main billboard

“Đừng buồn, đừng sợ, hãy nhìn mọi người chung quanh nè, ráng lên em, em còn trẻ lắm, em sẽ vượt qua mà.”

WESTMINSTER (NV) - “Nghe như sét đánh ngang tai hay trời đất sụp dưới chân mình” gần như là tâm trạng của hầu hết mọi người, dù là đàn ông hay đàn bà, lớn tuổi hay nhỏ tuổi, khi được bác sĩ báo cho biết mình mắc bệnh ung thư.

Thế nhưng suy nghĩ “bị ung thư đồng nghĩa với chuyện cái chết gần kề” dường như đang dần thay đổi trong ý thức của nhiều người.

Tâm tình của một số người tham gia trong “Nhóm Hỗ Trợ Ung Thư” tại Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa đã và đang chiến đấu với căn bệnh ung thư từ nhiều năm qua đưa đến cho mọi người cái nhìn lạc quan và tích cực hơn trong vấn đề điều trị chứng bệnh quái ác này.

ungthu tt nhanhoaMột số nhân viên, bác sĩ và bệnh nhân của Nhóm Hỗ Trợ Ung Thư thuộc Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Mỗi tháng một lần, vào ngày Thứ Hai, họ, phần lớn là phụ nữ bị ung thư ngực, lại tập trung tại phòng họp của Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa, để tâm tình, san sẻ, kể cho nhau nghe, đặt biệt là cho những người mới đang còn trong giai đoạn chờ đợi kết quả xét nghiệm, những gì mà họ đối diện, trải qua từ ngày “khoác trên mình chiếc áo ung thư.”

Lạ một điều, ngay khi bước chân vào phòng, chỉ cần nhìn nét mặt, là người ta có thể dễ dàng đoán ra được người nào vừa mới “chạm ngõ ung thư”, và người nào đã sống cùng ung thư trong suốt quãng thời gian dài, có khi lên đến 12, 13 năm.

Nụ cười tươi tắn, yêu đời sẽ nở trên môi người “sống cùng ung thư” từ bao năm qua. Nước mắt, sự âu lo, nỗi thẫn thờ là tâm trạng ai cũng trải qua khi biết mình vừa vướng vào căn bệnh oan khiên này.


Tâm trạng người vừa mắc bệnh

Chị Đ.N, ngoài 50 tuổi, từ thành phố Mission Viejo đến tham dự buổi gặp gỡ với “Nhóm Hỗ Trợ Ung Thư” vào một ngày đầu Tháng Tư bằng đôi mắt mọng nước và vẻ hoang mang lộ đầy trên nét mặt.

Chị đang chờ kết quả xét nghiệm hai khối u lấy từ trong phổi. “Nếu là u lành thì mọi chuyện không có gì đáng lo. Nhưng nếu là u ác tính thì tức là tôi đã bị ung thư giai đoạn 4.” Chị Đ.N nói trong nước mắt điều chị được cảnh báo từ bác sĩ.

Người phụ nữ trắng trẻo, có gương mặt thật hiền và thật buồn, cho biết chị vẫn khám bệnh định kỳ đều đặn hằng năm.

Mọi chuyện đều bình thường cho đến Tháng Mười Một, 2012 trong lần đi khám ngực, “bác sĩ khám phá ra có điều gì đó khác thường.” Kết quả làm sinh thiết (biopsy) vào dịp Giáng Sinh 2012 cho biết chị Đ.N “có dấu hiệu ung thư nhưng nhẹ lắm, không lây.”

“Tôi nghĩ mình xui nhưng cũng còn may mắn là nó nhẹ và không lây nên tinh thần tôi không sợ gì hết. Bác sĩ cho mổ và khuyên cắt bỏ ngực phải đi thì tốt hơn và không cần phải làm hóa trị (chemotherapy).” Chị nhớ lại.

Ca phẫu thuật được thực hiện trước Tết Nguyên Đán, và “chỉ 11, 12 ngày sau là tôi đi làm bình thường.”

Vẫn giọng buồn hiu hắt, chị Đ.N kể tiếp “phần ngực được cắt ra bác sĩ cho đi làm sinh thiết tiếp thì lại thấy trong đó có một khối u nhỏ ác tính. Bác sĩ lại đề nghị làm 'chemo' để trừ tận gốc, và giải thích cơ bản hạch nách không bị thì không có gì nguy hiểm.”

Tuy nhiên, trước khi làm hóa trị, chị Đ.N được làm kiểm tra tổng quát một lần nữa, kể cả chụp gan, phổi.

“Lần này lại thấy trong phổi có hai cục bướu nhỏ nữa. Tôi đang chờ kết quả xét nghiệm hai cục bướu này. Nếu nó lành thì không sao, nhưng nếu là ác tính thì tức là mình đã bị ung thư giai đoạn 4. Từ hôm bác sĩ nói điều đó đến nay tôi hoàn toàn xuống tinh thần.” Giọng người phụ nữ nghẹn lại.

Mắt đỏ hoe, chị Đ.N nói, “Tôi đang chờ kết quả. Tôi cố gắng mạnh mẽ, nhưng mà từ giai đoạn 1 xuống đến giai đoạn 4 thì tuyệt vọng lắm. Lúc đầu mình cứ tự nói là phải mạnh mẽ, phải mạnh mẽ. Mặc dù tôi rất mau nước mắt nhưng tôi cứ nói không sao, không sao, phải cố gắng. Nhưng giờ thì thấy con đường đi tới sao ngày càng nhỏ lại và khó khăn quá.”

Chị L.N, người giờ đã vượt qua được căn bệnh này, còn khá trẻ, nhớ lại cảm giác lúc nghe báo tin mình bị ung thư ngực, “Tôi choáng váng vì thấy bao nhiêu người bệnh nặng đã qua đời vì chứng bệnh này thì nghĩ mình cũng như vậy thôi. Tôi phải đứng lên xin ôm bác sĩ Mai để cho mình đứng vững, cô ôm tôi, an ủi tôi.”

Bà Năng Đặng, mẹ của một bệnh nhân ung thư tên L.L.Đ cũng “những tưởng đất trời sụp đổ” khi nghe bác sĩ báo con gái mình bị mắc bệnh ung thư.

Cảm giác đó, tâm trạng đó không là của riêng ai khi hay tin mình vướng vào chứng bệnh nan y này.

Lạc quan sống cùng ung thư

“Đừng buồn, đừng sợ, hãy nhìn mọi người chung quanh nè, ráng lên em, em còn trẻ lắm, em sẽ vượt qua mà.” Những lời an ủi, những câu khích lệ của mọi người có mặt gửi đến cho chị Đ.N.

Bằng một giọng nói bình thản, chậm rãi, bà Xuân Trần, người mang trong mình căn bệnh ung thư ngực từ cuối năm 1999, và mắc thêm chứng ung thư ruột từ hai năm qua, hướng về chị Đ.N khuyên, “Đừng sợ chết! Nếu số chết tới thì mình sẽ chết thôi. Nên cứ can đảm sống vui vẻ, đừng sợ gì hết.”

ungthu casi quocanhCa sĩ Quốc Anh, một người sống lạc quan khi biết mình mắc bệnh ung thư, đang nói về kinh nghiệm chiến thắng bệnh tật của mình. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cuối năm 1999, bà Xuân được phát hiện ung thư ngực, “Tôi sợ lắm, không đi chữa, không cho ai trong nhà biết hết, ngoại trừ ông chồng.”

Theo lời bà Xuân, đầu năm 2000, nhân viên của trung tâm y tế Nhân Hòa gọi điện thoại đến khuyên bà nên đi chữa trị. “Ngày đi mổ, tôi cũng không cho đứa con nào biết hết. Đến khi mổ xong, ba tụi nó nói tụi nó vào thăm, tụi nó khóc quá trời. Bác sĩ cũng nói tôi làm vậy là không đúng.”

Bà Xuân cười hiền lành, “Rồi thì cũng vượt qua được 10 năm. Hai năm trước đi xét nghiệm tôi bị ung thư ruột. Nhưng mà đi tới đây gặp gỡ nói chuyện thường xuyên với mọi người tôi thấy mọi việc lại trở nên bình thường, không có gì khó khăn với mình.”

Bác sĩ Gina của Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa khuyên, “Phải suy nghĩ lạc quan, tinh thần rất quan trọng. Những người đang chữa trị cần nên nghe những lời chia sẻ và lời khuyên của những người đã trải qua rồi. Để cho tinh thần xuống sẽ hại mình kinh khủng. Mỗi ngày mình chọn điều gì đó có ích để làm, phải biết mỗi ngày mình phải sống, chứ sợ quá không muốn sống cứ nghĩ rằng mình sắp chết thì không nên. Ngay cả nghĩ rằng mình còn sống được 2 năm thì hai năm đó cũng phải là hai năm tốt nhất trong cuộc đời của mình.”

Có mặt trong “Nhóm Hỗ Trợ Ung Thư” của trung tâm Y Tế Nhân Hòa là ông Gerard Nguyễn, mà nhiều người trong cộng đồng Việt Nam đều biết đến ông với nghệ danh ca sĩ Quốc Anh.

Ông kể, “Tháng Ba, 2010 tôi bị ung thư ruột già. Khi biết mình mang bệnh, tôi cũng lo sợ và tinh thần suy sụp lắm.”

Tuy nhiên, như lời tâm tình của người ca sĩ này, khi ông đến tham gia sinh hoạt với “Nhóm Hỗ Trợ Ung Thư”, “nhìn những người bệnh xung quanh vui sống thì tại sao tôi lại không làm được, trong khi tôi lại là một người đàn ông, ý chí của tôi phải mạnh hơn chứ. Thế là tinh thần tôi phấn chấn hơn, vì tôi thấy, ồ, thì ra ung thư không phải là chết.”

“Sau khi được các bác sĩ thu xếp nhanh cho làm giải phẫu, tôi thấy mình cũng sinh hoạt bình thường cho đến nay.” Ca sĩ Quốc Anh nói.

Ông nêu kinh nghiệm bản thân, “Ngoài chuyện cầu nguyện, quan trọng theo tôi là phải có sự phấn chấn trong đời sống tinh thần hằng ngày thì mới có thể lướt qua bệnh tật dễ dàng, còn cứ buồn khổ hoài thì bệnh tật sẽ đè nặng mình hơn.

“Chuyện ngày mai để ngày mai lo” Ca sĩ Quốc Anh kết luận bằng nụ cười tươi tắn không chút phiền lo.

Để biết thêm chi tiết về Nhóm Hỗ Trợ Ung Thư, xin liên lạc Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa, 7761 Garden Grove Blvd, Garden Grove, CA 92841, điện thoại: 714-898-8888.