main billboard

“Thân hữu Bình Thuận là một tổ chức bất vụ lợi được thành lập từ năm 1995, đến năm nay thì cuộc hội ngộ mừng Xuân này là lần thứ 19."


WESTMINSTER (NV) - “Một năm mới có một lần chính thức họp mặt, đôi khi cũng có gặp gỡ nhau vào dịp Hè, nhưng Tân Xuân là dịp chính nên bà con Bình Thuận và thân hữu năm nào cũng có mặt rất đông.”

Ðó là nhận xét của ông Nguyễn Thúc Di, một người sinh trưởng ở Bình Thuận nhưng lớn lên sau khi ra trường Thủ Ðức đã không còn có mặt ở nơi quê hương bản quán. Ông cho biết: “Năm nay, tôi chính thức xin về gia nhập vào hội Thân Hữu Bình Thuận. Tuy nhiên tôi cũng còn sinh hoạt trong Hội Ái hữu Bình Long mà năm nào vào tháng Giêng chúng tôi cũng tổ chức ngày Tưởng Nhớ 'Bình Long Anh Dũng' trong cuộc chiến VN trước 1975.”

thanhuu binhthuan 1Tặng quà Xuân đến giới cao niên trong Hội. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Vào trước lúc khai mạc, số khách đến tham dự phải xếp hàng ghi danh dài ra tận hành lang trước nhà hàng Diamond Seafood trên đường Lampson thuộc thành phố Garden Grove vào sáng hôm Chủ Nhật, 23 Tháng Hai.

Hội trưởng Nguyễn Hưng vui vẻ đứng đón bà con thân hữu cho chúng tôi biết: “Thân hữu Bình Thuận là một tổ chức bất vụ lợi được thành lập từ năm 1995, đến năm nay thì cuộc hội ngộ mừng Xuân này là lần thứ 19. Thường xuyên sinh hoạt với hội được khoảng trên 280 gia đình trong các vấn đề quan hôn tang tế và tương trợ. Chính thức họp mặt thì Thân Hữu Bình Thuận chỉ có một năm một lần, có năm chúng tôi cũng tổ chức thêm được một lần nữa vào dịp Hè, nhưng không thường xuyên.”

Ðề cập đến đặc san “Bình Thuận Quê Tôi” mà hội trong ít năm nay không thực hiện được, ông hội trưởng cho biết “phần lớn anh chị em trong ban chấp hành có quá nhiều công việc nên không thể ôm đồm thêm công việc được. Vả lại hội chúng tôi cũng đã phát hành được một vài số trong đó cũng đã nói lên đủ miền đất quê hương Bình Thuận, nơi mà toàn quốc Việt Nam đều biết đến thổ sản của Bình Thuận là Nước Mắm Phan Thiết.”

Vào đúng 12 giờ, chương trình họp mặt mừng Xuân bắt đầu. Nghi thức chào cờ Mỹ Việt và phút mặc niệm được tổ chức trang trọng. Phút Mặc Niệm được ba vị cao niên của hội tiến lên làm lễ dâng hương trước bàn thờ tổ quốc trên đó là hình ảnh đất nước Việt Nam hình chữ S từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Lá cờ vàng ba sọc đỏ nằm ngang tấm bản đồ, Trong khi đó vị chủ tế đọc lên tâm huyết của người dân Bình Thuận “dù ở xa quê hương vẫn một lòng nhớ về đất nước, tạ ơn tiền nhân và những Anh hùng đã vị quốc vong thân.”

Trưởng ban tổ chức Võ Ðăng Sâm, sau lời chúc Tết bà con, đã xin tuyên bố khai mạc buổi hội ngộ mừng Xuân mới của hội Thân hữu Bình Thuận. Tiếp đó, hội trưởng Nguyễn Hưng đã lên giới thiệu toàn Ban Cố Vấn và Chấp Hành. Ông nói: “Ðây là những anh chị em đã hết lòng xây đắp hội từ ngày hội được thành lập để chúng ta có được những buổi hội ngộ thân thiết vui vẻ như ngày hôm nay”.

Theo sự xướng danh của ban tổ chức, Ban Cố Vấn gồm có ông Hoàng Chính, bà Hứa Thị Ngọc Bích, ông Ung Monte, bà Ðinh Thị Thiệp, ông Tạ Trung và Luật Sư Mercedes Diễm Võ ( cố vấn pháp lý). Ban chấp hành khá đông, gồm các vị Nguyễn Hưng, Nguyễn Văn Tạo, Võ Ðăng Sâm, Lê Huy Ðức, Nguyễn Hồng Thúy, Võ Văn Phát, Ung Thu Hà, Ngô Ðình Minh Khanh, Lê Văn Thuận, Nguyễn thị Ðây (tự Hằng), Nguyễn Duy Huệ, Nguyễn Thúc Di, Nguyễn Minh Ðức, Trương Quí Phi và Quách Tuyết Minh...

Sân khấu chưa hết vui mừng nhộn nhịp thì ông Nguyễn Văn Tạo, Hội Phó Nội Vụ thay mặt ban tổ chức lên đọc danh sách các vị cao niên trong hội kể cả các vị thân hữu có mặt và mời lên ngồi trên hai dãy ghế đặt trước sân khấu để ban tổ chức dâng tặng chúc thọ chút quà Xuân đồng thời cũng để các cụ ông, cụ bà phát bao mừng tuổi cho các con em trong hội để tất cả cùng được sống lại không khí Tết truyền thống tại quê nhà.

thanhuu binhthuan 2Ðiệu múa “Xuân Ðã Về” rất đẹp mắt của các cô gái Bình Thuận. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Cũng trong phần chúc Thọ này, ông Nguyễn Văn Tạo đã nhắc đến một cao niên trong hội là cụ ông Lê Văn Sang, tức Năm Sang vừa tạ thế tại Phan Thiết, thọ 90 tuổi. Ông Tạo cho biết: “Cụ Lê Văn Sang là người có tâm huyết với hội, đóng góp nhiều công sức cả tiền bạc cho hội vào những ngày hội mới thành lập.

Cụ ông Lê văn Sang cũng là tác giả tập tài liệu nghiên cứu công phu về nghề làm nước mắm tại Phan thiết, Bình Thuận đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam cho thế hệ sau tìm hiểu mọi miền đất nước.”

Sau những nghi thức làm sống lại không khí Tết quê hương ngày nào, một chương trình văn nghệ thật vui tươi với sự đóng góp của những tiếng hát cây nhà lá vườn mà vườn Bình Thuận đã phát xuất ra những danh ca như Nhật Trường, Anh Khoa... Nhạc cảnh “Xuân Ðã Về” được sáu thiếu nữ Bình Thuận trình bày thật đẹp mắt mở màn cho một chương trình ca nhạc đặc sắc trong bữa tiệc đầu Xuân của Thân Hữu Bình Thuận.

Ðất Bình Thuận dù không được mầu mỡ như các vùng châu thổ sông Hồng, Cửu Long nhưng cũng đã sản sinh những danh nhân trong mọi lãnh vực. Về lịch sử có Bùi Hàng, Nguyễn Thông, văn học có Nguyễn Ngu Í, Lê Văn Nghiêm. Nghệ thuật có Nhật Trường, Anh Khoa, Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết, Trần Vấn Lệ, Thanh Trí Cao (Hòa Thượng Thích Quảng Thanh). Ðặc biệt ở hải ngoại, một hậu duệ của Bình Thuận là luật sư Ðinh Việt, từng giữ chức Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ, đặc trách Chánh Sách Pháp Lý của Hoa Kỳ, được giới truyền thông Hoa Kỳ ca ngợi về tài năng.