main billboard

Ðêm thơ nhạc của những thân hữu Viện Việt Học đã đạt được mục đích là tạo ra được một sân chơi chung ở đó ai cũng là người trình diễn, ai cũng là khách thưởng ngoạn, không câu nệ, làm dáng nghệ sĩ khinh bạc, không có quan khách tham dự nên cũng chẳng có diễn văn, diễn từ.


WESTMINSTER, California (NV) - Chiều tối hôm Thứ Bảy, 31 Tháng Tám, tại Viện Việt Học, Westminster, anh chị em thân hữu của viện lại tổ chức một đêm thơ nhạc để tạo một không gian văn nghệ thính phòng cho những ai yêu thích một không khí êm đềm thoải mái nghe lại những dòng nhạc xưa từng gắn liền với tuổi trẻ của mình.

demthonhac 1Quang cảnh khách tham dự đêm thơ nhạc tại Viện Việt Học. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ðiều càng vui thích hơn là nhóm những người đứng ra thay phiên nhau tổ chức lại phần lớn là những anh chị em trong lớp tuổi chỉ trên dưới bốn mươi, năm mươi. Lớp tuổi này vào thời gian những ca khúc mà anh chị em đón nhận khách tham dự lên trình diễn, thì cả người tổ chức lẫn người trình bày lúc ấy cũng còn bé lắm. Nhưng...

Cô Thạch Thảo, một thành viên trong nhóm tổ chức, lại cho biết: “Từ khi chúng em còn nhỏ, đã được quen với những khúc ca này. Nó đến từ radio mà thường ở nhà vặn nghe suốt ngày. Nó đến từ các trung tâm băng nhạc Phạm Mạnh Cương, Nhật Trường Trần Thiện Thanh trong các thương xá mà chiều cuối tuần nào chúng em cũng lượn đi lượn lại đến mỏi cả chân. Nó cũng đến từ những ông anh bà chị hay có khi cả mẹ đang nấu cơm trong bếp, cứ thỉnh thoảng lại vang lên những câu ca mà mọi người thích thú. Kết lại thì nó đã như một phần đời tuổi trẻ của lớp tuổi chúng em.”

Thạch Thảo cũng cho biết: “Nhóm chúng em có khoảng dăm bảy người, thường xuyên là Lanthy, Thạch Thảo, Thế Khải, Thiên Kim, Thu Vân, Kim Phượng và vợ chồng Anh Minh-Duyên Anh, cứ thay nhau mỗi tháng có một người chịu trách nhiệm liên lạc với viện mượn chỗ, tìm ban nhạc và đạt thư, thông báo để mọi người biết, đến tham dự. Ðã như một qui định bất thành văn là chương trình thơ nhạc được 'thả nổi' nghĩa là chương trình chỉ được thiết lập trước giờ khai mạc khi khách tham dự ghi tên lên trình bày ca hát hay diễn ngâm những bài thơ bài nhạc mà mình thích hay có khi mình mới sáng tác. Mới đầu thì cũng hơi loạc choạc nhưng nay qua nhiều buổi tổ chúc thì đã thành nếp cho cả người đứng tổ chức lẫn người đến tham dự.”

Quả như lời Thạch Thảo cho biết, không khí trong đêm thơ nhạc này đã được ban tổ chức tạo ra khá thơ mộng. Ánh sáng vừa phải để nhận được mặt nhau. Cả thính phòng chỉ sắp có chưa đầy hai chục bàn, mỗi bàn là bốn hoặc sáu ghế cùng xếp hướng lên sân khấu. Trên mỗi bàn là một ngọn nến lung linh mờ ảo mà Duyên Anh đến từng bàn trân trọng thắp lên.

demthonhac thachthaoCô Thạch Thảo, một thành viên trong nhóm tổ chức đêm thơ nhạc. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Số bàn cũng không được xếp ngay hàng thẳng lối mà zic zắc tạo cho người tham dự một không khí thân mật như trong một gia đình... văn nghệ. Nhất là ai nấy đều thấy mình là một thành viên trong đêm trình diễn này vì vừa được Thạch Thảo đến hỏi: “Anh chị trình bày thơ hay nhạc, bài gì, cũ hay mới, của ai hay của chính mình?”

Ðiều khiển chương trình hôm nay là Lanthy. Mở đầu chương trình là Quang Linh với ca khúc “Lời Tình Yêu” trong nhịp điệu Cha Cha Cha. Ban nhạc Quốc Chung, keyboard và Quốc Toản Guitar lead đã rộn rã hòa theo giọng hát đưa mọi khách tham dự vào những bước chân ngày nào tung hoành trên những sàn nhẩy của Arc-en-Ciel, Tour D'Ivoir, Văn Cảnh... Cái nhộn nhịp ở đây không cuồng lũ mà là sự nhộn nhịp êm ái dẫn đưa người vào cuộc chơi “mình ca hát cho nhau nghe, cho nhau nhớ về một thời chinh chiến, cho nhau những cảm xúc êm đềm khi hồi tưởng và nhất là cho nhau những phút được hòa đồng với nhau vào một thú vui tinh thần sau những giờ phút cuồng quay theo nhịp sống thời điện tử.”

Kế tiếp Quang Linh là Bích Vân. Bích Vân kể chuyện qua ca khúc mà những người đang có tâm trạng nhớ về một nơi chốn thân yêu phải giã từ “Tôi đi giữa Paris mà nhớ về Sài Gòn... Nắng Sài Gòn sao mà dịu mát trong tim...” Cứ thế những tiếng hát dù không điêu luyện nhưng cũng khá là cuốn hút người nghe. Cuốn hút vì những tâm tình đang trải ra với nhau. Cuốn hút vì cái nhớ nhung của tôi cũng là cái nhớ nhung của những người đang ngồi đó chung quanh một chiếc bàn được ban tổ chức thắp lên một ngọn nến lung linh. Rồi tiếng hát Nhã Ðoàn với “Tạ Từ” và “Con Tim Ðã Vui Trở Lại.”

Rồi Kim Lan thả hồn theo những vần thơ đang ngâm bỗng khựng lại vì lời thơ bỗng ra khỏi trí nhớ, đành lui cui tìm trên giá nhạc bài thơ mình đã viết nhưng xúc động đã làm mình quên. Chẳng có ai phiền muộn gì mà còn cười vui như khích lệ tiếng thơ tiếp tục.

Ðêm thơ nhạc của những thân hữu Viện Việt Học đã đạt được mục đích là tạo ra được một sân chơi chung ở đó ai cũng là người trình diễn, ai cũng là khách thưởng ngoạn, không câu nệ, làm dáng nghệ sĩ khinh bạc, không có quan khách tham dự nên cũng chẳng có diễn văn, diễn từ. Chỉ có một “Tiếng Lòng” đang dàn trải ra với nhau qua lời ca, tiếng hát, những tâm tình muốn được chia sớt cho nhau trong những ngày tha hương thường hằng nhớ về quê cũ.