main billboard

Cũng như những ý nghĩa và giá trị tích cực của loài dê, tuổi Mùi thường được coi là tuổi đẹp, may mắn và thành đạt. Phải chăng vì thế, trong số danh nhân ảnh hưởng lớn tới tiến trình lịch sử Việt Nam, có tương đối nhiều vị tuổi Mùi?


nhanvat nguyenkhuyen
Nguyễn Khuyến

Cũng như những ý nghĩa và giá trị tích cực của loài dê, tuổi Mùi thường được coi là tuổi đẹp, may mắn và thành đạt. Phải chăng vì thế, trong số danh nhân ảnh hưởng lớn tới tiến trình lịch sử Việt Nam, có tương đối nhiều vị tuổi Mùi?

Tuổi Ất Mùi

*Nguyễn Phi Khanh (1355-1428): Danh sĩ thời Trần và thời Hồ, quê Hải Dương. Thông tuệ, rất giỏi văn thơ, đỗ thái học sinh (tiến sĩ) lúc mới 19 tuổi, làm thầy rồi làm quan, trải qua nhiều chức vị cao ngành giáo dục. Yêu nước, trung tín, bị giặc Minh bắt đem đi đày sau khi triều Hồ thất thủ. Lời dặn cứu quốc thiêng liêng lúc giã biệt đã được con ông (Nguyễn Trãi) ghi nhớ và thực hiện trọn vẹn.

*Tôn Thất Thuyết (1835-1913): Nhà yêu nước, danh tướng thời Nguyễn, quê Thừa Thiên-Huế. Dũng cảm, quyết đoán, mưu lược, hoạt động sôi nổi chặn đà tiến quân Pháp và dẹp tan giặc cờ vàng. Giỏi cả việc quân sự lẫn chính trị, được thăng tới Thượng thư (Bộ trưởng) Bộ Binh rồi Phụ chính Đại thần, ông kiên quyết đạo diễn và phế truất liên tiếp ba đời vua Nguyễn hèn nhát (Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc) để ráo riết chuẩn bị đánh Pháp. Đêm 4/7/1885, chỉ huy tổng tấn công địch ở Huế, nhưng thất bại, ông đưa vua Hàm Nghi chạy ra Hà Tĩnh, phát động phong trào Cần vương. Ông trở thành biểu tượng của lòng ái quốc, phong cách sắt đá, uy vũ hùng mạnh, là người khởi xướng và linh hồn cho công cuộc chống Pháp.

*Nguyễn Khuyến (1835-1909): Nhà thơ danh tiếng, quê Hà Nam. Tài hoa và giỏi văn chương, đỗ hoàng giáp năm 1871, làm quan ngành giáo dục, thăng đến Trực học sĩ. Khảng khái, trong sạch, nồng nàn yêu nước, đau buồn vì triều đình đầu hàng giặc, ông cáo quan về quê dạy học từ năm 1883. Bản tính cũng như thơ phú của ông rất được mến trọng bởi vừa ngang tàng, thâm thúy, lại vừa dân dã và hài hước.

*Nguyễn Văn Vỹ (1895-1976): Nhà tài chính, nhà hoạt động xã hội, quê Đồng Tháp. Rất thông minh, du học từ nhỏ, tốt nghiệp trường Thương mại Paris và đậu cử nhân luật Pháp, về nước làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam công thương. Sáng lập Hội Đức Trí Thể Dục Nam Kỳ (SAMIPIC), tập hợp một số nhân sĩ, trí thức, cùng các nhà hảo tâm quyên góp tiền giúp học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Năm 1944, làm Hội trưởng Truyền bá Quốc ngữ Nam Kỳ, góp nhiều công sức trong công việc truyền bá và dạy chữ quốc ngữ cho đồng bào thất học ở miền Nam. Là người sôi nổi, hào hiệp, nhanh nhạy, bản lĩnh, nhân đạo, trước và sau Cách mạng tháng Tám ông từng sáng lập, tham gia hoặc trở thành trụ cột của nhiều tổ chức tiến bộ (Thanh niên Tiền phong, Hội Truyền bá Quốc ngữ, Ủy ban Hòa bình…), hết lòng phấn đấu cho quyền dân chủ và những giá trị xã hội.

Tuổi Đinh Mùi

*Trần Đình Phong (1847-1920): Danh sĩ, nhà sư phạm thời Nguyễn, quê Nghệ An. Năm 32 tuổi đỗ tiến sĩ, làm Đốc học Quảng Ngãi-Quảng Nam rồi thăng tới Tế tửu Quốc tử giám. Nổi tiếng văn thơ và đạo cao đức trọng, ông là gương mẫu của giới sĩ phu đương thời và là người thầy dày công đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước (Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng…)

*Nguyễn Thứ Lễ (1907-1989): Nhà văn, nhà thơ, nhà đạo diễn kịch, bút danh Lê Ta, Thế Lữ, quê Bắc Ninh. Sôi nổi, ham tìm tòi và say mê nghệ thuật, học trường Mỹ thuật Đông Dương rồi gia nhập giới văn, giới báo. Từ năm 1931, là thành viên nhóm Tự lực Văn đoàn và cây bút trụ cột của những báo lớn. Từ năm 1937, bắt đầu hoạt động kịch nghệ, làm diễn viên, đạo diễn các đoàn kịch, lưu diễn ở nhiều nơi. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết trinh thám sớm nhất mà cũng đặc sắc nhất trong lịch sử Việt Nam, làm hấp dẫn, phong phú kho tàng văn học hiện đại nước nhà. Với nhiều bài thơ đầy nghệ thuật và có những khám phá mới lạ, ông còn đi tiên phong, hình thànhvà mở đầu cho một thời kỳ cách tân của nền thi ca Việt Nam.

Tuổi Kỷ Mùi

*Ngô Quyền (899-944): Danh tướng, vị vua đầu tiên triều Ngô. Can đảm, trung nghĩa, đa tài thao lược, năm 937 dấy binh từ Thanh Hóa kéo ra kinh đô hạ sát được tên nội phản Kiều Công Tiễn, rồi đánh tan tác giặc Nam Hán xâm lược năm 938 trên sông Bạch Đằng. Năm 939, ông xưng vương, trở thành người kết thúc thời kỳ hơn 1.000 năm bị Bắc thuộc của dân tộc ta, mở ra nền độc lập tự chủ lâu bền cho đất nước.

*Lý Thường Kiệt (1019-1105): Danh tướng, đại thần nhà Lý, quê Hà Nội. Uy đức cao rộng, văn võ song toàn, tận tụy phụng sự ba đời vua (Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông), thăng tới chức Thái úy (thống lĩnh toàn bộ quân đội). Chỉ huy việc đánh Tống, bình Chiêm thắng lợi rực rỡ, dồn hết tâm lực cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tài đức cùng khí phách của ông được cả vua quan, sĩ phu đến mọi tầng lớp nhân dân đều mến trọng, cảm phục. Bài Nam quốc sơn hà ông cho đọc đầu năm 1077 khi chặn phá giặc Tống được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

*Nguyễn Phúc Tần (1619-1687): Chúa thứ 4 nhà Nguyễn, quê Thanh Hóa. Am hiểu binh pháp, giỏi việc chính trị, nối ngôi năm 1649 (hiệu Hiền Vương). Phong thái điều độ cùng ứng biến khéo léo và phẩm chất quyết đoán khiến ông thành đạt trong việc nội quản, ngoại giao. Ông là vị chúa đầu tiên giữ vững được lãnh thổ và thực hiện mở mang bờ cõi về phía Nam.

*Nguyễn Văn Siêu (1799-1872): Danh sĩ đời Tự Đức, quê Hà Nội. Uyên bác và giỏi văn chương đến mức (cùng với Cao Bá Quát) được đương thời ca tụng là “thần Siêu thánh Quát”. Đỗ phó bảng năm 1838, giữ những chức vụ cao trong ngành khoa học, giáo dục, tư pháp. Năm 1854, dâng sớ điều trần nhiều việc chính trị nhưng triều đình không quan tâm nên chán nản, cáo bệnh từ quan, lui về quê chuyên tâm soạn sách. Ông là một nhà văn hóa, một học giả lớn, để lại nhiều tác phẩm giá trị về văn, sử, địa, triết.

Tuổi Tân Mùi

*Bùi Xương Trạch (1451-1529): Danh thần đời Lê Thánh Tông, quê Hà Nội. Nhà nghèo nhưng nghị lực và hiếu học, vừa cày ruộng vừa ôn thi, năm 1478 đỗ tiến sĩ, thăng đến Thượng thư Bộ Binh, rồi coi sóc chung tất cả các bộ. Ông được nể trọng bởi chí khí lớn và lối sống thanh bạch, cần kiệm với bản thân nhưng lại rất hào hiệp, hảo tâm với mọi người.

*Nguyễn Khoa Đăng (1691-1725): Võ tướng đời chúa Nguyễn Phúc Chu, quê Thừa Thiên-Huế. Trẻ tuổi mà tài cao, giàu mưu lược, sớm được thăng tới chức Nội tán kiêm Án sát sứ, Tổng tri Quân quốc trọng sự. Gan dạ, xông xáo, lại xét đoán sáng suốt, cầm quân dẹp tan nhiều đám giặc cướp, rồi bình định được vùng truông nhà Hồ vốn nổi tiếng nhiễu loạn. Bản tính cương trực, mạnh mẽ của ông khiến cả lũ quyền thần trong phủ chúa lẫn bọn cường hào ác bá ngoài xã hội đương thời đều phải nể sợ.

*Lê Hữu Kiều (1691-1760): Danh thần đời Lê Dụ Tông, quê Hải Dương. Văn võ song toàn, đỗ đồng tiến sĩ năm 27 tuổi, thăng tới Thượng thư Bộ Binh và Bộ Lễ. Suốt 40 năm làm quan, ông có uy tín lớn, rất được mến trọng bởi sự khảng khái, liêm chính, chăm lo bảo vệ quyền lợi nhân dân và tận tụy với công việc.

*Hoàng Quốc Trân (1751-1786): Văn thần đời Lê Hiển Tông, quê Nam Định. Hiếu học và nức tiếng tài hoa từ thuở nhỏ, năm 1779 đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Hiến sát sứ Kinh Bắc. Sĩ phu đương thời rất trọng vọng sự thanh liêm, mẫn cán và phong cách cao nhã của ông.

Tuổi Quý Mùi

*Xuân Nương (23-43): Nữ tướng thời Trưng vương, quê Phú Thọ. Năm 39, lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống nhà Hán, thế lực nhanh chóng lớn mạnh, bà kéo quân về Hát Môn tụ nghĩa, chiến đấu dưới cờ Trưng Trắc – Trưng Nhị. Dẹp xong giặc, năm 40, bà được phong quan tước và kết duyên với Thi Bằng (em chồng của Trưng Trắc). Đầu năm 43, vua Hán sai Mã Viện dẫn binh sang đàn áp; vợ chồng bà trấn giữ mạn sông Thao, chống trả quyết liệt và anh dũng hy sinh.

*Bùi Dục Tài (1463-1518): Danh thần đời Lê Túc Tông, quê Quảng Trị. Cương nghị, uyên bác, đỗ tiến sĩ năm 1502, làm quan các ngành hành chính, khoa học, quân sự. Lập công lớn trong việc bảo vệ thường dân, tăng cường pháp chế, nghiêm trị bọn quan lại bất minh, tham nhũng. Ông luôn được ca ngợi vì đức tính liêm khiết, thẳng thắn và công bằng.

*Nguyễn Tư Giản (1823-1890): Danh sĩ thời Nguyễn, quê Bắc Ninh. Năm 21 tuổi đỗ Hoàng giáp, nếm trải và bị thăng – giáng qua nhiều cương vị trong các ngành hành chính, khoa học, quân sự, kinh tế, ngoại giao, an ninh. Rất nhiệt thành với chủ trương duy tân, cải cách mọi mặt trong nước. Ông nổi tiếng bởi bản tính mạnh mẽ, độc đáo và sáng tác ra một hệ thống văn thơ đồ sộ, được lưu truyền rộng rãi.

*Trương văn Bền (1883-1956): Nhà kỹ nghệ, quê Chợ Lớn (Sàigòn). Xuất thân từ một gia đình thủ công, năm 1918 ông đã lập nhà máy nấu dầu dừa, sản xuất xà phòng, glycerin hàng ngàn tấn mỗi tháng (đây là các nhà máy sản xuất xà phòng và kỹ nghệ dầu lớn nhất Đông Dương thời đó). Ông cũng hợp tác trong việc chích lấy nhựa thông và phục hồi những khu rừng quanh Đà Lạt, sản xuất mỗi năm khoảng 30 tấn dầu thông cùng hàng trăm tấn tùng hương. Ông còn là người Việt đầu tiên lập ra hai nhà máy xay lúa công suất trên 100 tấn gạo mỗi ngày và là Tổng Giám đốc Công ty Trồng lúa Tháp Mười mà có một sở điền rộng tới 10.000 ha. Từ năm 1918 đến 1945, ông sáng lập, làm chủ tịch hoặc thành viên chính của nhiều hiệp hội kinh tế, thương mại, tài chính, lúa gạo, công nghệ, bến cảng lớn ở Nam Kỳ và Đông Dương. Là một đại gia công nghiệp, ông góp tâm sức rất lớn cho việc phát triển nền thương mại, kỹ nghệ và nông nghiệp miền Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Đông Hải