main billboard

“Mình làm bếp, nấu cơm cho một đội là hai trăm người ăn.  Đâu có đồ ăn, chỉ có cơm trắng, cá chiên với nước mắm. Mình phải mua ớt tỏi về làm, mà phải làm sao cho thiệt ngon. Cơm chan nước mắm ăn mà. Nên mình học được cái bí quyết.”

Kỳ 2: Đằng sau “may mắn”

IRWINDALE (NV)- Người “triệu phú tương ớt” dùng hai chữ “may mắn” để tóm gọn về hành trình xây dựng cơ nghiệp trị giá hàng chục triệu đô. Chia sẻ về những “dịp may”, ông Trần Đức kể về quãng thời gian trồng ớt ở Sài Gòn, lợi ích không ngờ của ba tháng đi biệt động quân VNCH, việc khai thuế và lần đầu tiên đi mượn ngân hàng ở Mỹ…

tuongot conga tranduc 5Ông Trần Đức, "triệu phú tương ớt", với chiếc bao điện thoại có biểu tượng con gà ông tình cờ mua trên mạng. (Hình: Thiên An/Người Việt)

“Tùy đánh giá của từng người thôi, người thì nói tui thành đạt, người khác bảo là tui ngu, cù lần.” Ông Đức cười, nói. Riêng ông tự nhận mình là nhờ số may.“Dễ mà, mình làm có ba loại ớt. Vậy thôi.”

Ông không  nhắc đến những ngày đầu múc từng muỗng ớt cho vào chai, lái xe đi giao từng khách hàng, là khổ cực, hy sinh. Ông không than phiền về quãng thời gian ba mươi ba năm ròng làm việc bảy ngày mỗi tuần, không một kỳ nghỉ mát. Ông không coi những lần bỏ qua cơ hội làm giàu là thất bại.

Ngược lại, với ông, công việc là đam mê, thành công là tự đến.

Công ty Huy Fong Foods là “vợ bé” của ông Đức. Ông dành thời gian thiết kế máy móc mới, kiểm tra hệ thống kỹ thuật hiện hành, thăm ruộng ớt, coi lại chất lượng sản phẩm trước khi giao hàng. Ông coi bộ phận sản xuất, việc buôn bán, điều hành ông giao lại cho người nhà.

“Trước giờ vẫn vậy, khách hàng tự tìm tới. Miễn sao mình có ớt bán.” Ông Đức nói. Đó là một trong những lý do ông thường xuyên lên mạng xem những ý kiến khách hàng về sản phẩm.

Bỏ qua tất cả lời mời đầu tư vào ngành nghề và thị trường khác, đến mức bị chửi “ngu,” ông Đức vẫn chỉ tập trung vào ba sản phẩm duy nhất của công ty. “Làm sao để có đủ ớt bán, bán rẻ hơn” là điều quan trọng nhất mà nhà “triệu phú tương ớt” dành thời gian suy nghĩ.

Ông Trần Đức cho rằng thành công từ tương ớt đến một cách “dễ dàng”, và ông “không tiếc” các cơ hội làm ăn khác đã đi qua. “Triệu phú được rồi, thêm mấy số không nữa làm gì. Tỉ phú khổ lắm, chết mà chưa xài hết tiền.”

“Ông mãn nguyện với thành quả của mình?” Câu hỏi của phóng viên làm ông trầm lại.

Dừng một chút trước khi trả lời, ông Đức hồi tưởng về quãng thời gian niên thiếu của hai người con.

“Con tôi lớn lên, tôi không dạy dỗ được chúng nó. Tôi quá bận rộn. Bà xã coi, săn sóc tụi nó. Mỗi ngày, mặt trời lên mình đi làm, mặt trời tắt rồi mình mới về nhà. Tôi thành công trong việc làm ra tiền, nhưng tôi thua (lost) trong việc làm người dạy dỗ con cái.”

“Tụi nó lớn lên, có cách nghĩ riêng của tụi nó. Những thanh niên khác bây giờ cũng vậy, có cách nghĩ riêng của nó. Mình ‘cù lần’, tụi nó không theo nữa.”

--
Sau đây là một vài bí quyết kinh doanh mà người triệu phú gốc Hoa chia sẻ với phóng viên, để lý giải phần nào cho các “dịp may” “tình cờ” đến với ông.

“Chất lượng nhà giàu, giá nhà nghèo”

 Ông Đức kể: “Thời Việt Nam mình mới qua, vừa không hợp, vừa không có tiền ăn tương ớt tabasco của Mỹ, chai nhỏ xíu mà mắc lắm. Tương ớt tui làm nhất định phải rẻ để ai cũng có thể mua được.”

Chai tương ớt sriracha của Huy Fong Foods vào năm 1980 có giá $2/chai. Nếu theo tính toán của Bộ Lao Động Hoa Kỳ dựa trên tỉ lệ lạm phát, giá đó giờ phải lên là $5.57/chai. Trên thực tế, giá bán sỉ hiện tại của một chai tương Huy Fong Foods là $1.66/chai. Các đối thủ cạnh tranh khó mà thắng được công ty của ông Trần Đức.

“Ba mươi mấy năm trước mình bán giá này cũng có income rồi. Mình không cần bán giá mắc. Tiền công, cái gì cũng lên. Nếu mình cũng lên giá theo phần trăm, mình chắc billionaire rồi. Nhưng không cần.” Ông Đức nói.

“Mình okay là được rồi, không cần làm billionaire chi, rất khổ. Cha mẹ cũng không để gì cho mình. Mình đâu cần lo phải để thật nhiều cho con cái. Tự nó sống, tự nó làm.”

“Thành thử, mình không cần lên giá. Lên giá chi.”

Đi đầu

Nhắc đến giá cả và các đối thủ cạnh tranh, ông Đức nói không coi các hãng tương ớt khác là “đối thủ.”

“Nếu một chậu bông hoàn toàn là bông đỏ, thì cũng buồn lắm. Phải có bông đỏ, bông vàng, có lá có cành.” Ông nói về thị trường sản xuất tương ớt. “Người ta làm cũng là người ta muốn kiếm cái bữa ăn thôi.”

Ông nói ông có các may mắn hơn các hãng khác là nhờ đúng thời, giúp ông đi đầu trong ngành sản xuất tương ớt.

tuongot conga tranduc 6Ông Trần Đức trên xe cart nhỏ, đi vòng quanh xưởng. (Hình: Thiên An/Người Việt)

“May mắn, rất may mắn. Nhờ năm 1980 mình tới đây người Việt không có bao nhiêu, người Đài Loan đã nhiều. Tương ớt tabasco không ăn hợp với đồ Việt Nam mình. Ớt mình ăn đâu có như tabasco, mình phải ăn với tỏi. Cái thị trường nó cần cái mình có. Nên mình được.”

“Bữa nay, ai mang tiền mấy triệu ra đầu tư cũng không được cái thời. Thị trường đã bị mình chiếm rồi, mình ra quá nhiều rồi. Nó làm rồi nó sẽ bị lỗ. Mình may mắn vì mình là người đi trước.”

Không tham gian

Với một số người khen ông là khôn ngoan trong kinh doanh, ông Trần Đức trả lời: “Đừng ăn hiếp người ta, và cũng đừng để người ta ăn hiếp mình.”

Ông lấy việc mua ớt làm ví dụ. Ông có thuê bao một trang trại trồng ớt. Đây là người duy nhất ông hợp tác. “Nếu mình tham, mình mua nhiều nơi để cho tụi nó cạnh tranh với nhau, bán rẻ cho mình. Nhưng nó không có lời, nó không làm ăn đàng hoàng, thì mình cũng bị ảnh hưởng. Ăn hiếp người ta thì người ta cũng không chịu làm ăn với mình nữa.”

Ông cũng khuyên hãy làm theo đúng luật, đóng thuế, để vừa thanh thản tinh thần, và vừa có những lợi thế khi kinh doanh tại Mỹ. Ông kể về những người khuyên mang tiền đi đầu tư nơi khác, khai thu nhập lại, để khỏi đóng thuế. Đến khi ông vay mượn ngân hàng để mở rộng công ty, ngân hàng từ chối, nói “trồng ớt hả?”, nhưng nhờ vào số tiền thuế ông khai đều đặn mỗi năm, “đủ mua một căn nhà,” thì ngân hàng tin tưởng và cho vay.

“Tui thấy bạn bè tui, những người cũng bắt đầu sự nghiệp giống tui, nhưng không mượn được tiền để phát triển được. Ngân hàng ở đây, mình đâu có mời nó đi ăn được, mà nó nhìn giấy tờ hết. Tiền mặt nếu mang ra nước ngoài đầu tư, đâu tự nhiên đùng một cách xách về xây xưởng được. ”

“Vậy đó, không tham và phải biết nghĩ đến sự giúp đỡ của người khác. Tham, chỉ biết có mình là không thành công đâu.”

 Giữ bí kíp gia truyền

Ít cho báo chí phỏng vấn, không nhận tiền đầu tư của “người ngoài”, tự tay thiết kế trang thiết bị… cũng nhằm mục đích giấu biệt công thức làm ớt của ông Trần Đức.

tuongot conga xuongHình xưởng ớt chụp từ camera. Toàn bộ máy móc do chính ông Trần Đức thiết kế, mướn người gia công. (Hình: Thiên An/Người Việt)

“Báo chí hay hỏi làm thế nào, cứ hỏi, nhưng mình đâu có trả lời được.” Ông Đức nói. “Người ngoài xin hợp tác, nó học được cách làm rồi lại đi mở xưởng cạnh tranh với mình thì sao. Mệt lắm.”

“Mình lập nghiệp cực khổ lắm, từng chút từng chút một. Khuếch trương ra làm là không có bền vững như cách truyền thống gia đình. Mình chỉ làm người nhà với nhau thôi.”

“Ở Mỹ không có thị trường ớt đỏ tươi. Đặc biệt, bí kíp, là ở đây. Mình phải làm sao mà mua ớt đỏ về, biến chế thế nào mà khi bán, ớt vẫn giữ nguyên mùi vị. Khi mùa hay không mùa, mình vẫn bán rẻ, giá không đổi trong cả năm. Nhờ kinh nghiệm trồng ớt ở Việt Nam, mình biết.”

“ Mà bí kíp là không có nói được.”
--

Trong quá trình nói chuyện với phóng viên về may mắn lớn nhất đã giúp ông chế biến thành công mùi vị sriracha, tuy mang tiếng là tương ớt Thái nhưng có vị rất riêng, ông Trần Đức có bật mí:

“Tui biết cái bí quyết làm ớt là khi tui đi lính Việt Nam Cộng Hòa. Đi biệt động quân. Ở trại huấn luyện, cực khổ lắm, mình lót tiền rồi nó cho làm đầu bếp cho lính ăn. Nhưng mình không có biết bắn, lúc đó đánh giặc chắc mình chết hay chạy trước.”

“Mình làm bếp, nấu cơm cho một đội là hai trăm người ăn.  Đâu có đồ ăn, chỉ có cơm trắng, cá chiên với nước mắm. Mình phải mua ớt tỏi về làm, mà phải làm sao cho thiệt ngon. Cơm chan nước mắm ăn mà. Nên mình học được cái bí quyết.”

“Làm nước mắm ớt mà ngon là phải hỏi người Việt Nam. Người Hoa ở Việt Nam, giống gia đình tui, làm nước mắm hổng ngon. Chính cống người Việt làm mới ngon. Không biết phải toàn người Việt không, nhưng những người tui tiếp xúc, bán bún, bánh xèo, pha nước mắm đặc biệt ngon.”

“Nước mắm có đường, nước, chanh. Đi lính ảnh hưởng nhiều lắm đến cách làm ớt của tui. Tui rất may mắn.”

"Mà thôi, đừng hỏi nữa, không có nói được."