Lần đầu tiên có một ông vua Việt Nam sang Trung Quốc, lại là ông vua Quang Trung giả, với sự thông đồng  giữa Tổng Đốc Lưỡng Quảng nhà Thanh Phúc Khang An và Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm Việt Nam  qua mắt  vua Càn Long.



nhanvat phanhuyich
Chân dung Phan Huy Ích (tranh vẽ 1790)

Tinh Sà Kỷ Hành, là tập thơ kiệt tác hàng đầu trong kho tàng thi ca chữ Hán của Việt Nam, được vua Quang Trung khen ”thơ văn ông có khí cốt” và Ngô Thì Nhậm ca ngợi thơ văn  ông “đắc vô tà chi tư “ (có được cái nghĩ không sai trái). Phan Huy Ích viết ký sự bằng thơ, bằng nguyên dẫn, chú thích  cuộc đi sứ thú vị nhất trong lịch sử bang giao  Trung Hoa và Việt Nam là cuộc đi sứ năm 1790 thời Tây Sơn sau trận chiến thắng Đống Đa. Nhà Thanh phải tiếp rước chiêu đãi trong hơn sáu tháng một sứ đoàn đông đảo 150 người tổng cộng nhà Thanh phải tốn đến 800 000 lạng bạc, khác với sứ đoàn bình thường khoảng 30 người.

Lần đầu tiên có một ông vua Việt Nam sang Trung Quốc, lại là ông vua Quang Trung giả, với sự thông đồng  giữa Tổng Đốc Lưỡng Quảng nhà Thanh Phúc Khang An và Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm Việt Nam  qua mắt  vua Càn Long. Sứ đoàn còn có hoàng tử Nguyễn Quang Thùy, một ban hát bội Bình Định và hai con voi đực làm quà triều cống ngoài các cống phẩm thường lệ: ngà voi , sừng  tê giác, yến, quế, gấm, đoạn, vàng, bạc.. Sau cuộc chiến, việc nối lại bang giao nhằm tránh việc trả thù  dai dẵn hao tổn xương máu, tài sản cả hai bên, và bảo đảm một hoà bình lâu dài trước một đế quốc  gấp mười lần nước ta. Vai trò các sứ thần trong việc ngoại giao trở thành vai trò hàng đầu. Trong trận tuyến hòa bình ngày xưa, sứ thần được xem là những Thi tướng trong thi trận. Nhanh nhẹn làm thơ ứng đối để khiến đối phương khâm phục công nhận mình là một nước văn hiến. Khi vào chầu đòi hỏi phải đứng ngang hàng với các sứ thần Triều Tiên, Lưu Cầu Nhật Bản. 

Gặp các công quán, quan địa phương chơi xỏ “chào mừng sứ đoàn nam di”, thì nhất định không bước qua, lập luận sắc bén buộc phải tháo gỡ. Khi họ đòi hỏi những cống phẩm quái gỡ như nước giếng Cổ Loa để rửa ngọc trai, cống người vàng.. phải lập luận có chứng cứ để bãi bỏ. Trước các thắng cảnh di tích các quan địa phương, quan triều đình Trung Quốc  giả vờ xin đề thơ đề bia đá  để thử tài, trăm cặp mắt nhìn vào,  các sứ thần nước ta phải hiểu rộng lịch lãm  thi ca các thi hào Trung Quốc, phóng bút đề thơ văn hay, chữ tốt  khiến họ khâm phục, để không bị cười  như “một đàn thằng ngọng đứng xem chuông “, do đó thi ca khi đi sứ không phải là chuyện bầu rượu túi thơ, thi sĩ một mình một ngựa đi ngâm vịnh thắng cảnh non sông, mà là những cuộc thi thơ đối mặt thường trực vì văn hóa, sĩ diện danh dự đất nước.

Tiếc thay, một tập thơ kiệt tác của một danh nhân nước Việt, mà con cháu ngày nay, đọc bản dịch như đọc  thơ ngoại quốc. Đau xót với nỗi khổ ấy, tôi đã dịch thơ toàn bộ những bài thơ Tinh Sà Kỷ Hành trong Dụ Am Ngâm lục. nxb KHXH 1978. để ngày nay chúng ta thưởng thức được cái hay đẹp của nhà thơ hàng đầu nước ta. Năm 2009 tôi đã du hành Trung Quốc theo hành trình con đường đi sứ để dịch thơ Nguyễn Du qua Bắc Hành Tạp Lục. Con đường này tác giả Tinh Sà Kỷ Hành cũng đã đi qua. Theo Phan Huy Ích, tập thơ 85 bài, nhưng trong bản Dụ Am Ngâm lục bản in năm 1978, chỉ có 60 bài tôi chia ra thành hai phần để tiện phổ biến trên  internet.

Cuộc chiến bại trận Đống Đa gần 300 000 quân Tôn Sĩ Nghị chạy tan tác, cầu phao sụp xác quân Thanh chết đuối  tắc nghẻn cả nước sông Hồng, làm rung động cả  Trung Quốc. Nguyễn Du lúc đó đang đi giang hồ (đi chơi trên các sông Giang Nam, Giang Bắc và 5 hồ lớn Trung Quốc), đang ở thành Tín Dương đã viết bài Tín Dương tức sự: Tây Phong biến dị hương. Ngọn gió Tây làm rung động cả đất khách.

Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim tr 135. : “Vua nhà Thanh nghe tin Tôn Sĩ Nghị bại binh, nổi giận đùng đùng giáng chỉ sai quan Nội Các là Phúc Khang An ra thay Tôn Sĩ Nghị làm Tổng Đốc Lưỡng Quảng, đem binh mã chín tỉnh kinh lý việc An Nam.

Phúc  Khang An đến Quảng Tây, nghe tiếng quân An Nam khí thế mạnh trong bụng đã sợ, có ý muốn cầu hòa, bèn sai người đưa thư sang nói việc lợi hại và bảo phải làm biểu để tạ tội cho yên việc binh đao.

Vua Quang Trung bèn cho người đem vàng bạc sang đút lót cho Khang An, rồi sai người cháu là Nguyễn Quang Hiển và quan là Vũ Huy Tấn đem đồ cống phẩm sang Yên Kinh, vào chầu vua Thanh và dâng biểu xin phong.

Bấy giờ quan ngoài thì có Phúc Khang An đề bạt giúp đỡ, quan  trong thì có Hòa Thân chủ hoà thuận cho giảng hòa. Vua nhà Thanh bèn sai sứ sang phong vua Quang Trung làm An Nam Quốc Vương và lại giáng chỉ vời quốc vương vào chầu.

Vua Quang Trung bèn chọn một người hình dung giống mình tên là Phạm Công Trị. Trá làm Quốc Vương  rồi  sai Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chấn, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn đưa sang Yên Kinh vào chầu vua Càn Long. Quan Tổng Đốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An và quan Tuần Phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh phải đưa An Nam Quốc Vương vào kinh.

Sang đến Yên Kinh, vua Càn Long tưởng là Nguyễn Quang Trung thật, vời đến chầu ở Nhiệt Hà, cho vào làm lễ ôm gối, như tình cha con một nhà, và cho dự yến với các thân vương. Đến lúc về nước vua lại sai thợ vẽ làm một bức ảnh truyền thần để ban cho ân lễ thật là hậu.”

Vai trò quan trọng nhất trong sứ đoàn, Chánh sứ là Tiến sĩ Phan Huy Ích.  Một trong ” An Nam ngũ tuyệt ” năm người văn chương hay nhất nước Nam, thuộc bốn dòng họ văn chương danh tiếng nước ta: Nguyễn Du, Nguyễn Hành họ Nguyễn Tiên Điền, Phan Huy Ích họ Phan Huy,  huyện Thạch Thất, Sơn Tây,  Nguyễn Huy Tự họ Nguyễn Trường Lưu, Hà Tĩnh và Ngô Thì Vị  họ Ngô Thì , Tả Thanh Oai , Hà Tây.

Phan Huy Ích sinh năm 1751 con Phan Huy Cẩn, người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc tỉnh Nghệ An, sau dời đến làng Thụy Khuê huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Ông Cẩn đỗ Tiến Sĩ năm 1754 được phong tước Khuê Phong hầu. Phan Huy Ích là học trò Ngô Thì Sĩ, sau làm rễ Ngô Thì Sĩ, lấy em gái Ngô Thì Nhậm.

Nổi tiếng thông minh năm 22 tuổi đỗ Giải Nguyên thi Hương trường Nghệ, năm 26 tuổi đỗ Hội Nguyên, năm 1776 ông lại đỗ khoa Ứng chế và được bổ làm Hàn Lâm thừa chỉ. Năm 1777 làm Đốc Đồng Thanh Hóa rồi về triều giữ chức Thiêm sai tri hình, rồi được lên  Ải Nam Quan tiếp sứ thần nhà Thanh. Năm 1780 vụ án Trịnh Tông giành ngôi Chúa, phe cánh bị giết. Ngô Thì Nhiệm bị ngờ là người tố cáo có lên quan đến phe cánh Đặng Thị Huệ. Đến năm 1782, chúa Trịnh Sâm chết, kiêu binh làm loạn phế Trịnh Cán đưa Trịnh Tông lên ngôi. Ngô Thì Nhậm phải lẫn trốn Phan Huy Ích cũng bị hiềm nghi không được tin dùng, ông cáo bệnh từ chức nhưng không được, ông đóng thuyền ở trên sông và chỉ vào chầu. Năm 1785, ông được bổ làm Hiến Sát  Thanh Hóa.

Năm 1786 Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc phù Lê diệt Trịnh, rồi trở về Nam bỏ rơi Nguyễn Hữu Chỉnh. Trịnh Bồng lên làm chúa, ông được Án Đô Vương Trịnh Bồng sai đánh dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh. Phan Huy Ích không phải là người có tài cung kiếm nên bị Chỉnh bắt sống vào mùa đông 1786, may nhờ Nguyễn Kim Khuê chổ quen biết cũ hết sức cứu gỡ nên ông được tha. Cuối năm 1787, Vũ Văn Nhậm thừa lệnh đem quân ra Bắc giết Nguyễn Hữu Chỉnh, ông lẫn tránh về quê ở Sài Sơn.

Tháng 4 năm Mậu Thân, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ hai giết Vũ Văn Nhậm lộng quyền. Phan Huy Ích cùng một số nho sĩ như Nguyễn Nể, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Ngô Thì Nhiệm, Ninh Tốn.. được tiến cử. Họ cùng Nguyễn Huệ vào Phú Xuân, sau được phái ra Bắc Thành cùng Ngô Thì Nhậm.

Tháng 11 năm 1788 Lê Chiêu Thống theo chân Tôn Sĩ Nghị với gần 30 vạn quân xâm lược và phu binh trở về Thăng Long. Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhiệm bị trả thù, đục tên trên bia văn miếu, bị tầm nã.

Mùa xuân  Kỷ Dậu, cuộc hành quân thần tốc, vua Quang Trung quét sạch quân Thanh. Sau chiến thắng Phan Huy Ích lại được triệu ra cùng Ngô Thì Nhậm trông nom việc ngoại giao giao thiệp với Trung Quốc.

Năm 1790 ông nhận được chiếu thư sai đi sứ phương Bắc. Đoàn sứ bộ hẹn vào đêm mùng 9 tháng tư sẽ từ Bắc Thành lên đường, hẹn ngày 15 tháng tư,  mở cửa Ải Nam Quan. Chuyến đi quan trọng gây tình hòa hiếu giữ hai nước. Phan Huy Ích được coi là trọng thần hàng văn trong đoàn.

Khi đi sứ trở về, năm 1791 trong gia đình Phan Huy Ích xảy ra một chuyện: người em thứ năm là Hữu Trấn nổi dậy chống Tây Sơn, bị thất  bại, bị giết. Ông dâng biểu trần tình tạ tội. Vua Quang Trung phê vào tờ biểu: “Tính người thiện ác khác nhau, cha còn chả được lòng với con, huống gì anh đối với em, việc không dính líu đến, thì còn có hiềm nghi gì.” Và cho vào kinh triều kiến. Khi vào chầu vua Quang Trung lại gọi ông tới trước mặt ân cần chỉ bảo.

Năm 1792 ông được thăng chức Thị Trung Ngự Sử ở toà Nội Các. Vào những năm dưới thời Quang Trung, Phan Huy Ích được nhà vua đặc biệt quý trọng tài văn chương¨.

Vua tôi tương đắc chưa được bao lâu thì một tai họa giáng xuống. Vua Quang Trung mất ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) nhà vua ở ngôi được 4 năm, thọ 40 tuổi.

Sau khi vua Quang Trung mất, Quang Toản nối ngôi niên hiệu Cảnh Thịnh mới 10 tuổi, mọi việc đều do cậu là Thái sư Bùi Đắc Tuyên quyết đoán. Tuyên kéo bè đảng xích mích giữ các tướng lĩnh, đại thần. Tại triều thì giết hại lẫn nhau, bên ngoài Nguyễn Ánh rình rập tiến công ra Bắc.

Thời Cảnh Thịnh, Phan Huy Ích lo việc từ hàn, trông nom công việc ngoại giao. Ông thay Quang Toản làm những bài văn hòa giải như vụ Vũ Văn Dũng, Trần Quang Diệu. Ông theo vua vào chinh phạt Nguyễn Ánh tại sông Gianh.

Tháng 5 năm Tân Dậu (1801) Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân. Cuối mùa hạ 1802 Phan Huy Ích bị bắt cùng Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Thế Lịch. Từ Bắc Thành bị giải về Phú Xuân rồi lại đưa giam ở trại Tiền Quân.

Tháng 2 năm Quí Hợi 1802 ông bị đánh đòn tại Văn Miếu, sau được tha về.

Cuối năm 1803 Phan Huy Ích dời về ẩn cư ở Sài Sơn, đến năm 1814 ông vào Thiên Lộc Hà Tĩnh dạy học, cho tới năm 1819 ông về làng an dưỡng.

Ngày 20 thánh 2 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mạng năm thứ ba (1822) Phan Huy Ích qua đời thọ 73 tuổi.

Phan Huy Ích để lại một khối lượng sáng tác phong phú: Nam trình tạp vịnh, Cẩm trình kỷ hứng, Thang châu lữ hứng, Vân Sơn khiển hứng, Tinh sà kỷ hành, Cúc thu bách vịnh, Nam trình tục tập, Vân du tùy bút. Tổng cộng hàng nghìn bài thơ chữ Hán, chữ Nôm.

Cuối đời Phan Huy Ích sai con cháu thu thập rồi xếp vào một tập đặt tên Dụ An ngâm lục. Đáng tiếc bộ Dụ An Ngâm lục chỉ còn khoảng 600 bài thơ bằng phân nữa số thơ ông sáng tác.

Thời Lê Trịnh lúc làm quan nội các ông biên soạn Lịch Triều điển cố dâng lên chúa Trịnh. Dưới triều Quang Trung ông được cùng Ngô Thì Nhậm chuyên thảo công văn giấy tờ giao thiệp với nhà Thanh. Toàn bộ Chiếu, biểu, tấu thư trát, văn tế, câu đối văn tựa, bạt của Phan Huy Ích được tập hợp trong bộ Dụ Am Văn tập gồm 8  tập sách. Ngoài ra rải rác vùng Hà Đông Sơn Tây còn có những bài văn bia của ông như bài văn bia về tướng Đặng Tiến Đông.

Phan Huy Ích còn sáng tác nhiều văn thơ Nôm. Năm 1799 công chúa Ngọc Hân qua đời ông viết 5 bài thơ quốc âm ca ngợi đức tài bà thay vua Quang Toản. Trong Dụ Am văn tập, Dụ Am ngâm lục còn chép lại trên 20 bài văn, 11 bài thơ chữ Nôm.

Ông có bài thơ nói việc ông diễn ca Chinh Phụ Ngâm Khúc và con cháu lưu giữ bản Chinh Phụ Ngâm Khúc  và dịch  ra chữ quốc ngữ. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh trong Chinh Phụ Ngâm bị khảo : bản dịch phổ biến nhất ngày nay là của Phan Huy Ích. Bản dịch ông sau bản dịch Đoàn Thị Điểm 60 năm, ông phỏng dịch lời thơ mới hơn, cùng thời với Truyện Kiều  nên chúng ta đọc dễ hiểu. Việc thống nhất đất nước của vua Gia Long, ảnh hưởng mạnh mẽ của chữ Nôm Đàng Trong làm biến mất một số chữ Nôm Đàng Ngoài.  Bản dịch Đoàn Thị Điểm chính xác theo văn bản, chữ thời Lê Trịnh cổ xưa hơn nên khó hiểu, người cảm tưởng không hay bằng bản phỏng dịch  của  Phan Huy Ích. Bản dịch Đoàn Thị Điểm thường dùng chữ ‘nhé’(Kìa thăm thẳm nhé Thương thiên), giọng văn nhỏ nhẹ của phụ nữ. Theo Tốn Phong người viết tựa Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương, văn chương Hồng Hà nữ sĩ thiên về đùa bởn. Năm 1978 bà Nguyễn Kim Hưng tìm ra Hồng Hà Phu Nhân Di Văn,  có công bố trên Tạp chí Văn Học, bài Đùa tặng người béo, trong số  28 bài thơ nôm trào phúng của Đoàn Thị Điểm chưa đọc được. Tiếc là thời điểm đó không mang được sang Pháp nhờ Gs Hoàng Xuân Hãn đọc giùm, nên văn bản cho tới nay chưa ai đọc  được hết được các chữ nôm thời Lê Trịnh.

Các bản khắc ván chữ  nôm, chữ quốc ngữ thời Thành Thái khoảng năm 1905 sau khi Đoàn Thị Điểm mất hơn 160, Phan Huy Ích mất hơn 100 năm của nhà in Xuân Lan do ông Nguyễn Ngọc Xuân tại Hải Phòng, hay các hiệu in tại Hà Nội. Việc khắc in nhằm mục đích kiếm tiền và trình độ người chủ trương xuất bản kém cỏi, nhiều bản in không đề tên tác giả, nhiều việc quơ quàn gán ghép cho Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm  không đáng tin cậy bằng lời xác định của gia đình họ Phan Huy. Thư viện Quốc Gia tại Paris còn lưu giữ rất nhiều các sách chữ Nôm, chữ quốc ngữ do các lái sách in ấn đầu thế kỷ 20, thuở ấy chưa có các hiệu sách, các thương nhân phụ nữ gánh sách trên các gánh hàng rong đi bán tại các lễ hội các nơi hay nơi gần các trường học. Khác với sách do  triều đình, các quan hay các nhà nho học danh tiếng, thuê người khắc bản in ấn, chăm sóc bản in, các sách do các thương lái sách ấn hành gây nhiều sự lầm lẫn trong văn học Việt Nam. Truyện thơ Quân Trung Đối của Nguyễn Nghi,  em cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du không đề tên tác giả cũng nằm trong đống sách hổn loạn này. Quyển Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo của Gs Hoàng Xuân Hãn là một công trình nghiên cứu nghiêm túc và khoa học đúng đắn.

Đoàn Thị Điểm với Truyền Kỳ Tân Phả, truyện Hải Khẩu Linh từ dám viết về trận chiến bại của vua Trần Duệ Tôn, nhà vua tử trận, hai trăm ngàn quân Đại Việt tan tác trong trận đánh Chiêm Thành vì không nghe lời nàng Bích Châu trong khi lịch sử chỉ chép vài dòng. Bà đã là một nhà văn nữ vĩ đại. Những câu thơ bản dịch Chinh Phụ  Ngâm tưởng rằng dỡ như câu: Nửa đêm cửa tướng hịch bay ầm ầm, so với câu Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh bản Phan Huy Ích, nhưng khi xem phim Trung Quốc, Hương Cảng ngày nay tả cảnh hịch vừa truyền ra, hàng chục phu trạm cướp thẻ bài, phi ngựa đi truyền lệnh, phóng ngựa ầm ầm, ta mới phục tài tả không khí chiến tranh của Đoàn Thị Điểm và thấy rằng Phan Huy Ích có tài văn chương và không có tài quân sự. Nếu phải định ngày xuất chinh thì cần gì nửa đêm khẩn trương truyền hịch, để sáng mai truyền cũng được có mất mát gì !.  Khuynh hướng tiếc rẻ, vì sao bản phổ biến nhất không là bản của Đoàn Thị Điểm làm người ta mù quáng không thấy được cái hay, cái tuyệt vời của bản dịch Đoàn Thị Điểm. Thậm chí có  bài viết cho rằng Gs Hoàng Xuân Hãn là giáo sư Toán nên đoán mò, gán ghép sai lạc thiên vị.  Là một trong những người đầu tiên tốt nghiệp Ecole Polytechnique Paris, Kỹ sư Cầu Đường, Thạc sĩ Toán. Tại Pháp được trúng tuyển vào Ecole Polytechnique là trường đào tạo những nhân tài xuất chúng trong guồng máy lãnh đạo nước Pháp, làm vẻ vang cho người Việt Nam thời thuộc địa,  những người này đi vào những chuyên môn khác nhau, nơi nào họ cũng trở thành những lãnh tụ hàng đầu. Gs Hoàng Xuân Hãn sinh trong một gia đình Nho Học tại Hà Tĩnh được hấp thụ truyền thống cha ông, nên rất giỏi chữ Hán, chữ Nôm. Từ lúc còn sinh viên ông đã soạn quyển Danh từ Khoa Học làm nền tảng cho việc dịch thuật Khoa Học ra tiếng Việt. Trở về nước làm việc, được chính quyền thuộc địa cho biết không có chỗ làm cho văn bằng uy tín nhất nước Pháp, ông phải thi thêm Thạc sĩ Toán (Kỳ thi dành cho người đi dạy học tuyển rất khó), ông dạy học tại Hà Nội và cộng tác với các trí thức uy tín như Trần Trọng Kim xuất bản báo Khoa Học nhằm nâng cao dân trí.  Được mời làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Mỹ Thuật năm 1945 ông là người  khai sinh ra chương trình giảng dạy bậc Trung, Tiểu Học bằng tiếng Việt được áp dụng về sau cả hai miền Nam Bắc. Các tác phẩm Lý Thường Kiệt, La Sơn Phu Tử, Chinh Phụ Ngâm bị khảo là những công trình nghiên cứu khoa học mẫu mực. Trong chiến tranh khi Gs Dương Quảng Hàm lao vào thư viện để cứu di sản sách vở cha ông bị  cháy và chết theo kho sách. Gs Hoàng Xuân Hãn vẫn đi mua từng gánh sách các gia đình đại gia đi bán làm giấy bổi, rồi đem đi một nơi xa an toàn gìn giữ gia tài di sản tổ tiên, một đời nghiên cứu gìn giữ di sản không màng danh lợi. Công lao ấy được đất nước  và các bậc trí thức kính trọng.

Phan Huy Ích  đã viết Tinh Sà Kỷ Hành, một tập thơ kể lại hành trình chuyến đi qua những thắng cảnh, những bài thơ tặng đáp với  quan lại Trung Quốc và với các bạn trong sứ đoàn Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn và các bài thơ gửi Ngô Thì Nhiệm túc trực tại Lạng Sơn trong suốt thời gian đi sứ để chuyển tin về cho vua Quang Trung thật..

Còn vua Quang Trung thật, theo bài thơ Phan Huy Ích viết về Nguyễn Nể, nhà vua ngày ngày gióng ngựa quý, (giả dạng thay Phạm Công Trị) đến dinh Kim Âu  bàn bạc việc nước cùng Nguyễn Nể (anh Nguyễn Du).

Ngô Thì Nhậm đã đề tựa tập thơ Tinh Sà Kỷ Hành như sau:

“Văn chương xưa nay, được xem là “ tác gia “đã khó, được xem là  “ đại tác gia “ lại càng khó. “ Đại tác gia “ là nói những người khuôn mẫu văn chương có thể giúp đời. Có khuôn mẫu văn chương gấm vóc, có khuôn mẫu văn chương vải lụa. Nhưng trong dòng văn chương gấm vóc, cũng có người quá bay bướm, trong dòng văn chương vải lụa, cũng có người quá quê mùa. Những người đó có thể gọi là “tác gia” , không thể gọi là “đại tác gia“.

Những nhà văn có văn chương giúp đời, sáng tác không phải chỉ có một loại. Thơ, phú, ca, hành, biện luận, ký, tựa, bạt, giải thích, biền ngẫu, tản văn; chất chứa trong lòng, phát ra lời đẹp, như gấm vóc làm đẹp mắt, như vải lụa làm thích thân, đó gọi chung là nhà văn. Trong các thể loại đó, có cái làm phấn chấn lòng người, cảm phát tình người, thì không gì lớn hơn thơ. Cho nên trong thơ được riêng gọi là  “nhà thơ “.

Nước Việt ta lấy văn hiến dựng nước. Thơ phôi thai từ thời Lý, thịnh ở thời Trần, phát triển mạnh trong thời Hồng Đức nhà Lê. Một bộ Toàn Việt Thi, về cổ thể không nhường thơ các đời Hán, Tấn; về cận thể không nhường thơ các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh; tiếng vàng tiếng ngọc, thực có thể gọi là “ nước thơ “’. Tựu trung, tìm trong khuôn mẫu văn chương to lớn, đáng gọi là thi gia thì chỉ có các ông Thái Lã Đường, Bạch Vân Am. Ngoài ra thật xa vời vắng lặng !

Từ Lê Trung Hưng về sau, những nhà thơ danh tiếng xuất hiện nhiều qua các tập thơ đi sứ. Hoặc thăm chốn thanh u, viếng nơi cổ tích, gặp cảnh sinh tình, xa nước nhớ quê, nhân việc tỏ ý, dư hương của nó có thể thắm đượm người sau. Đến như gấm vóc bay bướm, vải lụa mà không quê mùa, thì chỉ có tập Tinh sà kỷ hành. Vì nó có cái vẻ đẹp của nụ cười tươi, nét mày đẹp đấy chăng ?

Tập thơ này là do ông  Thị trung ngự sử họ Phan làm trong dịp đi sứ triều hạ.. Ông đỗ Hội  nguyên, đứng đầu làng văn, nhà nổi tiếng  mấy đời tiến sĩ, khuôn mẫu văn chương được cha truyền cho. Làm văn quý ở chỗ điển nhã mà hồn hậu, lấy thực tiễn làm cốt tử, chỉ hơi thêu dệt là lượt để trang sức. Làm thơ cũng thế. Băng lên hàng Trình Hạo, Chu Hy, vượt qua cửa ngõ Khuất Nguyên, Tống Ngọc, vào nhà Y Doãn, Chu Công, rời khỏi con đường Lý Bạch, Đỗ Phủ.. như gấm vóc vải lụa, chỗ nào dùng cũng hợp. Có lẽ từ Trung cổ đến nay những bậc đại gia văn chương nước ta, ít thấy người như thế.

Tôi với ông vừa có tình nghĩa đỗ đồng khoa lại là quyến thuộc, lúc nhỏ cùng chơi, lớn cùng làm quan. Tôi vốn phục văn chương ông, trong chổ điển nhã hồn hậu lại có văn vẻ đẹp.. Có lúc tôi chẳng cân nhắc, tự cho thơ mình hơn, nhưng ngẫm lại thì quả không bằng. Kịp đến khi xem tập thơ này, mừng vui và khâm phục mãi không thôi. Vô luận dùng chữ đặt câu hay dùng vần, dùng cách đều vượt cõi tục vào cõi thanh. Hãy xem xưa nay, ông vua tránh đời ai bằng Triệu Úy Đà ? Ông qua đô cũ nhà Triệu có câu thơ: “Cố tri Hoàng đế hiền thiên tử, thùy cấm man di trưởng lão phu.” Vẫn biết vua hiền bậc thiên tử. Ai cấm man di trưởng lão phu. Thì có ai đã nói được như thế ? Lại xem xưa nay kẻ đại trượng phu mà hay khóc, có ai bằng Bạch Cư Dị ? Khi ông qua đình Tỳ Bà có câu : “ Cửu Giang yên thủy đa thiên khách; Thiên cổ phong lưu độc đoãn đình.” Mây nước Cửu Giang nhiều khách trích; nghìn thuở phong lưu một đoản đình,  thì có ai viết được như thế ?

Lại xem trong khoảng trời đất, vật không nói cũng không im, gì bằng núi, sông ? Khi ông qua Hà Nam có câu : Hà ngũ bách niên không tỷ tiếu, sơn tam vạn tuế hốt năng ngôn.” Năm trăm năm sóng không cười được. Ba vạn niên non núi nói đâu ? (Sông Hoàng Hà  năm trăm năm một lần trong suốt  ví với nụ cười Bao Công, xử án nghiêm minh nhưng ít cười. Núi Tung Sơn, khi Hán Vũ Đế đến  thì nghe ba lần tiếng hô vạn tuế.) thì ai đã nói được như thế ? Còn đến các bài ca: “Thương gái goá như Hoa Châu khóc chồng là Kỳ Lương đến đổ thành”.  “Kẻ thạc nhân múa ở Bội.” “ Trang Chu gõ chậu làm nhịp” thì như câu : “Đồng minh nhượng nhất nhân” (Cùng bạn nhường một người) “Thanh tiêu độc hoài tàm,”(Đêm thanh riêng hổ thẹn), cái ý ôn hậu khẳng khái tràn ra ngoài lời, người khác không ai nói được. Ôi, thế mới gọi là thơ, mới có thể gọi là nhà thơ, mới có thể gọi là thơ đại gia. Tôi từng phụng mệnh sang sứ Yên Kinh, có tập Hoa Trình thi phú sao, nay thấy thơ ông, thì tập thơ của tôi không dám ra đời nữa.

Đầu mùa xuân năm Canh Thân (1800) vào triều kiến, ông đem tác phẩm bảo tôi xem và bình luận. Thật khó mà có chỗ hạ bút : vì văn chương của ông, các bạn tôn làm khuôn phép, gần đây được nhà vua biết đến, thanh giá thêm tăng. Hoàng thượng ta (vua Quang Trung)  học thực cao minh, lời văn rực rỡ. Tôi từng được gọi vào Đại Nội. Hoàng thượng bàn đến văn chương, khen thơ văn ông có khí cốt. Tôi đôi lúc thù phụng. Hoàng thượng hỏi: “Câu ấy chữ ấy, ý người cho là thế nào “, bởi vì Hoàng thượng khen những câu chữ ấy trình độ đã sâu. Nội các đánh giá, cửu trùng khen ngợi đã định, kẻ bình luận tầm thường như tôi, đâu dám rườm lời!

Nhưng đã ngâm đọc tập này, không  thể không nói. Nhân tiếm để tự đầu sách. Trộm nghĩ: “Ba trăm thiên Kinh Thi, một lời bao trùm hết, là câu  “tư vô tà “(nghĩ không sai trái), thơ ông 85 bài, một lời có thể bao trùm hết,  là “đắc vô tà chi tư “ (có  được cái nghĩ  không sai trái).

Tôi, bạn đồng khoa và quyến thuộc chức Thị trung Đại học sĩ tước Tình Phái hầu Ngô Thì Nhậm tự là Hy Doãn bái tựa.”

Bắt đầu từ rằm tháng tư (1790) sứ bộ ra khỏi  ải  Nam Quan, theo sông Minh Giang  đi qua Quế Lâm rồi theo sông Tương đến Động Đình Hồ, đến Hán Khẩu từ đó đi đường bộ Hà Nam đến Yên Kinh giao phẩm vật cống sứ cho Bộ Lễ Trung Quốc, rồi lên Nhiệt Hà ngày 11 tháng 7  vì vua Càn Long đang nghỉ mát nơi đây.

Năm 2009 tôi có đi Trung Quốc theo hành trình một số địa danh từ Quế Lâm các nơi các sứ đoàn đi sứ đã đi qua trên đường đi sứ đến Bắc Kinh và  tôi có đến thăm cung điện mùa hè vua Càn Long tại Nhiệt Hà ăn lễ mừng thọ vua được 80 tuổi.. Khác vơi cung điện Bắc Kinh to lớn, chói lọi màu sắc vàng, đỏ, cung điện mùa hè trang nhã  tỉnh mịch hơn, năm  bên các gốc thông, phiến đá cạnh vườn thượng uyển. Thật thú vị khi đến thăm phòng  vua Càn Long tưởng tượng nơi đây năm 1790 từng diễn ra cảnh làm lễ ôm gối nhận tình cha con giữa vua Càn Long và vua Quang Trung giả.

Ngày 22 tháng 8 âm lịch sứ đoàn ra về.

Ngày 29 tháng 10 sứ bộ quay về đến Ải Nam Quan. Tính ra thời gian trên đất Trung Quốc là 6 tháng 14 ngày.

Nhận được chiếu đi sứ Phan Huy Ích viết: vừa sửa sang xong phần mộ cha, lễ hiếu vẹn toàn. Nhận chiếu thư từ trên ban xuống sai đi sứ. Chí tang bồng, chí bốn phương kẻ làm trai, ngại gì rong ruổi phương xa. Giữ tiết ngọc, cầm cờ tiết vua ban cho sứ thần việc ngoại giao nên biết ứng đối (văn chương) là khó. Bầy tôi phải vất vả để giúp ích xã tắc. Du khách khi cao hứng lại vịnh núi sông.. Bao nhiêu việc nhà cửa sau khi ra đi. Đều nhờ người vợ nghèo ra tay xếp đặt. Chữ ‘kinh thoa’ trong thơ tích từ vợ Lương Hồng cao sĩ nhà Hán là Mạnh Quang có đức hạnh, nàng dùng gỗ tử kinh làm cành thoa, dùng vải thô làm quần, cho nên nói kinh thoa bố quần để chỉ người phụ nữ nghèo, cần cù làm việc để giúp đỡ chồng. Đời sau người ta mượn từ kinh thoa để chỉ người vợ của mình.

GIỮA MÙA XUÂN PHỤNG CHIẾU SAI ĐI SỨ PHƯƠNG BẮC, KHI NHẬN ĐƯỢC MệNH LÀM THƠ

Phần mộ cha xong, hiếu vẹn toàn,
Hoàng hoa nhận chiếu lại lên đường.
Chí tang bồng ngại gì rong ruỗi,
Giữ tiết ngọc trong ứng đối văn.
Vất vả bầy tôi lo xã tắc,
Khách du cao hứng vịnh non sông.
Chia tay bao việc trong nhà cửa,
Dặn lại bần thê sắp đặt giùm.

XUÂN TRUNG PHỤNG CHIẾU SAI BẮC SỨ, ĐẮC MệNH NGẫU PHÚ.
Huyền trạch sơ doanh, hiếu lễ hoàn,
Hoàng hoa dao phụng chiếu thư ban.
Tang hồ hề tuất trì khu viễn,
Ngọc tiết tu trì ứng đối gian.
Thần phận phục lao tỳ miếu xã,
Khách du thừa hứng phẩm giang san.
Biệt lai đa thiểu gia môn kế,
Toàn chúc kinh thoa bố trí gian.

RA CỬA ẢI NAM QUAN

Nguyên Dẫn: Giờ Tỵ ngày 15 tháng 4 mở cửa ải, phụng mệnh đến làm lễ ở đài Chiêu Đức. Quan Đốc Phủ và các đề trấn dẫn đầu các viên chức các đạo, đài, phủ , huyện tiếp đưa đường, ngựa xe cờ xí sáng rực núi khe.
Sứ đoàn đi từ Thăng Long  đến Lạng Sơn chờ đợi và thông báo cùng Trung Quốc hẹn ngày lành tháng tốt tiếp đón sứ đoàn. Tổng Đốc Lưỡng Quảng Phúc An Khang phụ trách điều khiển cuộc hành trình  đi từ Ải Nam Quan đến Bắc Kinh, Nhiệt Hà rồi trở về lại ải Nam Quan. Đúng giờ cổng mở bằng một chìa khóa lớn dài khoảng một thước tây, cửa mở, đốt pháo, lính gác cầm giáo giàn chào. Chỉ có đoàn sứ đi qua, các quân lính, người khuân vác đều dừng lại trước cửa. Từ Ải Nam Quan, Trung Quốc hoàn toàn phụ trách việc tiếp rước, quân lính hộ vệ và phu khuân vác cùng xe ngựa hay thuyền. Theo thông lệ, tại đài Chiêu Đức, các rương hòm phẩm vật đều được mở ra, bày cúng tế, quan chức nhà Thanh kiểm kê chứng nhận phẩm vật, sau đó lại bỏ vào rương hòm, chèn kín bằng ống giấy dâm bào, đóng khèn có con dấu in chứng nhận, khóa kín cho đến Bắc Kinh mới mở ra.. Sứ đoàn được đưa về tiếp tân ở Thụ Hàng, ra mắt viên Tổng Đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An. Phan Huy Ích viết:
Ải Bắc trời cao, cổ xe tứ mã chạy đều. Đầy núi cờ lộng hộ vệ người đi xa, Chuyến này là hội áo xiêm hòa mục, là một cuộc hội họp hòa bình. (đối lập với hội binh xa, hội họp về chiến tranh). Nghĩ mình là một văn nhân bình thường. Khúc ly câu ngâm xong gợi tình đất nước. Ly câu là tên khúc hát tiễn biệt thời xưa. Tiếng chim kêu hoài rừng núi quang tạnh. Cánh bằng bay chín vạn dặm trong chớp mắt.  Sách Trang Tử chép: chim bằng bay biển Nam, nước trào lên ba nghìn dặm, cưỡi gió cuốn mà bay lên chín vạn dặm. Trong văn thơ dùng cánh bằng để nói đến chí lớn. Lần đầu đi sứ tầm mắt mới lạ.

RA CỬA ẢI
Ải Bắc trời cao bốn ngựa phi,
Đầy non cờ lộng bóng người đi.
Chuyến đi xiêm áo thời bình trị,
Nghĩ phận văn nhân nào có gì!
Ngâm khúc ly câu thương đất nước,
Chim kêu khoắc khoải tạnh rừng mây.
Chín vạn dậm bằng bay chớp mắt,
Tầm mắt sứ nhìn mới lạ thay.

XUẤT QUAN
Tái Bắc thiên cao lục bí quân,
Mãn sơn kỳ cải hộ chinh trần.
Thị hành ung mục y thường hội,
Tự ngã tầm thường hàn mặc nhân.
Hương quốc ly tình câu xướng bãi,
Lâm loan tễ sắc điểu thanh tần.
Phù dao cửu vạn tài đương thuấn,
Tư đạc sơ trình nhãn giới tân.

(còn tiếp   )

PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne