main billboard

Họ là những người đáng kính phục. Họ từ nhiều thành phần khác nhau, nhìn thấy cảnh khổ của nhiều người dân và rồi quyết định làm từ thiện. Trong đó, có rất nhiều người làm từ thiện hoàn toàn không vì tư lợi, mà có khi phải tự hy sinh bớt đi một phần thời gian, tiền bạc và công.

comchay



Những người làm từ thiện đó, có những bà cụ nấu cháo trước bệnh viện cho bệnh nhân và thân nhân lỡ bước, có những tu sĩ đón trẻ mồ côi về làm cô nhi viện, có những sinh viên vào sân chùa hay nhà thờ dạy kèm toán lý hóa cho học sinh nghèo... và nhiều nữa. Quê nhà còn đẹp là còn những người dấn thân cho từ thiện như thế.

Trong đó có anh Nguyễn Tiến Danh ở Sài Gòn, được báo Kienthuc.net.vn kể rằng anh đã “Ăn bám vợ” dành tiền lương làm cơm chay từ thiện... Và từ Sài Gòn đưa cơm chay ra cả Hà Nội... Anh được mô tả là từ 12 năm nay “đã đồng hành cùng hàng nghìn bệnh nhân và người nghèo bằng các suất cơm chay miễn phí, giàu yêu thương.” Báo này ghi nhận:

“Chia sẻ với PV Kienthuc.net.vn, Tiến Danh tâm sự: “Năm 2001, mình cùng nhóm bạn thành lập Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng và đưa ra ý tưởng nấu cơm chay miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Lúc đầu nấu ngày Rằm và mồng một nhưng bây giờ thì nấu vào các chủ nhật hàng tuần”.

Thời gian đầu, dự án của Tiến Danh gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, nhân lực. Tiến Danh phải xin nấu tại chùa, tự tay đi chợ lựa chọn thực phẩm và “gõ cửa” khắp nơi có thể để xin tiền tài trợ.

“Để duy trì các bữa cơm chay cho người nghèo, hiện tại mình đã phát nguyện “dốc” trọn tiền lương của mình cho hoạt động này. Khi này cả gia đình sống vào tiền lương của... vợ” - Tiến Danh cười nói.

Lương hàng tháng không nhiều nên Tiến Danh phải làm thêm ngoài giờ hành chính và huy động ở các nguồn khác từ cá nhân, tổ chức, thậm chí là cả... bố mẹ...

Khi được hỏi lý do vì sao suốt gần 12 năm gắn bó với dự án cơm chay, Tiến Danh cho hay: “Theo quan điểm của Phật giáo, ăn chay là trưởng dưỡng lòng từ bi và mở rộng tình yêu thương với chúng sinh. Ngoài ra, nhờ ăn chay mà con người khỏe mạnh, nhiều chứng bệnh nan y được giảm.

Do vậy, việc nấu cơm chay có ý nghĩa thiết thực hơn là việc giúp đỡ tiền bạc. Nếu giúp đỡ tiền nhiều, có thể làm cho người nhận sinh tâm ỷ lại, sinh lòng lười biếng. Chỉ biết nằm chờ viện trợ từ người khác mà thôi”.

Đầu năm 2012, dự án cơm chay đã lan tỏa ra Hà Nội (nấu tại xóm chạy thận Bạch Mai - PV). Mỗi tuần nấu cơm một lần vào ngày cuối tuần và mỗi suất cơm có giá 15.000 - 20.000 đồng. Như vậy, kinh phí mỗi tháng tính ra cũng lên tới cả trăm triệu đồng...

Tiến Danh kể rằng: “Nhiều lần phát cơm gặp trời mưa như trút nước nhưng hàng trăm người bệnh, người già yếu vẫn đội mưa xếp từng hàng dài để nhận cơm. Cầm trên tay suất cơm chay, nước mưa và nước mắt hòa vào nhau... Thương lắm!”.

Ngoài việc tổ chức nấu cơm chay miễn phí ra, Tiến Danh còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện khác ở khắp nơi, từ Nam ra Bắc như cứu trợ đồng bào gặp lũ lụt, hiến máu, dạy học...”

Xin ngợi ca tất cả những người đang làm đẹp thêm cho đời. Tuyệt vời là thế.