Ông là người khởi xướng và liên tục bồi đắp cho việc dùng chữ quốc ngữ làm chữ viết chính thức cho nước Việt Nam.


truongvinhky 1
Bức họa chân dung Trương Vĩnh Ký lần đầu tiên trên báo Nam Kỳ Nhật Trình ngày 8 Tháng Chín, năm 1898, trong bản tin ông qua đời. (Hình: Phạm Phú Minh cung cấp)

LTS: Ngày 8 Tháng Mười Hai, 2018 lúc 10 giờ sáng tại hội trường nhật báo Người Việt trên đường Moran thành phố Westminster, California, sẽ diễn ra buổi triển lãm và hội thảo về Trương Vĩnh Ký. Nhân dịp này, Nhà báo Phạm Phú Minh, đại diện ban tổ chức, đã dành cho nhà văn Phương Nghi cuộc phỏng vấn sau đây:

Kính thưa nhà báo Phạm Phú Minh, động cơ nào đã khiến ông và các bạn của ông chọn học giả Trương Vĩnh Ký làm chuyên đề cho buổi hội thảo và triển lãm tại nhật báo Người Việt vào ngày 8 Tháng Mười Hai sắp tới đây?

Ngày nay hầu như ai cũng đồng ý rằng hội thảo là phương cách rất tốt để trao đổi ý kiến với nhau về một vấn đề chung nào đấy. Đặc tính của hội thảo là công khai, có nhiều người tham dự, để các thông tin được tiếp nhận và thảo luận một cách rộng rãi.

Trong cuộc sống lưu vong tại hải ngoại, hội thảo những vấn đề liên quan đến văn hóa Việt Nam trở nên cần thiết, vì đó là những dịp nhắc nhở những di sản tinh thần thuộc quê hương xứ sở mà chúng ta đã rời bỏ.

Trong vòng 20 năm qua, tại Little Saigon này đã có các cuộc hội thảo với các đề tài về văn học, văn hóa như: Phạm Quỳnh (1999), Văn Học Hải Ngoại (2007), Tự Lực Văn Ðoàn (2013), Văn Học Miền Nam (2014), Phan Thanh Giản (2017), v.v… và nay cuộc triển lãm và hội thảo về Petrus Trương Vĩnh Ký, với mục đích tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của một danh nhân có công với văn hóa nước nhà.

Xin ông vui lòng tóm tắt về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Trương Vĩnh Ký.

Ông Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6 Tháng Mười Hai, năm 1837, tại thôn Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tỉnh Vĩnh Long. Cha ông là một viên chức của triều đình Huế, chẳng may mất sớm khi ông còn nhỏ, mẹ ông bằng lòng theo đề nghị của một vị linh mục giúp đỡ ông về đường học vấn. Ông đã đi học tại trường Pinlahu tại Cao Miên và trường Pinang tại Mã Lai. Ông thông thạo chữ Hán và các ngoại ngữ như tiếng Latinh, Pháp, Anh, Trung Hoa, Xiêm, Miến Điện, Nhật, Ấn Độ, Hy Lạp…

truongvinhky 2
Bìa của cuốn Chuyện Đời Xưa, in vào thế kỷ 19. (Hình: Phạm Phú Minh cung cấp)

Năm 1863, ông được cử làm thông ngôn cho phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Khi trở về, ông phụ trách tờ Gia Định Báo một thời gian và làm một số công việc cho người Pháp như dạy học khoa tiếng Đông Phương ở trường Cai Trị (Collège des Stagiaires) và Đốc Học trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes).

Ông là người khởi xướng và liên tục bồi đắp cho việc dùng chữ quốc ngữ làm chữ viết chính thức cho nước Việt Nam.

Với sự đề cử của toàn quyền người Pháp Paul Bert, ông đã ra Huế đóng vai trò gạch nối giữa triều đình Việt Nam và nước Pháp vào năm 1886. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau khi ông Paul Bert đột ngột qua đời, ông quay lại Nam Kỳ với đời sống của một người làm báo: tờ Thông Loại Khóa Trình do chính ông làm chủ, và tiếp tục nghiên cứu viết lách cho đến khi ông từ trần vào ngày 1 Tháng Chín, năm 1898.

Thưa nhà báo Phạm Phú Minh xin ông cho biết những gì sẽ được trưng bày trong buổi triển lãm ngày hôm đó?

Tất cả hình ảnh cùng sách vở, báo chí và tài liệu liên quan đến ông Trương Vĩnh Ký mà chúng tôi sưu tầm được đều được mang ra triển lãm. Chúng tôi phân những gì sưu tầm được làm ba loại:

1- Các chân dung của Trương Vĩnh Ký và một số hình ảnh sinh hoạt của ông; những gì thuộc về đời tư của ông như nhà ở, nhà mồ, các tượng của ông, v.v…

2- Báo chí do ông làm như các tờ Gia Định Báo, Thông Loại Khóa Trình. Về sách thì gồm những sách do ông viết ra như Chuyện Đời Xưa, Chuyện Khôi Hài, Ước Lược Truyện Tích Nước Annam, Mẹo Luật Dạy Học Tiếng Pha-lang-sa, Chuyến đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi (1876)…

truongvinhky 3
Học sinh và thầy giáo trường Petrus Ký thời đầu thập niên 1930. (Hình: Phạm Phú Minh cung cấp)

Những tác phẩm cổ điển viết bằng chữ nôm của Việt Nam, đã được Trương Vĩnh Ký viết lại bằng chữ quốc ngữ rồi xuất bản, như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần, Huấn Nữ Ca, Thơ Dạy Làm Dâu, Cổ Gia Định Phong Cảnh Vịnh, Kim Gia Định Phong Cảnh Vịnh…

Người xem triển lãm có thể đọc tại chỗ các bản sao nguyên gốc của Gia Định Báo, Thông Loại Khóa Trình, và tất cả các sách do Trương Vĩnh Ký xuất bản được sưu tầm và in lại.

3- Hình ảnh của Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký từ ngày khai trương tại Sài Gòn vào năm 1927 cho đến Trường Trung Học Petrus Ký những năm trước 1975. Về mục này, lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy bản nhạc và bài hát chính thức của Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác khoảng năm 1939 khi ông đang theo học tại trường này, lời hát bằng tiếng Pháp do ông Le Jeannic (hiệu trưởng của trường thời bấy giờ) viết.

Thưa ông, những tài liệu của ông Trương Vĩnh Ký như vừa kể đều được in ấn vào thế kỷ 19, bây giờ chắc hẳn là rất khó tìm ra nguyên bản. Trong tình hình ấy, làm sao ban tổ chức hội thảo có thể tìm ra những tờ báo, những quyển sách đã trở nên rất quý và rất hiếm như thế?

Cám ơn cô đã hỏi một câu rất hay. Để trả lời thắc mắc của cô, tôi chỉ cần nhắc một điều, là chúng ta đang ở trong thời đại Internet, thời đại điện tử, còn gọi là số hóa (digitalize). Một tấm ảnh, một trang sách được bỏ vào máy scan, trong nháy mắt ta đã có một bản sao điện tử y hệt bản gốc, có thể lưu trữ mãi mãi, và nếu muốn chúng ta có thể gửi đi khắp nơi bằng phương tiện Internet.

Ngày nay khắp thế giới người ta đều lưu trữ tài liệu bằng phương tiện điện tử này. Riêng tài liệu về Trương Vĩnh Ký chúng tôi cũng đi tìm nơi nhiều văn khố điện tử khác nhau rồi tập trung lại hầu có được một số tài liệu đáng kể để nghiên cứu về ông, cũng như in lại sách báo của ông y hệt như bản gốc cách đây một thế kỷ rưỡi do Trương Vĩnh Ký in và xuất bản tại Sài Gòn.

Buổi hội thảo sẽ nói về các vấn đề gì và do những ai trình bày, thưa ông?

truongvinhky 4
Nhà của Trương Vĩnh Ký tại Chợ Quán. (Hình: Phạm Phú Minh cung cấp)

Thuyết trình đoàn gồm năm người, các giáo sư Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Chi, Bùi Vĩnh Phúc, Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên và tôi, Phạm Phú Minh. Mỗi người sẽ tự chọn một đề tài liên quan đến Trương Vĩnh Ký, ví dụ về tinh thần yêu nước của ông; về tờ Gia Định Báo; về cách thức ông ghi lại bằng quốc ngữ bản truyện Kiều chữ nôm; chỉnh lại các sự hiểu sai về cuộc đời của ông; hoặc đưa ra những nhận xét về cách viết của người đầu tiên sáng tác bằng chữ quốc ngữ. Nói chung là nhiều vấn đề liên quan đến nhân vật lịch sử Trương Vĩnh Ký.

Thưa ông trước đây tên của học giả Trương Vĩnh Ký đã được đặt cho một trường trung học lớn và nổi tiếng ở miền Nam.  Đến 30 Tháng Tư, 1975 chính quyền mới đã đổi tên trường trung học này. Theo ý ông vì sao Petrus Ký không được công nhận trong chế độ mới?

Mọi chuyện là do ý thức hệ Cộng Sản của người thắng trận. Người Cộng Sản có thang giá trị riêng của đảng họ, một đảng quốc tế, rất khác với cách nhìn của người Việt Nam truyền thống với tình cảm và trí tuệ chân chính của chúng ta. Tất cả đều bị họ chính trị hóa, những gì không phù hợp với đường lối chính trị của họ thì họ lên án ngay là phản động, phải diệt trừ. Với lập trường đó, người cộng sản Việt Nam lên án Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, giết Phạm Quỳnh, giết Khái Hưng, và ở miền Nam giết Huỳnh Phú Sổ, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch… (gần như tuyệt diệt nhóm Đệ Tứ), cấm dân chúng đọc sách Tự Lực Văn Đoàn, sửa lại Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi… bất kể hoàn cảnh lịch sử và giá trị thật sự như thế nào.

Sau 1975, họ thay tên trường Trương Vĩnh Ký bằng một tên kẻ khác, mà người đó chẳng có công lao gì nếu không nói là chẳng biết gì về văn hóa, văn học, hay giáo dục Việt Nam, mà chỉ là một người thuộc đảng của họ, có giá trị được vẽ vời bởi riêng họ. Và giá trị của đảng cộng sản quốc tế ấy bây giờ như thế nào, cả thế giới đã biết. Chỉ có vậy thôi.

Cám ơn nhà báo Phạm Phú Minh đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.