main billboard

Có nhiều phương cách đấu tranh khác nhau. Riêng chúng tôi là những người sinh hoạt trên mạng lưới Internet. Chúng tôi dùng internet để phá tan màng lưới bưng bít thông tin của đảng CSVN. (- GS. Nguyễn Đình Minh Quốc)


lienket danchu 1Các diễn giả tại Buổi Hội Luận do Phong Trào Liên Kết Dân Chủ tổ chức tại Houston tháng 10/2013 (Photo by Hiền Vy/RFA)

Phong Trào Liên Kết Dân Chủ đã tổ chức một Buổi Hội Luận tại Houston, trong kỳ họp mặt của PTLKDC vào cuối tuần 18/19/20 tháng Mười năm 2013.

Buổi Hội Luận chia làm hai phần. Phần đầu có chín diễn giả nói chuyện. Phần thứ hai có những người trẻ trong nước tham dự qua hệ thống Paltalk, trong đó có Nguyễn Phương Uyên.

Giáo sư Nguyễn Đình Minh Quốc, thay mặt ban tổ chức, chào mừng quan khách và chia sẻ lý do có kỳ họp mặt năm nay là "phát huy tình thân hữu, tạo niềm thông cảm, tình đoàn kết giữa anh chị em sinh hoạt trên mạng lưới internet", cũng như mục đích và việc làm của Phong Trào Liên Kết Dân Chủ:

"Có nhiều phương cách đấu tranh khác nhau. Riêng chúng tôi là những người sinh hoạt trên mạng lưới Internet. Chúng tôi dùng internet để phá tan màng lưới bưng bít thông tin của đảng CSVN, đó là vấn đề ưu tiên nhất của chúng tôi. Chúng tôi chuyển tải tin tức từ trong nước ra hải ngoại. Chúng tôi chỉ cho anh chị em phương cách vượt tường lửa những trang web mà nhà nước Việt Nam ngăn chận,..."

    Có nhiều phương cách đấu tranh khác nhau. Riêng chúng tôi là những người sinh hoạt trên mạng lưới Internet. Chúng tôi dùng internet để phá tan màng lưới bưng bít thông tin của đảng CSVN. (    - GS. Nguyễn Đình Minh Quốc)

Một trong các diễn giả của buổi hội luận là GS Nguyễn Chính Kết, cho rằng công cuộc tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân Quyền tại Việt Nam còn thiếu sự liên kết chặt chẽ:

"Điều quan trọng nhất để chiến thắng trong cuộc đấu tranh này chính là sức mạnh. Và dường như tất cả các cuộc chiến thắng trên thế giới này đều dựa trên sức mạnh. Thế thì, sức mạnh của cộng sản nằm ở đâu? Nó nằm ở trong đầu súng, ở trong vũ khí. Thế còn chúng ta, những người đấu tranh bất bạo động, thì sức mạnh của chúng ta nằm ở đâu? Đương nhiên là nó nằm trong vấn đề chính nghĩa, hay là trong nhiều yếu tố khác. Nhưng cái mà hiện giờ tôi cảm thấy chúng ta thiếu nhất chính là sự liên kết,chính là sự đoàn kết."

Một diễn giả khác là Linh mục Bác sĩ Phạm Hữu Tâm nhận xét rằng, nhờ sống trong thời đại toàn cầu hóa mà tin tức không còn bị giới hạn:

"Có lẽ người dân Việt Nam đã bớt đi phần nào, hay không còn sợ hãi chế độ cộng sản nữa, là bởi chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Tin tức không còn bị bưng bít ở Việt Nam mà được phát tán đi khắp Việt Nam và trên toàn thế giới, để mọi người có tấm lòng, có thể hòa nhịp vào phong trào đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo cho quê hương. Và sự toàn cầu hóa này có thể thực hiện được là nhờ có những tấm lòng trẻ yêu nước, với trình độ tinh học, kỹ thuật cao, như các anh chị em bạn trẻ ở đây...

Bản thân tôi, với tính cách là chủ tịch Ủy Ban Công Lý Hòa Bình, thuộc giáo phận Galveston, Houston, thì tôi luôn luôn khuyến khích và nhắc nhở những anh chị em công giáo về trách nhiệm liên đới xã hội, về trách nhiệm lên tiếng cho công lý và sự thật, lên tiếng bênh vực cho những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người bị đàn áp bất công. Những anh chị em công giáo chúng tôi, sống niềm tin không chỉ đóng kín trong khuôn viên nhà thờ, nhưng chúng tôi cũng phải bước tiếp vào trách nhiệm xã hội, đặc biệt là cho quê hương Việt Nam. Trong thời điểm này, một trong những trách nhiệm liên đới xã hội là lên tiếng về sự bạo tàn, dối trá, gian ác và bất công của chế độ cộng sản Việt Nam."

lienket danchu 2Những người tham dự buổi hội luận chụp hình tại tượng đài. RFA photo

Bà Huỳnh Thu Lan đến từ Michigan chia sẻ cảm tưởng của mình trước sự can đảm của người Việt trong nước:

    Nếu bị đi tù vì lòng yêu nước, đi tù vì tinh thần dân tộc, thì không có gì đáng sợ cả. Nhà tù là một cái xã hội nhỏ, để cho chúng ta trưởng thành hơn..." (    - Nguyễn Phương Uyên)

"Trước sự can đảm, vùng lên để đòi quyền sống, quyền làm người, của đồng bào tại quốc nội và quan trọng hơn nữa là trước nguy cơ đất nước bị giặc tàu xâm chiếm, chúng ta, người Việt Nam ở hải ngoại, há dễ làm ngơ? Sự hiện diện của anh chị em, của quí vị, ngày hôm nay nói lên lòng quyết tâm dấn thân, và sẵn sàng cùng chung lưng đấu cật với đồng bào tại quê nhà để cùng nhau đấu tranh, dành lại quyền làm người và thiết lập một chính thể tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam trong tương lai."

Còn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng khẳng định rằng người Việt hải ngoại đóng một vai trò quan trọng trọng việc tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho quê Mẹ Việt Nam:

"Cần phải cùng một lúc xây dựng ba yếu tố. Nếu đạt được, thì chúng ta sẽ bắt đầu thấy nhen nhúm con đường dân chủ cho đất nước Việt Nam như ở Miến Điện. Thứ nhất là người dân hết sợ và có bản lãnh, phải biết cách tự bảo vệ cho quyền lợi của mình. Thứ hai là có một đội ngũ tiên phong, có tài, có đức, có uy tín trên thế giới, và được tin tưởng ở trong lòng dân. Thứ ba là có những tổ chức hoạt động hữu hiệu, là phương tiện cho những nhà tranh đấu, cũng như là cái vòng đai bảo vệ cho họ. Khi đạt được ba yếu tố đó, đó là ba yếu tố căn bản, để tạo nên xã hội dân sự, hoặc là xã hội công dân. Rất cần thiết! Phải có xã hội công dân vững chãi thì mới cân bằng được ảnh hưởng của chế độ, mà bất kỳ thời nào, bất kỳ nơi nào trên thế gian này, phải đào tạo được ba điều ấy.

    Có lẽ người dân Việt Nam đã bớt đi phần nào, hay không còn sợ hãi chế độ cộng sản nữa, là bởi chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. (    - Bác sĩ Phạm Hữu Tâm)

Khi người dân ở trong lòng đất nước hãy còn bị kiệt quệ như một con bệnh lâu năm trầm kha, chưa ngóc đầu đứng dậy lên được, thì chúng ta ở hải ngoại phải là chất xúc tác đầu tiên. Chúng ta phải đóng vai trò chủ lực. Đó là nhiệm vụ lịch sử của mình. Không thể trốn chạy bằng cách nói là "Tôi chỉ yểm trợ mà thôi." Chúng ta phải kích hoạt chuyến xe lịch sử đi về đúng hướng, để rồi người dân trong nước, bắt đầu ngồi dậy được, húp tí cháo, đứng trên đôi chân của mình để rồi bắt đầu lúc đó mới vươn tay ra để dành lại cái quyền của dân tộc, cái vận mạng của chính mình. Nhiệm vụ trong lúc này, từ 3 đến 5 năm nữa là của chúng ta. Không thể chối bỏ. "

Ngoài sự hiện diện của đồng hương tại tiểu bang Texas, buổi hội luận còn có rất nhiều người đến từ các tiểu bang khác của Hoa Kỳ, cũng như từ nhiều quốc gia trên thế giới như Hòa Lan, Đức, Na Uy, Úc ...  Từ Việt Nam, qua hệ thống Paltalk, Nguyễn Phương Uyên tâm sự cùng cử tọa hiện diện trong buổi họp mặt:

" Nếu bị đi tù vì lòng yêu nước, đi tù vì tinh thần dân tộc, thì không có gì đáng sợ cả. Nhà tù là một cái xã hội nhỏ, để cho chúng ta trưởng thành hơn..."

Trước sự can trường của Phương Uyên và những nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, Cô Thu Sương đến từ Pháp, chia sẻ những suy tư của mình với giới trẻ hải ngoại cũng như giới trẻ trong nước:

"Những việc mà Thu Sương nghĩ là các bạn (tại hải ngoại) có thể làm được là những công việc mang tính cách vận động quốc tế. Và Thu Sương nghĩ là các bạn sẽ có đầy đủ sự khôn ngoan và trí tuệ để hiệp thông với tuổi trẻ quốc nội. Riêng các bạn trẻ trong nước, Thu Sương xin cầu chúc các bạn được chân cứng đá mềm. Các bạn phải vững tâm hơn, vượt qua sự sợ hãi như các em Phương Uyên, Nguyên Kha, Đỗ thị Minh Hạnh và nhiều em khác nữa... đã cất lên tiếng nói và đã phải chịu rất nhiều năm tù tội. Các bạn nhìn qua những hình ảnh đó, những biểu tượng đó, để cố gắng đứng vững hơn và dẹp bỏ sự sợ hãi để đấu tranh..."