main billboard

Tôi và những bạn cùng làm việc với tôi phải lao động rất cực nhọc. Thoạt đầu tôi hoảng kinh khi nhận ra một người phải chăm một lúc cả ba chục ông bà lão. Chủ nhân đối xử với chúng tôi không tốt, làm việc thì mười hai đến mười bốn tiếng mỗi ngày, thức ăn không có, không có ngày nghỉ


congnhan vn dailoan 1Viện Dưỡng Lão Thần Quang ở thành phố Đào Viên, Đài Bắc

Thành phố Đào Viên, cách thủ đô Đài Bắc khoảng một trăm kilômét, là nơi mà từ khi có làn sóng nam nữ công nhân Việt sang Đài Loan lao động hoặc những cô dâu trẻ Việt theo chồng về nước, thì cũng đã có sự hiện diện của Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Lý Cho Công Nhân Và Cô Dâu Việt Nam.

Làm việc từ 12 đến 14 tiếng một ngày

Hơn một thập niên qua, Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Lý cho Công Nhân Và Cô Dâu Việt Nam được đánh giá thành công trong việc giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi cho rất nhiều người từ trong nước sang Đài Loan tìm kế sinh nhai mà chẳng may bị bóc lột sức lao động hay gặp những hoàn cảnh trớ trêu khác.

Tuần qua, vào khi báo chí ở Đào Viên đồng loạt đưa tin về một trường hợp vi phạm luật lao động nghiêm trọng tại Viện Dưỡng Lão Thần Quang trong thành phố này, thì giám đốc Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Lý Cho Công Nhân Và Cô Dâu Việt, linh mục Nguyễn Văn Hùng, cũng đã tiếp nhận một lúc mười hai công nhân gồm mười người Việt, một người Indonesia và một người Philippines. Những công nhân này đến xin tá túc và nhờ văn phòng can thiệp giúp đỡ về mặt pháp lý. Trên các mặt báo phát hành tại Đào Viên, người ta đọc thấy tên giám đốc Viện Dưỡng Lão Thần Quang, người đã buộc công nhân làm việc từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày, là bà Dương Mẫu Chân, với sự hợp lực của con trai bà ta là Hứa Chí Dương.

Viện dưỡng lão Thần Quang luôn có trên một trăm người già bệnh tật và đau ốm, được Sở Xã Hội Đào Viên gởi tới để được chăm sóc. Mặt khác, đây cũng không phải là một cơ sở miễn phí vì mỗi người già tới ở đó đều phải trả mỗi tháng hai mươi tám hoặc ba chục nghìn Đài tệ, tương đương một nghìn đô la Mỹ. Lời linh mục Nguyễn Văn Hùng:

Những người công nhân Việt Nam đã liên lạc với văn phòng, sau đó chúng tôi tìm hiểu và biết thêm sự nghiêm trọng của vấn đề. Đó là việc này xảy ra cũng khá lâu nhưng không có sự giúp đỡ đến nơi đến chốn. Chúng tôi đã sử dụng luật chống bóc lột sức lao động của con người và đã liên lạc với bên cảnh sát để báo cho họ biết. Hiện cảnh sát và tòa án đã tới viện dưỡng lão này và đã cứu tổng cộng mười hai công nhân nước ngoài đang làm việc ở đó. Hiện họ đã cho những công nhân này tạm trú ở nơi an toàn. Cảnh sát đã lấy lời khai của các nạn nhân , họ đã tiến hành thủ tục pháp lý để đưa lên tòa án sự việc này.

congnhan vn dailoan 2Các nữ công nhân Việt chuận bị lên đường đi lao động nước ngoài (ảnh minh họa)

Theo quan sát của tôi, về sự can đảm và theo đuổi công bằng, thì có lẽ người Việt Nam là mạnh mẽ nhất ở Đài Loan này. Và bởi vì họ mạnh mẽ cho nên họ cũng bị chủ có những biện pháp đối xử cũng khác với những người thuộc các sắc tộc khác. Còn liên quan đến bóc lột thì cả người nước ngoài, gồm người Indonesia và người Philippines, tôi thấy họ cũng bị bóc lột như nhau.

Sự lạm dụng và mức độ bóc lột tại viện dưỡng lão Thân Quang được người công nhân Philippines, vừa nhận việc hồi cuối tháng trước, mô tả:

Tôi và những bạn cùng làm việc với tôi phải lao động rất cực nhọc. Thoạt đầu tôi hoảng kinh khi nhận ra một người phải chăm một lúc cả ba chục ông bà lão. Chủ nhân đối xử với chúng tôi không tốt, làm việc thì mười hai đến mười bốn tiếng mỗi ngày, thức ăn không có, không có ngày nghỉ, đã vậy còn phải lau chùi dọn dẹp, làm đủ thứ việc hết…

Làm y tá bất đắc dĩ

Cũng từ văn phòng của linh mục Nguyễn Văn Hùng, một chị công nhân quê ở Hải Dương, qua Đài Loan làm công việc chăm sóc đỡ đần người già trong viện dưỡng lão Thần Quang hơn một năm nay, xác nhận:

Chúng em làm một ngày mười hai đến mười bốn tiếng, nếu mà ca đêm thì một người chăm khoảng tầm 70 người, còn nếu ca ngày thì một người chăm khoảng tầm 20 người. Nhưng mà 20 người đấy chúng em không thể chăm tất. Thí dụ một tầng 45 người thì hai người chăm nhưng mà một người phải đi làm ngoài, đến giờ về cho các cụ ăn thôi, chứ không phải 2 người chăm 45 người mà ở chăm các cụ suốt, nghĩa là còn phải đi ra ngoài làm việc cho nhà chủ, nhổ cỏ hay dọn nhà cho nhà chủ ở bên ngoài.

congnhan vn dailoan 3Bảng hiệu Viện Dưỡng Lão Thần Quang ở thành phố Đào Viên, Đài Bắc. Files photos

Bên cạnh đó, mỗi công nhân phải thay phiên nhau nấu cơm trong viện dưỡng lão, ít thì 130 người và nhiều là 150 miệng ăn:

    Vì ca đêm không có y tá, tất cả các việc công việc chúng em phải làm hết, thí dụ như chích thuốc hoặc là cắm ống tiểu với lại cắm ống đường mũi ăn là chúng em đều phải làm hết. Tiêm chích cho các cụ, tức là chích thuốc, chúng em đều phải làm hết (    chị công nhân quê ở Hải Dương)

Phải nhanh thôi, chạy suốt, không được nghỉ ngơi một tí nào, phải làm thật nhanh.

Cần nhắc khi ký hợp đồng sang Đài Loan thì công việc của các chị được ghi rõ là giúp đỡ người già yếu trong viện dưỡng lão, tức là không kiêm những việc về chăm sóc sức khỏe như y tá. Tuy nhiên, vẫn lời chị công nhân ở Hải Dương, viện dưỡng lão này chỉ có bốn y tá nhưng họ chỉ làm việc ban ngày chứ không ở lại trực đêm:

Vì ca đêm không có y tá, tất cả các việc công việc chúng em phải làm hết, thí dụ như chích thuốc hoặc là cắm ống tiểu với lại cắm ống đường mũi ăn là chúng em đều phải làm hết. Tiêm chích cho các cụ, tức là chích thuốc, chúng em đều phải làm hết.

Để công nhân có thể làm được những việc mà đáng lý y tá phải làm, bà giám đốc Dương Mẫu Chân bắt y tá dạy cho các chị.

Chứ không bày thì chúng em làm sao biết mà làm, chúng em phải làm hết.

Cơm thừa canh cặn

Làm việc quá giờ với đồng lương không biết đường nào mà tính, chị kể tiếp, tiền tăng ca cũng không được thanh toán sòng phẳng:

Đến mùng 5 hàng tháng là chúng em lãnh lương, họ không hứa như thế nào cả. Chúng em cũng không biết họ tính làm sao, nhưng mà đến tháng lương thì bình quân người nào cũng có tăng một ngày hai tiếng, nhưng người ta chỉ trả lương tăng ca có một tiếng. Nhưng mà chúng em tính ra là một tháng chúng em không nghỉ ngày nào và tính bình quân tăng ca là 60 tiếng.

Còn buổi trưa ăn cơm mười lăm, hai mươi phút xong không được về phòng nghỉ, giờ đấy đánh thẻ nghỉ chúng em cũng không được nghỉ mà phải trông các cụ và chúng em không có tiền.

Công nhân làm ca đêm trong viện dưỡng lão Thần Quang không được cung cấp thức ăn tối. Buổi sáng, những món điểm tâm của họ đơn giản chỉ là:
  
Có hôm được hai quả cam bằng đầu ngón chân cái, lắm hôm được hai cây kẹo, lắm hôm là một gói bin bin, nghĩa là vài cái phổng của trẻ con nó ăn . Đấy là đồ ăn sáng của chúng em. Còn buổi ăn trưa với buổi ăn tối người ta chỉ cho một món rau, có gà thì một miếng thịt gà, có trứng thì một quả trứng. Nếu bữa nay là một miếng thịt gà thì bữa sau là một quả trứng, cứ thế thay đổi, không có món gì khác.

Nhưng nếu vì ăn uống không đủ mà phải mua thức ăn ở ngoài thì mọi người bị bà Dương Mẫu Chân mắng mỏ . Bà chủ này thậm chí cấm công nhân đi ra ngoài:

Nếu chúng em mua đồ ăn ngoài mà bà ấy nhìn thấy mua nhiều là bà cũng mắng chúng em đấy. Vì là chúng em không được đi ra ngoài mà chỉ có gởi bộ đội hoặc y tá họ đi ăn cơm trưa họ mua cho. Chúng em toàn phải ăn như thế, còn nếu như bà ấy đi ra ngoài, đi ăn nhà hàng về thí dụ thừa thịt gà, thừa cổ cánh hoặc là người ta gặm còn thừa còn cái xương không thì bà cũng mang về rồi dặn “ hôm nay có đồ ăn rồi không phải nấu nữa” . Nếu người nào ăn sớm thì còn được cái cánh gà, người nào ăn sau thì phải gặm lại cái mà người ta ở nhà hàng người ta đã gặm rồi.

Ngoài vấn đề tiền lương trả không đúng mức, lao động quá giờ qui định, ăn uống thiếu thốn, có lẽ thói keo kiệt bủn xỉn và thiếu tình người của bà Dương Mẫu Chân khiến các công nhân Việt lẫn ngoại quốc ở Viện Dưỡng Lão Thần Quang bất mãn, chán ghét, dẫn tới quyết định bỏ đi và tìm tới Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Lý của linh mục Nguyễn Văn Hùng:

Còn như là đồ ăn của nhà bà ấy ăn xong, ba bốn bữa là nó thiu, nó chua nó chảy ra thì bà cho chúng em ăn. Nếu chúng em không ăn được nữa thì bà bảo người nấu cơm là đổ vào rau nấu cho các cụ. Đấy là em nói thực tế, không sai một tí nào.

Vì chúng em đã điện đến Bộ Lao Động lần thứ hai thứ ba rồi, giải quyết không được nữa. Nhờ bạn bè thì bạn bè mach đến chỗ cha Hùng nhờ cha giúp. Mười hai người chúng em theo tất bên cha Hùng. Đã thoát ra được thì làm sao mà chúng em dám về đấy nữa, bà ấy ăn ở như thế làm sao chúng em sống nỗi. Trước mắt thì không biết có bệnh hay không nhưng mà ăn uống như thế chúng em sẽ sinh bệnh.

Như vậy, ngoài hai người Đài Loan ra, còn lại một người Indonesia, một người Philippines mới qua tháng trước, cộng thêm mười nữ công nhân Việt Nam, thì tất cả đã bị bà giám đốc Dương Mẫu Chân, đồng lõa cùng con trai Hứa Chí Dương, bóc lột từ miếng ăn cho tới sức lao động một cách nghiêm trọng từng ngày như chị công nhân thứ hai kể lại:

Quê của em ở Thanh Hóa, em qua làm việc ở viện dưỡng lão đó gần hai năm rồi. Thì bọn em có biết đâu, sang đây đóng mất bao nhiêu là tiền. Kiếm tiền thì sợ chủ họ đe ép, sợ kiểu họ nói nếu không ngoan thì họ cho về nước, thế là bọn em sợ.

Không biết làm cách nào, chị đã nhờ đến công ty môi giới, tức những người đưa công nhân từ Việt Nam sang rồi giao cho chủ sử dụng lao động ở Đài Loan:

Em có nhờ công ty môi giới nói nhưng họ cũng chẳng giải quyết được gì, họ nói nếu không chịu được thì chỉ có đổi chủ thôi. Em nói em không muốn đổi chủ, chỉ nhờ công ty môi giới nói hộ với bà chủ là cải đi một tí cho bọn em đỡ khổ với ăn uống như thế bọn em không có sức để làm. Bọn em nhờ công ty môi giới bảo bà chủ để đồ ăn ban đêm cho bọn em ăn mới có sức để làm nhưng nói xong rồi vẫn chẳng giải quyết được gì.

Tiền lương cơ bản thì họ trả đủ nhưng tiền tăng ca hàng ngày họ trả cho bọn em ít lắm, trả thấp lắm ấy.

Hiện tại, kế hoạch hỗ trợ pháp lý mà linh mục Nguyễn Văn Hùng hướng tới là trước hết phải truy tố bà giám đốc Dương Mẫu Chân vi phạm Luật Lao Động của Đài Loan, tiếp đến là đòi bồi thường cho các công nhân Việt Nam, Indonesia và Philippines bị chủ buộc làm việc quá tải, ăn uống thì hạn chế, quá nhiều giờ tăng ca không giải quyết. Tắt một lời, nói theo luật, cả người có bổn phận chăm sóc và những người già được chăm sóc đều là nạn nhân của một vụ bóc lột lao động:

Rất nhiều đài truyền hình và báo chí đã đưa tin về sự kiện bóc lột sức lao động của con người. Trong buổi phỏng vấn của tôi với đài truyền hình thì tôi đã đề nghị chính phủ Đài Loan nên quan tâm và phải có biện pháp điều tra đến nơi đến chốn. Bởi vì nếu những người chăm sóc mà không có sức khỏe và bị bóc lột thì làm sao họ có thể chăm sóc những bệnh nhân. Vì vậy cho nên cả người chăm sóc và người được chăm sóc đều là nạn nhân của một vụ vi phạm nhân quyền ở bên đây.

Điều thứ hai chúng tôi cũng nhấn mạnh là đã có những cuộc tiếp xúc liên quan tại địa phương nhưng chuyện vẫn không được đưa ra để giải quyết đến nơi đến chốn. Tôi muốn hỏi tại sao có những chuyện như vậy, có phải là vì đằng sau lưng có những lợi ích hoặc là những cái lực nào đó có thể bao che cho những việc làm sai trái này. Tôi nghĩ sự kiện này đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận Đài Loan.

Với những nạn nhân như thế mà thông tin lớn như vậy ở đây, chúng tôi vẫn chưa nhận được liên lạc nào của bên Phòng Văn Hóa Kinh Tế Việt Nam mà quan tâm đến những người bị bóc lột như vậy cả. Theo tôi được biết một người công nhân Việt Nam muốn qua đây làm trong viện dưỡng lão phải trả một số tiền từ năm ngàn rưỡi cho đến sáu ngàn đô la. Với số tiến lớn như vậy thì khi qua bên này mà bị làm việc ở những nơi vi phạm luật pháp như vậy thì họ không dám lên tiếng. Họ không dám nói vì sợ không có công ăn việc làm để kiếm tiền gởi về Việt Nam trả cái nợ trước khi rời khỏi Việt Nam.

Câu chuyện Viện Dưỡng Lão Thần Quang ở Đào Viên, liên quan đến các nữ công nhân Việt Nam tại Đài Loan, mà nội vụ đang đươc quan tâm điều tra, tạm ngừng ở đây. Thanh Trúc sẽ tiếp tục theo dõi để cập nhật thông tin mới nhất đến quí thính giả.