Năm 1651, chữ Quốc Ngữ do Cha Alexandre de Rhodes (giáo sĩ Đắc-Lộ) cưu mang, chính thức ra đời tại nhà in Vatican

nhanvat alexandrederhodes

Năm 1651, chữ Quốc Ngữ do Cha Alexandre de Rhodes (giáo sĩ Đắc-Lộ) cưu mang, chính thức ra đời tại nhà in Vatican. Đó là cuốn tự điển VIỆT-BỒ-LA.

Nhân dịp cử hành 300 năm ngày qua đời của Cha Đắc-Lộ, nguyệt san MISSI (Magazine d’Information Spirituelle et de Solidarité Internationale) do các Cha Dòng Tên người Pháp điều khiển, dành trọn số tháng 5 năm 1961 để tưởng niệm và ca tụng Cha Đắc-Lộ, nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ nói chung và của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói riêng.

Cha Đắc-Lộ qua đời ngày 5-11-1660, tại thành phố Ispahan, bên Ba-Tư, tức là sau 15 năm chính thức bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Nguyệt san MISSI nói về công trình khai sinh chữ quốc ngữ với tựa đề: “Khi cho Việt-Nam các mẫu tự La-tinh, Cha Alexandre de Rhodes đưa Việt-Nam đi trước đến 3 thế kỷ”.

Tiếp đến, tờ MISSI viết:

… Khi chính thức xác định mẫu tự, bằng cách cho ra đời tại Roma nơi nhà in Vatican, quyển tự điển đầu tiên và các sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, Cha Alexandre de Rhodes đã giải phóng nước Việt Nam.

… Thật vậy, giống như Nhật-Bản và Triều-Tiên, người Việt-Nam luôn luôn sử dụng chữ viết của người Tàu và bị nô lệ vì chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Triều-Tiên mới chế biến ra chữ viết riêng của họ. Còn người Nhật thì, sau nhiều lần thử nghiệm, phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình biểu ý của người Tàu.

… Trong khi đó, người Tàu của Mao-Trạch-Đông đang tìm cách dùng các mẫu tự La-tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công ơn Cha Alexandre de Rhodes Đắc-Lộ, tiến bộ trước người Tàu đến 3 thế kỷ!

… Dĩ nhiên, không phải chỉ riêng Cha Đắc-Lộ khởi xướng ra chữ quốc ngữ. Trước đó, các Cha Thừa Sai dòng Tên người Bồ-Đào-Nha ở Macao đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt, viết bằng các mẫu tự La-tinh rồi. Tuy nhiên, Cha Đắc-Lộ là người đưa công trình chế biến chữ quốc ngữ đến chỗ kết thúc vĩnh viễn và thành công, ngay từ năm 1651, là năm cuốn tự điển VIỆT-BỒ-LA chào đời. Đây cũng là năm sinh chính thức của chữ Quốc Ngữ. Và cuộc khai sinh diễn ra tại Roma, nơi nhà in Vatican. Chính nơi nhà in Vatican mà Việt Nam nhận được chữ viết của mình.

… Đã từ lâu đời, người Việt Nam viết bằng chữ Tàu, hoặc bằng chữ Nôm, do họ sáng chế ra. Nhưng đa số người Việt Nam không thể đọc và viết được chữ Tàu, vì theo lời Cha Đắc-Lộ, Tàu có đến 80 ngàn chữ viết khác nhau. Các nhà truyền giáo đầu tiên khi đến Việt Nam, bắt đầu dùng mẫu tự La-tinh để viết lại âm giọng mà họ nghe được từ tiếng Việt. Khi Cha Đắc-Lộ đến Việt Nam, có một số phát âm tiếng Việt được viết bằng chữ La-tinh rồi. Vì thế, có thể nói rằng, công trình sáng tạo ra chữ quốc ngữ trước tiên là công trình chung của các Nhà Thừa Sai tại Việt Nam. Nhưng khi chính thức in ra công trình khảo cứu chữ viết tiếng Việt của mình, là cùng lúc, Cha Đắc-Lộ khai sinh ra chữ viết này, ban đầu được các Nhà Truyền Giáo sử dụng, sau đó, được toàn thể dân tộc Việt-Nam dùng và biến nó thành chữ quốc ngữ. Tất cả các nước thuộc miền Viễn Đông từ đó ước ao được có chữ viết cho quốc gia mình y như chữ quốc ngữ này vậy!

Trích từ nguồn: https://nhathoconggiao.com/…/khai-sinh-chu-quoc-ngu-linh-m…/