“Hồi nào tới giờ tui có bỏ lại đứa nào đâu mà lo.”


CẦN THƠ (NV) - Khoảng đầu năm dương lịch 2016, cộng đồng mạng xã hội ở Việt Nam đều nể phục tinh thần phục vụ của ngành đường sắt Nhật Bản khi biết tin trong nhiều năm, ga Kami-Shirataki đã duy trì hoạt động chỉ phục vụ cho duy nhất một em học sinh. Đồng thời, quản lý Hiệp Hội Đường Sắt Nhật Bản đã tuyên bố sẽ giữ nhà ga này mở cửa cho đến khi em học sinh nữ kia rời khỏi trường. Cô gái này dự kiến sẽ tốt nghiệp vào năm nay và trạm tàu hỏa sẽ được đóng lại vì đã hoàn thành sứ mạng.

chibe duado 1
Chị Nguyễn Hoàng Dịch Thủy, người đưa đò hàng ngày ở Cồn Sơn, Cần Thơ. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Hôm chúng tôi đến Cồn Sơn, một cồn đất nổi lên giữa dòng sông Hậu, cách thành phố Cần Thơ không hơn chục cây số. Chúng tôi vô cùng kính phục khi biết có người đàn bà qua hàng chục năm làm nghề đưa đò, chị sẵn lòng đưa đón đến em học sinh cuối cùng trong ngày bất kể giờ giấc, trong mọi mùa bão lũ mà không lấy một đồng tiền đò nào.

Người đàn bà đó có tên rất đẹp: Nguyễn Hoàng Dịch Thủy, tên thường gọi là chị Bé. Chị Bé năm nay khoảng bốn mươi, như cái tên Dịch Thủy mà cha mẹ đặt chị nối nghề đưa đò từ bờ Cồn Sơn đến bờ Cần Thơ.

Trường hợp tận tụy phục vụ khách hàng của ngành đường sắt Nhật thuộc về chức trách, dù tinh hoa của chức trách đó có chu toàn đến từng khách hàng cá biệt cũng thuộc phạm vi bổn phận công chức. Nhưng ở đây, tinh thần hết lòng vì các em học sinh Cồn Sơn của chị Bé hoàn toàn phát xuất từ thiện nguyện của một người chân quê với chính người cùng quê. Ở một vùng sông nước miền Nam, với văn hóa văn minh được truyền đời về giá trị đùm bọc và chia sẻ.

Nếu ai đó thắc mắc không tin vẫn còn những người miền quê ăn cơm nhà làm chuyện không công, thì hãy biết thêm một điều, chính hoàn cảnh hàng chục năm người Cồn Sơn bị bỏ rơi trong cảnh sống “4 không,” (không nước, không điện, không trạm y tế, không trường) trong nghịch cảnh này nếu các lương dân Cồn Sơn không có tinh thần tương trợ nhau thì sao họ có thể tồn tại.

Cộng đồng mạng xã hội hướng ngoại tìm kiếm những tấm gương sáng của nhân loại về các giá trị sống văn minh nhưng ít khi đặt ra vì sao các đức tính quí giá về văn minh cộng đồng của người Việt đã ngày một tàn lụi.

Chúng tôi ngồi đối diện với chị Bé trong chuyến đò ngang, Nhìn cái nón nỉ kiểu lơ xe đò chị đội và gương mặt dạn dày sóng nước, nắng gió của chị, rõ ràng là thần thái này khiến người đi đò an tâm hơn khi băng qua mặt sông Hậu Giang mênh mông và chật cứng ghe tàu xuôi ngược.

chibe duado 2
Con đò của người phụ nữ với hàng chục năm qua lại trên dòng Hậu Giang để kiếm sống và giúp đưa đón không công các em học sinh Cồn Sơn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Cô Bé Bảy, người hướng dẫn du lịch cộng đồng của Cồn Sơn kể cho chúng tôi thêm số chi tiết về đời tư của chị, nhưng với cam kết không được viết báo. Cô Bé Bảy nói, “Nhiều người nói chị Bé khó tính, khó gần, nhưng nếu là dân Cồn Sơn ai cũng biết chị Bé dễ thương lắm, cho dù là nửa đêm nhà có chuyện phải dựng chị dậy để nhờ chị đưa qua sông chị cũng vui lòng.”

Cô Tám, một người nông dân Cồn Sơn kể. Có lần con cô, học lớp năm, tan học không lo về mà ở lại chơi game tới khuya khiến cả nhà lo lắng vì sông nước đang trong mùa mưa bão, gọi điện cho chị Bé sợ chị không chờ đón cháu về giùm, chị Bé nói, “Hồi nào tới giờ tui có bỏ lại đứa nào đâu mà lo.”

Người dân nơi đây tin rằng chị Bé đưa đò vẫn mãi đứng trên con đò giữa dòng sông ngược xuôi nối liền bờ Bình Thủy và Cồn Sơn, để giữ lại cho du khách và bà con nơi đây hình ảnh của một người có tấm lòng như sông lớn.

Người ta biết rằng, khi người học trò trung học ở Nhật tốt nghiệp thì tuyến đường sắt Kami-Shirataki cũng sẽ đóng lại. Nhưng với chị Bé và những chuyến đò đưa các thế hệ học trò Cồn Sơn qua sông bao giờ thì ngừng lại?

Ngày đoạn sông Hậu rộng khoảng 600m có cầu dành riêng cho vài chục hộ dân Cồn Sơn ư, không ai dám mơ điều đó. Thế nên với người Cồn Sơn, mỗi ngày khi chuyến phà sắt hết giờ bán vé thì sự tận tụy của chị Bé đưa đò lại chính là thứ nương tựa an toàn duy nhất nối liền nhịp sống người dân miệt cồn cô độc với cộng đồng náo nhiệt bên kia sông.