main billboard

Từ đó các thế hệ trẻ sau này sẽ hiểu được những bước chân oai hùng của cha ông trong cuộc chiến Quốc-Cộng (1954-1975), để lưu giữ những tài liệu và hình ảnh đó, để nhớ về cội nguồn của mình và giữ lấy truyền thống và văn hóa dân tộc Việt Nam của tổ tiên để lại.


LOS ANGELES - Trong mấy tuần lễ qua các cơ quan truyền thông và báo chí tại Quận Cam vùng Little Saigon, Nam California đã nhận được thư mời của các sinh viên Việt Nam thuộc Hội Sinh Viên VN: Vietnamese Student Union (VSU) at UCLA để đến tham dự lễ Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận Tháng Tư Ðen (Black April) năm nay vào 6 giờ chiều ngày 30 Tháng Tư, 2013. Lễ tưởng niệm này được lấy tên Thông Ðiệp Từ Quá Khứ (Message From The Past) và được tổ chức tại Clubhouse của La Tennis Center trong khuôn viên trường đại học UCLA, Los Angeles, California.

ucla 30thang4Năm diễn giả của Lễ Tưởng Niệm Tháng Tư Ðen tổ chức tại đại học UCLA, từ trái, đại sứ Bùi Diễm, nhà văn Phan Nhật Nam, nhạc sĩ Trúc Hồ, ông Phạm Gia Ðại và ủy viên Học Khu Garden Grove Bảo Nguyễn. (Hình: Phạm Gia Ðại cung cấp)

Tất cả các em sinh viên Việt Nam thuộc VSU đều trong lứa tuổi hai mươi, sinh ra sau ngày mất miền Nam vào tay Cộng Sản Bắc Việt và đều lớn lên trên đất Mỹ nhưng mang trong người dòng máu hào hùng của cha ông nên đã cùng nhau đứng ra tổ chức Lễ Tưởng Niệm này.

Mục đích của buổi Lễ Tưởng Niệm Black April năm nay và Thông Ðiệp Từ Quá Khứ là các em sinh viên muốn đào sâu và đi xa hơn và mở rộng thảo luận về những gì mà các em đã được học về lịch sử ở trong trường cũng như những gì đã ghi trong các sách vở. Bởi thế các em đã mời năm diễn giả những người đã sống qua giai đoạn chiến tranh đó, những nhân chứng sống để được trực tiếp nghe họ nói về cuộc chiến Quốc-Cộng tại miền Nam Việt Nam trước kia, muốn được biết về sự thực những gì đã xẩy ra, vì sao lại mất miền Nam, và những đau thương tang tóc khi cộng sản vào xâm chiếm miền Nam.

Các em mong muốn được ghi nhận lại các kinh nghiệm sống này và sẽ truyền lại những kinh nghiệm này cho mai sau để không bao giờ chúng ta quên được những gì đã xẩy ra trên quê hương mình trong cuộc chiến khốc liệt tại miền Nam Việt Nam, nhất là khi Sài Gòn sụp đổ đúng 38 năm trước trong uất hờn và tan tác. Từ đó các thế hệ trẻ sau này sẽ hiểu được những bước chân oai hùng của cha ông trong cuộc chiến Quốc-Cộng (1954-1975), để lưu giữ những tài liệu và hình ảnh đó, để nhớ về cội nguồn của mình và giữ lấy truyền thống và văn hóa dân tộc Việt Nam của tổ tiên để lại.

Ngoài ra, lễ tưởng niệm này cũng để nhắc nhở các con cháu thế hệ mai sau về các thông điệp để lại của các cha ông đã sống sót sau cuộc chiến tàn khốc, để thấu hiểu các hy sinh vô bờ bến bằng xương máu và gian khổ của các bậc cha ông trong suốt hai thập niên giữ vững miền Nam trước sự xâm lăng trắng trợn của cộng sản Bắc Việt và cộng sản quốc tế Nga Tầu. Và cũng để hiểu vì sao mà chúng ta có mặt tại mảnh đất tạm dung Hoa Kỳ này cùng những cố gắng phi thường của các bậc sinh thành đã tìm mọi cách đưa con em mình lánh nạn cộng sản để qua được vùng đất tự do, cho một tương lai tươi sáng hơn cho con em mình.

Trưởng ban tổ chức là em Jessy Nguyễn (con trai của Ms. Kim Nhung) và các thành viên gồm có Phượng Võ, Christina Võ, Brandon Lý, William Nguyễn, Louis Phạm, Sandra Nguyễn, Dalena Tống, An Bùi, Jessica La và Minh Quân Nguyễn, John Lê; cùng với một số em sinh viên nằm trong thành phần yểm trợ. Các em còn có website: http//www.vsubruins.com. Ðược biết năm ngoái cũng đúng vào chiều ngày 30 Tháng Tư, 2012, tại đại học UCLA, VSU với các em sinh viên gốc Việt cũng đã tổ chức một Lễ Tưởng Niệm Black April rất long trọng và đầy đủ nghi thức.

Năm diễn giả được mời trên bàn thuyết trình gồm có cựu đại sứ Bùi Diễm, nhà văn Phan Nhật Nam, nhạc sĩ Trúc Hồ, ông Phạm Gia Ðại và ủy viên Học Khu Garden Grove Bảo Nguyễn.

Nghi thức chào cờ của buổi Lễ Tưởng Niệm được bắt đầu đúng 6pm chiều ngày 30 Tháng Tư, 2013 tại La Tennis Clubhouse với các em sinh viên nam nữ trong đồng phục mầu đen lên hát quốc ca Hoa Kỳ và quốc ca Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả các sinh viên và quan khách tham dự đều trong đồng phục mầu đen: Ðể tang cho một miền Nam anh dũng và oai hùng đã không còn nữa, để tang cho một chế độ VNCH yêu chuộng hòa bình tự do đã bị bức tử, và để tang cho tất cả các đồng bào và quân dân cán chính đã hy sinh trong suốt hai thập niên (từ 1954 đến 1975) cho chính nghĩa tự do chống lại quân thù cộng sản bạo tàn.

Mỗi diễn giả có 10 phút để trả lời cho câu hỏi dành cho mình. Ông Bùi Diễm lược sơ qua tình hình của miền Nam trước kia, và cho biết ông đã ra đi trước ngày mất Sài Gòn và tin rằng đã có nhiều thay đổi ở trong nước nhưng không thể biết được chế độ cộng sản sẽ sụp đổ như thế nào và bao giờ.

Nhà văn Phan Nhật Nam cho rằng người lính thì phải nói thật. Cuộc chiến tranh vừa qua chúng ta đã mất Sài Gòn vì quân đội VNCH không thể chiến đấu hữu hiệu vì thiếu súng đạn và sự trợ giúp cần thiết từ phía Hoa Kỳ. Trong khi Hoa Kỳ tìm mọi cách giảm tài trợ cho miền Nam từ một tỷ đô la xuống còn bẩy trăm triệu và cuối cùng thì ngân khoản ba trăm triệu cũng không có nữa đã dẫn đến ngày Sài Gòn sụp đổ Tháng Tư Ðen, 30 Tháng Tư, 1975. Mặt khác, phía Bắc Việt lại được khối Cộng sản quốc tế ra sức yểm trợ mạnh hơn và người Mỹ đã quyết định rút lui khỏi miền Nam để mặc cho quân Cộng sản vi phạm Hiệp Ðịnh Paris đã ký kết. Nước Việt đã bị Hiệp Ðịnh Geneva chia cắt làm hai năm 1954 nay mất luôn miền Nam.

Nhạc sĩ Trúc Hồ tỏ vẻ vui mừng vì được mời nói chuyện tại UCLA vì chính ông đã từng là một sinh viên tại đại học danh tiếng này năm 1995. Ông hiện nay rất bận rộn vì vừa là nhạc sĩ và nhà sản xuất của Trung Tâm Asia và điều hành hệ thống truyền hình của đài SBTN. Ông cũng là một người hoạt động tích cực về nhân quyền cho Việt Nam và được biết đến qua chiến dịch “Một Tiếng Nói, Triệu Con Tim” với hơn 135 ngàn chữ ký để trình lên Ủy Ban Nhân Quyền của LHQ hầu gióng lên tiếng chuông về các vi phạm nhân quyền càng gia tăng tại Việt Nam.

Ông Phạm Gia Ðại cho biết vì làm việc cho tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn và yểm trợ cho các phủ bộ của VNCH nên đã bị cầm tù sau ngày mất miền Nam. Trong thời gian 17 năm ở trong các trại tập trung “cải tạo” của cộng sản, những người tù đã bị trả thù bằng cách bị bỏ đói, không đủ quần áo ấm mặc trong mùa Ðông, không có thuốc men khi đau ốm và bị cưỡng bức lao động khổ sai. Theo ông, miền Nam đã chiến đấu anh dũng, đã thắng trên hầu hết các trận chiến quan trọng, chế độ VNCH của người Việt quốc gia có chính nghĩa nhưng mất Sài Gòn vì chính phủ Mỹ đã bỏ rơi đồng minh và quân đội không thể chiến đấu với hai bàn tay không súng đạn.

Ông Bảo Nguyễn cho biết ông là một thuyền nhân tỵ nạn cộng sản, lúc đó còn trong bụng mẹ và một tháng sau khi lên được trên đảo ở Thái Lan thì ông được sinh ra đời.

Sau khi các diễn giả thuyết trình xong, các quan khách được mời dùng bữa tối với các món ăn Việt Nam như bún, chả giò, nem cuốn, rau và nước giải khát. Sau các câu hỏi được giải đáp là Lễ Thắp Nến do Giáo Sư Quyên Di phụ trách để kết chặt tình thân hữu giữa mọi người và để tưởng nhớ về quê hương đất nước.

Lễ Tưởng Niệm Tháng Tư Ðen được kết thúc lúc hơn 8 giờ tối, mọi người đều chụp hình lưu niệm và ra về tuy trong lòng một nỗi man mác buồn về Ngày Quốc Hận nhưng thoáng một niềm vui vì thấy các em sinh viên trẻ Việt Nam trong VSU đã biểu lộ một tinh thần chống cộng đáng khen ngợi qua lần tổ chức tại khuôn viên đại học UCLA.