Vậy thì tại sao có biết bao vạn người đã bỏ mình chết oan trên biển cả, nuốt hận ngàn thu? Hay là phước ai người nấy hưởng?

Mỗi năm, cứ tới ngày ba mươi mốt tháng mười là thầy Thanh nhắc vợ mua dĩa trái cây về thắp nhang cúng Bà Áo Trắng để tạ ơn Bà đã phù hộ độ trì cho gia đình thầy nói riêng và cả nhóm người chung tàu nói chung được bình yên tới bến bờ trong chuyến vượt biên ba mươi năm về trước. Một ơn phước thiêng liêng tưởng như là bịa đặt nhưng kiểm chứng lại thì quả thật không thể nào phủ nhận.
vuotbien1
Đây ngày kỷ niệm vượt biên
Tháng mười, ba (mươi) mốt vượt biên đường tàu
Xế chiều qua chợ Bãi Xàu
Rồi qua Bãi Giá núp vào chờ đêm…

Năm bảy mươi lăm, trong những ngày hấp hối dãy chết của miền nam, Thầy Thanh đã tận sức tìm cách đưa gia đình chạy cộng sản nhưng cuối cùng cuộc di tản bất thành, số mệnh đã cột chân thầy lại cho đến bốn năm sau. Khi về lại tỉnh nhà, trong một buổi họp nhân dân, thầy đã chứng kiến tận mắt một màn thị oai dằn mặt nhân dân rất ư là ghê rợn bạo tàn của chế độ mới. Trong buổi họp, bọn sắt máu đã tố tội hai sĩ quan “ngụy” và sau đó đã thẳng tay hành quyết vặn cổ nạn nhân ngay tại hiện trường không mảy may xúc động. Luật lệ nào mà xử người không có đối chứng, không quyền biện hộ phân bua lấy một lời. Lụật lệ nào mà muốn lục xét nhà, muốn bắt người ban đêm ban hôm lúc nào thì bắt, muốn đày ai đi vùng kinh tế mới lúc nào thì đày. Có chăng là luật rừng, luật của những kẻ không may sinh ra để làm công cụ cho một chế độ độc tài đảng trị, đã bị nhào nặn, đầu độc ngay từ trong trứng nước theo tôn chỉ của đảng và nhà nước, không có cái quyền lựa chọn đúng sai hay nói lý lẽ mà chỉ rặt một khuôn là bạo ngược, cường quyền vô thần vô nhân tính. Nói theo truyện ngụ ngôn của La Fontaine là lý của kẻ mạnh luôn luôn là phải đúng. Con chó sói một khi đã muốn ăn thịt cừu con thì cứ lấy cớ bắt tội con cừu là tại sao mày dám uống nước trên dòng suối của tao. Tao phải ăn mày để trị tội…

Thọat đầu, vì phẫn uất và bất khuất, thầy Thanh tìm móc nối với một nhóm phục quốc và thường xuyên đi hội họp khiến gia đình thầy lúc nào cũng phập phồng lên ruột ăn ngủ không yên. Trong thời điểm cộng sản có phong trào tổ chức cho dân đi vượt biển mua bãi công khai bằng số vàng quy định, có vài ông xì thẩu cũng muốn mời gia đình thầy Thanh đi theo để lo chuyện đối ngọai nếu gặp tàu ngọai quốc nhưng lúc ấy thầy còn hăng máu phục quốc nên chưa chịu bỏ đi mặc dù ông già vợ của thầy rất muốn thầy đi cho rồi để trút hẳn mối lo. Về sau, càng ngày càng thấy rõ sự nguy hiểm khi người thủ lãnh bị xử tử hình, sự nguy hiểm không chỉ cho bản thân thầy mà còn liên lụy cho gia đình và thân nhân một cách oan uổng vô lý nên thầy mới nghĩ đến chuyện vượt biên đào thóat. Đất nước là đất nước chung, mệnh nước thì trong tay trời, cho dù thầy có lòng nhiệt huyết yêu nước thương dân nhưng rủi như thầy bị bắt bớ tù tội thì ai sẽ thương giùm gia đình thầy. Tề gia còn chưa xong, tâm tình đâu mà trị quốc, nói chi tới bình thiên hạ. Chí lớn này thôi đành cất lại nhường cho những bậc đại trượng phu, anh hùng cái thế, còn cái thân phận tầm thường nhỏ nhoi như con kiến con sâu này thì ba mươi sáu chước, “quậy” không được thì chạy là thượng sách.

Một buổi trưa trên đường từ trường quận đi dạy về, có một người trạc tuổi thầy đón thầy lại hỏi ngắn gọn một câu “Đi vượt biên không?” Thầy Thanh bỡ ngỡ nhìn anh ta như ngầm hỏi anh là ai. Anh ta nói là biết thầy từ lâu. Nhà vợ anh ta ở gần nhà vợ thầy, anh ta là lính cũ, hạ sĩ Trần Quý. Thế rồi chiều hôm đó anh ta tới nhà thầy bàn chuyện vượt biên như đã ăn ý quen đâu từ trước rồi. Anh ta nói có một chủ ghe ở Bãi Giá (cách tỉnh Sóc Trăng khỏang 12km) muốn cho vợ chồng thằng con lấy ghe đi (chiếc ghe đánh cá chỉ đủ nuôi gia đình nên rất nhỏ, bề dài khỏang mười một thước, bề ngang hai thước rưỡi) nhưng với điều kiện để lại cho ông ta 25 cây vàng dưỡng già. Và bây giờ thằng con chủ ghe đang nhờ anh ta kiếm mối gom vàng. Chỉ đơn giản như vậy. Còn chuyện xăng dầu, nước nôi hải bàn, hay gì gì khác thì để anh ta lo.

Thầy Thanh trời sinh có cái tính lạc quan, dễ tin người, không hề biết dè dặt đề phòng ai cả, mà hình như những người như vậy thì luôn được quý nhân phù hộ hay sao không biết. Có nhiều chuyện xảy ra chung quanh thầy đều là điềm hung nhưng khi tới gần thầy thì tự nhiên đổi hướng, chuyển bại thành thắng. Trong trường hợp này, nếu như bị công an gài bẫy thì làm sao thầy chối tội cho được. Hơn thế nữa, khi mọi dự tính sắp đặt xong xuôi, thầy công khai phơi chanh đường và cơm nguội để làm lương khô cho chuyến đi sắp tới, hàng xóm chung quanh ai cũng biết thầy chuẩn bị vượt biên, càng đáng nói hơn nữa là nhà thầy lại nằm cạnh bên Ty công an, thằng công an nào đứng trên sân thượng nhìn qua cũng có thể chạy qua nắm đầu bắt quả tang chứng cớ rành rành. Vậy mà không hiểu cái gì đã che mắt bọn chúng làm cho bọn chúng phớt lờ như không biết không hay. Quả thật lạ lùng!

Cuối cùng ngày khởi hành cũng đến. Gia đình thầy gồm hai vợ chồng với đứa con gái mới lên 5 và thằng em vợ 12 tuổi cải trang như những người nhà quê lam lũ chồng chất lên một chiếc Honda dame chở nhau qua chợ quận Bãi Xàu vào một buổi xế chiều (tên quận xuất xứ từ người Miên). Từ Bãi Xàu muốn ra Bãi Giá phải đi thêm một chặng đường lồi lõm rất xấu khỏang 6km nữa mới tới nơi. Thầy Thanh đã sắp đặt với thằng em chú bác của vợ khi gần tới điểm hẹn sẽ giao chiếc xe cho thằng em mang về. Còn gia đình thầy thì có người trong nhóm tổ chức đưa tới nhà ông chủ tàu chờ đêm xuống mới dẫn ra bãi.

Mười ba khá sáng trăng đêm

Công an đâu nghĩ có màn vượt biên

Đêm ấy có đám diễn viên

Công an mê mẩn bỏ phiên canh phòng

Thời may đêm đó có một đám văn công về chợ quận hát hò trình diễn nên đám công an biên phòng mải mê vui chơi, lơ là việc canh gác rất thuận lợi cho việc băng đồng lội ruộng dẫn đường ra bãi hẹn. Thầy Thanh tay dắt vợ, lưng cõng đứa con, thằng em chạy lúp xúp theo sau. Cô Thanh từ nhỏ tới lớn chưa từng biết thò chân xuống ruộng nên đi rất khó khăn, trợt lên trợt xuống một hồi rồi mất dép luôn, phải chạy chân không, vừa nhờm gớm, vừa bị gai đâm, miểng chai xóc nhức nhối vô cùng mà cũng không thể dừng lại, ráng cà nhắc nhắm mắt chạy bừa theo cho kịp với những người trước, hơn một giờ sau mới ra tới bãi.

Đợi khi con nước hết ròng
Cho tàu vào bãi tài công rước người
Lương khô, nước uống, xăng dầu
Lôi từ bụi rậm chuyền vào khoang ghe
Thế rồi tách bến lui ghe
Nhổ neo xả máy hướng về biển đông
Từ đây thành kẻ lưu vong
Quê hương mờ khuất dần trong mắt nhìn.

Đám người vượt biên khỏang vài chục người (không biết chính xác là bao nhiêu và cũng không ai biết ai, vì khách đi chỉ biết người trung gian mà thôi) khi ra tới bãi thì nhằm lúc con nước đang ròng, tàu không thể cặp vào rước người được cho nên cả đám phải ẩn mình vào trong các lùm cây bụi rậm (nơi mà người tổ chức đã dấu xăng dầu và nước uống từ mấy ngày trước) chờ nước lớn. Khỏang hai giờ sau thì nước mới dâng cao, lập tức anh tài công nổ máy chạy sát vào bờ. Mỗi người một tay phụ nhau chuyền những thùng dầu, nước và lương khô vào khoang tàu, tiếp theo là phụ nữ và em bé rồi cuối cùng là bọn đàn ông thanh niên. Xong xuôi anh tài công lui ghe rời bến xả hết tốc lực nhắm hướng đông trực chỉ. Cuộc hải trình chỉ mới bắt đầu, chưa biết hung kiết thế nào nhưng mọi người trên tàu đã vội vui mừng nói cười ầm ĩ khiến một người trong đám phải la lên “Trời ơi!, đi vượt biên mà làm như đi du lịch vậy, đừng có mừng sớm cha nội, đợi ra tới hải phận quốc tế cho chắc ăn rồi hãy mừng”. Nhưng người nào cũng hừng chí phấn khởi, húyt gió um sùm. Hạ sĩ Trần Quý reo lên “Huy hòang rồi, huy hòang rồi anh em ơi! Thầy Thanh cất tiếng hát vang bài Ra khơi:

Hôm nay ta cùng chuyến thuyền vượt ra khơi
Anh em ơi! xin chớ đừng dừng tay bơi
Một ngày nào ra khơi
Một ngày nào anh em còn đang xông lướt bên trời
Hôm nay ta cùng chuyến thuyền vượt ra xa
Anh em ơi! sông núi kìa kìa bao la
Một ngày nào ra đi
Đừng buồn vì phân ly đòan ta xa vắng quê nhà…

Mấy anh em còn phụ họa theo “Khoan khoan hò khoan” nữa chớ. Thiệt đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Tàu chạy được một hồi lâu êm thắm, không thấy tàu công an nào rượt theo, mọi người càng yên chí. Các chị em phụ nữ không có phận sự gì thì dựa vào nhau nhắm mắt thiêm thiếp. Còn đàn ông trai tráng thay phiên nhau tốp thì ngủ, tốp thì thức nói chuyện tào lao cổ võ tinh thần anh tài công chánh cho anh ta tỉnh ngủ trong lúc anh tài công phụ đi kiếm chỗ nghỉ lưng nhắm mắt một hồi. Đến nửa đêm, chị Cẩm, vợ anh tài công chánh (đang mang thai bốn năm tháng gì đó) bỗng thức giấc bò dậy nói với chồng chị là chị vừa nằm mơ thấy một bà mặc tòan trắng hiện ra báo cho biết là trong tàu mình đi có hai mươi chín người, tính luôn hai đứa nhỏ. Bà bảo hãy đốt nhang cầu nguyện thì bà sẽ phù hộ cho đi tới bờ bình an. Chị lại nói rằng đêm qua lúc còn ở nhà, chị cũng đã chiêm bao y chang như vậy nhưng chưa có dịp kể với ai. Hạ sĩ Trần Quý nghe thế vội chui xuống khoang tàu đếm đầu người rồi trở lên báo cáo với thầy Thanh là đúng thật hai mươi bảy người lớn và hai đứa con nít, một là con của anh ta và một đứa là con gái thầy Thanh. Thầy vội nói với chị Cẩm đem nhang đèn ra đốt và khấn vái, cầu xin bà áo trắng cho được thuận buồm xuôi gió tới bờ.

Lâm râm khấn nguyện cầu xin
Ơn trên ban phúc an bình đến nơi
Lênh đênh giữa chốn biển khơi
Mênh mông trời nước biết nơi đâu bờ
Cầu xin sóng lặng như tờ
Thuận buồm xuôi gió đến bờ tự do
Cầu xin sẽ được ban cho
Giữa khuya linh ứng trong mơ gặp bà
Uy linh áo trắng ngọc ngà
Bà truyền bảo đốt cho bà nén hương
Bà sẽ phù hộ trên đường
Bình an cho kẻ hiền lương tới bờ
Tàu này hai đứa trẻ thơ
Vị chi tất cả hai mươi chín người
Không tin cứ đếm thử coi
Quả thật hai mươi chín người đúng bon
Vội vàng thắp nén nhang thơm
Hương trầm khói tỏa kính dâng lên bà

Bất cứ một ai, khi trong lòng đã có một niềm tin mãnh liệt ở đấng thiêng liêng thì hình như người ta không còn cảm thấy sợ hãi một điều gì nữa cả. Mặc dù đang lênh đênh giữa biển cả thăm thẳm bao la không thấy đâu là phương hướng bến bờ nhưng mọi người đều tin chắc rằng mình sẽ được bà áo trắng độ trì vượt qua mọi tai biến trên bước đường tị nạn. Luôn ba ngày liên tiếp, trời quang mây tạnh, nước xanh biêng biếc, sóng lặng gió êm, cá dolphin lội dọc theo hai bên thành tàu như hai đòan quân hộ vệ. Cô Thanh có cảm tưởng như đang ngồi trên du thuyền, thỉnh thỏang thọc tay xuống biển nghịch nước và nhúng cái khăn lau mặt cho con. Trưa ngày thứ ba thì đòan người vượt biển gặp giàn khoan dầu của Mã Lai. Anh tài công bỏ neo dừng lại, thầy Thanh đứng ở đầu tàu ngước lên kêu gọi cầu cứu, xin tiếp tế nước, lương thực và hỏi thăm đường tới Mã Lai còn bao xa nữa. Những người trên giàn khoan nhìn xuống chiếc tàu bé xíu trông giống như đồ chơi trẻ con đều lắc đầu thương hại cho những kẻ khốn cùng điếc không sợ súng, dù biết thập tử nhứt sanh nhưng vẫn cứ liều mạng đi tìm cái sống trong cái chết. Họ cho biết muốn đi Mã Lai thì đi về hướng bên phải khỏang một ngày một đêm nữa sẽ tới. Rồi họ thả xuống cho một mớ bánh ngọt, nước uống, sữa tươi và một ít trái cây cho đám thuyền nhân đủ cầm cự trong hai ngày. Con tàu bé nhỏ mong manh lại tiếp tục cuộc hải trình tiến về hướng Mã Lai với niềm phấn khởi hy vọng chứa chan.

Đến khỏang hai giờ chiều, bỗng đâu trời chuyển màu âm u, mây đen từ đâu kéo tới che kín mặt trời làm đen ngòm cả một vùng biển mênh mông. Mưa lác đác rồi giông gió nổi lên cuốn theo từng cơn sóng dữ. Lúc đầu sóng còn nhấp nhô như đùa giỡn với con tàu, dần dần bỗng nổi cơn thịnh nộ dâng cao, ngọn sóng bạc đầu chụp phủ lấy con tàu khiến nó quay mòng mòng trồi lên hụp xuống nhừ tử mấy lần súyt chìm. Tử thần như lảng vảng đâu đây. Anh tài công rán chịu trận, cầm cự tay lái thật chặt trong lúc mọi người lâm râm khấn nguyện với bà áo trắng, cầu xin bà che chở, xua tan đi bao hung hiểm trùng trùng. Trong phút giây thập tử nhứt sinh đó, cô Thanh chợt nghiệm ra rằng sinh mạng con người là do trời ban, thôi thì cứ giao phó xác hồn cho trời đất. Trời thương thì nhờ, không thương thì chịu. Con người không thể nào cãi được phần số một khi trời đã muốn lấy lại. Do đó cô không cảm thấy lo sợ bao nhiêu, dẫu sao khi quyết định ra đi thì ai cũng đã nghĩ đến trường hợp xấu nhứt và chấp nhận chết là cùng.

Gần hai tiếng đồng hồ sau, bão tố bắt đầu lắng dịu, con tàu mới lấy lại được thăng bằng tiếp tục chẻ sóng. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm thầm tạ ơn bà áo trắng linh thiêng. Đến lúc này mọi người mới cảm thấy đói cồn cào, giục nhau vét gạo nấu cơm chia nhau mỗi người một miếng lót dạ. Đêm ấy trời lại trong, vầng trăng an bình mười sáu tỏa sáng vằng vặc cho đại dương bao la một vẻ đẹp huyền ảo thần kỳ. Sáng hôm sau, đúng như câu “sau cơn mưa trời lại sáng” khi mặt trời lên cao khỏi mặt nước biển, đòan người tị nạn đã thấy bóng đất liền xa xa. Anh tài công cho mũi tàu tiến về hướng đó và khỏang nửa giờ sau thì tới một trại lính.

Trên bờ, hai chú lính thấy tàu lạ xuất hiện liền xua tay ra dấu đuổi đi và lăm le họng súng như đe dọa. Nhưng hạ sĩ Trần Quý và thầy Thanh đã lội đến sát bờ lên tiếng cho họ biết mình là thuyền nhân tị nạn, cần họ giúp đỡ. Lúc đầu họ nạt nộ, quyết liệt đuổi xô nhưng một lát sau, một ông tướng tá oai vệ có vẻ là người lãnh đạo nghe ồn ào giằng co bên ngòai đã bước ra dàn xếp. Ông ta tự giới thiệu là thiếu tá Yap, chỉ huy trưởng của đòan thủy quân lục chiến địa phận Kemaman này. Thầy Thanh trình bày hòan cảnh chung của anh em trong tàu và xin ông hướng dẫn gặp Cao ủy phụ trách vấn đề tị nạn. Thầy nói:

- Nếu chúng tôi không mất nước thì giờ này chúng tôi cũng như ông, an nhiên tự tại trên quê hương mình chớ đâu cần phải nổi trôi phiêu bạt, liều chết đi tìm tự do ở xứ người. Đất nước ông đã may mắn không bị chiến tranh thì xin ông rộng lòng chia sớt cái may mắn đó bằng cách cứu vớt những kẻ bất hạnh lỡ đường như chúng tôi. Đường dài trăm dặm, chúng tôi đã tận sức đi được chín mươi, mười dặm còn lại là tùy thuộc vào lòng tốt của ông. Xin hãy đưa giúp chúng tôi đi nốt chặng đường còn lại.

Ông thiếu tá suy nghĩ một chút rồi nói rằng:

- Từ bao tháng qua, đã có rất nhiều con tàu tị nạn trôi giạt vào đây nhưng lần nào tôi cũng buộc lòng cho lính kéo ra theo lệnh chính phủ, nếu không đi thì chúng tôi sẽ bắn, nhưng hôm nay không biết sao tôi lại thấy mình bị lay chuyển, thuyết phục, hình như có một sự vô hình nào đó thúc giục tôi phải tiếp nhận các anh. Thôi được, anh hãy gọi hết đồng bào của anh lên bờ nghỉ ngơi, tôi sẽ liên lạc với Hội Hồng Nguyệt Mã Lai (Red Crescent Society) đến đây giải quyết trường hợp của các anh.

Ông thiếu tá bảo lính đem mấy thùng mì gói và nước ra cho mọi người ăn trưa. Sau đó, ông về phòng làm việc gọi máy cho Hội Hồng Nguyệt. Sau bốn ngày ngồi bó gối dưới khoang tàu, hôm nay được thỏai mái đi đi lại lại trên bờ và ăn uống khoan thai, mọi người đều cảm thấy khỏe khoắn nhẹ nhàng từ thể xác đến tinh thần. Dù chưa biết bước kế tiếp sẽ như thế nào nhưng trước mắt là họ đã hòan tòan thóat khỏi xích xiềng cộng sản, hòan tòan cầm chắc sự tự do mà họ đã đổi lấy mạng sống đi tìm. Đến xế chiều, bên ngòai trại lính có một chiếc xe bus dài và to với huy hiệu Trăng lưỡi liềm đỏ đỗ lại. Ông thiếu tá cho gọi đòan người tị nạn ra bàn giao họ cho nhân viên của hội và chúc họ may mắn trên đường định cư. Thầy Thanh thay mặt mọi người chấp tay cám ơn thiếu tá Yap nói rằng:

- Ơn đức của ông chúng tôi xin ghi nhớ mãi. Tiền rừng bạc biển ai rồi cũng sẽ hết, chỉ có thi ân bố đức, giúp người họan nạn mới là phương cách đầu tư, tích phước trường tồn. Nguyện xin ơn trên ban phúc lành cho gia đình ông.

Khi lên xe bus, nhân viên của hội cho biết là bọn họ sẽ được đưa đến trại chuyển tiếp Marran ngủ qua đêm rồi sáng hôm sau sẽ xuống tàu qua đảo tị nạn Pulau Bidong, ở đó trong thời gian chờ Cao Ủy cứu xét cho đi định cư ở đệ tam quốc gia. Như vậy là mục đích của họ đến giai đọan này coi như đã thành công được hai phần ba. Những ngày sắp tới sẽ là những ngày “dưỡng quân” trước khi được chính thức định cư để làm lại cuộc đời.

Bà là Đức Mẹ Maria
Quan Âm Bồ Tát hay bà là ai?
Ơn thiêng liêng ấy muôn đời
Bà tiên áo trắng rạng ngời trong tim

Chuyến vượt biển của gia đình thầy Thanh quả là một chuyến đi suông sẻ an lành hiếm thấy từ lúc khởi đầu cho đến khi tới bến. Không bị đói khát, không bị chết máy bể tàu, không bị cướp biển, sóng gió cấp tám cũng lặng lẽ rút lui sau một hồi hòanh hành đe dọa. Không biết đó có phải là nhờ vào đức tin tuyệt đối ở đấng thiêng liêng hay không. Nhưng nếu nói nhờ vào đức tin thì những thuyền nhân khác cũng có thừa đức tin như vậy. Vậy thì tại sao có biết bao vạn người đã bỏ mình chết oan trên biển cả, nuốt hận ngàn thu? Hay là phước ai người nấy hưởng? Vấn đề thiêng liêng thì có lẽ chỉ có đấng thiêng liêng mới giải thích được mà thôi. Còn đối với người phàm như chúng ta thì chỉ biết cầu nguyện và… xin vâng.