main billboard

“Em thích Tết lắm! Em thích đi mua sắm, chuẩn bị, trang hoàng nhà cửa theo kiểu Tết cổ truyền Việt Nam. Năm nào em cũng làm như vậy,” 


antet ls 1
Như hàng triệu người dân Việt khác, người dân Việt ở Little Saigon luôn mong có một cái Tết đông đủ sum vầy. (Hình: Công Thành/Người Việt)

WESTMINSTER, Cali (NV) – Sống quanh vùng Little Saigon không ai có thể hững hờ với Tết. Chỉ có điều, khi nghe trong khí trời có mùi của pháo, khi nhìn ra phố phường thấy ê hề bánh tét bánh chưng, ngay tức thì có người chộn rộn, háo hức, có người điềm nhiên mua sắm, nhưng cũng có người lại chỉ thấy buồn hơn.

Nôn nao đón Tết

Một trong những gia đình luôn thích Tết, khoái Tết, nôn nao chờ đón Tết là gia đình của cô Hallie Phạm Nguyễn ở Anaheim.

Từ cả tuần lễ trước khi chú heo Đinh Hợi chạm ngõ là ngôi nhà của vợ chồng Hallie đã mang đầy màu sắc Tết. Có mai vàng. Có đào hồng. Có địa lan. Có mâm ngũ quả. Dĩ nhiên không thiếu bánh tét. Mọi thứ được trang hoàng, bày biện một cách chỉnh chu, sang trọng, đẹp mắt.

antet ls 2
Tập tục ông bà vốn dĩ từ đời này truyền sang đời khác, xưa bày nay theo. Các con của vợ chồng cô Hallie Phạm Nguyễn ở Anaheim cũng rất thích Tết. (Hình: Hallie Phạm Nguyễn cung cấp)

“Em thích Tết lắm! Em thích đi mua sắm, chuẩn bị, trang hoàng nhà cửa theo kiểu Tết cổ truyền Việt Nam. Năm nào em cũng làm như vậy,” Hallie cười nói.

Thú vị một điều, là cả hai vợ chồng Hallie đều sang Mỹ từ lúc mới 8, 9 tuổi, “không nhớ gì về Tết ở Việt Nam hết.” Nhưng, như người phụ nữ chưa đến 40 tuổi này tâm sự, “Từ nhỏ ở Mỹ, em đã thấy ba mẹ em làm như vậy mỗi khi Tết đến, nên lớn lên, em cứ theo vậy mà làm thôi.”

Hallie ăn Tết cũng có đầy đủ thịt kho, măng kho, dưa giá, bánh tét. “Em không có tự làm, mà mẹ và mấy chị làm rồi cho em mang về,” cô khoe.

“Gia đình em bên Công Giáo không cúng kiếng nhiều, nhưng cũng có đưa Ông Táo, rước Ông Bà, vì em nghĩ nhà nào cũng có Ông Táo thì người ta đưa, mình cũng đưa. Ông Bà thì ai cũng có, nên mình cũng muốn Ông Bà về ăn Tết với mình, nghĩ vậy nên em cứ làm thôi,” cô giải thích.

Giao Thừa, Mùng Một Tết đại gia đình hơn 20 người của Hallie cũng tựu về họp mặt để chúc Tết, lì xì, “cũng có đi chùa hái lộc nữa, vì gia đình bên chồng em đạo Phật.”

Điều mà Hallie “mê” nhất mỗi khi Tết đến là đốt pháo, và “gầy sòng” đánh bài, chơi “bầu cua cá cọp” với anh chị em con cháu trong nhà. “Em mê pháo lắm,” cô nói thêm.

Tập tục ông bà vốn dĩ từ đời này truyền sang đời khác, xưa bày nay theo, Hallie cảm nhận ý nghĩa thiêng liêng của Tết từ ba mẹ cô, và đến giờ, khi làm mẹ ba đứa con nhỏ, cô tiếp tục hướng dẫn các con hiểu về Tết Việt Nam trong cách có, cũng mặc áo dài, cũng trọ trẹ những câu chúc Tết bằng tiếng Việt “Chúc mừng năm mới,” “Chúc ông bà sống lâu trăm tuổi,” để rồi tự hào khoe “Em cũng dẫn mấy đứa nhỏ đi chùa, cũng cho tụi nó mặc áo dài, tụi nhỏ thích lắm!”

“Năm nào em cũng lấy ngày phép nghỉ Mùng Một Tết. Với em ngày này luôn vui và quan trọng. Em thích sự sum họp của đại gia đình trong ngày Tết,” cô chia sẻ.

‘Thấy Tết là sợ’

Đối ngược hoàn toàn với tâm trạng “nôn chờ Tết” của Hallie là cảm giác “thấy Tết là sợ” của Amy Quỳnh hiện ở Cypress.

Theo Amy, “Năm qua có nhiều chuyện buồn xảy ra nên em không ăn Tết. Thêm nữa, em còn độc thân nên mỗi khi thấy Tết là thấy sợ, sợ cảm giác đơn độc tăng thêm nữa,” cô nói cùng nụ cười hanh hao.

Sang Mỹ đã 10 năm, Amy hiện sống cùng mẹ, “chỉ hai mẹ con hủ hỉ, vả lại cả hai tháng nay em mất việc nên chỉ ở nhà, không hề muốn đi đến nơi có không khí Tết.”

“Đáng lẽ cuộc sống em thích hợp với tiểu bang Alaska hơn, nghĩa là chỉ có đi làm xong về ngủ, chứ ở sát bên Phước Lộc Thọ mà kiếm được người thứ hai không ăn Tết như em hơi bị khó,” cô tự nhận xét.

Ăn Tết trong bệnh viện

Ăn Tết, nhưng trong một hoàn cảnh khá đặc biệt là trường hợp gia đình cô Yến Price ở Westminster.

“Ba tôi bệnh phải vào bệnh viện cả 10 ngày qua. Sáng Thứ Hai, Ba Mươi Tết ba tôi phải trải qua cuộc mổ tim,” cô Yến cho biết.

Truyền thống đại gia đình hơn 30 người của cô họp mặt ăn uống trong ngày cuối năm sau khi cúng rước Ông Bà, chúc Tết lì xì vào lúc Giao Thừa, và cùng đi lễ chùa, xin xăm vào sáng Mùng Một tưởng chừng “phá sản” hoàn toàn trong năm nay.

antet ls 3
Gia đình cô Yến Price (bìa phải, đứng) đón Tết trong bệnh viện Cedars Sinai ở Los Angeles. (Hình: Yến Price cung cấp)

Tuy nhiên, để ba cô vui trước khi bước vào cuộc “đại phẫu thuật” dành cho người đã ngoài 80 tuổi, cũng là để duy trì nếp nhà, gia đình cô Yến quyết định tổ chức chúc Tết, lì xì mừng tuổi vào ngày Chủ Nhật, 29 Tết, ngay trong bệnh viện, trước ngày ba cô được đưa vào phòng mổ.

“Ngoại trừ ba tôi phải mặc áo bệnh nhân, còn lại các con cháu ai cũng mặc quần áo đẹp ngày Tết để chụp hình lúc chúc Tết, như cách gia đình tôi đã thực hiện từ bao lâu nay. Tối Giao Thừa cũng như sáng Mùng Một các anh chị em tôi đều xin nghỉ phép để túc trực trong bệnh viện,” cô Yến cho biết.

Cô chia sẻ, “Tôi nói với ba tôi rằng ông là một chiến binh bất khả bại, ông sẽ vượt qua cuộc phẫu thuật này một cách dễ dàng, và năm tới, cả nhà tôi lại tưng bừng đón một cái Tết như bao năm qua chúng tôi đã từng.”

Ăn Tết với… bún bò Huế

“Có ăn Tết chứ!” là câu trả lời chắc nịch của anh Nhơn Lý ở Garden Grove khi nghe hỏi về chuyện Tết nhứt.

Ăn Tết, nhưng anh Nhơn không dám xin nghỉ ở nhà ngày Mùng Một để đi hái lộc như mọi năm. “Năm rồi thất nghiệp, mới kiếm được việc làm trở lại nên đâu dám xin nghỉ. Tiếc lắm! Thôi thì năm nay chịu khó ăn Tết đơn giản một chút,” anh giãi bày.

antet ls 4
Hái bưởi nhà ra chợ bán kiếm tiền mua hoa chưng Tết. (Hình: Nhơn Lý cung cấp)

Ăn Tết đơn giản của anh Nhơn là ăn… bún bò Huế!

“Bận đi làm đâu có ở nhà nấu nướng gì, thì thích ăn bún bò Huế thì nấu ăn Tết luôn thôi,” anh cười.

Điều thú vị là để có thêm ít tiền chi tiêu trong dịp Tết, chiều 27 Tháng Chạp, sau giờ đi làm ra, anh Nhơn chất bưởi vàng mà vợ chồng anh hái từ vườn nhà ngày hôm trước lên chiếc xe truck, chạy ra đậu trong parking chợ Hòa Bình, góc đường Brookhurst-Westminster , để… rao bán.

antet ls 5
Dù ăn Tết đơn giản, nhưng gia đình anh Nhơn Lý ở Garden Grove vẫn có đủ các nghi thức cổ truyền. (Hình: Nhơn Lý cung cấp)

“Bán được $115 đồng, tui thấy đủ rồi, còn bao nhiêu để chưng trong nhà. Lấy tiền bán bưởi chở vợ đi mua hoa ở chợ hoa sỉ trên Los về chưng trong nhà cho thấy Tết,” anh Nhơn tiết lộ.

Quả thực, dù ăn Tết đơn giản, nhưng vợ chồng anh Nhơn vẫn trang hoàng nhà cửa đầy màu sắc Tết, cũng có mai Nhật vàng rực, có lan hồ điệp trắng tím, có cả thủy tiên kiêu kỳ. Cả nhà cũng diện áo dài thật đẹp để chụp hình chúc Tết theo đúng truyền thống ông bà xưa nay.

Ăn Tết của người Little Saigon, nơi rất giống Sài Gòn, muôn màu muôn vẻ như vậy đó. Và cứ thế, dù muốn dù không, dù linh đình hay đơn giản, thậm chí là không ăn, nhưng Tết vẫn mãi là Tết trong lòng người dân nơi đây. (Ngọc Lan)