Người thuyền viên 28 tuổi, quê ở Đồng Nai này, mới đây đã cứu mạng hai người Mỹ và giúp giải cứu năm người khác sau khi chiếc tàu đánh cá anh đang làm việc, bị chìm ở nơi cách đảo Big Island ở Hawaii hàng mấy trăm dặm.


khanhhuynh 1
Anh Khánh Huỳnh, 28 tuổi, đứng trên chiếc tàu đánh cá Commander. (Hình: AP Photo/Sophia Yan)

HONOLULU, Hawaii (AP) – Anh Khánh Huỳnh đi đánh cá ngoài biển từ khi mới được 12 tuổi. Trong sáu năm qua, anh sống trên một chiếc tàu đánh cá ở Hawaii, chuyên đi đánh bắt loại cá ahi tuna, một trong những loại cá đắt tiền được ưa chuộng trên thế giới.

Người thuyền viên 28 tuổi, quê ở Đồng Nai này, mới đây đã cứu mạng hai người Mỹ và giúp giải cứu năm người khác sau khi chiếc tàu đánh cá anh đang làm việc, bị chìm ở nơi cách đảo Big Island ở Hawaii hàng mấy trăm dặm.

Nhưng anh Khánh lại không phải thuyền trưởng của chiếc tàu. Anh làm việc từ 12 đến 20 tiếng mỗi ngày, lãnh số lương chưa tới $10,000 một năm, trong công việc thuộc loại nguy hiểm nhất.

Và thật ra, việc anh Khánh hành xử như thuyền trưởng của chiếc tàu đánh cá mang cờ hiệu Mỹ này, trong vùng biển của liên bang Mỹ,  là điều bất hợp pháp, vì anh không phải là công dân Mỹ.

Tuy nhiên, người thuyền trưởng Mỹ, đáng lẽ ra phải chỉ huy chiếc tàu đánh cá mang tên Princess Hawaii, chưa bao giờ làm việc trên một chiếc tàu chuyên đánh cá ở vùng Thái Bình Dương theo cách “longline,” nghĩa là kéo theo sợi dây cáp dài nhiều cây số có lưỡi câu móc mồi.

Một quan sát viên của chính quyền liên bang Mỹ, một trong tám người trên chiếc tàu này, cho hay người thuyền viên Việt Nam kia đã chỉ huy con tàu từ lúc rời bến cho tới khi chìm.

“Tôi chưa hề thấy người thuyền trưởng Mỹ có hành động gì để chỉ huy con tàu, đưa ra lệnh lạc gì, hướng dẫn gì hay làm bất cứ chuyện gì để chiếc tàu hoạt động tốt hơn, ổn định hơn,” theo lời ông Steve Dysart, làm việc theo giao kèo cho cơ quan Quản Trị Khí Tượng và Đại Dương Quốc Gia (National Oceanic and Atmospheric Administration NOAA).

Ông Dysart cho hãng thông tấn AP hay “Tôi chỉ thấy ông ta cả ngày ở trong cabin của mình.”

Người thuyền trưởng Mỹ, Robert Nicholson, từ chối không bình luận gì. Cơ quan Tuần Duyên Mỹ cho hay họ đang điều tra.

Vụ chìm tàu này là mới nhất trong một loạt các vụ xảy ra trong giới tàu đánh cá bị tai tiếng là bóc lột, và cách hành xử bị coi là nguy hiểm đối với nhân viên ngoại quốc.

Luật lao động tiểu bang cũng như liên bang Mỹ không áp dụng cho anh Khánh hay khoảng 700 thuyền viên khác như anh ở Hawaii. Vì họ không có giấy chiếu khán làm việc ở Mỹ, họ không được lên bờ và phải sống trên tàu trong các điều kiện thường là kham khổ, có khi hàng mấy năm liền.

Các chủ tàu thường trả tiền cho giới trung gian để đưa các thuyền viên được trả lương thấp từ các quốc gia vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương đến nơi này làm việc.

khanhhuynh 2
Chiếc tàu Lihau neo đậu ở Honolulu năm 2016 trước khi được bán lại và đổi tên là Princess Hawaii, bị chìm hôm 25 Tháng Ba, 2018. (Hình: AP Photo/Caleb Jones)

Khi tàu vào bến, anh Khánh chỉ có thể đứng ở cầu tàu, sau cổng khóa kỹ càng, để nhìn về hướng bờ biển Waikiki đèn đuốc sáng rực.

Vào hôm Chủ Nhật khi chiếc tàu bị chìm ở nơi cách bờ chừng 400 dặm (khoảng 644 cây số), anh Khánh đang dọn dẹp cabin trong khi các thuyền viên khác thả dây câu dài khoảng 15 dặm (chừng 24 cây số) xuống biển.

Ông Dysart cho hay anh Khánh được thuê để làm một thuyền viên bình thường, nhưng trên thực tế mặc nhiên là thuyền trưởng của chiếc tàu. Từ lâu nay, hầu như ai cũng biết về việc chủ tàu thuê một thuyền trưởng Mỹ để đáp ứng đòi hỏi của luật lệ chính phủ, nhưng thực sự người này không làm gì.

Không có luật nào cấm nhân viên ngoại quốc điều hành con thuyền thế cho thuyền trưởng Mỹ khi người này đi ngủ hay bận rộn chuyện gì khác. Nhưng theo luật, thuyền trưởng Mỹ phải chịu trách nhiệm về con tàu.

Vào trưa Chủ Nhật, chiếc Princess Hawaii, dài khoảng 61 feet (chừng 19 thước) bắt đầu lắc dữ dội. Trên phòng lái, anh Khánh tìm cách bẻ lái giữ cho chiếc tàu không bị lật ngang, nhưng nước biển đã đập mạnh vào các cửa sổ phòng lái.

Chiếc tàu bị sóng đánh bật thẳng đứng. Anh Khánh té về phía sau, đụng vào cửa sổ. Anh chụp lấy cây búa, đập bể kiếng cửa sổ và leo ra ngoài. Lúc đó anh thấy năm người đã ở dưới biển.

Trên chiếc tàu lúc đó còn hai người Mỹ: quan sát viên NOAA và thuyền trưởng.

Ông Dysart nghe anh Khánh la lên: “Get out, get out, get out!”. Ông Dysart chụp lấy áo phao và chạy về hướng cửa duy nhất, ở phía sau đuôi tàu.

Anh Khánh chạy vào, lấy tay kéo ông Dysart ra.

Ông Dysart kể lại: “Anh ta cứu mạng hai người, kể cả mạng sống của tôi. Anh ta nắm lấy tay tôi và kéo qua cái thùng đựng lưỡi câu này.”

Để ra khỏi chiếc tàu chìm, ông Dysart và viên thuyền trưởng phải bơi dưới nước, tìm cửa ra và sau đó trồi lên trên mặt nước.

Khi họ trồi lên thì anh Khánh đã mở được chiếc xuồng cứu sinh. Anh lôi hai người Mỹ lên xuồng, và ba người sau đó cùng nhau cứu năm người kia, quốc tịch Việt Nam và Kiribati.

Ông Lộc Nguyễn, chủ tàu Princess Hawaii, trước có tên là Lihau, cho hay chiếc tàu trong điều kiện tốt khi rời bến.

Anh Khánh cho hay không có ý định bỏ việc để về lại Việt Nam.

Ở Việt Nam, anh thường chỉ được trả từ $140 đến $180 mỗi tháng. Trên chiếc tàu ở Hawaii, anh kiếm được $500 mỗi tháng, phần lớn là để gửi về cho cha mẹ ở Việt Nam.

“Tôi không sợ phải ra biển trở lại,” anh Khánh cho hay. (V.Giang)