main billboard

“Qua thư từ trao đổi trong nhiều năm trước khi khởi công tượng đài, tôi linh cảm ông ấy có nỗi băn khoăn mãi gậm nhấm tâm can ông như thể có điều gì đó trong cuộc chiến để giờ đây ăn năn.”


tuongdai kyniem quenhaynho
Soldierstone Memorial, Rio Grande National Forest

Bùi Bích Hà , viết ..
Chủ Nhật, ngày 28 tháng 8 năm 2016

Cho đến nay, đã nhiều người từng biết, từng xem hình ảnh, thậm chí, từng đi qua thắng tích kỷ niệm các anh hùng tử sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến Đông Dương kể từ 1945, một công trình được xây dựng với nhiều tâm huyết, bằng xi măng, đá tảng, sừng sững trong không gian bát ngát của rặng núi Rocky, Colorado.

Không có nhiều người chứng kiến lúc nó bắt đầu, cách thức khiến nó nên hình nên vóc, lúc nó hoàn thành sau chặng đường 10 năm, từ cái buổi sáng một cựu trung tá hồi hưu quân lực Hoa Kỳ bước vào cửa tiệm đá của ông Mike Donelson ở Rocky Ford. Đối với dân thể thao thích đi bộ ven núi, khi bất ngờ chạm mắt vào khu tượng đài ở một nơi hẻo lánh, giữa bốn bề cỏ cây tịch mịch, trời đất hoang vu, đã giật mình kinh ngạc vì tầm vóc, kích cỡ của các khối đá hình thành nó, không một chỉ dấu nào về xuất xứ ngoài mấy cái địa danh xa tít mù tắp bên trời Á, những câu danh ngôn bằng nhiều ngôn ngữ (có cả bốn câu thơ trích từ Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện) chạm khắc bằng tay trên 36 phiến đá tảng màu xám nhạt, to hơn những mộ chí bình thường và đặt rải rác trong chu vi 30 bộ xung quanh tượng đài. Là một bí ẩn lạ thường.

Tháng 10 năm 2013, một video về tượng đài chiến sĩ trận vong này xuất hiện lần đầu trên YouTube, đã lôi cuốn 66,000 lượt người truy cập vào. Tra cứu tài liệu sở Kiểm Lâm Hoa Kỳ tại địa phương, không thấy bất cứ một thông tin hay chỉ dẫn nào. Vẫn chỉ có những người thích môn thể thao đi bộ xuyên rừng núi tình cờ bắt gặp rồi truyền miệng nhau con đường tới đây theo trí nhớ được trực giác hỗ trợ thay vì bản đồ. Với dân lướt mạng gà mờ, chậm lụt như kẻ viết bài này, phải chờ tới lúc được bạn gởi cho cái link vào Facebook của một đôi vợ chồng Mỹ trẻ mê hiking thì mới biết đến nơi chốn linh thiêng, chạm vào hồn sông núi Việt Nam kia!

Hôm trước, người chồng đi rừng cùng vài người bạn, ngẫu nhiên phát giác kiến trúc kỳ lạ này. Khi về lại nhà, anh kể cho vợ nghe. Người vợ hiếu kỳ, muốn được chồng đưa tới tận nơi để “thập mục sở thị.” Người chồng hơi ngần ngại, sợ không tìm ra con đường bọn anh đã đi không chủ ý nhưng chiều lòng vợ, anh chỉ giáo đầu là có thể khó khăn song anh sẽ cố nhớ. Vì lộ trình khá xa, vài chục dặm nên họ bảo nhau dùng xe gắn máy và họ nai nịt áo mũ an toàn rồi lên đường.

Qua mô tả của người vợ trên Facebook, con đường mòn trườn lên núi dốc cao, nhiều đoạn gập ghềnh, chật, mấp mô, khó di chuyển, chồng phải lái chiếc xe phân khối to hơn của anh lên trước, tìm chỗ đậu rồi trở xuống, chạy giùm xe của chị và chị lội bộ qua khúc đường này. Đã có lúc họ thất vọng, tưởng không tìm ra dấu lông ngỗng Mỵ Châu thì họ thấy thấp thoáng tượng đài qua rặng cây thưa, không thật sự vĩ đại, chỉ lạ mắt, đứng chơ vơ giữa cái tam giác bằng đá xếp chồng lên nhau, có thể hiểu là ẩn dụ tượng trưng ba nước Việt-Miên-Lào, làm thành bức tường thấp chừng qua khỏi đầu gối. Trên chóp tượng đài bằng phẳng, có một vật trang trí nhìn trong ảnh không rõ, có vẻ là mô hình khẩu bazooka thu nhỏ như đồ chơi. Ở một mặt bia, trên cùng, là hàng chữ  SOLDIERSTONE, hàng dưới là ba chữ “In Memory of” hàng dưới nữa là nhóm chữ dài hơn: LONG WARS LOST and the Soldiers of  dưới nữa là hai chữ VIETNAM tô đậm, nổi bật. Dưới nữa, là hai câu văn xuôi, đọc lên nghe như thơ: “Nếu khóc than mà có thể biến đổi được tiến trình sự việc/thì dòng lệ của tôi sẽ đổ xuống không ngừng cho đến ngàn thu.” Trên mặt phiến đá tiếp theo cùng chiều thẳng đứng, khắc câu: “Still in Death lies everyone And the Battle’lost.” Và phiến đá trước phiến đá cuối cùng để trống, có chữ SACRIFICE, cũng tô đậm.

Các từ chọn lựa và câu trích dẫn bằng tiếng Việt chứng tỏ tác giả công trình này rất tinh thông cả hai ngôn ngữ Anh/Việt. Chắc cũng không ai khác ngoài chính tác giả với phần chia sẻ tâm tư bày tỏ niềm hối tiếc khôn nguôi về diễn tiến xảy ra trong cuộc chiến Việt Nam mà tác giả từng hăng say trong nhiệm vụ huấn luyện binh sĩ, thúc đẩy họ cầm súng ra trận để sau cùng, thấy xót đau máu xương đổ xuống cho một lý tưởng hão huyền và một niềm tin khờ khạo. “Sự chết đã vùi chôn mọi sinh linh vào tịch mịch và cuộc chiến đã mất” để chỉ còn lại chữ hy sinh cao quý nhưng vô nghĩa mà nhiều thế hệ người dân nhược tiểu sau này nên lấy làm bài học của thời mạt sử.

Giờ đây, người ta đã tìm ra tung tích nhân vật bí mật quyết tâm bỏ công sức, bỏ tiền bạc, bỏ thời gian, thực sự từ năm 1990-1995 (không kể những năm tháng ưu tư về dự án) để xây lên đài tưởng niệm này, ở một địa thế tuyệt đẹp và hẻo lánh trên núi đồi Colorado, ngày đêm chỉ có mặt trời, mặt trăng, tinh tú, mây và gió phủ lên nó ánh sáng, bóng tối, mùi cây cỏ dại khắp xung quanh, xa lánh chốn bụi hồng.

Năm 1973, sau 11 năm quân vụ tại Việt Nam, Trung tá lục quân Hoa Kỳ Stuart Allen Beckley về hưu, một năm sau khi cuộc hòa đàm 4 bên nhóm họp tại Paris kết thúc nhằm khép lại cuộc chiến tranh Việt Nam để Mỹ rút chân ra một cách thanh lịch và trong danh dự. Những cái mặt nạ sân khấu nửa đêm về sáng phấn son nhếch nhác, nhìn gần ở góc độ của Trung tá Beckley, tất đoán thấy sự thật chung cuộc. Ông về Mỹ, mang theo nỗi ngậm ngùi tiếc thương các đồng ngũ của ông với nhiều quốc tịch, đã tình cờ gặp nhau, chia nhau một quãng đời với nhiều mơ ước đẹp cho một lý tưởng họ cùng theo đuổi, khác nhau ở chỗ các đồng ngũ ấy, nhất là các chiến hữu Việt Nam của ông, sau khi ông đi rồi, sân khấu chưa thực sự hạ màn, hý viện chưa thật sự tắt đèn, họ vẫn ung dung cống hiến đến giọt máu cuối cùng cho Tổ quốc oan khiên. Họ về đất, *“rải rác biên cương mồ viễn xứ,” và ông trở về quê hương với một cõi lòng đầy thương tích, sống những năm tháng còn lại của đời mình trong ray rứt, không thôi nghiền ngẫm ý nghĩ phải làm một cái gì để sự hy sinh kia được nhìn nhận.

Một trong trên 30 phiến đá tại Soldierstone trên có khắc bản dịch sang tiếng Anh bốn câu thơ trích trong Chinh Phụ Ngâm, nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn, được bà Đoàn Thị Điểm dịch sang thơ tiếng Việt. Bốn câu thơ trong ảnh tương đương với bốn câu dịch sang Việt ngữ: Hồn tử sĩ gió ù ù thổi, / Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi. / Chinh phu tử sĩ mấy người, / Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn. (Ảnh Grace Hood, Hidden Colorado, KUNC.org)
Ông sống ở Texas nhưng gia đình sở hữu đất đai ở Westcliffe, Colorado, nơi rặng núi Rockies là lời gọi chân mây đầy quyến rũ cho những ai từng nghe tên nó. Có lẽ cựu trung tá hồi hưu Stuart Allan Beckley không ngoại lệ khi đi tìm một nơi yên nghỉ thích hợp, xứng đáng với những người chiến sĩ vô danh đã hy sinh mà ông ngưỡng mộ và muốn lịch sử tôn vinh họ với tất cả sự công chính cần thiết.

Từng là chứng nhân/nạn nhân gián tiếp của biết bao hệ lụy trần gian xung quanh cuộc chiến, theo ông, đã thua đậm, điều quan trọng đầu tiên ông tâm niệm là phải tránh những tạp âm làm hoen ố một lần nữa linh hồn những anh hùng đã chết cho tình yêu nước, yêu con người và yêu tự do, đã thánh hóa vì sự cao cả ấy. Ông biết một kiến trúc có tính cách riêng tư, của duy nhất một người lính Mỹ vô danh muốn bày tỏ lòng tôn kính đối với những người chiến binh bị lãng quên mà lại muốn được xây lên ở đất công thì không dễ, phải trải qua nhiều thủ tục hành chánh nhiêu khê, phải chịu sự xăm xoi của nhiều cơ quan liên hệ không có mỹ cảm với dự án, ngay cả của nhiều cá nhân không chấp nhận cuộc chiến nên khi thỉnh cầu sự chấp thuận của sở Kiểm Lâm địa phương về địa điểm ông đã cất công tìm kiếm, đã chọn, ông yêu cầu (như một mật ước) không được công chúng hóa, không có điều trần ở quốc hội, không thông báo với truyền thông. Mong muốn tha thiết của ông là sẽ không có nhiều những bước chân hoặc lãnh đạm, hoặc thù nghịch, dày xéo nơi chốn thiêng liêng này mà chỉ có những tâm hồn đồng điệu, nhờ duyên lành đưa đẩy khiến tìm ra viên ngọc quý ông giấu giữa khu rừng rộng tới 1.8 triệu mẫu tây ở quê hương ông.

Như một thiên tình sử đẹp cho đến giòng chữ cuối cùng, đơn xin phép của cựu Trung tá Beckley thoạt đầu bị bác nhưng kết quả khám nghiệm y khoa cùng trong năm 1995 bất ngờ cho biết ông bị ung thư và bản án nghiệt ngã này đã làm mềm lòng ông Giám đốc sở kiểm lâm, khiến ông nhanh chóng bật đèn xanh cho dự án.

Tượng đài hoàn tất vào tháng 7 năm 2005, theo đúng ý nguyện của người chủ xướng. Ông Beckley khi đó đã quá yếu để có thể tới tận nơi nhìn ngắm tác phẩm của mình và chỉ 4 tháng sau, ngày 5 tháng 11, ông qua đời, lấy cái chết của chính ông thay cho cả nước Mỹ, đền tạ ân tình sâu nặng với những người đã khuất.

Một trong những trang thư trao đổi giữa cựu Trung tá Mỹ Stuart Allen Beckley và Mike Donelson, chủ nhân tiệm khắc đá ở Rocky Ford, Colorado. Ông Beckley chiến đấu ở Việt Nam từ 1962 tới 1973. Ông vẫn ước ao xây một tượng đài để tưởng niệm tất cả những người đã từng chiến đấu cho tự do không phân biệt chủng tộc. Nhưng ông qua đời vì bệnh ung thư trước khi Soldierstone, hoàn toàn do tiền túi của ông bỏ ra, hoàn tất vào năm 1995. Ông Beckley đã nhấn mạnh là ông không muốn tên ông ghi khắc ở đâu trên những phiến đá này. "[Tượng đài] này làm cho họ, không phải cho chúng ta," ông từng nói. (Ảnh Grace Hood, Hidden Colorado, KUNC.org)

Năm 2014, dù khó khăn cỡ nào, vẫn có vài du khách đầu tiên đã đến đây, có người kể lại, có người giữ im lặng vì tôn trọng tinh thần người dựng tượng đài nhưng tuyệt đối không một ai chỉ dẫn lộ trình đưa tới thắng tích này. Một hình ảnh bằng ngàn lời nói. Sau này, ông Donelson, chủ nhân tiệm đá ở Rocky Ford, người thợ và cũng là người nghệ sĩ đã giúp ông Beckley thực hiện ước mơ ấp ủ đằng đẵng qua hai thập niên, đã nói về ông Beckley đại ý: “Qua thư từ trao đổi trong nhiều năm trước khi khởi công tượng đài, tôi linh cảm ông ấy có nỗi băn khoăn mãi gậm nhấm tâm can ông như thể có điều gì đó trong cuộc chiến để giờ đây ăn năn.”

Theo kẻ viết bài này, ông không làm gì sai cả ngoại trừ sở hữu một trái tim trong trẻo. Nó khiến ông muốn nhận tội và tạ tội thay cho cả đất nước ông khi cần một lý do để đi ra khỏi cuộc chiến tranh đã hết ý nghĩa thì vội vã phủ nhận vinh quang máu xương của đồng minh, trút lên họ những cáo buộc thiếu công bằng để chính mình không phải trả lời câu hỏi trước giờ lương tâm phán xét.

Đáng yêu thay nước Mỹ vẫn là xứ sở của những giá trị nhân bản, của những công dân biết tôn trọng lịch sử, yêu vẻ đẹp và muốn công lý cho mọi người. Nói như Bill Gates, một đất nước hưng thịnh không chỉ căn cứ vào sản lượng quốc gia mà ở cung cách người dân hành xử trong cuộc sống.  Đôi vợ chồng trẻ trên Facebook đã vượt mọi khó khăn cùng nhau đến chiêm ngắm SoldierStone, kể lại chuyến đi của họ với lòng thành khẩn: “Tôi nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng gió trong rặng cây. Tôi thở bầu không khí núi, lắng đọng hương rừng và trong giây phút ấy, tôi thề tôi đã nghe tiếng thì thầm Hãy Nhớ Chúng Tôi nhé! Tôi hứa là tôi sẽ nhớ.”

Vài bức ảnh cho thấy nhiều bạn trẻ đi xe gắn máy tới đây. Phải chăng gởi gấm tâm huyết của cố trung tá Stuart Allen Beckley đã tới với đúng đối tượng mà ông mong muốn, thế hệ sẽ theo đuổi một cuộc chiến khác, vì Tự Do đã đành mà trước hết, còn vì đồng loại nữa.

* TríchTây Tiến, thơ Quang Dũng.
* Tượng đài là những phiến đá granite khắc chữ đơn sơ nhưng trang trọng chồng lên nhau, cao khoảng 10 feet (3m). - (Ảnh Grace Hood, Hidden Colorado, KUNC.org)