main billboard

... đây là lần thứ 15 gặp gỡ hàng năm đồng thời cũng là buổi ra mắt Ðặc San Hậu Nghĩa, một công trình mà Gia Ðình Hậu Nghĩa luôn chọn làm sinh hoạt chính trong hoạt động của Hội.


WESTMINSTER (NV) - Vào sáng Chủ Nhật, 8 Tháng Mười Hai, Gia Ðình Hậu Nghĩa sẽ lại có một cuộc họp mặt cuối năm tại nhà hàng Paracel Seafood trên đường Brookhurst, Westminster.

Theo ông Bùi Văn Ngô, phụ trách liên lạc của Gia Ðình Hậu Nghĩa, thì đây là lần thứ 15 gặp gỡ hàng năm đồng thời cũng là buổi ra mắt Ðặc San Hậu Nghĩa, một công trình mà Gia Ðình Hậu Nghĩa luôn chọn làm sinh hoạt chính trong hoạt động của Hội.

dacsan haunghiaMột số Ðặc San Hậu Nghĩa, Xuân Ðinh Hợi 2007, Xuân Mậu Tý 2008 và Xuân Canh Dần 2010. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Vẫn theo ông Bùi Văn Ngô, Gia Ðình Hậu Nghĩa nay “bắt được liên lạc với anh chị em Hậu Nghĩa được hơn 1000 hội viên, chính thức liên lạc được hơn 800 người và vẫn còn tiếp tục do sự giới thiệu của anh chị em trong Gia Ðình.”

Ông Bùi Văn Ngô cũng cho biết rõ, Gia Ðình Hậu Nghĩa gồm nhiều thành phần. Ðầu tiên là những người sanh trưởng ở Hậu Nghĩa, kế là những người đến phục vụ tại Hậu Nghĩa trong các cơ quan hành chánh và đặc biệt là các đơn vị quân đội trú đóng tại đây, và sau chót là thân hữu, “dâu, rể” Hậu Nghĩa.

Kể về những thành phần này, ông Bù Văn Ngô cho biết, vì Hậu Nghĩa nằm giữa các tỉnh và kế bên Cambodia nên tình trạng vượt biên cho người Hậu Nghĩa rất khó khăn. Ông nói: “Số người chúng tôi liên lạc được xuất xứ từ vượt biên không nhiều mà đa số là anh chị em quân cán chính VNCH đi theo các diện H.O., bảo lãnh...”

Theo tác giả Ðặng Tử Anh, viết trong Ðặc San Hậu Nghĩa Xuân Canh Dần 2010, “vì tình hình an ninh chính trị và với lý do vị trí địa dư đặc biệt, quận Củ Chi tỉnh Bình Dương, quận Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh, quận Ðức Hòa tỉnh Long An bị tách rời đơn vị gốc, sáp nhập vào nhau lập thành một tỉnh mới là tỉnh Hậu Nghĩa (1963-1975). Tỉnh lỵ đặt tại Khiêm Cương (Bầu Trai). Ðây là một tỉnh nông nghiệp, ruộng sâu, lúa tốt và nhiều nông sản như mía, thơm, đậu phọng, thuốc lá, củ cải, dưa cà... Làng mạc thì rất rộng, nhà cửa thường có lũy tre xanh bao bọc. Hoa cau hoa bưởi thơm ngát bốn mùa. Dân tình hiếu khách, hiền lành.”

Như chúng ta đã biết, các đơn vị của Sư Ðoàn 25 QLVNCH đóng tại Hậu Nghĩa. Hậu Nghĩa bị Cộng Sản chọn làm mật khu địa đạo Củ Chi để nối với khu Tam Giác Sắt về phía Ðông Bắc Hậu Nghĩa. Hậu Nghĩa còn có một địa danh nổi tiếng, “Tha La Xóm Ðạo,” từng bị cộng sản về phá hoại đốt phá nhiều lần nên xóm đạo Tha La đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam qua một bản nhạc nổi tiếng trước 1975 - bài hát “Tha La Xóm Ðạo.”

Hậu Nghĩa có vị trí nằm giữa phi trường Tân Sơn Nhất về phía Ðông và biên giới với Cambodia về phía Tây, có Quốc Lộ 1 chạy qua tỉnh nối Saigon với Nam Vang. Chính vì vị trí như thế, Hậu Nghĩa có những nét đặc thù mà người từng sống tại Hậu Nghĩa khó thể quên được. Ðó là chiến tranh Việt Nam với sự phá hoại khủng bố liên tục của CSVN và những hy sinh lớn lao của Quân Cán Chính VNCH nhằm bảo vệ sự an vui êm ấm của người dân.

Chính vì điểm này mà Gia Ðình Hậu Nghĩa, một tổ chức ái hữu đồng hương của người Việt hải ngoại có những nét riêng biệt mà ít hội đồng hương khác có. Ðó là chủ trương của Gia Ðình Hậu Nghĩa qua Ðặc San Hậu Nghĩa hàng năm. Chủ trương đó là “Ðặc San hậu Nghĩa là nhịp cầu liên kết tình cảm giữa những đồng hương đã được sinh ra và lớn lên tại tỉnh nhà, giữa những Chiến Hữu Quân Cán Chính đã từng phục vụ, chiến đấu, hy sinh xương máu cho sự an bình, ấm no cho người dân tỉnh Hậu Nghĩa và những Thân hữu có lòng thương mến Gia Ðình Hậu Nghĩa hải ngoại từ bao năm nay.”

Chủ trương này đã được cụ thể hóa qua những trang báo được gọi là “Ðài Tưởng Niệm Các Tử Sĩ Quân Cán Chính tỉnh Hậu Nghĩa.” Những trang báo này mỗi năm một nhiều hơn do sự bổ túc của các thành viên trong Gia Ðình Hậu Nghĩa khắp nơi.

Hiện nay các đặc san Hậu Nghĩa đều có trang “Tưởng Niệm Tử Sĩ Quân Cán Chính Hậu Nghĩa đã hy sinh từ ngày thành lập tỉnh,” trang “Tưởng Niệm Tử Sĩ Quân Cán Chính Hậu Nghĩa đã hy sinh ngay trước, trong và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975,” trang “Quân Nhân Tử Chiến tại cầu Trưởng Chừa/Trảng Bàng ngày 30 tháng 4 năm 1975,” trang “Quân Nhân hậu Nghĩa Chết Trong Trại Tù Cộng Sản,” Trang “Tử Nạn Trên Ðường Vượt Biên Tìm Tự Do.”

Gia Ðình Hậu Nghĩa cũng luôn nhắc đến những Quả Phụ Tử Sĩ và Phế Binh VNCH đang phải chịu những bất công của chế độ CS và phải sống một cuộc sống khó khăn thiếu thốn. Nên Gia Ðình Hậu Nghĩa đã thiết lập “Quỹ Tương Trợ Quả Phụ và Phế Binh Hậu Nghĩa” được các thành viên trong gia đình Hậu Nghĩa đóng góp tích cực từ nhiều năm nay để gửi về giúp đỡ bà con.

Về những Ðặc San Hậu Nghĩa hàng năm, người đọc phải công nhận là một đặc san giá trị, giá trị về những tài liệu trong nhiều lãnh vực, giá trị về những đóng góp tâm tình của người Hậu Nghĩa mang nặng ơn nghĩa với những người đã hy sinh vì sự an nguy của tỉnh Hậu Nghĩa.

Có thể nói, mỗi Ðặc San Hậu Nghĩa là một tác phẩm văn học phong phú được sự đóng góp của hàng chục cây viết đã có bút danh như Mai Thanh Truyết, Nguyễn Lộc Thọ, Tôn Thất Soạn, Bùi Ðắc Danh, Bùi Văn Ngô, Trúc Ðào, Vũ Bắc...

Theo ông Bùi Văn Ngô thì trong cuộc họp mặt cuối năm này, Ðặc San năm nay của Gia Ðình Hậu Nghĩa sẽ ra mắt bà con trong gia đình, phẩm và lượng vẫn được ban Biên tập giữ vững như chủ trương đã đề ra. Quý độc giả cần liên lạc với Gia Ðình Hậu Nghĩa có thể gọi (714) 983-8717 hay (949) 422-6528.