Giữa thập niên Sáu Mươi, Nha Chiến Tranh Tâm Lý được cải tổ thành TỔNG CỤC CHIẾN TRANH CHÍNH TRỊ, đặt trực thuộc Bộ TTM, và Tổng Cục Trưởng TC/CTCT cũng kiêm chức Phụ Tá/ CTCT cho vị Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH.

 

Lời phát biểu của:
 Trung Tướng TRẦN VĂN TRUNG,
nhân dịp hội ngộ của một số Cán Bộ CTCT tại Hoa Kỳ
------------------------------------------------------------------------ 
 
- Kính thưa Qúy Vị Quan khách
- Thưa Qúy Đồng hương
- Thưa toàn thể các Chiến Hữu.
 
Trung Tướng TRẦN VĂN TRUNGTrước tiên, chúng tôi xin có lời nồng nhiệt chào mừng tất cả các Chiến Hữu tham gia Đại hội. Chúc toàn thể các Chiến Hữu cùng gia đình luôn được an khang, gặp nhiều may mắn và thành đạt...
 
Chúng tôi rất tiếc là vì tuổi tác và tình trạng sức khoẻ, mà không thể hiện diện để cùng các Chiến Hữu, chung vui giờ phút hội ngộ, sống lại trong khoảnh khắc, dòng đời đầy đau thương và cũng rất hào hùng của người Chiến Sĩ CTCT / QLVNCH.
Chúng tôi chân thành hiệp thông với các Chiến Hữu, - trong việc thắt chặt tinh thần Huynh Đệ truyền thống – Kiên dịnh lập trường trên « Lằn Ranh Quốc Cộng » - Và phát huy tinh thần đạo đức siêu việt của Thánh Tổ  NGUYỄN TRÃI
 
                                            “Đem Đại Nghĩa để thắng tham tàn
                                               Lấy Chí Nhân mà thay cường bạo” 
 
Sau gần một thế kỷ đô hộ Việt Nam – Một mặt, vì áp lực của trào lưu mới trên hoàn cầu, và vì tình trạng suy yếu do ảnh hưởng của hai Đại Thế Chiến gây nên – Mặt khác, vì sức đấu tranh kiên cường và ngày càng thêm mãnh liệt của Dân tộc ta, nên nước Pháp đã phải ký Hiệp Ước Vịnh Ha Long vào năm 1948, để trao trả độc lập cho Việt Nam.
Với sự thu hồi nền độc lập, Chính phủ đầu tiên được khai sinh, dưới sự lãnh đạo của Thiếu tướng NGUYỄN VĂN XUÂN, vị Thủ tướng tiên khởi của nước Việt Nam Tự Do.
 
Để bảo vệ nền độc lập phôi thai của đất nước – Điều hành Quốc Gia – Thực hiện nội an và đảm bảo an sinh cho Đồng bào, các cơ chế Hành Chánh, Tư Pháp và Quân Sự cũng được nhanh chóng thành lâp.
 
Quân Đội Việt Nam được hình thành với sự kết hợp các lực lượng võ trang (trước kia được xem là Phụ binh cũa Quân đội Pháp)  như - Bảo Chính Đoàn ỏ Bắc Việt - Việt Binh Đoàn ở Trung Việt và các đơn vi - Vệ Binh ở Nam Việt. Vì nhu cầu cấp bách của đất nước, các đơn vị được phát triển nhanh chóng, từ cấp Tiểu đoàn, Trung đoàn... lên Đại Đơn Vị để trở thành một Quân Đội tiền tiến, trên công thức tam hợp, với ba Quân chủng:
LỤC QUÂN, HẢI QUÂN & KHÔNG QUÂN.
 
Bào thai CTCT cũng ra đời với sự hiện diện của Phòng V, ở cấp Tham mưu, với danh xưng là "Cơ quan Tác Động Tinh Thần"  
 
Dưới Đệ Nhất Cọng Hoà, Chính phủ đã ký nghị định thành lập  Nha Chiến Tranh Tâm Lý, trực thuộc Bộ Quốc Phòng.
Nha Chiến Tranh Tâm Lý và Phòng V, là hai cơ cấu ở cấp bộ khác nhau, nhưng có cùng chung nhiệm vụ là chăm sóc cho Tinh Thần của Quân đội. Vì vậy, đôi lúc có Chỉ Huy Trưỏng riêng biệt, nhưng thông thường là do một giới chức kiêm nhiêm điều hành cả hai tổ chức.
 
Giữa thập niên Sáu Mươi, Nha Chiến Tranh Tâm Lý được cải tổ thành TỔNG CỤC CHIẾN TRANH CHÍNH TRỊ, đặt trực thuộc Bộ TTM, và Tổng Cục Trưởng TC/CTCT cũng kiêm chức Phụ Tá/ CTCT cho vị Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH.
 
TỔNG CỤC  CTCT gồm có :
- Cục Tâm Lý Chiến
- Cục Chính Huấn
- Cục Xã Hội
- Cục An Ninh QĐ
- Các Nha Tuyên Úy  Phật Giáo
- Công Giáo và Tin Lành
- Cục Quân Tiếp Vụ
- Trường Đại Học CTCT và
- Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương.
 
Cùng với sự cải tổ nầy, các - Khối CTCT được thành lập, trong các bộ TM Quân đoàn, Sư đoàn và Đại Đơn vị, và - Phòng CTCT ở cấp Trung đoàn, Tiểu đoàn...
 
Bốn Tiểu đoàn CTCT được thành lập ở 4 Quân khu,  Tiểu đoàn thứ 5, làm trừ bị ở trung ương để có khả năng ứng phó và phục vụ cho chiến trường.
 
Với những phương tiện mới tương đối dồi dào, và nhất là với một khối lượng Cán Bộ to lớn, đầy lý tưởng và nhiệt tình, ngành CTCT đã có khả năng hiện diện trên 4 Vùng Chiến thuật, để phục vụ Quân Đội và giúp đỡ Đồng bào.
 
Tại vùng địa đầu giới tuyến, với những trận mưa pháo triền miên
- Ở các Tiền đồn cô quạnh, nơi vùng xa xăm, đèo heo hút gió.
- Nơi các đơn vị hành quân vùng rừng núi cheo leo, gai góc hiểm trở
- Nơi các đơn vị hoạt động trong sình lầy, đầy đỉa vắt, muỗi mòng và cạm bẫy...
Chiến sĩ CTCT thường xuyên có mặt, để - ủy lạo, chia sẽ - giúp đỡ học tập, sinh hoạt vui sống và động viên Chiến sĩ.
 
Mậu thân, Mùa Hè Đỏ Lửa, khi CS điên cuồng đánh phá sát hại, một cách tàn bạo dã man, khiến Đồng bào phải chịu bao thống khổ, bồng bế nhau di tản tránh xa quân thù...thì người Chiến sĩ CTCT luôn luôn hiện diện, để băng bó, ủi an và giúp đỡ đồng bào trong cuộc sống hằng ngày, cũng như trong việc tạm cư.
 
Có thể nói được rằng: CTCT là sợi giây đã siết chặt «Mối Tình Quân Dân Cá Nước» trong suốt cuộc chiến.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, là trong mọi hoàn cảnh và ở mọi lúc, đồng bào luôn luôn tha thiết với Chính Nghĩa Dân Chủ-Tự Do và luôn luôn hướng về tuyến Quốc gia.  Đây là một điểm son, đáng được ghi vào Quân sử!
 
Những điều đáng dược ghi nhận là: Kể từ ngày được thành lập, Ngành CTCT đã có nhiều nỗ lực đặc biệt, trong những vấn đề tối quan trọng:
- Đẩy mạnh công tác Giáo dục Chính trị trong Quân đội, để cũng cố lập trường và phát huy tinh thần chiến đấu cho Chiến sĩ.
- Tranh đấu Chống Tham nhũng và tệ trạng lính ma lính kiểng...để gia tăng hiệu năng cho Quân đội.
- Phát động chiến dịch «Chân Trời Mới», để giảm thiểu bất công trong đơn vị và cải thiện đời sống cho người Lính.
- Chăm lo «Phúc Lợi» cho gia đình Chiến Sĩ với Quân Tiếp Vụ, để cung ứng nhu yếu phẩm cho Quân nhân và gia đình
- Và các Công tác Xã Hội – Giáo dục Văn Hoá – Xây dưng Thanh Thiêu Niên cho Quân Đội qua Phong trào Hướng Đạo Quân Đội:  Chỉ trong vòng 2 năm, đã quy tụ hơn 60.000 Hướng Đạo Sinh Nam Nữ, trong hai ngành Thiếu và Ấu.
 
Một vấn đề đáng ghi nhận nữa là «Công Tác Chiêu Hồi»  cán binh cs Bắc Việt.  
 
 Ngành CTCT đã rất tích cực trong công tác Chiêu hồi:
 
- Kể từ năm 1962 đến 1975, đã tiếp nhận 178.000 cán binh CS hồi chánh, với tư cách cá nhân, hoặc tập thể cấp trung đội. Trong hàng ngũ Hồi chánh viên, có nhiều cán bộ cao cấp, như Đại tá  Tám Hà, Trung tá Lê Xuân Chuyên, Trung Tá Huỳnh Cự v.v.
 
- Chiến dịch Chiêu Hồi nầy đã tiết kiệm được bao là xương máu cho QLVNCH!
 
Nhưng vận nước không may, khiến cho đại họa CS đã phủ chụp lên toàn dân Việt Nam, vào ngày 30/04/1975. 
Cũng như toàn thể Chiến sĩ QLVNCH, Chiến sĩ/CTCT đã phải nhận lãnh mọi hậu qủa thảm khốc đau thương trước đại họa nầy;
- Rất nhiều Chiến sĩ  phải rơi vào cảnh tù tội, bị trả thù, hành hạ cực kỳ dả man, đến độ phải bỏ thân nơi rừng thiêng nước độc.
- Một thiểu số sau thời gian dài tù đày, được thả về, nhưng với thân tàn ma dại và hoàn toàn tàn phế!
- Một số khác may mắn hơn, nhưng phải mạo hiểm trốn thoát bằng mọi cách, đã chấp nhận hy sinh cả tánh mạng để đổi lấy Tự do... Mặc dù may mắn đến dược Đất Hứa, nhưng với 2 bàn tay trắng và sự cô đơn lạc lõng giữa Miền đất xa lạ... họ đã phải tiếp tục hy sinh để xây dựng tương lai..!
Thật khó nói hết được những hy sinh to lớn của mỗi người, khi phải đầu tắt mặt tối để đối đầu với cuộc sống hằng ngày... Mặc dù vậy, Chiến sĩ CTCT vẫn kiên trì hy sinh và tranh đấu, với tư cách là tập thể hay cá nhân;
Họ luôn có mặt và hăng say hoạt dộng trong các Tổ chức Hội đoàn của Cộng đồng.
 Họ hiện diện đấu tranh qua các Cơ sở chuyên môn: Văn Hóa, Văn học, Nghệ thuật, Báo chí, Truyền Thanh, Truyền hình, Phim ảnh  .v.v.
Lại có nhiều người âm thầm trong nhiều chục năm, ngày đêm miệt mài « Chuyển Lửa Về Rừng» để soi sáng cho Đồng bào quốc nội, giúp Đồng bào vượt thoát  sự «Sơ hãi»   và dấn thân trên đường tranh đấu cho Dân chủ và Tự do...
Chúng ta có thể hãnh diện, vì đã chứng tỏ là những cán bộ trung kiên, những người con trung hiếu của Tổ quốc.
 
Mẹ Việt Nam ơi!  Chúng con, những ngừơi Lính CTCT mãi mãi yêu mến và tôn thờ Mẹ. Chúng con nguyện ước tiếp tục đấu tranh để quét sạch quân thù bán nước, hại dân, và đem lại nụ cười trên đôi môi Mẹ, đã khô héo từ mấy chục năm nay.
 
Chúng tôi thành thật cầu chúc cho Đại Hội đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Thân chúc toàn thể Chiến Hữu luôn an khang và đạt nhiều thắng lợi trong tranh đấu
- Cho Dân tộc sớm được An bình
- Cho Đồng bào Âm no Hạnh phúc
- Cho Việt Nam đưọc vẽ vang trong Cộng Đồng Nhân Loại.
 

Chiến-hữu TRẦN VĂN TRUNG.