main billboard

Phong trào Văn Thân là phong trào quần chúng do các nho sĩ lãnh đạo.


LTS: 19 tháng 6 năm 2013 là ngày kỷ niệm 25 năm Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ tôn vinh 117 vị tử đạo lên bậc hiển thánh. Nhân dịp này VietCatholic trình bày một số tài liệu liên quan đến việc cấm đạo và công bố tài liệu lịch sử về tiến trình xin phong thánh cho các vị tử đạo tại Việt Nam. Kính mong qúy độc giả theo dõi.

*Phong trào Văn Thân và Phong trào Cần Vương

*Dẫn nhập Phong trào Văn Thân* Văn Thân là những ai?

*Tại sao Văn Thân “Bình Tây sát tả”?

* Hành động của Văn Thân

*Một số nhận xét


Khoảng giữa thế kỉ 19, thực dân Pháp bắt đầu dùng vũ lực đánh chiếm đất nước ta rồi thiết lập một hệ thống thuộc địa để cai trị và khai thác tài nguyên của nước ta. Dân Việt Nam đã đứng lên chống lại quân Pháp xâm lược. Có thể gom các nỗ lực chống ngoại xâm ở nước ta trong giai đoạn này vào hai phong trào lớn: Phong trào Văn Thân và Phong trào Cần Vương.

Bài này nhằm tìm hiểu Phong trào Văn Thân, nhưng để thấy có sự khác biệt giữa hai phong trào, trước hết, xin tóm tắt vài hàng về Phong trào Cần Vương.

1. Phong trào Cần Vương

Vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt tại Quảng Bình (Tranh vẽ. Nguồn: bellindochine)

Ý nghĩa và nguồn gốc:

Phong trào Cần Vương ra đời năm 1885, sau Phong trào Văn Thân khoảng 20 năm.

Cần vương có nghĩa là giúp vua. Vua đây là vua Hàm Nghi.

Phong trào Cần Vương là phong trào sĩ phu khắp nơi, hưởng ứng Dụ Cần Vương (nguyên văn là Lệnh Dục Thiên Hạ Cần Vương) do vua Hàm Nghi ban ra, đứng lên chống quân Pháp. Do đó, trên danh nghĩa, vua Hàm Nghi là thủ lãnh của Phong trào Cần vương.

Trong Dụ Cần Vương này có đoạn như sau: “ Chỉ vì sức yếu nên ta phải chịu nhục ký hoà ước (1884) với giặc Pháp đã bao nhiêu năm và bao nhiêu lần. Với chính sách “tàm thực”, thoạt tiên chúng cướp ba tỉnh Nam Kỳ, còn ba tỉnh nữa sau hai năm chúng cũng cướp nốt. Nhưng túi tham của quân cướp nước không bao giờ đầy. Thế rồi chúng dùng thiên phương bách kế, khiêu khích, gây hấn khắp Trung Kỳ và Bắc Kỳ...

Hỡi các trung thần nghĩa sĩ toàn quốc!

Hỡi các nghĩa dân hảo hán bốn phương!

Trước giờ Tổ Quốc lâm nguy, xã tắc nghiêng đổ, ai là dân, ai là thần, lẽ nào chịu khoanh tay ngồi chờ chết?

Hãy mau mau cùng nhau đứng dậy, phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước...!” (truclamyentu.info).

Đặc điểm:

Đặc điểm của Phong trào Cần Vương là các sĩ phu khắp nơi đáp lời kêu gọi của vua mà đứng lên. Họ đánh Tây nhiều, sát tả ít. Lãnh đạo Cần Vương ở Hương Khê là Đình nguyên Phan Đình Phùng đã đưa ra chủ trương sáng suốt “Lương giáo thông hành”.

Diễn tiến:

Đêm 05.7.1885, Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công đồn Mang Cá của Pháp tại Huế. Cuộc tấn công thất bại, ông Thuyết đưa vua Hàm Nghi xuất thành, chạy về chiến khu Tân Sở ở Quảng Trị. Tại đây, ngày 13.7.1885, nhà vua ban Dụ Cần Vương. Do đó, trên danh nghĩa, vua Hàm Nghi là thủ lãnh đầu tiên của Phong trào Cần Vương.

Hưởng ứng Dụ Cần Vương, hàng chục cuộc khởi nghĩa chống Pháp đã nổ ra ở miền Trung và miền Bắc:

Miền Bắc với Nguyễn Thiện Thuật ở Bãi Sậy (Hưng Yên 1885-1889), “con hùm xám Yên Thế” Hoàng Hoa Thám (1892-1913), Ba Bao ở Thái Bình (1883-1887), Lãnh Giang và Đốc Khoái ở Vĩnh Yên, Phúc Yên, Tuyên Quang (1892-1893), Lãnh Pha ở Đông Triều (1892-1893), Lãnh Tánh ở Phú Thọ (1890-1893), Tạ Hiện ở Thái Bình.

Miền Trung, nổi bật với Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh (1885-1895), Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hà Văn Mao ở Thanh Hóa (1885-1886). Ngoài ra, còn có các cuộc khởi nghĩa khác với các thủ lãnh như: Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã ở Nghệ An; Lê Ninh, Ấm Võ ở Hà Tĩnh; Trương Đình Hội, Nguyễn Tử Nha ở Quảng Trị; Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiến ở Quảng Nam; Mai Xuân Thông, Bùi Biên, Nguyễn Đức Nhuận ở Bình Định…

Tại Miền Nam, khi dụ Cần Vương ban ra, thực dân Pháp đã kiểm soát chặt chẽ khắp miển Lục Tỉnh, cho nên ít có cuộc khởi nghĩa nào đáng kể nổ ra được.

Đêm 02.11.1888, vua Hàm Nghi bị tên phản bội Trương Quang Ngọc bắt nộp cho thực dân Pháp và chúng đã đầy nhà vua sang Algérie. Từ đó, Phong trào Cần Vương yếu dần.

Vua Hàm Nghi là linh hồn của Phong trào Cần Vương. Mất vua Hàm Nghi, phong trào mất ý nghĩa chính thống, nhưng Phong trào Cần Vương chủ yếu là “bình Tây”, cho nên vẫn tiếp tục hoạt động được một thời gian. Phong trào Cần Vương chỉ chấm dứt ở miền Trung với cái chết của Phan Đình Phùng năm 1895, và ở miền Bắc với cái chết của “con hùm xám Yên Thế” Hoàng Hoa Thám năm 1913.

Đang khi đó, Phong trào Văn Thân mất chính nghĩa dân tộc do chủ yếu là “sát tả”, cho nên đã lụi tàn nhanh chóng.

Lí do thất bại:

Sở dĩ Phong trào Cần Vương thất bại là vì các cuộc khởi nghĩa mang tính cục bộ và địa phương, chưa liên kết với nhau thành một lực lượng có hệ thống quy mô toàn quốc.

Vũ khí, quân nhu, quân dụng của mỗi cuộc khởi nghĩa còn thô sơ, thiếu thốn, thua sút quá xa so với quân Pháp.

Chiến thuật, chiến lược chưa thích hợp.

Chính trị quốc nội thất bại: Lòng người li tán bởi vì, từ triều đình xuống tới hàng quan lại địa phương cũng như đa số các sĩ phu, đã thất sách trong việc đối xử tàn ác và giết hại những người theo đạo Gia Tô. Chính sách đối với các sắc dân thiểu số cũng sai lầm, khiến cho các sắc dân Thái, Mán, Mèo, Nùng, Thổ …đi theo Pháp và ngăn chặn con đường tiếp liệu vũ khí từ Trung Hoa.

Chính sách đối ngoại cũng phạm sai lầm lớn vì hầu như chỉ biết cầu viện quân Tầu. Vào thời điểm đó, Tầu cũng hèn yếu, đã không cứu nổi mình thì còn cứu được ai. Hơn nữa, nước Tầu muôn đời nuôi mộng thôn tính nước ta, cho nên dù đang bị liệt cường xâu xé, họ vẫn không ngừng nuôi mộng bá quyền. Một bằng chứng rõ ràng là vào năm 1882, vừa khi thành Hà Nội thất thủ, Triều đình Huế đã kêu cứu Bắc Kinh, họ liền đem quân vào chiếm lấy các tỉnh phía Bắc sông Hồng của ta. (Xem Nguyễn Xuân Thọ. Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam (1858-1897). 1995. Từ trang 272 đến 292).

2. Dẫn nhập Phong trào Văn Thân

vanthan dithiPhong trào Văn Thân là phong trào quần chúng do các nho sĩ lãnh đạo.

Mục tiêu của phong trào là “bình Tây, sát tả” để cứu nước.

Phong trào này phát khởi năm 1864 với cuộc bãi thi của sĩ tử kì thi Hương tại các trường thi miền Bắc và miền Trung, để phản đối triều đình nhà Nguyễn kí Hiệp ước năm Nhâm tuất (1862), nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam phần cho Pháp.

10 năm sau, 1874, Phong trào Văn Thân lại bùng phát dữ dội tại Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh) do ông tú Trần Tấn và học trò của ông là ông tú Đặng Như Mai lãnh đạo. Phong trào Văn Thân Nghệ Tĩnh là phong trào nhân dân tự phát, không phát khởi do lệnh của vua; ngược lại, còn chống lại nhà vua, cho nên đã bị tiễu phạt do quan quân của triều đình.

Năm 1885, khi Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết, nhân danh vua Hàm Nghi, ban dụ Cần Vương khai mở Phong trào Cần Vương khắp nơi, thì Phong trào Văn Thân nương theo chính nghĩa của Phong trào Cần Vương, lại chỗi dậy một lần nữa. Nhưng do việc Phong trào Văn Thân chỉ lo sát hại người theo đạo Gia Tô một các bừa bãi và tàn ác, cho nên đã làm mất uy tín của Phong trào Cần Vương rất nhiều và không bao lâu sau, đã bị Phong trào Cần Vương loại ra khỏi công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân.

3. Văn thân là những ai?

Văn: Chữ, người có học thức (Nho học). Thân: Dải thắt lưng bằng tơ của các viên chức xưa, chỉ thư lại, thân hào, các viên chức về hưu. Theo nghĩa rộng, Văn thân là tất cả những ai có Nho học, từ vua quan cho tới dân. Theo nghĩa hẹp dùng cho Phong trào Văn thân ở nước ta vào khoảng giữa thế kỉ 19 thì Văn thân là các sĩ tử, các nhân sĩ hay thân sĩ. Họ là dân sự, có Nho học. Họ là giới trung gian giữa quan quyền với dân. Chỉ có họ mới đọc và hiểu được các lệnh lạc, các niêm yết chốn công đường viết bằng chữ Nho và truyền dịch lại cho dân. Họ không là quan, thấp hơn quan, nhưng có vị cao hơn dân, được dân kính trọng và nghe theo.

vanthan dithi 2Sĩ tử là những khóa sinh theo đường cử nghiệp. Khóa sinh đã từng đi thi mà chưa đậu đạt gì thì gọi là thí sinh hay thầy khóa. Đậu Nhất trường kể như chưa có tên gọi. Đậu Nhị trường có thể gọi là Nhị trường. Đậu Tam trường mới được gọi là Tú tài. Dù đậu Tú tài, việc học vẫn còn dở dang, chưa được kể là đã xong nợ đèn sách, chưa đủ điều kiện để ra làm quan. Dân chúng gọi các thí sinh đậu Tú tài là ông tú hay thầy đồ. Các ông tú này là thành phần lãnh đạo chính yếu của Phong trào Văn Thân.

Nhân sĩ hay thân sĩ là những vị khoa bảng không chịu ra làm quan hoặc đã làm quan nhưng từ giã quan trường.

Thông thường, các Văn Thân sống bằng các nghề dậy học, bốc thuốc, làm thầy bói, viết đối liễn…Đời sống của họ tuy đạm bạc, nhưng họ là những người có uy tín và dù thế nào họ vẫn cố gắng bảo vệ lấy cái danh dự của giới sĩ.

Cũng thuộc giới sĩ, nhưng không kể là Văn Thân, những sĩ tử đã đậu Tứ trường, tức Cử nhân. Thường thường những ông Cử nhân có được một chức quan nhỏ, kèm theo là địa vị và bổng lộc. Những ông quan này có thể có chính kiến giống như giới Văn Thân, thù Tây, ghét đạo Gia Tô, nhưng vì quyền lợi và chức tước địa vị, cho nên hành động chính trị của họ có khi giống, có khi không giống như hành động của giới Văn Thân. Nói đúng ra các quan cũng từng đi thi và đã đỗ đạt. Có thể nói họ là Văn thân “đàn anh”, Văn thân “bề trên”. Đa số họ hành động chín chắn, có trách nhiệm, theo luật pháp, chứ không tùy tiện, bừa bãi theo cảm tính hận thù riêng tư.

4. Tại sao Văn Thân “Bình tây Sát Tả”?

* Vì dị ứng do khác biệt văn hoá, bao gồm phong tục, tập quán

vanthan 3ongquanTrong Bình Ngô Đạo Cáo, Nguyễn Trãi viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hóa đã lâu, Nước non bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc (Tàu) Nam cũng khác” (Ngô Tất Tố dịch). Nghĩa là từ khi lập quốc, nước ta đã có riêng một lãnh thổ, có riêng một nền văn hóa. Nền văn hóa của một dân tộc bao gồm các sinh hoạt phát xuất từ vũ trụ quan và nhân sinh quan của dân tộc ấy. Có thể nhận biết vũ trụ quan của dân tộc Việt qua tín ngưỡng thờ các vị Thần linh và qua các truyền thuyết, huyền sử, truyện cổ, văn chương truyền khẩu; còn nhân sinh quan dân tộc Việt biểu hiện qua phong tục tập quán của người Việt.

Để hình thành một nền văn hóa riêng, người Việt cần có ngôn ngữ hay tiếng nói riêng của người Việt. Rồi cũng nhờ có tiếng nói Việt, đã giúp cho việc trao đổi, phát triển, ghi nhận, diễn tả và lưu truyền nền văn hóa đặc thù của người Việt được dễ dàng. Do đó, có thể tìm thấy các sinh hoạt văn hóa của người Việt trong các truyền thuyết, huyền sử, truyện cổ, tục ngữ, ca dao, tức là kho tàng văn chương truyền khẩu, kho tàng văn chương bình dân (chưa cần tới chữ viết).

Nhờ có nền văn hóa riêng mà người Việt gìn giữ được truyền thống Việt, tinh thần Việt kinh qua biết bao thăng trầm của lịch sử.

Ngoài nền văn hóa đặc thù ấy ra, người Việt còn đón nhận thêm nền văn hóa, văn minh Trung Hoa. Thật vậy, nước ta bị Tầu đô hộ cả ngàn năm; họ đã để lại dấu ấn sâu sắc về đủ mọi phương diện trong nền văn hóa nước ta. Đặc biệt là việc du nhập Tam giáo: Khổng, Lão, Phật. Với tinh thần bao dung, rộng mở, người Việt đã biến Tam giáo thành “Tam giáo đồng nguyên”.

Tam giáo đồng nguyên cùng với Nho học đã dần dần hòa nhập với nền văn hóa đặc thù, cố cựu của người Việt để trở thành cái mà sử gia Trần Trọng Kim (1883-1953) gọi là “cái quốc túy của mình” (Tựa cuốn Việt Nam Sử Lược, 1919).

Cách nghĩ và lối sống của người Việt đã thành nền nếp hàng ngàn năm như thế, đột nhiên phải va chạm với một hệ tư tưởng và nếp sống xa lạ, tức đạo Gia Tô, do các giáo sĩ Tây phương mang tới.

Các nhà truyền giáo đã mang tới một đạo giáo mới lạ về giáo thuyết, kinh sách, cơ cấu tổ chức, nghi lễ phụng tự, nghi lễ phong tục (tang chế, cưới hỏi…), các thứ cấm kị. Trong số những điều mới lạ ấy, một số chỉ gây tò mò, thắc mắc cho người Việt bản xứ, nhưng cũng có những cấm cản làm cho một số thành phần người Việt bất bình, như cấm đa thê, cấm tảo hôn, cấm li dị, sự khắt khe trong hôn nhân khác tôn giáo, cấm dự phần vào các nghi lễ cúng kiếng…

Số tín hữu Gia Tô lúc đầu tuy còn ít ỏi, nhưng khi theo đạo mới, họ tuân giữ nghiêm ngặt các điều được dậy bảo. Họ từ bỏ một số phong tục, tập quán cũ; rồi dần dần trở thành những nhóm nhỏ, thành những làng đạo sống khép kín, tự cô lập giữa đa số đồng bào mình. Hậu quả là họ phải hứng chịu phản ứng nghi ngờ, đố kị của đa số đồng bào.

Nói tới dị ứng và bất bình văn hóa đương nhiên thành phần có học, tức là các nho sĩ, các Văn Thân, là những người hiểu biết và ý thức hơn trong xã hội, sẽ là thành phần phản kháng đầu tiên.

* Vì hận thù do các vụ việc liên quan tới tín ngưỡng và tôn giáo

Đây là lí do đặc biệt nghiêm trọng. Có thể kể ra một số vụ việc như sau:

Một là, thái độ quá nhiệt tình “đi chinh phục các linh hồn” của các giáo sĩ đã làm cho người bản xứ cảm thấy như đang bị xâm lăng, bị tấn công, bị “thực dân” (thế kỉ 19), mặc dù phải nhìn nhận là các vị “đầy thiện chí, quả cảm, hy sinh, bất chấp mọi ngăn trở, dám chết cho đức tin.” (Đỗ Quang Chính, S.J. Đôi Nét Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo. Niên Giám 2004 GHCGVN. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2004. Trang 41).

vanthan dithi 3Hai là, có sự dị biệt rất lớn giữa đôi bên trong quan niệm về tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên. Người theo đạo mới, chỉ giữ đạo hiếu theo tinh thần của Điều răn thứ 4 “thảo kính cha mẹ” trong 10 Điều Răn, mà không thờ cúng ông bà như một tín ngưỡng. Đối với lương dân, không thờ cúng ông bà là một tội không thể tha thứ và đáng gọi là loài “cầm thú”!

Ba là, trong sách vở cũng như kinh đọc do các giáo sĩ soạn ra cho giáo dân, có những chỗ tỏ ra kém hiểu biết và bất kính đối với các tín ngưỡng và tôn giáo vốn đã hiện diện từ lâu đời ở Việt Nam. Sự bất kính thấy rất rõ trong Chương “Ngày Thứ Bốn: Những Đạo Vạy” trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày của Alexandre de Rhodes (Dunglac.org).

Có thể khẳng định rằng đa số tín hữu Công Giáo ngày nay, nếu có dịp đọc chương sách này, cũng sẽ cảm thấy bị một cú “sốc” giống như Gs. Trần Thái Đỉnh đã cảm thấy trong bài viết “Cái Nhìn Về Phật Giáo Trong Phép Giảng Tám Ngày Của A. De Rhodes” của ông. Trong bài viết ấy, Gs.Trần Thái Đỉnh (một cựu linh mục và từng là giáo sư các Đại chủng viện) nhận xét: “Trong phần nói về Phật Giáo tác giả không chỉ nói sai mà còn xuyên tạc. Nó không chỉ phản ánh một sự thiếu hiểu biết mà là một một thái độ thiếu tôn trọng đối với một tôn giáo không phải là Ki Tô Giáo. Một thái độ có lẽ phổ biến nơi các thừa sai phương Tây tới truyền giáo tại châu Á vào thế kỷ XVII – XVIII. Tôi không thể không nhớ lại ở đây một đoạn kinh “cầu cho kẻ ngoại” của thánh Phanxicô Xavie: “Những kẻ thờ bụt thần ma qủy đang sa xuống đầy rẫy hỏa ngục!”. (Trần Thái Đỉnh. Cái Nhìn Về Phật Giáo Trong Phép Giảng Tám Ngày Của A. De Rhodes. Tác giả không tham dự nhưng đã gửi bài này để góp ý cho cuộc hội thảo “Hội nhập của Ki Tô Giáo tại Việt Nam qua một số tác phẩm và tác giả Công Giáo của thế kỷ 17 và 18’ tổ chức vào đầu tháng 11 năm 1995 tại Sài Gòn).

Tại sao năm 1651, Bộ Truyền giáo Rôma đã cung cấp phương tiện cho Alexandre de Rhodes in cuốn sách Phép Giảng Tám Ngày này, trong đó có những từ, những câu, những quy kết đáng trách như vậy? Một là, có thể Bộ Truyền giáo ở Rôma, lúc đó, vì tin tưởng Alexandre de Rhodes, cho nên không nghĩ đến việc kiểm duyệt sách. Hai là, dù nghĩ tới cũng không có viên chức nào đọc được thứ chữ mới dùng để viết ra cuốn sách đó. Ba là, đúng như Gs. Trần Thái Đỉnh đã nhận xét trên đây: Hồi đó, các nhà truyền giáo và ngay cả các viên chức Giáo triều Roma, một phần vì tự tôn quá đáng về tôn giáo mình, một phần vì sự hiểu biết vừa ít vừa sai lạc về các tôn giáo khác trên thế giới, cho nên đã sinh ra thái độ “phổ biến nơi các thừa sai Tây phương” là bất kính đối với các tôn giáo khác. Đấy là chưa kể đến quan niệm chung của người Âu châu thời đó là, nhờ có những phát kiến khoa học kĩ thuật sớm sủa, người Tây phương đã coi thường các dân nước khác trên thế giới.

Thái độ bất kính này trái ngược hẳn với tinh thần Huấn thị của Bộ Truyền giáo Rôma. Thật vậy, chỉ sau đó 8 năm, năm 1659, khi cử 2 giám mục tiên khởi người Pháp tới Việt Nam, Bộ Truyền Giáo đã ra Huấn thị rất rõ ràng cho các nhà truyền giáo là phải tôn trọng văn hóa địa phương . Huấn thị viết:

“ Các vị đừng có tìm cách, đừng có tìm lý lẽ để thuyết phục các dân tộc thay đổi nghi thức của họ, tập tục và phong hóa của họ, trừ ra những gì rõ ràng là trái ngược với tôn giáo và luân lý (….). Đừng đem đến cho các dân tộc ấy xứ sở của các vị, mà chỉ đem đến đức tin, một đức tin không từ chối cũng không làm thương tổn các nghi thức, các tập tục của bất cứ một dân tộc nào, miễn là tất cả đó không có gì là xấu (…). Đừng bao giờ đem so sánh tập tục của các dân tộc đó với tập tục của các nước Châu Âu. Trái lại, các vị hãy làm quen với những tập tục đó…” (Vương Đình Chữ. Truyền giáo ở Viễn Đông. Từ chế độ bảo trợ sang chế độ đại diện tông tòa. Trích Huấn thị của Bộ Truyền giáo gửi cho 2 vị giám mục tông tòa tiên khởi. Ttntt.free.fr/archive/dinhchuvuong.html).

* Do ảnh hưởng việc bách hại đạo Gia Tô của các vua chúa

Tất cả những xung khắc kể trên đã đưa tới tình hình một cuộc giao thoa văn hóa từ không mấy êm thắm, dần dà trở nên hết sức tồi tệ. Quần chúng nghi hoặc. Giới sĩ thù ghét. Rồi vua chúa liên tiếp ban ra những chỉ dụ cấm đạo; quan quyền phải răm rắp bắt đạo theo lệnh vua chúa, thường khi còn đi quá trớn, lạm dụng quyền hành để thỏa mãn lòng thù ghét đạo mới hoặc để tống tiền, đoạt của. Giáo sĩ Tây cũng như ta và giáo dân đã phải hứng chịu những biện pháp khắc nghiệt: từ hạn chế đến trục xuất, truy quét, tù đầy, tra tấn, bắt “quá khóa” (bước qua Thập Tự Giá), khắc chữ lên mặt, chém, giết, đốt phá thánh đường, làng mạc và phân tháp (bắt giáo dân phân tán trong các làng lương dân). Thê thảm nhất là vào giữa thế kỉ 19, có những đợt, nạn nhân là tất cả các làng Công Giáo trên toàn quốc, đem tới thương vong, máu và nước mắt cho hàng vạn giáo dân.

Việc cấm đạo chính thức bắt đầu ở Đàng Trong do sắc chỉ của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên năm 1625 và ở Đàng Ngoài do sắc chỉ của Chúa Trịnh Tráng năm 1629. Thời Tây Sơn cũng cấm đạo, chứ không phải mãi tới thời các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức mới cấm đạo.

Các tài liệu Tây cũng như ta đều khẳng định: suốt từ chúa Nguyễn Phúc Nguyên năm 1625 tới thời Tự Đức, các chính quyền ban ra 53 sắc chỉ cấm đạo. Tất cả chỉ quy kết cho người theo đạo Giatô các tội thuộc về văn hóa, tức lí do tôn giáo và phong tục, không hề nêu lí do chính trị.

Xin trích dẫn sắc chỉ cấm đạo của Chúa Trịnh Tạc vào thời cấm đạo đầu tiên và của hai vua Minh Mạng,Vua Tự Đức ban ra vào thời cấm đạo khốc liệt nhất để làm thí dụ:

Sắc chỉ cấm đạo năm 1663 thời vua Lê Huyền Tông (tức là thời chúa Trịnh Tạc) có đoạn: “Mùa đông, tháng 10, cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây, có người nước Hoa Lang vào ở nước ta, lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu. Bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt nhiều kẻ tin mộ. Trường giảng đạo người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà sách đạo và nơi giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi. Đến đây lại nghiêm cấm” (Đại Việt Sử Ký Toàn thư. Bản kỉ quyển XIX, trang 689. Huyền Tôn, năm Cảnh Hưng thứ nhất (1663). Viethoc.org).

Chiếu chỉ cấm đạo của vua Minh Mạng ngày 06-01-1833 viết: "Dân ngu bị mê hoặc mà không biết... Chúng lập nhà riêng nhà giảng, tụ tập nhiều người cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm... ai trót theo đạo muốn hối thì hãy từ bỏ đạo, bước qua cây thập tự (quá khóa) được miễn tội" (Đại Nam Thực Lục. XI. Tr 235).

Vua Tự Đức là vị vua nhà Nguyễn cuối cùng cấm đạo, và cũng là vị vua ra nhiều sắc chỉ cấm đạo nhất với 7 sắc chỉ vào các năm 1848, 1851, 1855, 1857, 1859, 1860 (2 sắc chỉ), 1861 (sắc chỉ phân sáp). Sắc chỉ phân sáp ra ngày 05.8.1861, lệnh phải “phá bình địa các làng Kitô giáo, tịch thu tài sản, khắc trên má tên làng và chữ "Giatô tả đạo", phân tán các tín đồ, giao cho lương dân cứ năm người canh một người” (Ts. Đào Trung Hiệu. Giáo Hội Công Giáo Thời Cận đại. daminhvn.net).

Điểm đáng lưu ý là trong lúc nước ta đang phải đối phó với ý đồ xâm lăng của thực dân Pháp, vậy mà việc cấm đạo vẫn viện lí do tín ngưỡng và phong tục: “…Vì kẻ theo tôn giáo ấy bất kính phụ mẫu quá cố, chúng móc mắt người chết để làm một thứ nước ma thuật dung mê hoặc dân chúng; hơn nữa trong đạo đó, chúng còn làm nhiều hành vi dị đoan và ghê tởm (Sắc chỉ 1848). “Những tên Tây dương đạo trưởng phải chịu hình phạt bị dìm xuống đáy biển, đáy sông vì vinh quang của chính đạo (Nho giáo). Đạo trưởng người trong nước phải lấy chân tay dày đạp thập tự nếu không thì bị chém ngang thân...” (Sắc chỉ năm 1851). (Gs.Nguyễn Ngọc Lan. Bài Nói Chuyện Tử Đạo Với Ông Nguyễn Khắc Viện trích trong Nhật Ký 1988. Trang 252-263. Giadinhanphong.blogspot.com).

Các vua chúa quan quyền của ta ngày trước đã ra sức tiễu trừ “tả đạo” (đạo Gia Tô) để bảo vệ “chính đạo” (đạo Nho). Các Văn Thân là đệ tử Nho gia, đương nhiên hầu như tất cả đều ủng hộ việc cấm đạo. Vì từ ngàn xưa, giới này luôn luôn cho là mình có bổn phận phải giữ chính đạo, chống gian tà và ngăn cản điều bất chính (“Cầm chính đạo để tịch tà cự bí”, Bài Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ). Văn Thân là dân giả, nhưng vì có học, họ trở thành gạch nối giữa chính quyền và dân. Dân quê rất tôn trọng các Văn Thân, cho nên quan điểm, lập trường của giới Văn Thân sẽ dễ dàng được truyền bá rộng rãi và được dân chúng khắp nơi tin tưởng. Noi theo việc bách hại đạo của các vua chúa quan quyền, khi tức nước vỡ bờ, Văn Thân cũng nổì lên bách hại đạo Gia Tô. Họ dễ dàng lôi kéo được đông đảo dân quê theo họ, tạo thành một phong trào quần chúng rộng lớn.

* Lí do ái quốc

Cũng trong bài Kẻ Sĩ, Nguyễn Công Trứ đã minh định vị trí và nhiệm vụ của giới sĩ. Về vị trí: Sĩ đứng đầu trong 4 hạng dân (“Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên”).

Về nhiệm vụ: Khi còn là thường dân, kẻ sĩ phải bàn bàn bạc điều hơn lẽ phải để giáo dục dân (“Phù thế giáo một vài câu thanh nghị”). Đến khi hữu sự, phải vì chính đạo mà ngăn chống gian tà, bất chính; đẩy lui sóng dữ để che chở các dòng sông (“Cầm chính đạo để tịch tà cự bí”, “Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên”). Mọi việc trong vũ trụ đều thuộc phận sự kẻ làm trai, làm được thế mới thật là hào hùng và nước nhà có bình yên, kẻ sĩ mới được thong dong (“Vũ trụ chi gian giai phận sự, nam nhi đáo thử thị hào hùng, Nhà nước yên mà sĩ được thung dung”).

Ý thức vị trí và nhiệm vụ tiên phong như thế, cho nên khi thực dân Pháp thực sự mở những cuộc đánh chiếm nước ta thì Văn Thân là kẻ đầu tiên căm thù giặc Pháp. Nhất là khi phát hiện được có vài giáo sĩ người Pháp và một số giáo dân dính líu tới thực dân Pháp, như giọt nước làm tràn li, Văn Thân trút hết oán thù lên các giáo sĩ và giáo dân, kết tội họ là nguồn gốc mọi tai họa cho đất nước.

Họ yêu cầu nhà vua phải tiêu diệt tất cả các giáo sĩ và giáo dân trước, sau đó mới đánh đuổi giặc Pháp để khôi phục sự vẹn toàn chủ quyền cho đất nước. Và khi nhà vua không làm theo ý họ, lại kí những thỏa ước nhượng bộ đất đai và cho phép tự do giảng đạo thì họ tự động tổ chức thành lực lượng dân chúng đông đảo, với chủ trương “Bình Tây Sát Tả”, kéo đi chém giết, đốt phá các làng đạo.

Đó là Phong trào VănThân.

* Vì não trạng “nhất Tầu, nhì ta”

Nói chung, triều đình nhà Nguyễn đã cai trị đất nước rập theo khuôn mẫu nhà Thanh bên Tầu, từ tổ chức, tới luật pháp, nhất là về đối ngoại (tức chính sách bế môn tỏa cảng) và giáo dục, đào tạo (tức tôn sùng Nho học và tuyển chọn nhân tài theo lối khoa cử từ chương). Cách giáo dục và đào tạo nhân tài này đã tạo nên lớp sĩ phu sùng thượng Trung Hoa, tự che mắt mình, khiến không còn đủ sáng suốt để tiếp nhận bất cứ cách nghĩ, cách làm nào khác Trung Hoa. Trung Hoa là nhất, là mẫu mực; ngoài ra là man di, mọi rợ và phải lên án, phải loại trừ.

Đó cũng là một trong những lí do khiến cho giới Văn Thân miệt thị đạo Gia Tô là “tả đạo” và người Tây phương là “bạch qủy”, dẫn đưa tới chủ trương cực đoan và thất sách khi muốn thể hiện lòng ái quốc. Ở Phần II, Chương VI cuốn Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim. Sđd. Trang 32), khi bàn về kết quả của thời Bắc thuộc, tác giả Trần Trọng Kim đã nhận xét: “Phàm phong tục và chính trị là do sự học thuật và tông giáo mà ra. Mà người mình đã theo học thuật và Tông giáo của Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả…Người mà cả đời không đi đến đâu, mắt không trông thấy cái hay cái dở của người, thì tiến hóa làm sao được? Mà sự học của mình thì ai cũng yên trí rằng cái gì đã học của Tàu là hay, là tốt hơn cả: từ sự tư tưởng cho chí công việc làm, điều gì mình cũng lấy Tàu làm gương. Hễ ai bắt chước được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở. Cách mình sùng mộ văn minh của Tàu như thế, cho nên không chịu so sánh cái hơn cái kém, không tìm cách phát minh những điều hay tốt ra, chỉ đinh ninh rằng người ta hơn mình, mình chỉ bắt chước người ta là đủ”.

* Vì sợ mất địa vị lãnh đạo tinh thần và nghề nghiệp sinh sống

Đọc thơ Nôm của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tú Xương…người ta hình dung ra được cảnh nghèo khổ thê thảm của các nho sinh theo con đường cử nghiệp khi chưa đỗ đạt hoặc hoạn lộ không được hanh thông.

Gia cảnh Ông Tú Vị Xuyên thì “Vợ lăm le ở vú, Con tấp tểnh đi bồi” (bài Than cùng của Tú Xương, 1870-1907).

Nơi cư ngụ của Cao Chu Thần chỉ là “Lều nho nhỏ, kéo tấm gianh lướt thướt, ngày thê lương hạt nặng giọt mưa sa. Đèn cỏn con, có chiếc chiếu lôi thôi, đêm tịch mịch soi chung vầng trăn tỏ” (bài Tài Tử Đa Cùng Phú của Cao Bá Quát, 1809-1854).

Còn về cái ăn cái mặc của Nguyễn Công Trứ thì “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch…Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu..” (bài Hàn Nho Phong Vị Phú của Nguyễn Công Trứ, 1778-1858).

Song dù nghèo khổ đến đâu, giới nho sĩ vẫn hãnh diện về vị trí hàng đầu mà xã hội vẫn dành cho họ (“Tước hữu ngũ, sĩ cư kì liệt. Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên” Bài Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ). Đồng thời các ông vẫn phải giữ trọn đạo “cương thường” với phong thái an nhiên, ung dung và ứng xử cho xứng là bậc mô phạm giữa xóm làng.

Trong cảnh “Chẳng phải quan mà chẳng phải dân” (Tự Trào của Tú Xương) ấy, các nho sinh đành phải kiếm kế mưu sinh bằng cách “mài chữ” ra mà sống; tức là làm các nghề có liên quan tới chữ nghĩa, như làm thầy đồ dạy học, viết đối liễn hoặc làm thầy lang bốc thuốc, chữa bệnh. Nói chung, tuy không phải chân lấm tay bùn, nhưng nghề làm thầy đồ, thầy lang, thầy địa lí, thầy bói, thầy tướng, thầy số, thầy viết đối liễn …, cao lắm cũng chỉ đủ nuôi bản thân của thầy, mọi việc khác cùng chuyện gia đình con cái thầy đặt hết lên vai bà thầy hay bà đồ: “Quanh năm buôn bán ở mom song. Nuôi đủ đàn con với một chồng” (Bài Khen Vợ của Tú Xương). Những nho sinh có chí tiến thủ, quyết “dùi mài kinh sử”, cũng phải nhờ vào người vợ đảm đang tần tảo: “Vì tằm tôi phải chạy dâu, Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay. Chồng tôi thi đỗ khoa này, Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi…” (Bài Trăng Sáng Vườn Chè của Nguyễn Bính).

Nhưng tất cả đang bắt đầu thay đổi. Người Tây phương và các giáo sĩ truyền giáo đã đến nước ta mang theo nhiều cái mới: đạo mới, tư tưởng mới, nếp sống mới, và những cái mới khác nữa, như: Khoa học, Y học, vũ khí…

Những cái mới này, nhất là khi thực dân Pháp bắt đầu thiết lập guồng máy cai trị mới, bắt đầu làm lung lay toàn thể xã hội nước ta vốn yên ả đã hàng ngàn năm, bao gồm cả vị trí và nghề nghiệp của giới nho sĩ: “Nào có ra gì cái chữ nho. Ông nghè ông cống cũng nằm co. Sao bằng đi học làm thầy phán. Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” (Bài Cái Chữ Nho của Tú Xương).

Vừa bị mất nồi cơm vừa bị sang đoạt vị trí danh giá, đã góp thêm vào các lí do khiến giới nho sĩ Văn Thân thù ghét cả “Tây” lẫn “tả” (tả đạo).

Những lí do trên đây là nguyên nhân chính yếu, đã từ từ nung nấu lòng hận thù trong giới nho sĩ đối với đạo Gia tô trong một thời gian lâu dài. Lòng thù hận ấy tích lũy thành một lò thuốc súng, chỉ cần có một mồi lửa là phát nổ. Đúng vậy, kể từ năm 1862, mỗi lần quân Pháp gây hấn là mỗi lần châm mồi lửa cho lò thuốc súng hận thù trong lòng giới Văn thân phát nổ dữ dội.

(còn tiếp: Bài 2. Hành Động Của Văn Thân)