Léon Cordier người Pháp, chịu trách nhiệm tổ chức cuộc thi tuyển. Thông báo được đăng trên các báo dân sự và quân đội trên toàn quốc. Địa điểm thi tuyển được tổ chức vào tháng 4 năm 1951 tại 2 địa diểm như sau:

Tại Hà Nội cho các thí sinh miền Bắc và Trung. Danh sách các thí sinh như sau:

1- Lê như Khôi (Bắc Việt)

2- Đỗ tiến Liệt (Bắc Việt)

3- Đỗ trung Anh (Bắc Việt)

4- Chuẩn úy Trần phát Tài (Bắc Việt)

5- Trần văn Tín (Trung Việt)

6- Thượng sĩ Nguyễn hữu Nhuận (Trung Việt)

Tại Sàigòn cho các thí sinh miền Nam.Danh sách gồm có:

1- Trung úy Dương văn Huấn

2- Đỗ trí Kế

3- Trần văn Lý.

Bài thi gồm các môn:

- Hoà âm 4 bè gồm: CD (chant donné-bè cao cho trước), BD (basse donné-bè trầm cho trước)

- Viết chính tả âm nhạc.

- Xướng âm một đoạn nhạc có 7 khóa pha trộn lẫn nhau, đúng theo tiết điệu của dương cầm phụ họa.

Kết quả: Chiếu theo nghị định số 53-QP/ND ngày 1-2-1952, có 5 thí sinh sau đây trúng tuyển Nhạc Trưởng:

1- Lê như Khôi (BV)

2- Trần văn Tín (TV)

3- Đỗ trí Kế (NV)

4- Đỗ tiên Liệt ( BV)

5- Dương văn Huấn (NV-thí sinh quân đội).

Cũng theo nghị trên, các thí sinh có tên sau đây được xếp Nhạc Trưởng hạng 2, mang cấp bậc Trung úỵ:

1- Trung úy Lê như Khôi.

2- Trung úy Trần văn Tín.

Cũng theo nghị định trên, các thí sinh sau đây được xếp Nhạc Trưởng hạng 3, mang cấp bậc Thiếu úy:

1- Thiếu úy Nhạc Trưởng Đỗ trí Kế.

2- Thiếu úy Nhạc Trưởng Đỗ tiên Liệt

3- Trung úy Nhạc Trưởng Dương văn Huấn. Trường hợp đặc biệt, vì đã là Trung úy Quân Đội Quốc Gia nên không bị xuống cấp.

Các thí sinh không đủ điểm đậu Nhạc Trưởng được bổ nhiệm làm Nhạc Phó, được mang cấp bậc Thượng sĩ I, danh sách gồm có:

1- Chuẩn úy Nhạc phó Trần phát Tài (đã mang cấp Chuẩn úy QĐQG, nên được giử nguyên)

2- Thượng sĩ 1 Nhạc phó Trần văn Lý.

3- Thượng sĩ 1 Nhạc phó Nguyễn hữu Nhuận

4- Thượng sĩ 1 Nhạc phó Đỗ trung Anh.

Ngày 12-4-1952, các tân Nhạc trưởng và Nhạc phó được bổ nhiệm như sau:

- Trung úy Nhạc trưởng Lê như Khôi về Ban Quân nhạc Quân khu 1 tại Sàigòn thay Trung úy Dương văn Huấn ra Hànội nhận Ban Quân nhạc Quân khu 2.

- Trung úy Nhạc trưởng Trần văn Tín nhận Nhạc đoàn Ngự Lâm Quân tại Đàlạt.

- Thiếu úy Nhạc trưởng Đỗ trí Kế về nhận Ban nhạc Quân Khu 3 ở Huế, nhưng gặp trở ngại vì Ông Trần như Tú không chịu bàn giao. Không biết có sự dàn xếp bên trong thế nào, sau cùng, Quân khu 3 trả Thiếu Úy Nhạc trưởng về Bộ Quốc Phòng. Ông đã xin ra khỏi Ngành Quân Nhạc.

- Riêng Thiếu úy Nhạc trưởng Đỗ tiên Liệt, giờ chót kết quả không được công nhận nhưng không biết lý do.

vnch quannhac1

IV-Quân Nhạc thời đệ 1 và đệ 2 VNCH.

Các tân Nhạc trưởng bắt đầu chỉnh đốn lại Nhạc đoàn của mình. Nhạc Đoàn Ngự lâm quân là đơn vị tân lập nên các Nhạc đoàn khác phải trích một số nhạc công gửi đến bổ xung. Các Nhạc trưởng phải cố gắng sáng tác, hoà âm nhạc quân hành Việt Nam thay thế dần nhạc quân hành Pháp.

Muốn nâng cao trình độ các nhạc công, 2 Nhạc trưởng Lê như Khôi và Trần văn Tín bàn với nhau là phải có một Trường Quân Nhạc để huấn luyện chung nhạc công. Ý kiến này được đệ trình lên Bộ quốc phòng, thời gian chờ đợi khá lâu nhưng không được trả lời. Sau này được biết vì ở thời điểm đó, ngân sách eo hẹp nên mọi ngân khoảng dành ưu tiên cho các đơn vị tác chiến.

Tình hình chiến sự thay đổi, các ban nhạc cũng bị ảnh hưởng theo: Điện Biên Phủ thất thủ, quân đội Pháp về nước, nước Việt Nam chia đôi, các ban quân nhạc cũng được sắp xếp lại.

- Quân khu 2 di chuyển về Nam dưới vĩ tuyến 17, ban quân nhạc phải rút theo nhưng bị chia đôi. Một nửa đóng tại Nha Trang với Thượng sĩ Nguyễn Nhật. Một nửa theo Trung úy Nhạc trưởng Dương văn Huấn lên Ban Mê Thuột.

- Ban quân nhạc Đệ 1 Quân khu được đổi tên thành Ban quân nhạc Liên khu 1 & 4. Phạm vi công tác của ban nhạc quá rộng. Trong phạm vi Quân khu 1 Sàigòn, đôi khi công tác hơn 300 lần trong năm, lại còn phải bao gồm luôn Quân khu 4, lên đến Buôn Mê thuột hoằc ra tận Bến Hải. Có lần phải sang công tác tại Hội chợ ở Thủ đô Vạn Tượng của Vương quốc Lào.

Sau khi Thủ Tướng Ngô đình Diệm đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ đầu, Nhạc Đoàn Ngự Lâm Quân được rút về Sàigòn và đổi tên thành Nhạc Đoàn Đặc Biệt Phủ Tổng Thống. Phạm vi công tác của Nhạc Đoàn này chỉ trong phạm vi Dinh Độc Lập mà thôi.

Năm 1966, vì công tác quá nhiều, Nhạc đoàn phải chia ra 2 hay 3 toán mới đáp ứng được nhu cầu, nhưng quân số chỉ có 75 nhạc công. Thiếu tá Nhạc trưởng Lê như Khôi đề nghị với Bộ Quốc Phòng xin nhập 2 ban nhạc Liên khu 1 & 4 và ban nhạc Bảo An Đoàn lại thành một. Đề nghị được chấp thuận, nhạc công tổng cộng là 150. Ban nhạc được đổi tên thành Đại Nhạc Đoàn Bộ Tổng Tham Mưu, dưới quyền xử dụng trực tiếp của Phòng 3/Khối Quân Lễ/BTTM.

Đồng thời, Nhạc đoàn của 2 binh chủng Không quân và Hải quân cũng được thành lập. Nhạc trưởng Vũ văn Tuynh ở Bảo An Đoàn được thuyên chuyển về làm Nhạc đoàn trưởng Nhạc đoàn Không quân.

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp <Cours de haute composition musicale> tại Ecole Universelle Paris, Trung Úy Lê Phước Quang (Thiên Quang) được thuyên chuyển về phục vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Quân Nhạc(Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống). Đại úy Nhạc Trưởng Trần văn Tín , Giám Đốc Trung Tâm Huấn Luyện đề cử Trung úy Lê phước Quang làm sĩ quan Phụ tá. Các cố vấn Mỹ Cwo Diffronso và Cwo Albert đã giúp rất nhiều trong việc thành lập Binh Chủng và Trường Quân Nhạc QLVNCH.

Theo cấp số của quân đội Mỹ, các Nhạc đoàn được thành lập như sau:

-Loại A: Nhạc Đoàn Đặc Biệt Phủ Tổng Thống và Đại Nhạc Đoàn Bộ TTM

-Loại B: Nhạc Đoàn Không Quân, Hải Quân, các Trung tâm huấn luyện

-Loại C: Các Sư Đoàn.

Đại úy Nhạc Trưởng Trần văn Tín được đề cử giử chức vụ Chỉ Huy Trưởng Binh chủng Quân Nhạc.

Trung úy Nhạc Trưởng Lê phước Quang được đề cử giử chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Nhạc.

Vì nhu cầu, một số sĩ quan Bộ Binh đuợc thuyên chuyển về thành lập các phòng, ban như:

-Trung úy Vũ đức Liễn: Sĩ quan phụ tá.

-Trung úy Lê văn Sự: Tiếp liệu

-Chuẩn úy Nguyễn công Thành: Nhân viên và quân số.

Phòng Huấn luyện, nghiên cứu và sưu tầm ráo riết dịch thuật các tài liệu học tập để chuẩn bị chương trình tuyển mộ và huấn luyện các tân khóa sinh, mãn khóa sẽ bổ sung cho các Nhạc Đoàn chưa đủ quân số hay các Nhạc Đoàn mới thành lập. Nhóm này gồm các sĩ quan, Hạ sĩ quan như: Hồ đăng Tín Nguyển Bữu Phuợng, Nguyên đức Lưu, Nguyễn hùng Chương, Lâm cao Khoa và Lê văn Nhơn.

Với nhu cầu phát triển và gia tăng quân số của QL/VNCH, Ngành Quân Nhạc cũng tăng theo. Năm 1966, Trường Quân Nhạc xin phép Bộ TTM và Tổng Cục Quân Huấn được mở khóa Sĩ Quan Nhạc Trưởng.

Đầu tiên, thi tuyển những khóa sinh dân sự, nhưng số thí sinh đạt được tiêu chuẩn do Trường Quân Nhạc đưa ra quá ít, không đủ túc số. Các thí sinh trúng tuyển đợt này gồm có: Nguyễn đình Ba, Lương an Cảnh, Lê văn Nhản, Trần văn Huyến, Nguyễn tấn Hiệp, Nguyễn hiễu Tiếng, Vũ nam Hải, Vũ tắc Toản, Nguyễn phi Hồng, Đoàn thể Hồng. Toán này được gửi qua Trường Bộ Binh nhập học quân sự giai đoạn I khóa 23/SQTB. Thời gian học 4 tháng.

Toán thứ 2 là những khóa sinh khóa 22SQTB/TĐ đang thụ huấn tại Trường Bộ Binh được Trường Quân Nhạc cho thi trắc nghiệm khả năng. Kết quả những thí sinh được chọn gồm có: Lê văn Nhường, Đoàn công Đài, Phạm sĩ Bảng, Nguyễn trí Hiếu, Trần song Tuấn, Hồ quang Hải, Nguyễn văn Quang.

Toán kế tiếp là những Hạ sĩ quan trong ngành Quân Nhạc có khả năng, làm đơn xin theo học và gửi đến Trường Quân Nhạc cứu xét. Kết quả được chấp thuận như sau:

-Nguyễn hùng Chương, Nguyễn văn Tuyên, Nguyễn Lộc, Nguyễn đình Đồng, Bùi tiến Bảo, Ngô văn Phốt, Ngô hằng Sản, Vũ văn Đỉnh, Mai văn Lang.

-Thành phần Ban giảng viên cho khóa Sĩ quan Nhạc Trưởng gồm có:

-Môn chỉ huy (Conducting): Nhạc Trưởng Trần văn Tín

-Môn Hòa âm: Nhạc Trưởng Nguyễn Phụng, Giám Đốc Trường QGÂN.

-Môn Phối khí, Cải soạn, Nhạc khí học: Nhạc Trưởng Lê như Khôi.

-Môn Sáng tác: Nhạc Trưởng Vũ văn Tuynh.

-Môn Lễ nghi quân cách: Nhạc Trưởng Nguyễn đức Tính

-Môn Nhạc nhẹ: Nhạc Trưởng Trần văn Lý, (làm ở Đài phát thanh Pháp Á, được đồng hóa vào Ngành Quân Nhạc với cấp bậc Thiếu úy.)

-Nhạc sử: Nguyễn năng Nhiêu, Giáo sư Trường QGÂN.

-Nhạc lý - Chính tả: Phạm Nghệ, Giáo sư Trường QGÂN.

-Môn Hành chánh & Quản trị nhân viên: Thượng sĩ Ngọ.

Thiên Quang được đề cử làm "Associate professor" cho các giảng viên trên đây vừa dạy thêm Hòa Âm trong cuốn "Kỹ Thuật Hòa Âm" cho các khóa sinh do chính ông biên soạn.

Khóa học được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn đều phải thi lấy kết quả, nếu không đủ điểm, không được tiếp tục học giai đoạn 2. Sau giai đoạn 2 các khóa sinh đều được phân tán đến các Nhạc Đoàn trên tòan quốc thực tập. Sau khi thực tập xong, tập trung về Trường Quân Nhạc thi tốt nghiệp.

Năm 1967, trong lúc khóa học đang tiến hành, cố vấn Mỹ cho biết trường Quân Nhạc Hoa Kỳ chấp thuận cho 4 khóa sinh theo học khóa Advanced Course trong thời gian 6 tháng. Cố vấn Mỹ trắc nghiệm khả năng Anh ngữ, quyết định cho khóa sinh đi học do Bộ chỉ huy và Trường Quân Nhạc quyết định. Cuối cùng những khóa sinh sau đây được chọn:

- Những SVSQ đang học khóa Nhạc Trưởng: Nguyễn đình Ba, Trần văn Huyến, Nguyễn hiễu Tiếng.

- Thượng sĩ 1 Nguyễn bữu Phượng đang làm việc tại Phòng Huấn Luyện.

Trong thời gian này, khóa Nhạc Trưởng chưa kết thúc, nên một số ban nhạc vẫn còn Hạ sĩ quan giử chức vụ Quyền Nhạc Đoàn Trưởng.

Sau khi tốt nghiệp, một số được bổ xung ra đơn vi. Số còn lại được gửi đi học Anh văn tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội để chuẩn bị tu nghiệp tại Hoa Kỳ.

Các khóa sinh đi tu nghiệp Hoa Kỳ gồm có các Chuẩn úy: Nguyễn hùng Chương, Nguyễn tấn Hiệp, Nguyễn Lộc, Vũ nam Hải, Vũ tắc Toản, Nguyễn đình Đồng, Nguyễn phi Hồng, Lê văn Nhản.

Nhân dịp được mời tham quan Trường Quân Nhạc và các ban nhạc Hoa Kỳ, Thiếu Tá Lê phước Quang hướng dẫn toán khóa sinh tháp tùng. Khóa học của khóa sinh kéo dài 8 tháng. Riêng thời gian tham quan của ông trong vòng 4 tháng.

Sau đó, khóa 2 Sĩ Quan Nhạc Trưởng được tổ chức để những người trong Ngành lâu năm đã lên sĩ quan theo học. Danh sách khóa này gồn có: Trần văn Lý (Ban nhạc TTM), Nguyễn bữu Phượng, Hồ Sâm, Hồ Thịnh, Nguyễn văn Thiềng, Nguyễn Đệ, Nguyễn cữu Phát, Trần ngọc Phan, Nguyễn văn Giáp, Đỗ ngọc Phùng và Lê văn Nhơn.

Trong thời gian này, 2 binh chủng Tổng Trừ Bị nổi tiếng của QLVNCH được nâng lên cấp Sư Đoàn, vì thế phải thành lập 2 Nhạc Đoàn để bổ xung. Nhạc Trưởng Hồ Sâm được đề cử làm Nhạc Đoàn Trưởng Nhạc Đoàn Sư Đoàn Dù và Nhạc Trưởng Nguyễn văn Thiềng được đề cử về Nhạc Đoàn Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.

Cuối năm 1974, một số sĩ quan nồng cốt kỳ cựu của Ngành Quân Nhạc đến tuổi về hưu, các vị đó là Nhạc Trưởng Lê như Khôi, Nhạc Trưởng Vũ Thành, Nhạc Trưởng Vũ văn Tuynh và đến năm 1975, Nhạc Trưởng Trần văn Tín cũng đến Tuổi về hưu.

Sau đây chúng tôi xin nêu lên một số từ thường bị nhầm lẫn:

NHẠC TRƯỞNG là một tước vị (bằng cấp đang có)

NHẠC ĐOÀN TRƯỞNG là chức vụ (đang đảm nhận tại đơn vị)

Thí dụ: trong những ban nhạc lớn có 2 Sĩ quan đều có bằng Nhạc Trưởng (tước vị), Nhưng một người là Nhạc Đoàn Trưởng (chức vụ hiện đang đảm nhận) và một người là Nhạc Đoàn Phó (chức vụ hiện đang đảm nhận). Đôi khi những ban nhạc nhỏ không đủ quân số bổ xung, nên một ông Hạ sĩ quan có bằng Nhạc Phó (tước vị) được đề cử làm Nhạc Đoàn Trưởng (chức vụ).

Mục đích đào tạo một NHẠC TRƯỞNG của Trường Quân Nhạc

Nhạc Trưởng phải có trình độ, kiến thức vững vàng về âm nhạc. Thấu hiểu trình độ của từng nhạc viên. Biết cách huấn luyện, nhận ra ưu khuyết điểm của họ để giao nhiệm vụ khi họ ngồi vào ban nhạc. Phải biết Cải soạn, Phối khí để có thể sửa đổi hay viết lại những phần khó, quá trình độ của nhạc viên khiến họ không thực hiện được bè mình giao phó. Hòa âm những bản nhạc yêu thích hợp với trình độ của Ban nhạc và khai thác tối đa khả năng của những nhạc viên ưu tú. Điều khiển và Chi huy các loại dàn nhạc như Concert Band, Symphonic Band, Symphonic Orchestra, Dance Band. Ta có thể so sánh khả năng và nhiệm vụ của một người Nhạc Trưởng giống như một Huấn luyện viên một đội bóng tròn. Những sắc thái riêng biệt của người Nhạc Trưởng tạo ra cho ban nhạc của mình cũng giống như chiến thuật mà Huấn luyện viên áp dụng cho đội bóng do mình huấn luyện. Vì thế, Nhạc Trưởng được coi như linh hồn của Ban Nhạc.

Còn một điều xin nêu lên đây là khi xem một ban nhạc diễn hành, phần đông cho rằng người cầm gậy (có người gọi là côn) dẫn đầu là Nhạc Trưởng của ban nhạc. Người đó trong Ngành Quân Nhạc gọi là "Gậy Cổ Trưởng". Ông này thường là một Hạ sĩ quan, dùng các hiệu lệnh bằng gậy để điều khiển Ban Nhạc trong lúc đi như giử đều nhịp, quẹo trái, phải hay dừng lại.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà là một tập thể do nhiều đơn vị tập họp lại. Mỗì đơn vị đóng góp phần khả năng chuyên môn của mình. Quân Nhạc là một đơn vị nhỏ bé nhất trong tập thể đó, nhưng công lao đóng góp không thể coi là nhỏ. Trong khi các đơn bạn vị bạn lo ngăn chặn quân thù ngoài tiền tuyến thì ở hậu phương, Quân Nhạc dùng nhạc quân hành khích động tinh thần binh sĩ hay góp phần làm nổi bật các chiến công vang dội của các đơn vị bạn vừa đạt được. Điều này được thấy rõ trong các buổi choàng vòng hoa, gắn huy chương tưởng thưởng công lao cho những chiến sĩ hay đơn vị xuất sắc, hoặc phô trương lực lượng trong các buổi diễn hành trong Ngày Quân Lực.

Về bang giao quốc tế, Quân Nhạc giử một vai trò then chốt khi tiếp đón các yếu nhân đến thăm viếng Việt Nam. Một tràng 21 phát đại bác vang rền hòa lẫn với nhạc Thượng nghinh tạo thêm phần long trọng và uy nghi dành cho một vị nguyên thủ quốc gia khi đứng nghiêm trên bục chào kính tại phi trường.

Binh Chủng Quân Nhạc QLVNCH đã đi được một đoạn đường dài từ lúc sơ khởi cho đến khi kết thúc.Trên đơạn đường đó, quí vị tiền nhiệm cũng như những người tiếp nối chắc chắn đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại mà đôi khi tưởng không thể vượt qua nhưng quí vị vẫn kiên nhẩn tiến bước để đạt được kết quả sau này. Vì thế tất cả mọi thành viên trong gia đình Quân Nhạc không bao giờ quên ơn những người như: Nhạc Trưởng Dương văn Huấn, Nhạc Trưởng Trần như Tú, Nhạc Trưởng Nguyễn Nhật và Nhạc Trưởng Nguyễn hữu Nhuận cùng tất cả các nhân viên các phòng, ban đã phục vụ đắc lực, tận tâm từ khi Bộ Chỉ Huy và Trường Quân Nhạc mới thành lập đến khi mất nước. Hình ảnh một tấm bảng phía trên với hàng chử <TRẠI YÊN THẾ> sừng sửng trên hai cánh cửa làm bằng tôn đơn sơ, không có vẻ gì kiên cố, uy nghi hay chi chít những hàng rào kẽm gai của một căn cứ quân sự. Phía trong là những căn nhà cũ kỹ xây dựng từ thời Pháp cộng thêm những dãy nhà mới cất cho khóa sinh.Một nhà bếp, một Câu lạc bộ, một giếng nước nhỏ. Nếu chúng ta đem các phương tiện trên nói với một người nào đó là dùng để phục vụ cho một Quân Trường hay Trung Tâm Huấn Luyện, chắc chắn họ cho rằng chúng ta nói đùa, nhưng đó là sự thật với một bóng mát to lớn của cây điệp từng che nắng cho khóa sinh ngồi học hòa tấu hằng ngày. Những hình ảnh kể trên không còn nữa trong hiện tại nhưng chắc chắn không phai mờ trong ký ức của từng người lính trong thời chiến nhưng có kèm theo hai chử <quân nhạc> đã từng có mặt nơi đây. Khi tiếp xúc với các binh chủng bạn thường gọi bằng một danh từ rất bình dân mộc mạc, vừa thân mật, vừa có vẽ khinh thường về khả năng quân sự là <LÍNH KÈN>.

Một điểm đặc biệt nữa là vì một binh chủng quá nhỏ, phần đông đều biết nhau nên tình cảm cũng gắn bó hơn. Một bằng chứng cụ thể mà không một binh chủng hay đơn vị nào có được là mặc dù đã tan hàng, nhưng từ năm 1975 đến nay, liên tục hằng năm, anh em vẫn tụ họp một nơi ấn định trước, làm lễ giổ Thánh Tổ Quân Nhạc là Thánh Nữ Cécilia. Mọi người thành khẩn quỳ trước bàn thờ và cầu nguyện Thánh Tổ phù hộ cho mọi thành viên trong gia đình Quân Nhạc được khỏe mạnh yên vui. Những người trong nước dù ở xa cũng cố gắng sắp xếp đến tham dự. Còn những người ở hải ngoại đôi khi có chuyện cần vê VN, cũng cố gắng đến họp mặt. Nếu không về,cũng đóng góp chút ít cho ban tổ chức trang trải chi phí buổi lể. Nếu có dịp tham dự, ta sẽ thấy anh em nhạc viên tham dự mỗi năm một ít đi vì bệnh hoạn hay qua đời và không biết bao lâu nữa, Lễ Giổ Tổ ngành Quân Nhạc của chúng ta sẽ đi vào dĩ vãng.

Biên soạn:

Chỉ huy phó Quân Nhạc QLVNCH, Nhạc Trưởng Lê Như Khôi - Paris

Chỉ huy trưởng Trường Quân Nhạc, Nhạc Trưởng Lê Phước Quang (Thiên Quang) – San Diego

Nhạc Trưởng Lương An Cảnh - Australia

Nhạc Trưởng Vũ Tắc Toản – tức QuốcToản: www.quoctoan.com - California

(nguồn: http://www.quoctoan.com)