main billboard

Nhưng nếu muốn dịch cho êm tai một chút thì mình cứ gọi “Ðộc Cầm Sĩ Band,” như danh xưng của những nhân vật chơi đàn trong những bộ phim “chưởng” của Trung Hoa hay những nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung!


WESTMINSTER, California (NV) - Ba chữ “One Man Band” thật khó dịch ra tiếng Việt để nghe được suôn sẻ! Nếu đúng theo nghĩa từ đó, có thể gọi là “Một người đàn ông trong ban nhạc” hoặc “Ban nhạc một người đàn ông” hay “Ban nhạc một nhạc sĩ”... Nhưng nếu muốn dịch cho êm tai một chút thì mình cứ gọi “Ðộc Cầm Sĩ Band,” như danh xưng của những nhân vật chơi đàn trong những bộ phim “chưởng” của Trung Hoa hay những nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung!

Tại Little Saigon, phong trào “One Man Band” được bắt đầu từ năm 1984. Lúc này ít có nhạc sĩ biết đánh đàn keyboard, một nhạc cụ mà những “Ðộc Cầm Sĩ Band” cần dùng để một mình có thể chơi như nguyên dàn âm thanh có đủ nhạc cụ và hợp âm để ca sĩ có hứng thú khi hát cũng như đang có một “full band” đánh nhạc cho mình hát vậy.

Khoảng năm năm sau, từ khi xuất hiện vài “Ðộc Cầm Sĩ Band,” Little Saigon xuất hiện thêm nhiều quán cà phê hát cho nhau nghe, rồi đến những quán nhậu, những nhà hàng sang trọng cũng thế, dĩ nhiên là các tụ điểm này cần phải có một người chơi nhạc, như một ban nhạc.

Hiện nay, Little Saigon có trên 20 “Ðộc Cầm Sĩ Band” từng đêm đi chơi nhạc cho những quán nhậu, nhà hàng... phục vụ cho những người suốt cả ngày làm việc, khi về nhà, tối vào những nơi này uống vài chai bia và nghe những ca sĩ (nghiệp dư) hát, hoặc những người khách có giọng hát tốt hát cho mình nghe hay chính mình lên hát thì có gì thú bằng.

Cuộc sống của “Ðộc Cầm Sĩ Band” tại Little Saigon trông có vẻ như một nghệ sĩ âm thầm vì ít có trung tâm nhạc, hoặc truyền thông nào nhắc đến tên của họ, nhưng vì yêu thích nghề nghiệp nên họ vẫn chấp nhận sống bằng kiếp “nghệ sĩ âm thầm,” tuổi đời càng ngày càng chồng chất mà danh của họ thì ít có người biết đến!

Họ là những nghệ sĩ có tuổi nghề mà không có danh.

Có nhiều người từng tập dượt cho những ca sĩ mới vào nghề, vì trong môi trường làm việc của họ thường xuất hiện những tiếng hát mới mà chàng nhạc sĩ âm thầm này đã “sưu tầm” được. Họ xem những ca sĩ có chất giọng tốt như “gà nghệ thuật” của mình, rồi bỏ công tập luyện để cho “gà” của mình một ngày nào đó trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Họ rất vui mừng khi tiếng hát của ca sĩ đó được thành danh, được vào hát cho những trung tâm nhạc hoặc những chương trình lớn. Khi thành danh, có những ca sĩ cũng nhớ đến ơn thầy. Nhưng, rồi cũng có những ca sĩ vì danh vọng, vì tiếng tăm, quên đi người thầy cũ! Có nhiều khi người học trò của mình cũng chính là người yêu của “Ðộc Cầm Sĩ Band,” nhưng cuối cùng, những chàng nhạc sĩ âm thầm này vẫn còn cô độc, và người bạn đời thân cận nhất vẫn là cây đàn keyboard Yamaha, là trung thành với họ mà thôi.

Cũng có nhiều “Ðộc Cầm Sĩ Band” đang sống trong một mái ấm gia đình, nhưng đời sống cũng phải tần tảo để ban ngày đi làm công việc tại sở và mỗi tối hoặc cuối tuần đi chơi nhạc cho những buổi họp mặt, tiệc cưới, phòng trà ca nhạc... mới đủ nuôi gia đình.

Cũng có người tuổi gần 70, nhưng vì yêu thích nghề nghiệp của mình, họ vẫn nhận những show lẻ tẻ, hoặc đánh thường xuyên cho một tụ điểm hát cho nhau nghe nào đó. Và đôi khi, chính người đầu ấp tay gối lâu dài với nhạc sĩ, hoặc một ca sĩ có tuổi, đi theo để phụ giúp họ.

Minh Tân là một trong những “Ðộc Cầm Sĩ Band” đầu tiên ở Little Saigon. Anh có một kiến thức về âm nhạc rất vững và từng viết nhiều sách để dạy đàn và hát. Anh cũng tạo ra phong trào hát karaoke đầu tiên tại Little Saigon, vì chính anh đã xuất bản băng cassette đầu tiên để cho hát karaoke U-Sing Along trước khi có đĩa layer disc.

onemanband minhtanNhạc sĩ Minh Tân, một trong những “Ðộc Cầm Sĩ Band” đầu tiên ở Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Lúc còn ở Việt Nam, khoảng năm 1976-1978, anh tham gia vào ban nhạc của nhạc sĩ Trần Trịnh, đi lưu diễn chung với đoàn ca nhạc Cửu Long gồm có các nhạc sĩ Sầm Sơn (trống), Sáu Trumpet, Minh Tân (organ), Trần Trịnh (piano), Quang Kèn. Trong thời gian này, Minh Tân được Trần Trịnh dạy nhạc lý và chơi piano. Có thể nói, cố nhạc sĩ Trần Trịnh chỉ có một người học trò duy nhất đó là nhạc sĩ Minh Tân.

Ðến năm 1978, Minh Tân tham gia vào đoàn cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng-Minh Tơ, làm chung với Ðức Lợi và nghệ sĩ Ngọc Ðáng.

Năm 1979, vượt biên và định cư tại Las Vegas năm 1980. Ðến năm 1984, sang định cư tại Nam California và làm trong ban nhạc đầu tiên của ông Khánh.

Cũng năm đó, nhạc sĩ Minh Tân bắt đầu trở thành “Ðộc Cầm Sĩ Band” tại vũ trường Rex của ông Hấu. Một năm sau, anh chơi cho quán cà phê Hạ Trắng.

Năm 1986, Minh Tân về chơi cho nhạc sĩ Ðặng Nho ở quán cà phê Nguyệt Cầm. Khi quán được sang lại cho ca sĩ Thiên Hương và được đổi tên thành Tao Nhân, anh vẫn tiếp tục làm “Ðộc Cầm Sĩ Band” ở đó thêm 10 năm nữa.

Trong lúc làm cho các quán cà phê, nhạc sĩ Minh Tân vẫn đi chơi nhạc cho rất nhiều show ở Nam California và các tiểu bang khác. Có lúc anh chơi chung với ban nhạc Saigon By Night, gồm có Lê Quang Anh (saxophone, trumpet), Ngô Thanh Hùng (saxophone), Trung Thành (guitar), Thanh Diệu (trumpet), Ngọc Bích (bass, accodion), Huỳnh Kim Sơn (trống). Ðây là ban nhạc nổi tiếng nhất trong thời đó tại Little Saigon.

Sau gần 40 năm hoạt động, nhạc sĩ này vẫn chưa ngừng nghỉ, mà bây giờ có phòng thu tại nhà, dạy đàn, dạy hát, và thỉnh thoảng cũng tổ chức những show nhạc.

Anh cũng cho ra đời một số sách về âm nhạc, như Sách Dạy Dương Cầm (10 cuốn), Sách Dạy Nghệ Thuật Ca Hát, Sách Dạy Kỹ Thuật Guitar, Sách Dạy Những Ðiệu Hát karaoke, và Tuyển Tập Tình Ca (40 cuốn).

“Ðộc Cầm Sĩ Band” Hoài Khanh vào nghề đàn đã lâu, nay ngoài 60 tuổi, nhưng trông còn trẻ trung và đường nét nghệ nhân vẫn còn đầy trên gương mặt. Tánh tình của ông điềm đạm, tướng mạo phong trần và ít nói.

Từ năm 1959, bắt đầu học guitar với nhạc sĩ Châu Nhi. Năm 1963, Hoài Khanh chơi trong ban nhạc Les Demi Sels ở Sài Gòn.

onemanband hoaikhanhNhạc sĩ Hoài Khanh, tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn khi nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi làm hiệu trưởng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trước khi học guitar, anh đã có sẵn giọng hát rất tốt, và có hát cho nhiều đám tiệc, với tính cách vui chơi , chớ không nhận thù lao.

Nên khi vào ban nhạc Les Demi Sels, Hoài Khanh có dịp trổ tài của mình, vừa đàn, vừa hát, và dần dần được nhiều người ái mộ. Cũng trong năm 1963, Hoài Khanh bắt đầu đi hát cho ban nhạc Hải Sơn của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi ở đài phát thanh Sài Gòn.

Lúc này anh mới có ý là sẽ chọn con đường âm nhạc của mình, nên xin vào học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, mà nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi đang là hiệu trưởng.

Thế nhưng, khi giấc mơ chưa thành, Hoài Khanh được lệnh động viên để làm tròn nhiệm vụ của người trai trong thời lửa binh. Năm 1966, anh nhập Khóa 24 SVSQ Trừ Bị Thủ Ðức.

Ðến năm 1969, Hoài Khanh về phục vụ cho đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị VNCH. Cũng trong thời gian này, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi giới thiệu anh hát cho phòng trà Ðêm Màu Hồng ở đại lộ Nguyện Huệ, Sài Gòn.

Năm 1990, anh định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO2 và bắt đầu học piano tại trường Santa Ana College.

Sau một thời gian dài đi học piano, tự nhiên anh cảm thấy chán, và chuyển sang chơi keyboard, bắt đầu cuộc đời “Ðộc Cầm Sĩ Band” tại nhà hàng Ðà Lạt Bistro ở Fountain Valley, rồi sau đó là ở nhiều chỗ khác tại Little Saigon.

Hiện nay, ngoài công việc của một “Ðộc Cầm Sĩ Band,” nhạc sĩ Hoài Khanh còn tập hát, lấy giọng, và lấy nhịp cho một số ca sĩ tại Little Saigon.

“Ðộc Cầm Sĩ Band” Duy Nhật sang Mỹ cách đây hơn chín năm.

Khi còn ở Việt Nam, anh học nhạc viện Sài Gòn chung với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, và tốt nghiệp đại học năm 1993, nhưng thị trường lúc đó không có đủ “đất” cho anh “dụng võ,” nên anh làm thêm nghề buôn bán.

onemanband duynhatNhạc sĩ Duy Nhật, tốt nghiệp nhạc viện Sài Gòn, nhưng làm nghề buôn bán, rồi bảo vệ, và vô tình được chơi nhạc trở lại. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Dù vậy, Duy Nhật cũng có dịp chơi nhạc với các nhạc sĩ chuyên nghiệp như Lý Hữu, Quang trống, và Ngọc Lễ, trong ban Ðen Trắng ngày xưa, và chơi nhạc cho một số nhà hàng và tiệc cưới ở Sài Gòn.

Nhạc sĩ Duy Nhật nói: “Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và tôi cùng ra trường một lúc. Khi đĩa nhạc 'Bạn Tôi' của Võ Thiện Thanh phát hành, tôi cũng có phụ vốn với anh để cho đĩa nhạc này được xuất bản. Lúc đó cả hai chúng tôi nghèo lắm. Thỉnh thoảng tôi và Thanh cùng chơi nhạc cho nhà hàng và đám cưới, nhưng giá chỉ có 30,000 đồng/lần.”

Năm 2005, anh cùng vợ và hai con xuất cảnh đoàn tụ gia đình, định cư tại Little Saigon.

Khi mới đến, Duy Nhật không quen biết ai trong giới ca nhạc. Thế là anh làm nghề bảo vệ (security), rồi lái taxi, giao đậu hũ cho các lò đậu hũ trong vùng.

Một năm sau, trong lúc làm bảo vệ cho một tiệc cưới, nghe được tiếng nhạc từ một keyboard phát ra, anh cảm thấy “ngứa” nghề quá.

Thế là anh hỏi “Ðộc Cầm Sĩ Band” của buổi tiệc là thù lao một lần bao nhiêu, và được biết là $120.

Về nhà, anh cảm thấy “ngứa” hơn nữa, nhất là biết mình có thể chơi hay hơn “Ðộc Cầm Sĩ Band” kia. Thế là anh gom góp tiền, mua một keyboard Yamaha PSR 3000 giá khoảng $1,500. Sau đó, anh được một người bạn giới thiệu, và trở thành “Ðộc Cầm Sĩ Band” cho quán OK, tức quán Tabu cũ.

Hiện nay, nhạc sĩ Duy Nhật còn làm thêm nghề chuyển âm phim bộ cho hãng chuyển âm V. Dubbing.

Anh kể: “Tôi có được việc này là nhờ khi chơi nhạc cho các show, gặp ca sĩ Hoàng Dũng, quản lý của phòng chuyển âm phim, hồi năm ngoái. Lúc đó, phòng chuyển âm có người nghỉ, anh mời tôi đến thử giọng, thế là tôi làm từ đó đến nay.”

Hiện nay, ban ngày nhạc sĩ Duy Nhật làm chuyển âm và edit phim, ban tối chơi nhạc cho lớp nhảy đầm của hai vũ sư Ðỗ Ðình Thi Thi và Quốc Dương.