Thực tế đã ngày một khẳng định ngày 30-4-1975 chỉ là khởi điểm một quá trình đưa CSVN đến sự tiêu vong về bản thể...

30thang4       

     Bài này được viết cách nay nhiều năm, được phổ biến nhiều lần vào các Tháng Tư Đen và lần đầu tiên đã được nhiều báo đăng tải trong đó có báo Người Việt đăng vào dịp 30-4 năm nào (không nhớ rõ năm) cùng trang với bài viết của Ông Bùi Tín, một đảng viên cộng sản phản tỉnh, viết cảm nghĩ về ngày 30-4-1975.

    Ðúng 38 năm trước đây, ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc nội chiến ý thứ hệ Quốc-Cộng giai đoạn 2 tại Việt Nam đã chấm dứt sau 21 năm diễn biến khốc liệt (1954-1975). Một cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt như thế, nhưng đã kết thúc nhanh gọn và khá bất ngờ với cả hai phe bản xứ tham chiến: Việt Quốc và Việt Cộng.

      Sau cuộc chiến, đã có nhiều cách lý giải và đánh giá về sự kết thúc chiến tranh Việt Nam một cách không bình thường. Riêng chúng tôi, nhân ngày 30 tháng 4  lần thứ 37 hôm nay, chỉ xin nhắc lại một cách đánh giá tổng quát đã được đưa ra chỉ vài năm sau cuộc chiến chấm dứt (1), để quý độc giả cảm nghiệm xem có đúng với những gì đã và đang xây ra trên thực tế hay không. Ðó là ý nghĩa lịch sử về Ngày 30-4-1975: “Quốc gia thua để thắng, Cộng sản Thắng để thua”. Vì sao?

        Vì cả lý luận lẫn thực tiễn, chẳng cần đợi sau 37 năm sau, mà đã từ lâu,ngày một khẳng định cho sự đánh giá tổng quát này.

      Thật vật, vào ngày 30-4-1975 chấm dứt chiến tranh và một thời gian sau đó, quả thực nhiều người đã nghĩ rằng: Ðảng CSVN và chế độ độ XHCN độc tài Miền Bắc đã thắng người Việt Quốc Gia và chế độ dân chủ VNCH ở Miền Nam Việt Nam? Ðiều này dễ hiểu, vì dưới cái nhìn hiện tượng, trong một cuộc chiến giữa hai phe, bên nào tiêu diệt được đối phương, chiếm được mục tiêu sẽ là kẻ chiến thắng. Công sản Bắc Việt đã đạt mục tiêu thôn tính Miền Nam bằng chiến tranh vào ngày 30-4-1975,thì như vậy cứ nhìn hiện tượng rõ ràng phe CSVN đã thắng phe Quốc Gia Việt Nam (QGVN). Tuy nhiên chẳng bao lâu sau đó, thực tế đã dần dần ghi nhận và cho đến hôm nay có thể khẳng định không sợ sai lầm rằng: “Cộng sản  đã THẮNG để THUA”. Cái chiến thắng mà họ có được, chỉ là “ Một chiến thắng biểu kiến” (giả tạo). Và ngày 30-4-1975 chỉ là điểm mốc thời gian khởi đầu một quá trình đưa CSVN đến sự thua bại hoàn toàn vào cuối quá trình này.Vì sao?

      Vì CSVN vốn là công cụ bành trướng chủ nghĩa thực dân mới của Ðế quốc Ðỏ Liên Xô trong thời kỳ “Chiến Tranh Ý Thức Hệ” diễn ra dưới hai hình thái “Chiến Tranh Lạnh” giữa các nước giầu và “Chiến Tranh Nóng” nơi một số các nước nghèo, trong đó có Việt Nam được chọn làm tiền đồn của hai phe tư bản và cộng sản (Chiến lược quốc tế cũ). Do đó ý đồ và mục tiêu của đảng CSVN không thể khác ý đồ và mục tiêu của đảng Cộng Sản Liên Xô (CSLX). Như vậy, thực tế sau ngày 30-4-1975, nếu là một “Chiến thắng thật”, CSVN phải được Liên Xô và các nước “Xã Hội Chủ Nghĩa anh em” hổ trợ tích cực, toàn diện và vô điều kiện để xây cựng thành công chủ nghĩa xã hội tại thuộc địa kiểu mới Việt Nam, phát huy thắng lợi để tiếp tục đẩy mạnh “Chiến tranh Cách Mạng”, “Chiến tranh Giải phóng” đến các nước trong vùng như Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Ðiện, Mã Lai. Phi Luật Tân.v.v...Thế nhưng thực tế hoàn toàn khác: Tất cả những điều đáng lẽ phải xẩy ra đó đã không xẩy ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.

      Thực tế sau đó Liên Xô đã thất bại trong nỗ lực “Cải Tổ” (Glasnost) và “Tái cấu trúc” (Perestroika) đi đến sụp đổ, kéo theo sự tiêu vong các nước XHCN Ðông Âu. Trung Cộng thực hiện chính sách “Mở cửa” làm ăn với Tư Bản. Công cụ CSVN vội đưa ra chính sách “Ðổi Mới” theo gương “Cải Tổ” Liên Xô (1986). Rồi vội cầu hoà với Trung Cộng và học tập lý luận sáng tạo mới của nước đàn anh xấu bụng và có tham vọng bá quyền này, rằng: “Chủ Nghĩa Xã Hội cũng có thể áp dụng kinh tế thị trường” được Việt cộng hoá thành con đường “Ðổi mới” qua “Kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”(!?!).

      Ðây là lối lý luận ngụy biện, cưỡng ép nhằm che đậy thực trạng và chiếu hướng mới không thể đảo ngược tại Việt Nam cũng như toàn cầu: Chủ nghĩa xã hội đã phá sản, đã tiêu vong tại Nga Xô, đang tiêu vong tại Việt Nam và các nước XHCN còn lại (Trung Cộng, Bắc Hàn và Cuba).

      Quá trình tiêu vong CNXH tại Việt Nam khởi đi từ ngày 30-4-1975 là ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Việt cộng đã lý luận cưỡng ép, ngụy biện, vì nó trái ngược với thực tế. Thực tế phát triển trong môi trường kinh tế thị trường không thể định hướng XHCN, mà tất yếu sẽ phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa. Trong môi trường này, tất yếu nhà nước XHCN sẽ bị tư bản hoá, chế độ chuyên chính vô sản sẽ được dân chủ hoá từng bươc, và các cán bộ đảng viên cộng sản đã và đang được tư sản hoá trở thành những nhà tư bản Ðỏ, những “Đại gia Đỏ vỏ xanh lòng”. Chiều hướng phát triển này đã được thể hiện ngày càng rõ nét trên thực tế tại Việt nam, ai cũng có thể thấy và kiểm chứng được.Một chiều hướng không thể đảo ngược như từ ngữ Việt cộng quen dùng sau “Chiến thắng 30-4-1975” để khẳng định con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội là một tất yếu đối với Việt Nam và toàn thế giới !!!

      Và thực tế như thế rõ ràng là ngày 30-4-1975 “Cộng sản THẮNG để THUA” cuộc thực sự vào cuối quá trình của sự tiêu vong chế độ XHCN về mặt bản thể. Bởi vì, cuối cùng thì mục tiêu và lý tưởng của những người CSVN đã không đạt được. Trái lại, thực tế đã thúc ép, dẫn dắt và buộc được CSVN phải đi vào quỹ đạo (Tự do, kinh tế thị trường) của đối phương (Việt quốc) và thực hiện theo đúng lý tưởng của người quốc gia (Tư do , dân chủ, nhân quyền tất thắng)và mục tiêu tối hậu (Dân chủ hoá Việt Nam, phát triển toàn diện đất nước trong nền kinh tế thị trường) của đối phương (Việt quốc).Đây mới đúng là “Chiều hướng mới không thể đảo ngược” (Dân chủ pháp trị tất thắng độc tài toàn trị)

      Thật vây, đối phương của Việt cộng là những người Việt Quốc Gia, lý tưởng và mục tiêu đấu tranh trước sau như một: tiêu diệt độc tài, xây dựng chế độ dân chủ tự do, xã hội công bằng, phát triển toàn diện đất nước đến phú cường, văn minh tiến bộ theo kịp đà tiến hoá chung của nhân loại.

      Và vì vậy, kể từ sau ngày giành được độc lập từ tay thực dân Pháp vào năm 1954, mong muốn chân thành của những người Việt Quốc Gia ở Miền Nam Việt Nam, kẻ cầm quyền cũng như dân giả, là thiết lập một chế độ độc lập dân tộc, dân chủ tự do (Việt Nam Cộng Hoà) và phát triển toàn diện Miền Nam đến giầu mạnh. Thành quả mong muốn này sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp chính trị (dân chủ), kinh tế (giầu mạnh), xã hội(công bình) khả dĩ đánh bại chế độ của những người Cộng sản Bắc Việt: chính trị (độc tài toàn trị), kinh tế (nghèo đói), xã hội (áp bức, bất công), mà không cần xử dụng sức mạnh quân sự tiêu diệt đối phương (Việt cộng).

      Nói cách khác, thay vì dùng chiến tranh để áp đặt mô hình chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa xã hội, hai chế độ chính trị đối nghịch trên hai Miền Bắc, Nam sẽ có thời gian và cơ hội thi đua thực hiện mô hình chính trị, kinh tế, xã hội của mình, chờ cơ may thống nhất đất nước một cách hoà bình, thông qua con đường hòa bình và dân chủ. Lúc đó, mô hình xây dựng và phát triển đất nước nào có hiệu quả thực tiễn sẽ ưu thắng, sẽ được nhân dân hai miền chọn lựa bằng lá phiếu của đa số trong một cuộc trưng cầu dân ý tự do thực sự, có giám sát quốc tế nếu cần.

      Thế nhưng ước muốn chân thành và hết sức có lợi cho đất nước và dân tộc trên đây của những người Việt quốc gia ở Miền Nam đã không được những người CSVN ở Miền Bắc đáp ứng.

       Bởi lý tưởng và mục tiêu của những người CSVN hoàn toàn khác biệt với lý tưởng và mục tiêu của người Việt quốc gia. Sự khác biệt rõ nét nhất là Người Quốc Gia hành động tất cả vì Quốc Gia Dân Tộc, cho Tổ Quốc Việt Nam, trong khi những Người Cộng Sản Việt Nam hành động tất cả vì Quốc Tế Cộng Sản, cho Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Xô. Do đó, để làm tròn nghĩa vụ công cụ bành trướng hầu áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên cả nước, đảng CSVN đã phát động và tiến hành cuộc chiến tranh thôn tính Miền Nam, đẩy chính quyền và nhân dân Miền Nam Việt Nam vào một cuộc chiến tranh tự vệ và Hoa Kỳ có cớ can thiệp ngày càng sâu rộng vào chủ quyền VNCH.  Cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn này đã kéo dài hơn 20 năm (1954-1975), sát hại hàng triệu sinh linh, tàn phá đất nước, di hại lâu dài nhiều mặt cho đất nước và dân tộc.

      Nhưng rồi sau cùng thì cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn cũng đã phải kết thúc và đã kết thúc một cách không bình thường, do sự sắp xếp tiền định của ngoại bang, đã để cho CSBV “thắng” cuộc chiến một cách dễ dàng, không cần chiến đấu(vì đối phương bị ép buộc đầu hàng) không cần giữ đất và không đủ người để tiếp thu (vì bất ngờ, tốc độ rút lui của VQ nhanh hơn tốc độ tiến quân của VC)

      Chính vì sự kết thúc chiến tranh không bình thường này, mà ngay từ những ngày tháng năm đầu, khi cuộc chiến vừa tàn, người Việt Quốc Gia ở Miền Nam không khỏi nghĩ lại nhận định có tính tiên liệu của hai ngoại nhân. Một là Tướng độc nhản Moise Dayan, Bộ Trưởng Do Thái lúc bấy giờ khi đến thăm Miền Nam; hai là Sir Wilson. một chuyên viên Anh quốc làm cố vấn về du kích chiến cho Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam; Cả hai ngoại nhân này đều có chung nhận định đại ý  “Muốn chiến thắng cộng sản tại Việt Nam, chỉ còn cách cộng sản hoá Nam Việt Nam”. Nay thì Miền Nam Việt Nam đã bị cộng sản hoá sau ngày 30-4-1975. Chế độ cộng sản đã thiết lập 37 năm qua trên toàn cõi Việt nam. Như vậy phải chăng “Quốc gia đã THUA để THẮNG” và “Cộng sản Thắng để thua” ?

        Nếu đúng như vậy thì tại sao và QUỐC thắng CỘNG như thế nào?

      1.- Tại vì mục tiêu và lý tưởng đấu tranh của người Việt Quốc Gia trước sau như một, vẫn là chân lý tất thắng của thời đại (độc lập dân tộc, tự do dân chủ, nhân quyền và chủ nghĩa quốc gia), có chính nghĩa, đáp ứng đúng khát vọng toàn dân(Ðộc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc). Chân lý, chính nghĩa và khát  vọng ấy, nếu người Việt Quốc Gia đã mất cơ hội thành đạt trước 30-4-1975, trong chiến tranh tự vệ, trên chiến trường, thì hôm nay, sau 37 năm kiên trì tiếp tục cuộc đấu tranh cho lý tưởng và mục tiêu của mình, đã và đang buộc được CSVN phải mặc nhiên tự thú sai lầm, phải sửa sai và từng bước lùi dần về phía dân chủ, trả lại dần dần cho nhân dân quyền tự do và các quyền dân chủ, dân sinh và  nhân quyền căn bản..

         Mặc dầu cho đến lúc này, đảng CSVN chưa dám công khai thú nhận sự chọn lựa con đường XHCN là SAI LẦM, tác hại toàn diện cho đất nước và dân tộc. Ðồng thời họ cũng chưa dám công khai thừa nhận  lý tưởng và mục tiêu đấu tranh của người Việt Quốc Gia theo đuổi từ bao lâu nay là ÐÚNG, có lợi cho đất nước và dân tộc. Thế nhưng, tất cả những gì  chế độ CSVN đã và đang thực hiện, đem lại phần nào những hiệu quả thực tế hôm nay, chính là họ đã làm theo sách của người Quốc Gia. Nghĩa là những người CSVN đã và đang bị buộc phải làm, không thể khác hơn, những gì mà lý tưởng, mục tiêu và con đường mà người Quốc gia theo đuổi. Ðối với người Việt Quốc gia quan niệm chiến THẮNG trong cuộc đấu tranh, không nhất thiết phải là lật đổ, tiêu diệt đối phương để độc quyền thực hiện lý tưởng và mục tiêu đấu tranh của mình, mà chỉ cần bất cứ ai, lực lượng nào, kể cả đối phuơng VC thực hiện được lý tưởng của mình. Vì vậy nếu người cộng sản Việt nam chỉ cần thực hiện đúng lý tưởng và mục tiêu đấu tranh của người Việt Quốc Gia, thì điều đó đủ yếu tố xác địn “QUỐC ÐÃ THẮNG CỘNG” và cuộc đấu tranh chống cộng sẽ chấm dứt.

      2.- Vậy QUỐC thắng CỘNG như thế nào?

       Chế độ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam do đảng CSVN áp đặt tại Việt nam đã và đang trên quá trình tiêu vong và đã bước vào giai đoàn cuối cùng: Tiêu vòng hoàn toàn về mặt bản thể trong “Môi trường mật ngọt kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa”. Trong môi trường mật ngọt này,từng bước tịnh tiến cán bộ đảng viên CS được tư sản hoá, nhà nước CS được tư bản hoá và chế độ CS được dân chủ hoá. Ðó là quá trình tiêu vong tất yếu của đảng và chế độ CSVN, xác định sự toàn thắng của các lực lượng quốc gia, dân tộc, dân chủ Việt nam. Sự tất yếu này đến mau hay chậm là tùy thuộcc vào ba lực đẩy, lực xoay chủ yếu:

   - Một là sự tự hủy do phân hoá nội bộ đảng và chế độ CSVN.

   - Hai là cường độ và hiệu quả thực tế của các hình thức đấu tranh của các lực lượng quốc gia, dân tộc, dân chủ trong cũng như ngoài nước, thu hút được quần chúng,tạo ra cao trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh, nhân quyền  của nhân dân trong nước.(Chủ lực)

   - Sau cùng là áp lực trên đảng và chế độ CSVN của các cực cường, các chính quyền dân chủ,Liên Hiệp Quốc, các tổ chức kinh tế tài chánh quốc tế và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế.

      Dưới áp lực của ba mũi giáp công trên đây, cùng chiều trên đây, đã thúc ép được chế độ độc tài toàn trị hiện nay lùi dần về phía dân chủ. Chất dân chủ đã và đang đẩy lùi chất độc tài và tích lũy thành lượng. Khi lượng dân chủ tích lũy đủ triệt tiêu hoàn toàn chất độc tài, thì theo qui luật duy vật biện chứng mà những người cộng sản Việt nam từng tin như giáo điều, rằng “Lượng đổi, chất đổi”, thì chế độ độc tài toàn trị hiện nay sẽ tiêu vong hoàn toàn bản thể để hình thành chế độ dân chủ tại Việt nam.

      Tóm lại:  38 năm trước đây, ngày 30-4-1975 cuộc chiến tranh Quốc-Cộng tại Việt Nam đã kết thúc không bình thường  đã chỉ đem lại một chiến thắng biểu kiến cho cộng sản Việt Nam.

        Thực tế đã ngày một khẳng định cuộc chiến tranh kết thúc như thế không phải là thắng lợi của phe này (Việt cộng)  đối với phe kia (Việt quốc), mà chỉ là do nhu cầu thay đổi thế chiến lược quốc tế mới của các cường quốc cực, nắm trung tâm quyền lực thế giới. Do đó, thực tế đã ngày một khẳng định ngày 30-4-1975 chỉ là khởi điểm một quá trình đưa CSVN đến sự tiêu vong về bản thể, để hình thành một chế độ dân chủ mai hậu tại Việt nam theo chiều hướng mới KHÔNG THỂ ÐẢO NGƯỢC : Dân chủ tất thắng độc tài.

        Một khi chế độ độc tài cộng sản tiêu vong về mặt bản thể, lý tưởng và mục tiêu đấu tranh của những người CSVN đã không đạt được, nay phải xoay chiều cố thực hiện những điều mà người Việt Quốc Gia đấu tranh chưa đạt. Và như thế có thể kết luận rằng: 30-4-1975 quả thực  “Quốc Gia đã thua để Thắng  và Cộng sản đã Thắng để Thua”.

Thiện Ý
Houston, Tháng Tư 2013

(1)Xin vào: luatkhoavietnam.com, mục “Diễn Đàn”, tiểu mục “Tác giả & Tác phẩm” để đọc “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới” của Thiện Ý, khởi thảo tứ trong nước (1976-1977), ấn hành lần đầu 1995 và tái bản năm 2005 tại Hoa Kỳ. Vào tiểu mục “Phỏng vấn & Hội luận” để nghe Đài VOA phỏng vấn tác giả Thiện Ý về tác phẩm này.