main billboard

"Chữ Hán của người Trung Hoa còn chữ Nôm là của người Việt. Đó là thứ chữ mà ông bà mình xài trước khi có chữ Quốc Ngữ..."

WESTMINSTER (NV) - Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, phu nhân và phái đoàn đại diện Viện Việt Học thăm tòa soạn Người Việt hôm Thứ Ba để thông báo khai giảng lớp học dài 30 tuần về chữ Nôm và văn chương chữ Nôm.

Chương trình hoàn toàn miễn phí, do Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm phụ trách, từ 10 am đến 12 am mỗi Chủ Nhật, bắt đầu từ 5 Tháng Năm tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683.

chunom nguyenvansamGiáo Sư Nguyễn Văn Sâm (giữa) và phái đòan Viện Việt Học nói chuyện về lớp chữ Nôm, khai giảng vào Chủ Nhật cuối tuần này, tại Viện Việt Học. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Lý do tôi mở lớp này là vì khi hiểu chữ Nôm, chúng ta sẽ yêu người Việt và cộng đồng người Việt tị nạn nhiều hơn,” Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, cựu giáo sư môn chữ Nôm chứng chỉ ngữ học Việt Nam tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, cho biết.

Ông giải thích thêm: “Nhiều tài liệu cổ xưa như các bài thơ thánh đạo, sách tử vi, bói toán, và các áng văn chương được viết bằng chữ Nôm sau được viết bằng chữ quốc ngữ do người Pháp du nhập. Nếu đọc được chữ Nôm và hiểu trực tiếp thì sẽ thấy dễ hiểu hơn.”

Ông đơn cử truyện Kiều hay Lục Vân Tiên mà chúng ta học là đã được chuyển qua chữ quốc ngữ nên có nhiều điển tích từ chữ Hán nên khó hiểu. Ông nói: “Chữ 'Nôm' là chữ 'Nam' là những ký hiệu ghi lại cách phát âm của tiếng Việt từ xưa đến nay. Học hay đọc chữ Nôm coi như là học hay đọc chữ Việt mà thôi.”

Cô Nguyễn Thị Kim Ngân, một thành viên điều hành Viện Việt Học, ngỏ ý: “Viện Việt Học muốn tạo cơ hội cho các bạn trẻ học hỏi chữ Nôm, không những để các bạn mở mang kiến thức mà còn kỳ vọng các bạn giúp tiếp nối việc lưu truyền ngôn ngữ của dân tộc.”

Cô Lê Thị Mỹ Hạnh, đại diện câu lạc bộ văn nghệ và ban truyền thông của Viện Việt Học, đưa ra những câu hỏi về sự khác biệt giữa chữ Hán và chữ Nôm. Cô cho biết: “Tuy sanh ra đúng vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, ở Bến Tre, qua Mỹ năm 1988 và tốt nghiệp CSU Long Beach về quản trị kinh doanh năm 1994, nhưng em luôn muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.”

“Chữ Hán của người Trung Hoa còn chữ Nôm là của người Việt. Đó là thứ chữ mà ông bà mình xài trước khi có chữ Quốc Ngữ. Ngay cả khi đã có chữ Quốc Ngữ thì chữ Nôm cũng còn cố sức cầm cự để sống nhưng rồi theo thời gian nó mất lần lần,” Giáo Sư Sâm giải thích.

Ông cho biết: “Trong suốt thời gian hiện diện 4, 5 thế kỷ trong lòng dân tộc, chữ Nôm diễn tả tâm tình, tư tưởng của một số lớn người Việt thời kỳ đó. Nếu không biết chữ Nôm ta không đọc được những gì ông bà mình suy nghĩ ngày xưa và chúng ta chỉ biết những gì được viết bằng chữ Quốc Ngữ mà thôi. Dĩ nhiên là không đủ.”

Ông giải thích thêm: “Nói rõ hơn văn chương và văn hóa Việt Nam nằm trong tất cả các tác phẩm của người đi trước để lại, nhưng nếu ta chỉ biết chữ Quốc Ngữ và chữ Hán thì sẽ hiểu về văn chương và văn hóa Việt một phần mà thôi, còn cả chục ngàn tác phẩm khác được viết bằng thứ chữ ta không biết, sẽ mãi mãi nằm đó. Tôi nói cả chục ngàn và nếu ai có thời giờ đọc những đầu đề thôi cũng thấy rằng ông bà mình ngày xưa cũng chịu suy nghĩ lắm. Họ làm thơ văn đã đành, họ viết sách về tử vi, về phương cách định bịnh và trị bịnh, về đặc tính của thuốc men, về chuyện đá gà, coi bói, chuyện đặt để mồ mả, cúng kiếng, chuyện vệ sinh thường thức, chuyện đi sứ sang Tàu… chuyện gia phả của một dòng họ... Đủ hết!”

chunom trangsachMột trang sách chữ Nôm thơ vịnh Kiều chưa từng được phiên âm ra chữ quốc ngữ. (Hình: Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm cung cấp)

“Thật ra, người đi trước chúng ta đã phiên âm một phần lớn sách vở của tiền nhân từ chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ rồi. Đó là Chinh Phụ Ngâm, Đoạn Trường Tân Thanh, Lục Vân Tiên, Phan Trần Trê Cóc, Cung Oán Ngâm Khúc, Ai Tư Vã… Đó là những tác phẩm bằng chữ Nôm của Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ...” ông đơn cử vài thí dụ.

Ông nói: “Nhưng chưa đủ, còn nhiều nhiều nữa. Ngoài ra còn số lớn sách thiên về tôn giáo. Đó là những quyển sách viết về Phật giáo, Thiên Chúa Giáo mà phần nhiều chúng ta chưa biết gì hết về nguồn gốc.”

Giáo Sư Sâm khuyên: “Ta nên tiếp tục công việc của người xưa để hiểu hơn nữa văn học và văn hóa của tổ tiên mình. Ít nhứt cũng nên biết chữ Nôm là thứ chữ gì, nó như thế nào và tại sao ta cần biết đến nó. Lớp học chỉ đòi hỏi học viên yêu thích văn chương Việt Nam, cố gắng làm được điều gì mới cho chính mình và cho cộng đồng Việt Nam.”

Ông nhấn mạnh: “Chữ Nôm không giúp ta kiếm tiền hay giao tiếp trong thời buổi tân tiến và thực dụng nầy, nhưng chữ Nôm sẽ cho chúng ta lòng tự hào về dân tộc Việt, hiểu được tâm tình của ông cha mình, riêng tôi, trong khi mò mẫm thứ chữ xa xưa đó, tôi tự hào rằng đời sống của mình có ích lợi không phải chỉ với gia đình nhỏ bé của mình...”

Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm năm nay 73 tuổi, qua Mỹ năm 1979, cho biết ông "đã dạy chữ Nôm ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn ba năm trước khi mất nước."

Mọi chi tiết về lớp chữ Nôm, xin liên lạc Viện Việt Học tại điện thoại số (714) 775-2050.